Một năm kinh tế Việt Nam hội nhập thành công

Thứ ba, 26/12/2017 13:37
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Năm 2017, với sự chỉ đạo sáng tạo và quyết liệt của Chính phủ, kinh tế Việt Nam chuyển biến rõ nét, hội nhập thành công kinh tế thế giới. Dư luận quốc tế đánh giá cao thành tựu đó của Việt Nam.

Ảnh minh họa

Cải cách thực chất, môi trường kinh doanh thăng hạng

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 "Cải cách để tạo việc làm (Doing Business)" do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Việt Nam năm 2018 xếp hạng 68/190 nền kinh tế được đánh giá, tăng 14 bậc so với đánh giá trong năm 2017 (82/190 nền kinh tế).

Báo cáo nhận định, Việt Nam và Indonesia là 2 nước thực hiện nhiều cải cách nhất trong 15 năm qua, trong đó mỗi nước cùng có 39 cải cách. "Hiện nay, doanh nhân tại TPHCM chỉ mất 22 ngày và 6,5% thu nhập đầu người để đăng ký thành lập doanh nghiệp mới, so với 61 ngày và 31,9% thu nhập trong năm 2003", WB cho hay.

Môi trường kinh doanh của Việt Nam được quốc tế đánh giá cao vì có nhiều cải thiện từ chính sách của Chính phủ, trong đó có 8/10 chỉ số của Việt Nam tăng điểm.

WB đánh giá bảng xếp hạng của Việt Nam năm 2018 là ở vị trí thứ 68, với đánh giá này WB khẳng định môi trường kinh doanh, thuận lợi hóa kinh doanh của Việt Nam năm 2018 cải thiện rất nhiều so với vị trí thứ 82 trong năm 2017. So sánh tương quan vị thế của Việt Nam trong các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương và ASEAN, Việt Nam đã vượt khá nhiều nước trong khu vực.

Từ Trung Đông, tờ The National của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã gợi mở vấn đề khi viết về cơ hội đầu tư kinh doanh đến từ Việt Nam: “Giờ đây Việt Nam đã trở thành một nhân tố trung tâm của nhiều hiệp định thương mại tự do, nổi bật có thể kể đến như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Được thừa hưởng nhiều lợi thế của các hiệp định thương mại đầu tư khu vực, Việt Nam đang thành công trong việc thu hút nhiều công ty tới làm ăn, với mong muốn tham gia vào quá trình tự do hóa thương mại và đầu tư”.

Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á 2017 được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố vào những ngày cuối năm 2017 cũng nhận định, triển vọng tăng trưởng Việt Nam được điều chỉnh tăng lên 6,7% cho cả 2 năm 2017 và 2018, so với các mức dự báo tương ứng đã công bố trước đây là 6,3% và 6,5%.

WB cũng đã công bố dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến tăng 6,7% trong năm nay. Nhìn về trung hạn, tăng trưởng được dự báo sẽ ổn định ở mức khoảng 6,5%, lạm phát dự kiến vẫn ở mức thấp.

Thị trường chứng khoán trong top đầu thế giới

Điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2017 là sự tăng trưởng ổn định và bền vững của thị trường chứng khoán. Sau thành công của APEC năm 2017 và những cam kết của Chính phủ trong việc tháo gỡ những rào cản đầu tư, dòng vốn ngoại đang trở lại mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán và trở thành một trụ cột quan trọng hỗ trợ thị trường.

Liên tiếp trong những tháng cuối năm, các định chế tài chính quốc tế đều đưa ra nhận định tích cực về thị trường chứng khoán Việt Nam, đưa Việt Nam vào top đầu các thị trường chứng khoán tăng trưởng cao nhất châu Á và thế giới.

Hãng tin tài chính Bloomberg của Mỹ đăng tải bài viết của tác giả Andy Mukherjee, trong đó đã đưa ra đánh giá tích cực về tình hình kinh tế Việt Nam với dự báo trong năm 2017, Việt Nam sẽ vượt Philippines về sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán.

