Đô thị ven đô

Monday, 07/20/2020 15:33
Acronyms View with font size

Bài viết đề cập đến các vấn đề về Thành phố cực lớn với nhiều thách thức; Vùng ven đô và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa phát triển đô thị và nông thôn; Mô hình Làng đô thị xanh; Nêu ra các thách thức và gợi ý một số giải pháp cho việc phát triển vùng ven đô TP.HCM như: “một hợp nhất nông thôn – đô thị”, “đô thị hóa nông thôn ngoại thành” gắn với “xây dựng nông thôn mới” từng bước hình thành các làng đô thị; Tăng cường quản lý vùng giáp ranh và quy hoạch các làng đô thị hóa ven đô để tránh tình trạng phát triển tự phát.

Thành phố cực lớn với nhiều thách thức

Ngày nay các vùng đô thị trải rộng là hiện tượng trên toàn thế giới, mặc dù có tốc độ quy mô khác nhau. Chủ đề trong số báo Time có đề cập đến 21 “siêu thành phố” của thế kỷ XXI với dân số vượt 10 triệu người, 18 trong số này là thuộc các nước đang phát triển.

Bản thân quy mô cũng làm thay đổi nội dung của vấn đề đô thị. Các vùng đô thị có 10 triệu dân trở lên có cấu trúc khác với các thành phố có vài triệu dân. Kích thước tự thân làm nảy sinh tính phức tạp, nó cũng thu hút sự chú ý đến những vấn đề thật sự ở tầm vùng đô thị như giao thông, nước và quản lý rác, không gian mở của vùng và ô nhiễm không khí, khác biệt hẳn với những vấn đề ở cấp thành phố hoặc khu dân cư.

Trật tự quốc tế mới đem đến cho các thành phố một loạt các thách thức khi tìm cách giải quyết các cải tiến về cơ cấu cần thiết, nếu muốn đạt được các cải tiến song song về năng suất và chất lượng cuộc sống đô thị. Các thách thức chính là các “căn bệnh đô thị” do “khủng hoảng đô thị” từ “bùng nổ dân số” gây ra.

TP.HCM với khoảng 10 triệu dân là thành phố cực lớn/siêu thành phố, do vậy thành phố sẽ phải đối diện với nhiều thách thức – bất ổn, với “các căn bệnh đô thị” như đã nêu trên. Để khắc phục các thách thức bất ổn này phải là cơ sở để phát triển thành phố bền vững, để hài hòa giữa cạnh tranh kinh tế và sống tốt. Tuy nhiên đối với thành phố cực lớn thì giải pháp quy hoạch hàng đầu phải là “mô hình phát triển không gian phân tán” hoặc “hình thái đô thị phân tán” để cải thiện môi trường sinh học, biến đổi khí hậu và môi trường giao thông của thành phố.

Do vậy, thành phố cần có “kế hoạch” để thực hiện “chiến lược phát triển đô thị” theo quy hoạch phát triển không gian đô thị “đa cực”, “đa trung tâm” để “tích tụ dân cư” hợp lý, trong đó “ưu tiên” các trung tâm đô thị khu vực còn lại như: khu đô thị cao Q.9, Khu đô thị Tân Tạo - Tân Kiên Bình Chánh và “đột phá” phát triển khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm bờ Đông với 4 cầu và một hầm kết nối với bờ Tây sông Sài Gòn, từ đó hình thành “cụm trung tâm thống nhất lớn hơn” nhằm giải quyết căn bản các bất ổn và thách thức của một “thành phố cực lớn” hướng đến mục tiêu thành phố trở thành thành phố quốc tế, là một “trung tâm hàng đầu của khu vực Đông Nam Á”. Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị đưa ra phương hướng là TP.HCM sẽ trở thành một trung tâm lớn ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên do chưa có chiến lược phát triển đô thị nên cho tới nay thành phố vẫn chưa thực hiện được các quy hoạch hình thái đô thị đa trung tâm đã được Chính phủ phê duyệt, nên chưa có cơ sở để giải quyết được các thách thức.

