Nâng cao tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị TP Hồ Chí Minh

Monday, 10/12/2020 14:05
Acronyms View with font size

Việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh là chủ trương lớn, đúng đắn và thể hiện sự quan tâm của Chính phủ trong việc tạo cơ chế thông thoáng, khuyến khích khả năng sáng tạo, đổi mới của thành phố.

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Mặc dù là đô thị đặc biệt, đầu tàu về kinh tế, nhưng thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của mình.

Một trong nhiều nguyên nhân là do mô hình tổ chức chính quyền địa phương chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị loại đặc biệt.

Nhận thấy rõ điều này, các cấp chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực không ngừng đổi mới trong hoạt động điều hành, quản lý bộ máy hành chính.

Đặc biệt vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 142/NQ-CP về việc trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết (gọi tắt là Dự thảo Nghị quyết) về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là chủ trương lớn, đúng đắn và thể hiện sự quan tâm của Chính phủ trong việc tạo cơ chế thông thoáng, khuyến khích khả năng sáng tạo, đổi mới của Thành phố nhằm xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh phát triển bền vững, hiện đại.

Chưa phát huy hết tiềm năng

Tại Nghị quyết số 142/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, phối hợp Bộ Tư pháp báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung dự thảo Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; cho phép xây dựng, ban hành dự thảo Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, thực hiện việc trình dự thảo Nghị quyết theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chính phủ nhấn mạnh việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh là cần thiết để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, năng lực quản lý điều hành của chính quyền địa phương, phù hợp với đặc điểm đô thị và điều kiện phát triển kinh tế xã hội của Thành phố.

Thực tiễn 6 năm không tổ chức thí điểm hội đồng nhân dân quận, huyện, phường tại Thành phố Hồ Chí Minh (từ năm 2009-2016) đã cho thấy, hiệu quả tích cực của việc thực hiện tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, khắc phục sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các ngành, cấp, tiết kiệm ngân sách, đảm bảo tính thống nhất thông suốt nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước.

Mục tiêu, quan điểm của việc tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh là phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và tính minh bạch trong quản lý của chính quyền Thành phố; huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thân cho nhân dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố gắn với đổi mới cơ chế chính sách, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, xây dựng chính quyền điện tử, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của Thành phố.

Về kết cấu tổ chức, chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh gồm có Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân Thành phố. Cấp quận, phường có Ủy ban Nhân dân quận, Ủy ban Nhân dân phường.

Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của Thành phố Hồ Chí Minh (huyện, thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, xã, thị trấn) được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Dự thảo Nghị quyết quy định điều chuyển các nhiệm vụ của Hội đồng Nhân dân quận, phường cho Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố, Ủy ban Nhân dân quận, phường để bảo đảm không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này.

Riêng đối với nhiệm vụ quyết định chủ trương đầu tư, chương trình dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công thuộc quận, phường quản lý theo quy định của Luật Đầu tư công, dự thảo Nghị quyết giao cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận (không chuyển nhiệm vụ này cho Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) để đảm bảo quy định về thời gian, tiến độ thực hiện các dự án.

Trong khi đó, về cơ cấu, tổ chức làm việc của Ủy ban Nhân dân quận, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, Dự thảo Nghị quyết quy định: Ủy ban Nhân dân quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; bổ sung nhiệm vụ của Ủy ban Nhân dân quận phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của Ủy ban Nhân dân phường trực thuộc để đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện.

Thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có các phường trực thuộc (tại các phường này sẽ thực hiện không tổ chức hội đồng nhân dân).

Dự thảo Nghị quyết điều chuyển một số chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Hội đồng Nhân dân phường cho Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.

Đối với quy định về cơ cấu, chế độ làm việc của Ủy ban Nhân dân phường, nhiệm vụ quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường, Dự thảo Nghị quyết xác định Ủy ban Nhân dân phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, làm việc theo chế độ thủ trưởng, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, cán bộ công chức làm việc ở tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội và Ủy ban Nhân dân phường tại Thành phố Hồ Chí Minh thuộc biên chế cán bộ, công chức của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội và ủy ban nhân dân cấp trên.

Gấp rút hoàn thiện đề án

Hiện nay, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đang khẩn trương xây dựng và hoàn thiện đề án chính quyền đô thị, trong đó nội dung chính là thành lập Thành phố Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập Quận 2, Quận 9, Quận Thủ Đức và sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2019-2021.

Vừa qua, cử tri tại các quận liên quan đã bỏ phiếu với sự thống nhất cao đồng ý về việc thành lập Thành phố Thủ Đức cũng như về việc sáp nhập một số phường trên địa bàn sinh sống của cử tri.

