Sự khác biệt giữa mô hình phát triển vùng ven đô ở Mỹ và Châu Âu

Monday, 07/20/2020 15:31
Acronyms View with font size

Đô thị hóa khu vực ven đô là hiện tượng phổ biến của quá trình mở rộng đô thị. Khu vực ven đô là vùng có chức năng đa dạng và cũng là động lực phát triển kinh tế quốc gia, nên chúng thường được quan tâm trong chiến lược phát triển đô thị toàn quốc. Các nước phát triển như Mỹ, châu Âu (Anh, Pháp), châu Á (Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan) đã và đang trải qua thời kỳ đô thị hóa vùng ven đô. Mỗi quốc gia có cách ứng xử khác nhau, phụ thuộc vào văn hóa, trình độ phát triển và điều kiện kinh tế - xã hội. Bài viết đề cập đến sự khác biệt giữa mô hình phát triển vùng ven đô ở Mỹ và châu Âu, từ đó rút ra bài học đối với Việt Nam.

1. Phát triển tự do ở vùng ven - vành đai đô thị ngoại ô nước Mỹ

Ở nước Mỹ, mở rộng đô thị đến vùng ven đô thành phố lớn không có giới hạn mà theo nhu cầu sử dụng. Vùng ven đô đã trở thành vùng đại đô thị rộng lớn có đặc trưng khác biệt, ở đó “ô tô” là biểu tượng văn hóa đô thị, còn cư dân trung lưu được thỏa mãn sở hữu những dinh thự rộng lớn và tiện nghi. Từ một thành phố thuộc địa có chức năng hỗn hợp vào cuối thế kỷ 19 và trở thành thành phố chuyên ngành quy mô lớn hơn vào đầu thế kỷ 20. Đây là thời kỳ đô thị hóa lần thứ nhất với không gian đô thị được phân tầng xã hội của khu phố nghèo khó với khu phố dành cho giới thượng lưu. Thời kỳ đô thị hóa lần hai vào khoảng thập niên 70 của thế kỷ 20, thành phố tiếp tục mở rộng nhanh chóng và phân cực, đô thị hóa vùng ven diễn ra nhanh và xuất hiện khu nhà ổ chuột, nhà ở xã hội và khu nhà tạm. Cuối thế kỷ 20, vùng ngoại ô tiếp tục mở rộng không giới hạn hình thành thành phố ngoại vi dưới dạng đô thị phòng ngủ với rất nhiều khu nhà ở dành cho nhà giàu đô thị.

Thành phố ngoại vi trở thành một dạng hình thái đô thị mới tại các thành phố lớn ở nước Mỹ. Trong đó, năm đặc trưng cơ bản của thành phố ngoại vi được các học giả đúc kết, đó là: (i) thành phố trong đó quy mô diện tích không gian văn phòng chiếm trên 5 triệu m2 và là nơi tập trung của nhiều tập đoàn, công ty đầu não; (ii) thành phố có quy mô không gian thương mại bán lẻ trên 600 ngàn m2; (iii) số lao động tại địa phương cao hơn số lượng dân thường trú (tính theo ngày), quy mô đất ở; (iv) trang bị đủ những dịch vụ giải trí, tiêu dùng của một thành phố; (v) ba mươi năm trước đây khu vực này hoàn toàn không phải là thành phố.

Có thể thấy ở Mỹ không kiểm soát phát triển đô thị vùng ven đô, từ đó hình thành các đại đô thị rộng lớn là các thành phố ngoại vi rộng gấp hàng trăm lần so với trung tâm đô thị lõi. Mạng lưới ô cờ Jefferson trên toàn nước Mỹ khiến cho mọi khu vực có tính kết nối và giá trị gần như nhau. Vì thế, toàn bộ khu vực xung quanh lõi đô thị về cơ bản có cơ hội tương đương nên sẽ dẫn tới phát triển dàn đều trên mặt bằng. Đặc điểm của vùng ven đô là đơn năng, mỗi khu vực đảm nhiệm một chức năng đô thị nào đó mà diện tích không cho phép làm ở trung tâm. Chức năng của vùng ven này bao gồm nhà máy công nghiệp, các khu vui chơi giải trí rộng lớn, các khu thương mại dịch vụ tập trung và chủ yếu là đô thị phòng ngủ, đặc biệt cho tầng lớp trung lưu. Trong khi đó, ở khu vực lõi đô thị có mật độ cao, đa dạng công năng bao gồm dịch vụ, văn hóa, thương mại, văn phòng, ở…Về thành phần xã hội, khu trung tâm có đủ mọi thành phần nhưng thường tập trung nhiều người nghèo và một số thành phần cực giàu. Vì thế, có tình trạng phân biệt giàu nghèo lớn trong không gian ngay gần nhau.