Có nhiều cách định nghĩa về thành phố cực lớn, tuy nhiên phổ biến nhất trên thế giới hiện nay vẫn là dựa vào dân số, theo đó thành phố cực lớn phải có 10 triệu dân trở lên. Thành phố trên 10 triệu dân có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế song nó cũng có nguy cơ làm suy giảm chất lượng cuộc sống mà chúng ta cần thấy trước để khắc phục.

Quy hoạch điều chỉnh TP.HCM dự báo đến năm 2025, TP.HCM có trên 10 triệu dân, có thể nói thành phố cũng sẽ đứng vào danh sách các thành phố cực lớn ở khu vực châu Á. Do vậy, cần sớm dự báo các thách thức về đô thị sẽ gặp phải, đề ra các giải pháp để giải quyết nhất là về quy hoạch và kế hoạch thực hiện.

Các thách thức của thành phố cực lớn có thể bao gồm: (i) Tính cạnh tranh; (ii) Dân số tăng nhanh; (iii) Giảm nghèo đô thị; (iv) Ô nhiễm môi trường; (v) Biến đổi khí hậu; (vi) Ùn tắc giao thông; (vii) Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa phát triển đô thị và nông thôn; (viii) Chính sách quản trị đô thị.

Trong khi đó thành phố cực lớn luôn có sức ép rất lớn phát triển đô thị ra vùng ven đô và dễ trở thành “đại đô thị” (dân số có thể trên 18 triệu người) với nhiều thách thức nan giải. Trong nghiên cứu về các khu định cư của con người, một đại đô thị là một khu vực thành phố hay thị trấn được mở rộng, bao gồm khu đô thị của một nơi được gọi là trung tâm (nơi trung tâm này thường là một khu tự quản) và bất cứ những khu vực ngoại ô nào được nối liền nhau qua khu đô thị liên tục này. Tại Pháp, Viện Thống kê Pháp INSEE dịch từ này thành “Unité urbaine” có nghĩa là khu đô thị nối tiếp nhau.

Từ những năm 60, khi mà bùng nổ đô thị đã cho thấy các hệ lụy gọi chung là các “căn bệnh đô thị”, nhất là “bệnh đầu tư đô thị” thì các nước nhận ra rằng cần nghiên cứu phát triển chất lượng đô thị hơn là quy mô và số lượng đô thị.

Để hạn chế các siêu đô thị ngày càng phát triển “lan tỏa” và “phình to” ra vùng ven đô, cần giải quyết tốt “Sự phụ thuộc giữa phát triển đô thị và nông thôn ở vùng ven đô”.

Vùng ven đô và sự  phụ thuộc lẫn nhau giữa phát triển đô thị và nông thôn

Theo Terry McGee, vùng ven là một khái niệm, là vùng có sự tương tác giữa nông thôn và thành thị. Tuy nhiên, để có được một định nghĩa chính xác hơn về vùng ven, phải dựa vào tính đặc thù của từng vùng đại đô thị. Theo định nghĩa này, vùng ven không cố định về mặt địa lý. Trong các vùng đại đô thị, khu trung tâm đô thị cứ lấn sang và mở rộng thông qua tái phân định ranh giới hành chính, như trường hợp của HN và TP.HCM. Còn vùng ngoại vi (ngoại thành) thì cứ tiếp tục mở rộng ra ngoài cùng với các hoạt động xâm chiếm vùng nông thôn. Như vậy, mặc dù vùng ven của các vùng đô thị đều bị tác động giống nhau bởi những lực kinh tế - xã hội, nhưng thường giữa các vùng đô thị vẫn có những khác biệt sâu sắc do mức phát triển kinh tế, kinh tế - chính trị và văn hóa của từng quốc gia, từng khu vực trở nên khác nhau.

