Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020

Monday, 10/12/2020 13:57
Acronyms View with font size

Để tiếp tục thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2020, trong đó tăng trưởng kinh tế đạt từ 2 - 3%, tạo tiền đề thuận lợi cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, nhiệm vụ trong những tháng cuối năm 2020 là rất nặng nề, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Ảnh minh họa

Đó là nội dung trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020.

Nghị quyết nêu rõ: Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, nhất là các thành phố lớn, địa bàn tập trung đông dân cư, đặc biệt là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không được chủ quan, lơ là, kiểm soát chặt chẽ các nguồn lây nhiễm, người nhập cảnh và những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao như: bệnh viện, phòng khám tư nhân, trường học, cơ sở lưu trú người nhập cảnh, không để dịch COVID-19 bùng phát trở lại trong cộng đồng.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn chi tiết, cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ vận dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp, bảo đảm an toàn sức khỏe nhân dân, nhà ngoại giao, nhà quản lý, chuyên gia, lao động tay nghề cao làm việc tại Việt Nam. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 chỉ đạo các địa phương xử lý ngay những vấn đề gây bức xúc dư luận liên quan đến chi phí cách ly tập trung và cách ly tại khách sạn, bảo đảm mức chi trả phù hợp, công khai và tạo thuận lợi cho người cách ly, kịp thời xử lý hiệu quả những vấn đề phát sinh.

Đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, tăng cường tự lực, tự cường, có khát vọng vươn lên mạnh mẽ, tận dụng tốt cơ hội kiểm soát được dịch bệnh để phục hồi và phát triển mạnh các hoạt động kinh tế, xã hội, tạo bước tiến mới trong phát triển đất nước. Từng bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực nội tại của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương phù hợp với tình hình đất nước trong trạng thái bình thường mới. Xác định mục tiêu tăng trưởng đối với từng ngành, từng lĩnh vực trong quý IV năm 2020 gắn với giải pháp cụ thể. Xây dựng mô hình chuỗi giá trị gia tăng đối với từng sản phẩm ưu tiên, có lợi thế của từng ngành, từng lĩnh vực.

Tiếp tục ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa nhằm nâng cao năng lực sản xuất. Thu hút mạnh mẽ hơn nữa đầu tư xã hội, bao gồm cả đầu tư tư nhân trong nước và FDI. Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số phải được coi là ưu tiên quốc gia, tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý cho quản lý và phát triển các mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tăng cường thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.

Tiếp tục hỗ trợ khách hàng vay vốn gặp khó khăn do đại dịch COVID-19

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng cho người dân và doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh; đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát tình hình giá cả, điều hành chủ động giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, góp phần bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%. Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp quản lý thu trong các tháng cuối năm 2020, phấn đấu đạt cao nhất chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước; đồng thời triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi cho hội họp, công tác, mua sắm trang thiết bị đắt tiền để dành nguồn lực cho phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội và đầu tư phát triển trong điều kiện khó khăn. Tăng cường phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng liên quan trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương thường xuyên theo dõi, rà soát, tích cực tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; chủ động báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ tổ chức kiểm tra các bộ, ngành, địa phương chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất các chính sách hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 năm 2020.

Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại các ngành công nghiệp, dịch vụ, nhất là công nghiệp hỗ trợ theo Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ, khôi phục chuỗi cung ứng. Phối hợp, hướng dẫn các bộ, ngành triển khai hiệu quả chương trình hành động thực hiện Hiệp định EVFTA. Các bộ, ngành khẩn trương có văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa để hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả lợi thế của Hiệp định EVFTA...

Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu nông sản cả năm đạt 41 tỷ USD

Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo khai thác tốt nhất các thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường EU, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu nông sản cả năm đạt 41 tỷ USD. Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, diễn biến thiên tai, chủ động chỉ đạo sản xuất nông nghiệp đạt mục tiêu đề ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai. Thúc đẩy sản xuất, đặc biệt là sản xuất lúa, tái đàn lợn, khai thác và nuôi trồng thủy sản, trồng rừng, khai thác gỗ; tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường, trong đó có việc tập trung tháo gỡ khó khăn đối với nuôi cá tra.

Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh công tác triển khai xây dựng các dự án, công trình giao thông, trong đó: phấn đấu cuối năm 2020 đưa vào khai thác, vận hành giai đoạn 1 đối với 02 Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất; khởi công tối thiểu 01 gói thầu dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đôn đốc, chỉ đạo để thông xe kỹ thuật tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; khánh thành tuyến đường cao tốc Rạch Sỏi - Vàm Cống. Phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) phấn đấu đầu năm 2021 khởi công một số hạng mục của Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Phối hợp với Bộ Công an tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ để bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đẩy mạnh triển khai thu phí tự động không dừng.  

Bộ Xây dựng chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy mạnh mẽ thị trường bất động sản phát triển, trong đó tiếp tục rà soát, hoàn thiện pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, an toàn, bền vững.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý phát triển vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy các tập đoàn, tổng công ty tái cấu trúc, đổi mới cách thức quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, thực hiện tốt các nhiệm vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra.

Nghiên cứu xây dựng chương trình kích cầu du lịch nội địa

Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo đảm an toàn; nghiên cứu xây dựng chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề du lịch Việt Nam an toàn và hấp dẫn để phục hồi du lịch những tháng cuối năm.

Bộ Lao  động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đồng thời đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng cao góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia, nhất là trong thời kỳ chuyển đổi số.

Các địa phương phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan rà soát, xử lý dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài, không để tình trạng khiếu kiện đông người, gây mất an ninh trật tự, nhất là trong thời gian diễn ra kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. 

Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức tốt Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị, diễn đàn cấp cao liên quan. Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác bảo hộ công dân ở nước ngoài, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19.