Đến nay, người Mỹ đang phải đối mặt với sự suy thoái về nhiều mặt, đặc biệt là vấn đề môi trường, xã hội, do việc phát triển tràn lan ra ngoại ô này. Mumford, Jane Jacobs là những học giả lớn về đô thị học đã làm rõ nhất sự bất cập của cách phát triển tràn lan này ở Mỹ và mở ra trào lưu đô thị học hậu hiện đại nửa sau thế kỷ 20 với nỗ lực tập trung đô thị lại, hạn chế phát triển tràn lan, cố gắng tạo sự sống động ở khu vực lõi. James E. Vance Jr (1960) đề xướng mô hình đô thị tự chủ (Urban Realms Model) cho vùng ven đô phòng ngủ có xu thế suy thoái và được áp dụng thành công ở vịnh San Francisco. Đây là dạng đô thị hình thành một cách độc lập và liên kết với nhau để tạo thành mạng lưới đô thị lớn. Chúng không phải là đô thị vệ tinh mà tham gia vào việc hình thành nên không gian đô thị lớn. Mô hình đô thị tự lập không phụ thuộc vào các CBD hay trung tâm đô thị lịch sử, là cấu phần trong đô thị hiện đại và được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, được liên kết với nhau tạo thành đô thị lớn và vận hành thuận lợi. Đô thị này phục thuộc vào ô tô, có thể lớn đến quy mô cần thiết cho mục tiêu phát triển thành phố lớn.

Mô hình đô thị tự lập gồm một trung tâm thương mại, nó tạo nên trung tâm thành phố và có thể kết nối với các đô thị xung quanh để tạo nên một sự chuyển tiếp mềm cho mỗi đô thị. Nó cũng bao gồm là một đô thị trung tâm, một đô thị mới, có thể là đô thị rìa đã trở nên hấp dẫn không kém đô thị trung tâm; hay là một đô thị nhoại ô… mang đến cho cư dân những chất lượng sống mà trung tâm thành phố không thể làm được. Tuy nhiên về thực tế, hệ thống xa lộ và mạng ô cờ của Mỹ cũng như giấc mơ Mỹ về sự tự do, biểu tượng bởi xe hơi biệt thự, là những thực tế rất khó xoay chuyển.

2. Kiểm soát phát triển vùng ven đô – vành đai xanh nước Anh hay nông nghiệp đô thị ở Pháp

Trái với Mỹ, các đô thị châu Âu trong giai đoạn tăng trưởng và mở rộng đô thị, Nhà nước tìm nhiều biện pháp hạn chế sự phát triển tràn lan của đô thị, kiểm soát cả không gian xây dựng và không xây dựng. Nhiều thành phố châu Âu đã ban hành chính sách chống lại sự phát triển tự phát, manh mún và nhảy cóc của các dự án đô thị ở vùng ven đô. Ở Anh, Chính phủ đã kiểm soát phát triển tự phát không giới hạn ở vùng ven đô, từ đó chính sách “vành đai xanh” ra đời. Vành đai xanh là ranh giới ngăn sự phát triển của đô thị, cung cấp những tiện ích dịch vụ cho đô thị, bảo vệ cảnh quan vùng nông thôn. Vành đai xanh xuất hiên ở 14 thành phố lớn nước Anh và nhận được sự ủng hộ chính trị rộng rãi. Vành đai xanh là công cụ giúp nhà nước Anh lập kế hoạch sử dụng đất duy trì cảnh quan nông thôn xung quanh thành phố, ngăn chặn xây dựng các khu đô thị đến các vùng nhạy cảm về môi trường. Vành đai xanh nước Anh (chiếm 13% diện tích cả nước) đã được duy trì trong khoảng 80 năm, là một trong các mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển không gian lãnh thổ quốc gia.

Việc triển khai vành đai xanh ở nhiều quốc gia được coi là mọt trong những nỗ lực quốc tế nổi bật vào đầu thế kỷ 20 nhằm kiểm soát sự phát triển đô thị. Tuy nhiên, ở Nhật, Hàn Quốc, Pháp, Đức và nhiều quốc gia không thực sự thành công khi áp dụng vành đai xanh ở mọi thành phố. Mặc dù nhiều nghiên cứu chỉ ra vành đai xanh đô thị mang lại nhiều lợi ích hơn là nhược điểm.