Cho đến nay sự phát triển đô thị và nông thôn ngoại thành vẫn tách rời nhau dẫn đến việc giải quyết vấn đề của lĩnh vực này sẽ gây thiệt hại cho lĩnh vực kia. Hai khu vực cuối cùng nên nhìn nhận vai trò hỗ trợ và bổ sung cho nhau nhiều hơn về kinh tế, môi trường, việc phối hợp quản lý sẽ càng trở nên quan trọng hơn, đặc biệt khi các mâu thuẫn vượt qua hệ thống luật pháp và cách quản lý không thích hợp. Tại ranh giới đô thị vùng ven đô không chỉ là điểm nóng của sự phát triển hỗn loạn mà còn là nơi tiềm ẩn những mâu thuẫn quyền lợi. Việc đầu cơ phổ biến như tranh chấp đất đai vẫn xảy ra hàng ngày.

Ranh giới giữa đô thị và nông thôn sẽ mất dần cùng với quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên các ranh giới cần được tái lập sẽ cho phép thành phố quản lý các khu vực đô thị hóa nhanh chóng ở ven đô và tạo nên sự năng động về kinh tế mà trước đây nền kinh tế nông nghiệp không thể phục vụ được. Nhờ việc cải thiện hệ thống giao thông, một số lớn cư dân nông thôn vào thành phố hàng ngày để làm việc. Do vậy đã hình thành “một hợp nhất nông thôn – đô thị toàn diện”, đó là một tổng thể nông thôn đô thị theo kiểu “đô thị - làng quê” hay còn gọi là “làng đô thị”.

Có thể nói theo kinh nghiệm của Trung Quốc:

(1) “Nhất thể hóa thành thị nông thôn” không phải là chuyển biến nông thôn không những cung cấp lương thực, thực phẩm cho dân cư thành thị, cung cấp các nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp, mà hơn nữa nông thôn còn cung cấp không gian xanh, mở rộng không gian cũng như cải thiện môi trường cho đô thị.

(2) “Nhất thể hóa thành thị nông thôn” cũng không phải bằng cách rút ngắn chênh lệch giữa thành thị và nông thôn hay bằng cách “nông thôn hóa thành thị”. Phương hướng để nhất thể hóa thành thị và nông thôn nên là một “tiến hóa song hướng” tức là thành thị và nông thôn phải thu hút lẫn nhau về những cái tiên tiến và lành mạnh, đồng thời phải loại bỏ những cái lạc hậu và tệ nạn…

(3) Để thực hiện nhất thể hóa thành thị và nông thôn cần lưu ý các vấn đề sau: “Không có hiện đại hóa nông nghiệp, đô thị hóa nông thôn thì không có hiện đại hóa của nhà nước”, “Nếu nông thôn không được phồn vinh và ổn định, nhà nước cũng không phồn vinh và ổn định”; “Nếu nông dân không thể thực hiện cuộc sống khá giả một cách toàn diện thì dân toàn quốc cũng sẽ không thể thực hiện xã hội khá giả”.

Mô hình Làng đô thị xanh

Mô hình “Làng đô thị xanh” là hình mẫu cho các “khu đô thị mới ven đô” và các “làng ven đô có khả năng đô thị hóa”.

Làng đô thị - một đơn vị/hình thái định theo khái niệm mới chính thức ra đời ở Anh những năm 80 của thế kỷ XX với sự thành lập các nhóm làng đô thị (Urban Village Group, viết tắt UGV). Làng đô thị được xem là sự lựa chọn cho các mô hình phát triển đô thị lưỡng tính hiện nay tại nhiều thành phố, đặc biệt trong bối cảnh hiện đại hóa và bùng phát đô thị đang diễn ra mạnh mẽ. Mục đích của Làng đô thị là nhằm kiểm soát sự phát triển có hiệu quả hơn. Với nguyên tắc tìm cách kết hợp tất cả các hoạt động và làm cho chúng có thể tiếp cận được trong một trung tâm hỗn hợp có dịch vụ giao thông công cộng phục vụ tốt, thân thiện với môi trường.