Bộ Quốc phòng nắm chắc tình hình, dự báo kịp thời, chính xác các tình huống, nhất là vấn đề biển Đông để có phương án ứng phó phù hợp, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc. Thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng gắn với nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19. 

Bộ Công an theo dõi sát tình hình, chủ động phương án, kế hoạch đấu tranh với các thế lực thù địch, trấn áp các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tội phạm ma túy, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Bảo vệ tuyệt đối an toàn Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 13 và kỳ họp thứ 10 Quốc hội XIV.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo cơ quan thông tấn, báo chí tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông về những kết quả tích cực đạt được trong việc thực hiện ‟mục tiêu kép” và các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Xử lý nghiêm các trường hợp thông tin không đúng sự thật; kịp thời phản bác lại các thông tin, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Cùng các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 17/NQ-CP.

Không để xảy ra tình trạng công dân khiếu kiện vượt cấp

Về công tác chuẩn bị kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ đề cao trách nhiệm cá nhân, khẩn trương chuẩn bị đầy đủ, chất lượng báo cáo, tài liệu theo phân công; chủ động nắm bắt đầy đủ những vấn đề trọng tâm, nổi cộm dư luận nhân dân và cử tri quan tâm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, cơ quan mình; kịp thời trao đổi, giải trình, cung cấp hồ sơ, tài liệu cho các đại biểu Quốc hội và cơ quan báo chí. Trả lời đầy đủ chất vấn của đại biểu Quốc hội, kiến nghị của cử tri theo đúng yêu cầu. Bố trí kế hoạch công tác, đảm bảo tham dự đầy đủ các phiên giải trình, thảo luận tại Hội trường theo chương trình.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, thực hiện nghiêm túc quy định về tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, không để xảy ra tình trạng công dân khiếu kiện vượt cấp, tập trung khiếu kiện đông người gây mất an ninh, trật tự, nhất là trong thời gian diễn ra kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV. Đối với các địa phương có công dân khiếu nại, tố cáo đông người, kéo dài tại Hà Nội cần chủ động phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan chức năng của Trung ương tổ chức tiếp công dân, tuyên truyền, vận động, có biện pháp để công dân trở về địa phương giải quyết.

Hỗ trợ một số địa phương khó khăn khắc phục hậu quả hạn hán

Về vướng mắc trong thực hiện hỗ trợ kinh phí cho các địa phương phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, Chính phủ thống nhất hỗ trợ một phần từ ngân sách trung ương cho ngân sách một số địa phương khó khăn để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, gồm: tiền điện, dầu bơm nước vượt định mức; nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương; đắp đập tạm ngăn mặn, trữ nước ngọt; lắp đặt trạm bơm dã chiến; kéo dài đường ống cấp nước sạch; hỗ trợ các thiết bị trữ nước, lọc nước mặn thành nước ngọt, chở nước sinh hoạt cho người dân, bệnh viện, trường học tại vùng khó khăn về nguồn nước ngọt. 

Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng Quyết định quy định về phạm vi, đối tượng, nội dung chi và cơ chế hỗ trợ cụ thể từ ngân sách trung ương cho địa phương để phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách và nhiệm vụ cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn thực tế tại từng khu vực; trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 năm 2020.

Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 96/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi để đề xuất bổ sung nội dung trên vào Nghị định, trình Chính phủ trong năm 2020.

Chính phủ thống nhất đề nghị của Bộ Tài chính về việc báo cáo Quốc hội cho phép coi các khoản đóng góp, ủng hộ trong các hoạt động chống dịch COVID-19 là khoản chi phí hợp lý được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội nội dung này.

Cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định bất cập

Về công tác cải cách hành chính, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan chỉ đạo bộ, cơ quan mình tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định bất cập, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong quá trình thực hiện, tổ chức tham vấn sâu rộng các chuyên gia, đối tượng chịu tác động, huy động sự tham gia phản biện của các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp; hoàn thành thống kê, cập nhật dữ liệu và tính chi phí tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý trên hệ thống phần mềm được Văn phòng Chính phủ triển khai theo Nghị quyết số 68/NQ-CP trước ngày 31/10/2020. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện, định kỳ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để kịp thời chỉ đạo.

Về xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra của năm 2020 nêu tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ; khẩn trương cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, ít nhất đạt mục tiêu 30% trong năm 2020; hoàn thành xây dựng Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh trong tháng 10 năm 2020 và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; triển khai biện pháp giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng tập trung và kết nối với Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia trong năm 2020; khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Thông báo số 339/TB-VPCP ngày 22/9/2020 của Văn phòng Chính phủ về các vấn đề liên quan đến Chính phủ điện tử, kết nối, cung cấp thông tin, dữ liệu.

Các bộ, ngành, địa phương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, cơ quan liên quan đẩy nhanh thực hiện khai báo, kiểm thử việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tích hợp, cung cấp tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 thuộc thẩm quyền giải quyết lên Cổng dịch vụ công quốc gia trước ngày 30/11/2020.

Với sự quyết tâm, nỗ lực, đồng lòng của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm cao, sự cố gắng lớn của các lực lượng y tế, quân đội, công an và các địa phương, chúng ta đã kiểm soát tốt đợt xuất hiện dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng lần thứ hai tại một số địa phương, tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế, xã hội của nước ta dần phục hồi, góp phần thực hiện thắng lợi ‟mục tiêu kép”.
 
Tốc độ tăng GDP 9 tháng đạt 2,12%, trong đó quý III đạt 2,62%, được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá đứng thứ hai khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và đứng đầu ASEAN trong khi nhiều nước và các đối tác quan trọng của ta đều tăng trưởng âm. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tiếp tục xu hướng giảm dần, 9 tháng chỉ tăng 3,85%. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt; mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm, góp phần hỗ trợ cho nền kinh tế.

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)