Hội nghị cấp cao và Triển lãm Kinh tế xanh 2022 sẽ diễn ra từ 28-30/11

Tuesday, 10/04/2022 15:46
Acronyms View with font size

Sau những cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050 đã được phê duyệt với các mục tiêu như giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên tổng sản phẩm nội địa (GDP), xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Họp báo giới về thiệu Hội nghị cấp cao và Triển lãm kinh tế xanh 2022. Ảnh: congthuong.vn

Thông tin này được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đưa ra tại buổi họp báo giới thiệu về Hội nghị cấp cao và Triển lãm Kinh tế xanh (GEFE) 2022 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Vietnam) sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đồng tổ chức tại THISO SkyHall, Tp. Hồ Chí Minh từ ngày 28-30/11 tới đây, nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển bền vững Việt Nam - EU thông qua các phiên đối thoại toàn diện, phối hợp đầu tư, chia sẻ kiến thức và chuyển giao công nghệ.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, kể từ khi thiết lập quan hệ đến nay kim ngạch thương mại song phương luôn đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng, thương mại hàng hóa tăng hơn 4 lần, thương mại dịch vụ tăng hơn 2 lần. Đặc biệt, EU là thị trường xuất khẩu và là nhà viện trợ ODA lớn nhất của Việt Nam cũng như là nhà đầu tư hàng đầu, có mặt trong mọi lĩnh vực kinh tế quan trọng của Việt Nam.

Về hợp tác phát triển, các nước EU đã dành cho Việt Nam nhiều khoản viện trợ ODA; trong đó, phần lớn là viện trợ không hoàn lại để thực hiện nhiều dự án quan trọng về y tế, công nghiệp, nông nghiệp, bảo vệ môi trường, cung cấp nước sạch, hỗ trợ cải cách hành chính, xóa đói giảm nghèo, văn hóa, giáo dục - đào tạo...Cùng đó, quan hệ thương mại được coi là tiền đề quan trọng thúc đẩy hợp tác chính trị và các hoạt động hợp tác giữa EU và Việt Nam trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.

EU hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba, thị trường nhập khẩu lớn thứ năm của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã vượt Singapore trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN và đứng vị trí thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, Triển lãm Kinh tế xanh sẽ giới thiệu, trưng bày các công nghệ tiên tiến, sản phẩm chất lượng cao, sáng kiến và mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn của các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam.

Bên cạnh đó các Diễn đàn và Phiên thảo luận trong khuôn khổ triển lãm sẽ là nền tảng để tăng cường hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam, góp phần thúc đẩy một nền kinh tế Việt Nam xanh, bền vững thông qua việc chia sẻ sáng kiến, ý tưởng và chuyển giao công nghệ.

Sự kiện còn có sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu đổi mới, sinh viên và các nhà hoạch định chính sách từ châu Âu, Việt Nam và khu vực Đông Nam Á tại các phiên thảo luận, triển lãm và các phiên đối thoại giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và doanh nghiệp với Chính phủ (B2C) trong chuỗi sự kiện.

Đại diện Ban tổ chức chia sẻ, phiên toàn thể sẽ diễn ra vào ngày đầu tiên của GEFE 2022, với sự tham gia của các đại diện cấp cao của Chính phủ châu Âu và Việt Nam cũng như các doanh nghiệp nhằm thảo luận về các chính sách phát triển bền vững, kế hoạch quốc gia về năng lượng, quản lý rủi ro khí hậu.

Mặt khác, đại diện của các quốc gia thành viên EU, các quan chức ngoại giao và cơ quan xúc tiến thương mại, cùng các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới được xác nhận sẽ tham dự. Ban tổ chức hiện đang tiếp tục bố trí Lãnh đạo Ủy ban châu Âu và một Thành viên Lãnh đạo Nghị viện Châu Âu (MEP) tham dự chương trình.

Cũng tại buổi họp báo, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác trong xúc tiến thương mại và đầu tư ngành công thương với EuroCham nhằm tăng cường quan hệ hợp tác phối hợp tổ chức các hoạt động như GEFE 2022 và đặc biệt tăng cường kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và EU.

Đặc biệt, trong khuôn khổ GEFE 2022, Cục Xúc tiến thương mại sẽ là đầu mối hỗ trợ và tuyển chọn các doanh nghiệp Việt Nam tham gia triển lãm và đăng ký gian hàng Việt Nam.

Bên cạnh EuroCham và Cục Xúc tiến thương mại, GEFE 2022 đang được hỗ trợ và quan tâm bởi Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, 9 hiệp hội doanh nghiệp quốc gia trực thuộc châu Âu của EuroCham, các đại sứ quán và tổ chức Chính phủ châu Âu, cũng như Chính phủ Việt Nam cùng các bộ, ngành liên quan.

Ngoài ra, EuroCham đang hợp tác với Schoolab để khởi động Phòng thí nghiệm Đổi mới Bền vững tại GEFE 2022. Theo đó, sinh viên từ các trường đại học hàng đầu ở châu Á và châu Âu sẽ hợp tác với các doanh nghiệp nhằm đề xuất các giải pháp cho các vấn đề thực tế trong kinh doanh, môi trường và xã hội. Vì sự thành công của tất cả những người tham gia, các tổ chức giáo dục, các chuyên gia kinh doanh sẽ cung cấp các dịch vụ cố vấn.

Bộ Công Thương cho biết, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam – EU tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng rất mạnh, kể cả so với thời kỳ trước dịch COVID - 19.

Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong năm thứ hai thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) từ tháng 8/2021 - 7/2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 61,4 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 45 tỷ USD, tăng 17% và nhập khẩu đạt 16,4 tỷ, tăng 0,2%.

Theo số liệu của Cơ quan thống kê châu Âu: Tính riêng 7 tháng năm 2022, EU nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam đạt giá trị 27,9 tỷ EUR, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, EU cũng đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam với kim ngạch đạt 6,9 tỷ EUR, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng lưu ý, Hiệp định EVFTA đã hỗ trợ tích cực cho hàng hóa Việt Nam và EU tiếp cận thị trường của nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung của cả hai bên.

Đặc biệt, 9 tháng năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối EU đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt và chứng kiến sự chuyển dịch tích cực, không chỉ tập trung vào các thị trường lớn, cửa ngõ EU như Đức, Hà Lan, Pháp…mà còn tiếp cận tốt các thị trường nhỏ hơn như tại Bắc Âu, Đông Âu hay Nam Âu.

Hơn nữa, những ưu đãi cắt giảm thuế quan theo EVFTA cũng góp phần đáng kể giúp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị phần tại EU; đồng thời được tiếp cận nguồn hàng hóa chất lượng cao của EU.

Về hợp tác đầu tư với cam kết mạnh mẽ bảo đảm tính minh bạch, thông thoáng, thuận lợi trong môi trường kinh doanh đầu tư, Việt Nam đã tiếp nhận được nguồn đầu tư chất lượng cao từ EU với những dự án có công nghệ tiên tiến, tạo ra những giá trị và lợi ích chung cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên.

EU hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 27,6 tỷ USD. Tính riêng 8 tháng năm 2022, tổng vốn đăng ký đầu tư của EU tại Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD, tăng 69,6% so với cùng kỳ năm ngoái với 104 dự án cấp mới.

Source: TTXVN

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)