Theo các nhà phê bình đô thị thì “Làng đô thị” không phải là một khái niệm mới, chỉ đơn giản là một sự cấu trúc lại ý tưởng trong việc quy hoạch đô thị nhằm mục đích giữ gìn môi trường thiên nhiên của làng quê trong sự bành trướng đô thị đang diễn ra quá mạnh như nhiều thập kỷ qua.

Theo nhà tương lai học người Mỹ Alvin Toffler: Trong kỷ nguyên thông tin, những nước nghèo nặng về nông nghiệp thuộc thế giới thứ ba có thể sử dụng lợi thế của người đi sai bằng con đường tắt xây dựng mô hình “sinh thái – công nghệ thấp” tiến thẳng vào “văn minh hậu - công nghiệp” mà không phải kinh qua giai đoạn phát triển “công nghiệp cổ điển”.

Những điều đó có nhiều điểm tương đồng với các phác họa về xu thế phát triển kiến trúc – đô thị thế giới thế kỷ XXI. Ngày nay các chuyên gia đô thị Mỹ đang nói nhiều về sự phát triển của các “làng đô thị” hoặc những “chùm đô thị” trong một “ngân hà đô thị trung tâm”. Việc sản xuất như vậy sẽ “phân tán” theo mô hình thích hợp từng địa phương. Nếu kỷ nguyên công nghiệp sinh ra các thành phố thì kỷ nguyên thông tin có thể “phi tập trung chúng”. Thí điểm “làng đô thị xanh” là quyết định mang tính chiến lược dài hạn cần thiết để thực hiện cân bằng nhu cầu phát triển đô thị và nông thôn. Đồng thời để bảo vệ địa cầu trước sự biến đổi ngày càng khắc nghiệt của khí hậu, các xu hướng phát triển đô thị gắn liền với các khái niệm: Sinh thái, Xanh, Thích ứng BĐKH… hướng đến phát triển bền vững ra đời. “Làng đô thị xanh” là sự kết hợp giữa “làng - đô thị” và “đô thị xanh” (thích ứng BĐKH).

“Làng - đô thị” sẽ cung cấp việc làm cho các hộ nông thôn. Nó đóng vai trò vào việc tiếp tục cải tạo hệ thống hạ tầng và công nghệ ở vùng nông thôn ngoại thành. Nó tác động tốt tới tình trạng sức khỏe và văn hóa. Nó giúp giảm thiểu sự phân hóa xã hội đi kèm với việc di dân ra thành phố. Nếu được quản lý tốt nó sẽ giúp cho việc bảo vệ môi trường cho cả thành phố và nông thôn ngoại thành bằng việc các thành phố làm tốt sẽ là các thành phố phát triển được mối quan hệ để thỏa mãn được cả nhu cầu của thành phố và khu vực ngoại thành.

Ở nước ta, tại Quyết định số 1256/QĐ-TTg ngày 03/9/2015 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt có một nội dung quan trọng có tính đột phá là tỉnh Lâm Đồng được thí điểm xây dựng “Làng đô thị xanh” tại thành phố Đà Lạt.

Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng vừa chỉ đạo các đơn vị chủ trì bổ sung, hoàn thiện đồ án quy hoạch phân khu xây dựng mô hình Làng đô thị xanh tại xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt. Đây là Đề án thí điểm xây dựng mô hình Làng đô thị xanh đầu tiên của cả nước, được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt từ năm 2018.

Theo Quyết định số 1431/QĐ-UBND ngày 23/11/2018 của UBND tỉnh Lâm Đồng, Đề án thí điểm xây dựng mô hình Làng đô thị xanh tại xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt có quy mô dự kiến đến năm 2030 là 1.500-2.500 nhân khẩu; nhân dân tham gia thực hiện và vận hành đề án theo quy ước, hương ước; chính quyền và hệ thống chính trị của xã quản lý Làng theo quy định của pháp luật.