Về nội dung cụ thể, dự kiến, Thành phố Thủ Đức sẽ có diện tích 211,56 km2, dân số hơn 1 triệu người.

Trong khi đó, các đơn vị cấp phường xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 gồm Phường An Khánh, Bình Khánh, Thủ Thiêm (Quận 2); các Phường 6, 7, 8 (Quận 3); các Phường 2, 5, 12, 13 (Quận 4), các Phường 12, 15 (Quận 5); các Phường 2, 3 (Quận 10); các Phường 11, 12, 13, 14 (Quận Phú Nhuận).

Như vậy, sau khi sắp xếp các đơn vị hành cấp huyện, xã, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ còn 22 quận, huyện (gồm 16 quận, 1 thành phố và 5 huyện) với 312 phường, xã, thị trấn (trước khi sắp xếp có 322 phường, xã, thị trấn).

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2009-2016, Thành phố đã có 6 năm thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân quận, huyện, phường và trở thành địa phương có số lượng đơn vị thí điểm nhiều nhất cả nước.

Qua thí điểm cho thấy việc thực hiện quyền dân chủ của nhân dân vẫn được đảm bảo, tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách, khắc phục trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt, nâng cao hiệu lực hiệu quả bộ máy hành chính nhà nước.

Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, việc sắp xếp các đơn vị hành chính giúp Thành phố giảm gánh nặng chi thường xuyên ngân sách cho tiền lương, phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Việc thí điểm không ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân thành phố.

Đối với đề án thành lập Thành phố Thủ Đức, theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Nguyễn Thành Phong, việc sắp xếp này nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp để phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, qua đó góp phần phát huy hơn nữa nguồn lực nhà nước và xã hội để phát triển kinh tế-xã hội tại từng cấp huyện, cấp xã.

Dự kiến, sau khi thành lập, Thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp khoảng khoảng 7% GDP của cả nước và là “hạt nhân” thúc đẩy kinh tế thành phố và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, việc sắp xếp các đơn vị hành chính giúp Thành phố giảm gánh nặng chi thường xuyên ngân sách cho tiền lương, phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Sau khi sắp xếp, công tác lập kế hoạch, quy mô dài hạn, định hướng phát triển kinh tế xã hội sẽ được quy hoạch tổng thể, không gian phát triển sẽ không còn bị chia cắt, manh mún, phân tán nguồn lực.

Góp ý về đề án chính quyền đô thị, ông Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng cần bổ sung căn cứ pháp lý của đề án cũng như phân tích tách bạch sự cần thiết của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã riêng cũng như nêu rõ các hệ lụy của việc sáp nhập 3 quận (Quận 2, Quận 9 và Thủ Đức) để chủ động có giải pháp giải quyết.

Dưới góc độ chuyên gia, theo Tiến sỹ Phạm Thanh Duy, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, việc sáp nhập các đơn vị hành chính là cơ hội thí điểm xây dựng chính quyền đô thị tại Thành phố, góp phần giảm bớt cơ quan cấp phường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Tuy nhiên, cần có đề xuất khung pháp lý cho hoạt động của mô hình thành phố trong thành phố, tạo sự đột phá trong xây dựng chính quyền đô thị.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó trưởng Ban Đô thị-Hội đồng Nhân dân Thành phố, khi thành lập Thành phố Thủ Đức cần tận dụng hạ tầng kỹ thuật hiện có của 3 quận hiện hữu (Quận 2, Quận 9 và Thủ Đức) đồng thời tạo cơ chế thu hút nguồn vốn đầu tư xây dựng Thành phố Thủ Đức.

Đối với việc sáp nhập các đơn vị hành chính huyện, xã, cần ứng dụng công nghệ, nâng cao hiệu suất lao động trong công tác quản lý hành chính, thực hiện các giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến đời sống người dân cũng như cơ cấu phù hợp tỷ lệ cán bộ với cơ cấu dân cư trên địa bàn, tránh quá tải khi giải quyết công việc, đáp ứng cao nhất nhu cầu cuộc sống của người dân.

Để thực hiện đề án chính quyền đô thị hiệu quả, bài bản ngay từ đầu, giảm thiểu xáo trộn đời sống người dân, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết việc chuyển đổi giấy tờ sẽ được thực hiện ngay khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sẽ đảm bảo công khai trên cổng thông tin điện tử, trụ sở ủy ban nhân dân cấp huyện, xã, thông báo đến tổ dân phố; không thu các loại phí, lệ phí khi chuyển đổi các loại giấy tờ do thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính cũng tạo thuận lợi trong việc chuyển đổi giấy tờ thủ tục cho nhân dân và doanh nghiệp đóng trên địa bàn./.

Source: TTXVN

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)