Quảng Ninh: Phát triển đô thị theo hướng hiện đại

Wednesday, 10/05/2022 14:54
Acronyms View with font size

Bám sát các định hướng của quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đặc biệt Nghị quyết 06-NQ/TW (ngày 24/1/2022) của Bộ Chính trị, tỉnh Quảng Ninh đang gấp rút triển khai nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030, với định hướng sẽ có 7 thành phố trực thuộc tỉnh có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại bậc nhất miền Bắc.

Một góc đô thị TP Hạ Long.

Đón bắt được xu thế phát triển của đất nước, tỉnh Quảng Ninh đã sớm xây dựng Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030 với mục tiêu từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị toàn tỉnh Quảng Ninh phát triển theo mô hình chuỗi đô thị, là động lực phát triển kinh tế của miền Bắc và cả nước với hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại, phát huy vai trò hạt nhân, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, với dịch vụ công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế.

Phương án tổ chức các hoạt động KT-XH trong Chương trình phát triển đô thị được tỉnh xác định theo hướng “Một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng phát triển”. Trong đó, tâm là TP Hạ Long, trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế - văn hóa của tỉnh được phát triển theo mô hình đô thị đa cực, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, mở rộng đô thị về phía Bắc. Tuyến hành lang phía Tây tập trung phát triển đô thị từ Hạ Long đến Đông Triều, phát triển chuỗi đô thị - công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao và du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh nhằm hướng đến khu vực phát triển của Đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội. Trong đó, KKT ven biển Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của tuyến phía Tây và của tỉnh, phát triển theo mô hình “Thành phố thông minh” với các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị - cảng biển thông minh, hiện đại, trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao.

Tuyến hành lang phía Đông tập trung phát triển đô thị từ Hạ Long đến Móng Cái theo hướng phát triển chuỗi đô thị sinh thái - dịch vụ, thương mại, du lịch tổng hợp cao cấp, nông nghiệp sạch - công nghệ cao và kinh tế biển, lấy phát triển công nghiệp để dẫn dắt nông nghiệp, phát triển KKT Vân Đồn và KKT cửa khẩu Móng Cái là hai mũi đột phá.

Hạ tầng đô thị Vân Đồn ngày một được cải thiện, đáp ứng kịp thời sự phát triển của KKT Vân Đồn (huyện Vân Đồn).

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: Từ những mục tiêu được xác định, tỉnh đã phân thành 3 vùng đô thị, bao gồm vùng đô thị Hạ Long (TP Hạ Long, TX Quảng Yên, TP Uông Bí, TX Đông Triều và TP Cẩm Phả, trong đó lấy TP Hạ Long là trung tâm vùng); vùng đô thị Vân Đồn (Vân Đồn, Cô Tô, Tiên Yên, Ba Chẽ, trong đó Vân Đồn là trung tâm vùng); vùng đô thị Móng Cái (Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu, trong đó TP Móng Cái là trung tâm vùng). Định hướng phát triển đô thị của mỗi vùng này đều có những nét nổi bật riêng biệt, phát huy được những giá trị tự nhiên, truyền thống văn hóa, lợi thế kinh tế cạnh tranh.

Vùng đô thị Hạ Long phát triển kinh tế trọng tâm du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo, cảng biển, các ngành năng lượng sạch; vùng đô thị Vân Đồn phát triển kinh tế du lịch, công nghiệp sạch, công nghệ cao, logistics, nông - lâm - ngư nghiệp; vùng đô thị Móng Cái phát triển kinh tế cửa khẩu, cửa ngõ của ASEAN với các nước Đông Bắc Á.

Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt từ 70-75%, trong đó có 1 đô thị loại I (TP Hạ Long), 3 đô thị loại II (TP Móng Cái, TP Cẩm Phả, TP Uông Bí), 3 đô thị loại III (Quảng Yên, Đông Triều, Vân Đồn), 2 đô thị loại IV (thị trấn Tiên Yên mở rộng, thị trấn Quảng Hà mở rộng), 4 đô thị loại V (thị trấn Bình Liêu, thị trấn Ba Chẽ, thị trấn Đầm Hà, thị trấn Cô Tô). Giai đoạn 2026-2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 75%, với 7 thành phố, trong đó có 4 thành phố đạt đô thị loại I (TP Hạ Long, TP Uông Bí, TP Cẩm Phả, TP Móng Cái), 3 thành phố đạt đô thị loại II (TP Quảng Yên, TP Đông Triều, TP Vân Đồn), cùng với đó có 1 đô thị loại III (TX Tiên Yên), 2 đô thị loại IV (thị trấn Cô Tô, thị trấn Đầm Hà), 3 đô thị loại V (thị trấn Ba Chẽ, thị trấn Bình Liêu, đô thị mới Hoành Mô - Đồng Văn).

Một góc khu đô thị du lịch Bãi Cháy.

Để đạt được mục tiêu phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh, giải pháp được các sở, ngành, địa phương đưa ra là tiếp tục đẩy mạnh hợp tác vùng và quốc gia; xây dựng năng lực quản lý nhà nước; quy hoạch; quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; phòng, chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Cùng với đó, chuẩn bị nguồn lực thực hiện với tổng nguồn vốn đầu tư gần 803.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư ngân sách nhà nước chiếm 12,4%, còn lại là nguồn vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài.

Với sự chủ động, tích cực trong xây dựng, phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh, mục tiêu đưa tỉnh Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030 là hoàn toàn khả thi, đáp ứng lòng mong mỏi, kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh về xây dựng Quảng Ninh ngày một giàu đẹp, văn minh, là nơi đáng đến và đáng sống ở vùng Đông Bắc thân yêu của Tổ quốc.

Source: Quangninh.gov.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)