Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội.
Nói về những giải pháp xây dựng, kiện toàn thể chế nhằm tạo động lực, phát huy giá trị của Đề cương về Văn hóa Việt Nam 1943 theo hướng bền vững, trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao (VHTT) Hà Nội cho biết Đề cương là cơ sở lý luận căn bản cho cán bộ hoạt động văn hóa - tư tưởng, đồng thời là văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về hoạt động văn hoá, văn nghệ, phân tích đúng đắn tình hình đời sống văn hoá dưới ách đô hộ của Pháp - Nhật, vạch ra đường lối văn hoá cách mạng và những nhiệm vụ trước mắt, tiến tới xây dựng nền văn hoá dân tộc, nhân dân.
Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức để đi đầu cả nước trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam
Theo ông Đỗ Đình Hồng, Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Trong lịch sử, Thủ đô Hà Nội luôn là trung tâm văn hóa của đất nước.
Năm 2020, Thủ đô Hà Nội tròn 1010 tuổi, được thế giới biết đến là "Thủ đô Anh hùng", "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người", "Thành phố vì Hoà bình", "Thành phố Sáng tạo", nơi diễn ra nhiều sự kiện quốc tế quan trọng... Phát huy truyền thống nghìn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị và sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc trọng trách xây dựng, phát huy sức mạnh văn hóa quốc gia trong tiến trình hội nhập, phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Trong 80 năm thực hiện Đề cương Văn hóa, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã liên tục đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, đi đầu cả nước trong việc cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo của Trung ương về phát triển văn hóa, xây dựng con người.
Để cụ thể hóa các quan điểm mới về phát triển văn hóa, con người Việt Nam được đặt ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị và phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2025 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bám sát tình hình thực tiễn, thành phố Hà Nội tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp vừa đảm bảo tính trước mắt, vừa có tính căn cơ, lâu dài trên tinh thần đổi mới sáng tạo, có tính đột phá.
Theo đó, điều kiện tiên quyết là phải nâng cao nhận thức về văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người Việt Nam, trước hết là của cán bộ, đảng viên, các tổ chức Đảng, tổ chức Nhà nước của Thành phố, bởi lẽ nhân tố lãnh đạo, quản lý là nhân tố quyết định thắng lợi.
Bên cạnh đó, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người là sự nghiệp lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ, nhất quán phương châm "xây" đi đôi với "chống", lấy "xây" làm chính, lấy con người vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là mục tiêu và trung tâm trong chính sách phát triển bền vững Thủ đô. Trong quá trình phát triển phải biết phát huy sức mạnh nội sinh của Thủ đô, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại nhằm tiếp thu tinh hoa nhân loại, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế trong sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Hà Nội.
Đồng thời, cần rà soát, bổ sung điều chỉnh phù hợp Quy hoạch chiến lược phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phải gắn với mục tiêu hiện thực hóa xây dựng "Thành phố sáng tạo" và phát triển Thủ đô với tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khai thông nguồn lực cho văn hóa phát triển
Ưu tiên và tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, xây dựng và phát triển những giá trị văn hóa mới, đảm bảo phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, "Thành phố vì hòa bình", "Thành phố sáng tạo"; phát triển hài hòa giữa văn hóa và kinh tế.
Tập trung xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển văn hóa, chú trọng ngành công nghiệp văn hóa, thiết kế sáng tạo. Chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người làm công tác văn hóa từ Thành phố tới cơ sở.
Có cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút, khai thác, sử dụng hiệu quả tối đa nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa Thủ đô.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp để khai thông mọi nguồn lực phục vụ phát triển văn hóa.
Tăng cường xây dựng văn hóa trong chính trị, coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các quy định của Đảng về nêu gương và Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII). Chú trọng xây dựng văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý, làm cho văn hóa đạo đức, lối sống lành mạnh thể hiện trước hết và thật sáng tỏ trong mọi tổ chức Đảng, Nhà nước, đoàn thể, trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Thành phố
Bên cạnh đó, cần tiếp tục kiên trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện cả về phẩm chất, đạo đức, trí tuệ, năng lực, thể lực và trình độ thẩm mỹ; phát triển nhân cách; hướng tới xây dựng chuẩn mực đáp ứng yêu cầu trở thành công dân toàn cầu trong thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay.
Đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại 4.0 trong phát triển văn hóa, giáo dục, du lịch, nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, xuất bản, thông tin, truyền thông, mạng xã hội.