Đô thị ven đô ở TP.HCM

Về mặt hành chính địa giới thì vùng ven không chỉ được định nghĩa bao gồm các khu vực quận/huyện bao quanh nội thành thành phố. Vùng ven được xem là các nơi quận mới nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa khu vực trung tâm và ngoại thành.

Theo Viện Quy hoạch xây dựng TP.HCM, quận ven khác với quận nội thị hoặc huyện ngoại thành do có đặc điểm gần như bán thôn, bán thị, với diện tích đất nông nghiệp vẫn còn khá nhiều, chiếm tỷ trọng bình quân từ 10-30% trên tổng diện tích đất tự nhiên. Chính vì quỹ đất còn nhiều để chuyển đổi từ đất nông thôn sang đất đô thị nên trong quá trình phát triển và mở rộng nội thị của thành phố, khu vực vùng ven có thể xem như một vùng “đệm”, qua quá trình phát triển sẽ cùng hòa nhập vào khu vực nội thành (đô thị) hiện hữu. Vùng ven là vùng vành đai chuyển tiếp giữa một đô thị lớn và nông thôn xung quanh, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa nông thôn, nên không hẳn là nông thôn mà cũng chưa phải là đô thị thực sự. Dù có nhiều định nghĩa theo nhiều góc độ khác nhau nhưng các nhà nghiên cứu đều có chung một quan điểm vùng ven là vùng đệm, vùng chuyển tiếp đang đô thị hóa từ vùng nông thôn sang vùng đô thị là vùng giáp ranh với đô thị. Như vậy, vùng ven là vùng đang bị đô thị hóa tác động, hình thành nên quận mới từ huyện và đang ngày càng thay đổi do tác động của đô thị hóa. Ở đó, diện tích đất nông nghiệp càng ngày càng bị thu hẹp. Những quận mới thành lập từ huyện được hiểu chung là vùng ven vì bản thân huyện còn lại cũng bị tác động của đô thị hóa như trường hợp của Thủ Đức, Q.2, Q.9, Q.7, huyện Nhà Bè (1997) và quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, Quận 12 và huyện Hóc Môn (2003). Như vậy, ta có thể xác định rằng vùng ven TP.HCM là quận Thủ Đức, quận 2, quận 9, quận 7, quận 8, quận 12, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn. Đó là xu hướng phát triển lan tỏa ra vùng ven đô hiện nay.

Tuy nhiên, giữ gìn vùng nông thôn, đất nông nghiệp và không gian xanh là chiến lược quan trọng. Vùng nông thôn cũng quan trọng không kém phần khu vực đô thị. Trong quá trình “chuyển đổi nông thôn - đô thị” lĩnh vực BĐS phát triển nhanh và gia tăng cho tương xứng với toàn bộ nền kinh tế thành phố. Ngành sản xuất phụ thuộc vào nông nghiệp truyền thống sẽ trở nên chuyên sâu và được công nghiệp hóa thông qua kỹ thuật mới. Những xí nghiệp nông thôn sẽ phát triển thành những xí nghiệp công nghệ cao đô thị hóa, giảm đi mức độ ô nhiễm nông nghiệp. Xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng những nhu cầu phát triển cùng vùng ngoại vi. Động lực để phát triển “một hợp nhất nông thôn - đô thị” là đô thị hóa nông thôn song hành với đô thị hóa thành phố, để phát triển những thị trấn thị tứ. Theo kinh nghiệm một số nước, không thể chờ CNH - HĐH mới thúc đẩy “đô thị hóa nông thôn” mà phải tiến hành đồng thời với “xây dựng nông thôn mới”, đô thị hóa phải trở thành khâu them chốt phát triển nông thôn. Trong quá trình đô thị hóa, CHN - HĐH là một quá trình làm biến đổi thành phần cơ cấu lao động nông thôn và cơ cấu sử dụng đất.

