Nghiệm thu kết quả các nhiệm vụ Khoa học công nghệ do Trường Đại học Xây dựng thực hiện

Wednesday, 08/19/2020 13:50
Acronyms View with font size

Ngày 18/8/2020, Bộ Xây dựng đã họp Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả hai nhiệm vụ Khoa học công nghệ do Trường Đại học Xây dựng thực hiện. Đó là các đề tài: “Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí định lượng xác định các điểm ngập úng đường phố và đánh giá ảnh hưởng của ngập úng đến giao thông đô thị”; “Nghiên cứu xây dựng hướng dẫn quy hoạch, thiết kế và cải tạo nút giao thông cùng mức đô thị Việt Nam”. PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) làm Chủ tịch Hội đồng.

Toàn cảnh họp Hội đồng nghiệm thu

Tại Hội đồng, Ths. Ứng Thị Thúy Hà cho biết,  xuất phát từ thực trạng vấn đề ngập úng tại các đô thị ở Việt Nam, việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí định lượng xác định các điểm ngập úng đường phố và đánh giá ảnh hưởng của ngập úng đến giao thông đô thị” là cần thiết nhằm tạo cơ sở khoa học trong thực tiễn quản lý, khi mà hiện nay vẫn chưa có sự thống nhất trong cách hiểu và định lượng các chỉ tiêu đánh giá điểm ngập úng tại các tuyến đường đô thị.

Đánh giá kết quả thực hiện đề tài, các thành viên Hội đồng cho rằng, báo cáo đề tài được trình bày với cấu trúc khoa học; tổng quan được thực trạng, nhu cầu thực tiễn về việc phải định lượng chỉ tiêu về ngập úng ảnh hưởng đến giao thông đô thị; nghiên cứu phân tích đưa ra được bộ tiêu chí định lượng xác định các điểm ngập úng đường phố và đánh giá ảnh hưởng của ngập úng đến giao thông đô thị. Kết quả đề tài có giá trị tham khảo rất tốt cho các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Tuy nhiên, báo cáo nghiên cứu chưa có phần khái quát, đánh giá về hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến việc tính toán thoát nước nói chung và cho giao thông đô thị nói riêng để có thêm cơ sở khoa học cho việc đánh giá, nghiên cứu; nên có thêm điều tra về các điểm ngập trong quá khứ, nhất là đối với các thời điểm ngập cao, có tính ảnh hưởng lớn, nhằm có thêm thông tin để đánh giá mức độ ảnh hưởng; số liệu thực trạng đôi chỗ đã quá lạc hậu. Phần kết luận và kiến nghị chưa nêu ra được hướng ứng dụng của nghiên cứu vào công tác quản lý, ví dụ như ứng dụng việc phân loại điểm ngập vào việc gì của hệ thống quản lý hiện nay;  Dự thảo sổ tay hướng dẫn bộ tiêu chí đánh giá định lượng các điểm úng ngập trên đường phố chưa làm rõ được mục tiêu của việc đánh giá (để dùng vào việc gì), hướng dẫn cụ thể về phương pháp đánh giá, cách thức đánh giá…

Hội đồng cũng đã nghe PGS. TS Vũ Hoài Nam chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu xây dựng hướng dẫn quy hoạch, thiết kế và cải tạo nút giao thông cùng mức đô thị Việt Nam” báo cáo tóm tắt kết quả. Báo cáo đã khái quát được thực trạng và các vấn đề bất cập của hệ thống nút giao thông cùng mức tại các đô thị ở Việt Nam; Hệ thống hóa hệ thống nút giao cùng mức ở Việt Nam và một số nước trên thế giới; Nghiên cứu và đề xuất được phương pháp, trình tự, các số liệu cần thiết, cách thức tính toán… đối với công tác quy hoạch, thiết kế nút giao thông cùng mức; đề xuất phương pháp quy hoạch, thiết kế cho hầu hết các loại hình nút giao thông cùng mức phổ biến;

Với đề tài này, các chuyên gia của Hội đồng đánh giá, báo cáo tổng hợp của đề tài có nội dung rất phong phú, truyền tải nhiều thông tin, khái quát và đề xuất hầu hết các loại hình nút giao thông cùng mức hiện nay ở Việt Nam và các nước khác trên thế giới. Mặc dù vậy, yếu tố đặc thù trong thực trạng giải pháp truyền thống về quy hoạch, thiết kế nút giao cùng mức đô thị Việt Nam chưa được phân tích sâu, do vậy phần nào đã giảm đi giá trị của nghiên cứu, đồng thời đây cũng là yếu tố còn hạn chế của nghiên cứu so với yêu cầu của nhiệm vụ đặt ra. Sổ tay hướng dẫn có nội dung phong phú, là một tài liệu tham khảo rất tốt cho công tác quy hoạch, thiết kế nút giao thông cùng mức tại các đô thị ở nước ta. Kết quả đề tài có giá trị tham khảo rất tốt cho các tổ chức, cá nhân và cả cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quy hoạch, thiết kế nút giao thông cùng mức tại các đô thị ở nước ta hiện nay. Bên cạnh đó, nội dung báo cáo chưa nêu rõ được thực trạng giải pháp truyền thống trong quy hoạch, thiết kế nút giao thông cùng mức, để qua đó phân tích ưu, nhược điểm làm cơ sở đề xuất giải pháp khắc phục, hoàn thiện đối với công tác quy hoạch, thiết kế hiện nay ở nước ta; Các giải pháp mới về quy hoạch, thiết kế nút giao thông cùng mức được đề xuất trong báo cáo và trong sổ tay hướng dẫn chưa thực sự tách bạch cho trường hợp thiết kế mới và trường hợp thiết kế cải tạo…

Phát biểu kết luận tại Hội đồng, PGS. TS Nguyễn Hồng Tiến nhận xét, về cơ bản, cả hai đề tài đã được thực hiện và trình bày nghiêm túc, có tính khoa học, nội dung của nghiên cứu là rất phong phú, các đề xuất đều có giá trị trong ứng dụng thực tiễn. Hai đề tài đã cơ bản đáp ứng các mục tiêu và yêu cầu đặt ra.

Hội đồng đã bỏ phiếu nhất trí thông qua hai đề tài nói trên, với kết quả đạt loại Khá.

Ninh Hoàng Hạnh

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)