Bài báo nhận định hệ thống ngân hàng đã giảm bớt nợ xấu, cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước đang diễn ra mạnh mẽ, sự tham gia vào chuỗi sản xuất điện thoại thông minh trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu đang tốt hơn là những yếu tố đang giúp cho kinh tế Việt Nam khởi sắc mà dấu hiệu là thị trường chứng khoán Việt Nam có tăng trưởng đột biến.

Tác giả bài viết đưa ra chỉ dẫn cụ thể rằng chỉ mới 4 năm trước, thị trường chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh có khối lượng giao dịch trị giá 50 triệu USD/ngày trong khi thị trường chứng khoán ở Manila có quy mô gấp 5 lần. Đến năm 2017, Việt Nam được dự đoán sẽ vượt qua Philippines.

Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ cũng ước tính hiện nay có 12 mã chứng khoán trên thị trường Việt Nam có giá trị giao dịch 3 triệu USD/ngày, trong khi vào năm 2015, chỉ có 2 mã.

Còn Báo cáo Tài sản toàn cầu (Global Wealth Report) do Credit Suisse công bố cho thấy, giá trị vốn hoá thị trường Việt Nam dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2017 với tỷ lệ 61%. Tổng giá trị vốn hoá thị trường cổ phiếu Việt Nam tính đến cuối tháng 6 năm nay đạt trên 110 tỷ USD.

Nếu cả năm 2015, VN-Index chỉ tăng được gần 40 điểm, năm 2016 con số này tăng lên gấp đôi, đạt hơn 80 điểm, thì chỉ trong gần 11 tháng đầu năm 2017, VN-Index đã tăng hơn 250 điểm - vượt qua mốc kỷ lục 900 điểm và tương đương với mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Việt Nam "không còn là thị trường bên lề"

Từ mức 100 tỷ USD năm 2007, đến năm 2017, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã vượt 400 tỷ USD, trong đó xuất siêu lên đến hơn 3 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay.

Việt Nam hiện có trên 200 đối tác thương mại khắp toàn cầu, trong đó có 29 thị trường xuất khẩu và 23 thị trường nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD trong 11 tháng năm 2017.

Một trong những minh chứng, theo Phó Chủ tịch hãng vận tải hàng không Emirates SkyCargo, chỉ trong vòng 18 tháng, lượng nông sản được hãng chuyển chở từ Việt Nam tới Dubai đã tăng gấp 5 lần. Con số đó có thể sẽ chưa dừng lại, khi Trung Đông không chỉ là thị trường khổng lồ mà còn là cửa ngõ để hàng hóa tiến vào châu Âu.

Với tiêu đề "Việt Nam hội nhập toàn cầu”, tờ Inquirer của Philippines nhấn mạnh rằng, Việt Nam là ngôi sao đang nổi trên bản đồ kinh tế toàn cầu, với những bước tiến lớn về hội nhập kinh tế toàn cầu và tăng trưởng kinh tế nhanh trong 30 năm qua. Từ một trong những nền kinh tế phát triển kém nhất thế giới, Việt Nam đã trở thành một trong những nước có thu nhập trung bình. Dự kiến trong năm 2017, xuất khẩu của Việt Nam có thể vượt hơn 200 tỷ USD, gấp 4,4 lần so với năm 2006.

Cùng nhận định trên, nhiều hãng tin kinh tế khác của thế giới ghi nhận Việt Nam đã gia nhập vào chuỗi cung ứng thiết bị điện tử và điện thoại thông minh ở châu Á. Mặt hàng xuất khẩu số một hiện nay của Việt Nam không còn là sản phẩm may mặc, giày dép, thủy hải sản, cà phê và hạt điều nữa mà là linh kiện điện thoại thông minh. Kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này đã tăng vọt 29% lên 36,5 tỷ USD trong năm 2017. Vì những lý do đó, họ kết luận rằng Việt Nam “không còn là thị trường bên lề".


Theo chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)