Do vậy, “đô thị hóa nông thôn ngoại thành” TP.HCM không thể chờ mà phải gắn với “xây dựng nông thôn mới” để giải quyết 3 vấn đề đang hạn chế nông nghiệp phát triển là: bảo hộ nông nghiệp, HĐH nông nghiệp và thương phẩm hóa nông nghiệp. Quá trình đô thị hóa nông thôn sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn của đô thị xét về quy mô dân số, cơ cấu lao động và cơ sở hạ tầng. Các thị trấn, thị tứ công nghiệp – dịch vụ sẽ làm điểm tựa để phát triển khu dân cư nông thôn, giữ vai trò thúc đẩy đô thị hóa nông thôn và quy hoạch các “khu phố nhỏ”. Từng bước hình thành các “làng đô thị xanh” ở ven đô TP.HCM.

Đối với mô hình định cư “Làng đô thị xanh” quy hoạch phát triển dựa trên cơ sở tôn tạo, chỉnh trang các thị tứ, thị trấn làng xóm (có cơ sở vật chất tương đối phát triển/gần với đô thị)…, cần giữ nguyên cấu trúc không gian định cư để chỉnh trang (điều chỉnh bổ sung) các khu chức năng, hệ thống giao thông cho phù hợp.

Các tiêu chí để quy hoạch phát triển làng đô thị xanh bao gồm: (1) Địa điểm quy hoạch xây dựng đảm bảo bền vững (vùng ven đô/địa điểm mới hoặc nâng cấp phát triển một địa điểm đã có sẵn); (2) Sử dụng tài nguyên, năng lượng và công nghệ xanh; (3) Chất lượng môi trường kiến trúc, môi trường sống với cấu trúc không gian làng, nhưng tiện nghi chất lượng sống không thua kém thậm chí có tiêu chí còn hơn hẳn chất lượng sống khu vực đô thị. Độ che phủ cây xanh đạt 70% trở lên; (4) Ít tác động đến môi trường tự nhiên và nhân văn; (5) Giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa gắn với du lịch dịch vụ…

Theo kinh nghiệm của người Anh, Làng đô thị là một phân khu đô thị được đóng xung quanh một nút giao thông, có mật độ cao hoặc quanh một điểm có sự buôn bán tấp nập, một điểm trộn lẫn giữa các mục đích sử dụng đất, bao gồm bán lẻ, thương mại, làm việc, sinh sống và giải trí, các không gian công cộng hấp dẫn và được sử dụng tốt, một môi trường đô thị dành cho người đi bộ an toàn và thuận tiện có các nhân tố nâng cao niềm tự hào, tính địa phương và bản sắc cộng đồng.

Làng đô thị cũng là cách hiểu cho việc quy hoạch và thiết kế đô thị/thiết kế đơn vị định cư. Nó được đề cập đến với các nét đặc thù: (1) Mật độ phát triển ở mức trung bình; (2) Phát triển hài hòa giữa các vùng chức năng (hình thành một không gian sống có tính bền vững); (3) Một môi trường thân thiện; (4) Phát triển kinh tế chung của khu vực.

Trong quá trình đô thị hóa nông thôn cần coi trọng công năng tỏa sáng của thành phố trung tâm đối với nông thôn ngoại thành như phát huy tác dụng của trung tâm trao đổi và lưu thông thông tin, tiền vốn và nhân tài, phổ biến văn minh đô thị, kết hợp với chênh lệch địa tô đất đai thành thị - nông thôn.

Tuy nhiên thành phố cần tăng cường quản lý vùng giáp ranh và quy hoạch các làng đô thị hóa ven đô để tránh tình trạng phát triển tự phát như tại các huyện Bình Chánh và Hóc Môn “phân lô hộ lẻ” tràn lan ở ngoại thành và vùng ven (tới 4.000 trường hợp). Do vậy việc xác định ranh giới tăng trưởng đô thị và vị trí các làng đô thị hóa ven đô là để có cơ sở tăng cường quản lý tăng trưởng đô thị.

Source: Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, Số 103+104/2020

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)