Ở xung quanh Thủ đô Paris, vành đai xanh là một trong những chính sách quan trọng trong quy hoạch tổng thể phát triển vùng đô thị. Để kiểm soát phát triển mở rộng đô thị tự phát, người Pháp thấy cần thiết phải bảo tồn những khu đất rừng và khu đất trống rộng lớn, coi chúng là tiềm năng của phát triển bền vững. Công cụ bảo tồn đa dạng hệ sinh thái tự nhiên đã được áp dụng trên khu rừng. Còn ở các khu đất trống, các chính trị gia địa phương tìm ra biện pháp cho nông dân tham gia các dự án “nông nghiệp – đô thị” có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Tại vùng Ile-de-Frace, tác động của quá trình toàn cầu hóa đã làm cho sản xuất nông nghiệp ở vùng ven đô bị ảnh hưởng bởi các nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng, KCN, khu đô thị. Tình trạng đầu tư không liên tục, thường bị gián đoạn bởi nhiều áp lực từ các nhà phát triển đất đai bất động sản. Một số cư dân thành thị đã hành động để khắc phục những nguy hại gây suy thoái nông nghiệp ven đô. Họ tự hình thành các tổ chức liên kết xã hội, cố gắng khôi phục những thứ còn sót lại trong vùng ven đô, tìm cách giảm khoảng cách về quan hệ giữa người tiêu dùng với người sản xuất. Ngoài ra, họ càng ngày nhận thức được rằng không gian canh tác nông nghiệp ven đô có thể trở thành nơi giao lưu văn hóa đô thị - nông thôn, tìm hiểu nông nghiệp sạch… Không gian nông nghiệp đô thị “Farmland” là một cấu thành thiết yếu tạo nên môi trường sống có chất lượng hơn đối với các nhà chính trị gia địa phương đã khởi xướng nhiều sáng kiến nhằm phục hồi và đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp ven đô ở các cấp khác nhau. Các sáng kiến này nhằm tăng cường tính bền vững của nông nghiệp ven đô và sự tham gia của cộng đồng vào việc quản lý đất đai.

Xu hướng phát triển nông nghiệp đô thị hiện được nhiều quốc gia áp dụng, mang lại hiệu quả về cảnh quan môi trường, về xã hội và kinh tế vùng ven đô trong thời kỳ quá độ từ nông thôn lên đô thị.

3. Bài học với Việt Nam

Bài học với các đô thị lớn Việt Nam:

- Vùng ven đô không chú trọng phát triển các dạng đô thị đơn chức năng (dạng đô thị phòng ngủ) ở quy mô lớn, bởi nó tạo nên những không gian đơn điệu và làm cho đô thị mất đi năng lực thích ứng với các biến đổi của bối cảnh về kinh tế - xã hội - môi trường.

- Phát triển nhà ở chỉ dành cho người trung lưu trong diện tích rộng lớn gấp nhiều lần đô thị lõi trung tâm sẽ tạo nên sự phân tầng xã hội, từ đó gây nên các mâu thuẫn trong các tầng lớp định cư, khó khăn trong quản lý đô thị bền vững.

- Áp dụng mô hình vành đai xanh kiểm soát phát triển tràn lan không phải thành phố nào, quốc gia nào cũng có những điều kiện để thực hiện. Theo TS. Phó Đức Tùng, để vành đai xanh có thể phát huy tác dụng, cần có một số điều kiện sau: Thứ nhất là có một đường giao thông cao tốc loại vành đai để gom toàn bộ giao thông trước khi vào đô thị. Đường cao tốc là hình thức đơn giản nhất để ngăn chia không gian vì các lối tiếp cận lên cao tốc có thể khống chế và hai bên cao tốc cơ bản không có giá trị phát triển nếu không có đường tiếp cận. Thứ hai là khu vực ngoài vành đai cao tốc vốn phải là một vùng xanh rộng lớn chưa phát triển, chứ không phải là vùng đông dân cư. Thứ ba là có những đường cao tốc hoặc giao thông nhanh đa phương tiện từ vành đai tới thẳng các khu đông dân cư ngoài vành đai để kết nối những cư dân có nhu cầu trực tiếp vào khu trung tâm, khi đó sẽ tạo ra mô hình chùm đô thị chứ không phát triển dàn đều trên mạng rộng. Phát triển định hướng sử dụng giao thông công cộng là một trong những giải pháp thực hiện cấu trúc đa tâm này.

Thực tiễn, nhiều đô thị như Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa đã không vận dụng thành công mô hình này.

- Mô hình nông nghiệp đô thị được nhiều quốc gia, mang lại hiệu quả về cảnh quan môi trường, về xã hội và kinh tế vùng ven đô trong thời kỳ quá độ từ nông thôn lên thành thị.

Source: Tạp chí Quy hoạch Xây dựng, Số 103+104/2020

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)