Báo cáo các thành viên Hội đồng thẩm định tại Hội nghị về nội dung của Đồ án, đại diện tư vấn - Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia cho biết, Đồ án quy hoạch quản lý chất thải rắn (CTR) vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2030 đã được đơn vị tư vấn lập theo Quyết định số 525/QĐ-BXD ngày 14/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt nhiệm vụ đồ án “Quy hoạch quản lý CTR vùng KTTĐ Bắc Bộ” và các pháp luật có liên quan đến công tác lập quy hoạch và quản lý CTR. Phạm vi nghiên cứu của đồ án gồm 7 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 15.591km2, dân số trên 15 triệu người. Mục tiêu của việc lập quy hoạch này nhằm điều chỉnh quy hoạch các khu xử lý CTR cấp vùng liên tỉnh thuộc vùng KTTĐ Bắc Bộ, đảm bảo xử lý triệt để, tái chế, tái sử dụng chất thải, hạn chế chôn lấp, nâng cao hiệu quả công tác xử lý CTR, đặc biệt là CTR nguy hại (đối với các khu xử lý CTR cấp vùng tỉnh, đồ án chỉ rà soát, đánh giá trên cơ sở các quy hoạch quản lý CTR do các tỉnh, thành phố lập); Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi về mặt cơ chế cho việc đầu tư các khu xử lý CTR cấp vùng tỉnh có đủ năng lực xử lý CTR thông thường, CTR nguy hại theo cơ chế thị trường trong phạm vi vùng KTTĐ Bắc Bộ; Xã hội hóa công tác quản lý CTR; Phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh chất thải tại nguồn, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải; Làm cơ sở cho việc rà soát, điều chỉnh và lập các đồ án quy hoạch quản lý CTR, quy hoạch cơ sở quản lý CTR, các dự án đầu tư xây dựng thuộc lĩnh vực thu gom và xử lý CTR trong phạm vi vùng.
Theo báo cáo của tư vấn, trong quá trình lập đồ án, tư vấn đã tiến hành khảo sát, thu thập số liệu về thực trạng công tác quản lý CTR trên địa bàn nghiên cứu; rà soát, đánh giá việc triển khai và các kết quả thực hiện Quy hoạch xây dựng khu xử lý CTR 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung và phía Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1440/QĐ-TTg ngày 6/10/2008 (Quy hoạch 1440), cũng như rà soát, đánh giá các dự án đã và đang thực hiện tại các tỉnh, thành phố trong vùng, đánh giá tổng quan về các công nghệ xử lý CTR đang áp dụng. Việc đánh giá thực trạng công tác quản lý CTR được tiến hành đối với từng loại đối tượng CTR: sinh hoạt, công nghiệp, y tế, xây dựng, bùn thải, làng nghề, nông nghiệp, đồng thời dự báo lượng rác thải phát sinh đến năm 2030.
Trên cơ sở đó, tư vấn đã lập quy hoạch quản lý CTR vùng KTTĐ Bắc Bộ đến năm 2030 với các nội dung về định hướng lựa chọn công nghệ xử lý CTR, phương thức thu gom, - phân loại, vận chuyển – xử lý CTR, dự báo nhu cầu quỹ đất xây dựng khu liên hợp xử lý CTR các tỉnh thuộc vùng, phân vùng thu gom, vận chuyển và xử lý CTR, quy hoạch 01 khu liên hợp xử lý CTR cấp vùng liên tỉnh và 06 khu cơ sở xử lý CTR cấp vùng tỉnh, lộ trình thực hiện quy hoạch và các dự án ưu tiên đầu tư…
Đánh giá về đồ án, các chuyên gia phản biện của Hội đồng cho rằng, công tác quản lý CTR hiện nay là rất khó khăn đối với hầu hết các vùng, các tỉnh, thành phố và đã đến lúc không thể quản lý CTR theo từng địa phương mà tiến tới quản lý CTR liên tỉnh, liên đô thị. Việc triển khai lập quy hoạch quản lý CTR vùng KTTĐ Bắc Bộ đến năm 2030 là hết sức cần thiết, nhằm điều chỉnh quy hoạch quản lý CTR của 7 tỉnh, tăng cường thu gom, tái chế và xử lý CTR theo chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo các chuyên gia phản biện, đồ án đã được nghiên cứu công phu, số liệu điều tra khảo sát phong phú, bám sát yêu cầu của nhiệm vụ đề ra và tiếp thu, cập nhật các ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành và địa phương liên quan.
Bên cạnh những kết quả đạt được của đồ án, các chuyên gia phản biện và các thành viên Hội đồng thẩm định đã trao đổi và đóng góp thêm một số ý kiến đề nghị tư vấn làm rõ, và bổ sung để đồ án được hoàn thiện hơn, đặc biệt là việc lồng ghép các yếu tố biến đổi khí hậu, định hướng về lựa chọn công nghệ, cơ sở khoa học cho các dự báo và đề xuất quy định quản lý CTR vùng liên tỉnh…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nguyễn Hồng Tiến cho biết, quản lý CTR là vấn đề khó khăn, nan giải đối với từng địa phương, từng vùng tỉnh và liên tỉnh. Trong thực tế triển khai Quy hoạch 1440 trong 8 năm qua đã cho thấy có rất nhiều khó khăn, trong khi đó, điều kiện kinh tế - xã hội đã thay đổi, nhiều quy hoạch mới có liên quan đã được phê duyệt là các lý do cho việc lập quy hoạch này.
Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nguyễn Hồng Tiến đề nghị đơn vị tư vấn tổng hợp, rà soát và tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, đồng thời lưu ý đơn vị tư vấn cần rà soát lại các bản đồ, sơ đồ, địa danh, số liệu để hoàn thiện báo cáo thuyết minh đồ án, trình Bộ Xây dựng để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Minh Tuấn