Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị làm rõ vấn đề về quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy và gói hỗ trợ nhà ở xã hội

Thứ năm, 01/06/2023 16:04
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Trong phiên làm việc chiều 31/5, Quốc hội tiếp tục tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy và việc thực hiện gói hỗ trợ nhà ở xã hội, triển khai dự án nhà ở cho công nhân…

VẤN ĐỀ PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY

I. Về nguyên tắc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy chữa cháy

Việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC theo những nguyên tắc:

- Phòng ngừa đối với mọi nguồn cháy (bao gồm cả vật liệu, phương tiện, thiết bị, công trình và bộ phận công trình)

- Đảm bảo khả năng chữa cháy hiệu quả tại chỗ khi xảy ra cháy;

- Đảm bảo khả năng thoát nạn, cứu hộ cứu nạn khi xảy ra cháy;

- Đảm bảo an toàn cho người là mục tiêu cao nhất.

II. Về quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy

Hiện nay, có 09 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về PCCC; 25 Tiêu chuẩn về nhà và công trình; 28 Tiêu chuẩn về phương tiện, thiết bị PCCC.

Các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn về PCCC được biên soạn và ban hành bởi các Bộ: Công an, Xây dựng, Công Thương, Khoa học và Công nghệ.

Những quy chuẩn, tiêu chuẩn cần thiết nhất cơ bản đã có, đã tính toán đến mọi nguồn cháy bao gồm cả công trình, cấu kiện công trình, phương tiện, thiết bị máy móc...

Theo chức năng, nhiệm vụ, Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn 06 về An toàn cháy cho nhà và công trình để PCCC cho công trình và bộ phận công trình. Về PCCC cho máy móc, thiết bị (cả thiết bị điện) có QCVN 01:2020/BCT do Bộ Công Thương ban hành; QCVN 03:2021/BCA phương tiện phòng cháy và chữa cháy, QCVN 01:2019/BCA về Hệ thống phòng cháy và chữa cháy cho kho chứa, cảng xuất, nhập và trạm phân phối khí đốt do Bộ Công an ban hành và một số Quy chuẩn khác có liên quan.

Theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực PCCC, Bộ Xây dựng chỉ có trách nhiệm: (1) Quy hoạch (quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị), rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phải gắn với quy hoạch hạ tầng về PCCC; (2) Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; xây dựng tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến PCCC trong xây dựng công trình (kết cấu, vật liệu xây dựng, ...). Do đó, Bộ Xây dựng chỉ ban hành Quy chuẩn 06 về An toàn cháy cho nhà và công trình.

Theo quy định của pháp luật về PCCC, Bộ Xây dựng và các Sở Xây dựng địa phương không có chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền trong công tác quản lý nhà nước trong thẩm duyệt, nghiệm thu, kiểm định, đào tạo, bồi dưỡng về PCCC.

III. Về quá trình sửa đổi, ban hành Quy chuẩn 06 về PCCC

Năm 2010, Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2010/BXD, là Quy chuẩn đầu tiên về An toàn cháy cho nhà và công trình.

(1) Sau 10 năm áp dụng, năm 2020, Bộ XD ban hành Quy chuẩn KTQG QCVN 06:2020/BXD về An toàn cháy cho nhà và công trình, thay thế QCVN 06:2010/BXD, đã mở rộng phạm vi áp dụng đối với các nhà công cộng cao đến 150m (Quy chuẩn cũ chỉ áp dụng cho nhà công cộng cao tối đa 50 m) và bổ sung nội dung cấp nước chữa cháy.

Các yêu cầu an toàn cốt lõi như thoát nạn cho người, bậc chịu lửa của nhà, giới hạn chịu lửa của cấu kiện, bảo vệ chống khói, chống cháy lan, yêu cầu về vật liệu… cơ bản không thay đổi so với QCVN 06:2010/BXD.

(2) Năm 2021, Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2021/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình. Trong đó, thay đổi chủ yếu là bổ sung đối tượng nhà chung cư cao trên 75m đến 150m.

Nội dung này không mới, đã được quy định trong Quy chuẩn QCVN 04:2019/BXD về Nhà chung cư, và chỉ chuyển nội dung này sang QCVN 06:2021/BXD để thống nhất quy định về an toàn cháy cho nhà và công trình vào một quy chuẩn. Các quy định khác về cơ bản giữ nguyên.

(3) Năm 2022, để đồng bộ với các quy định pháp luật mới, Bộ Xây dựng tiếp tục ban hành QCVN 06:2022/BXD có hiệu lực từ ngày 16/01/2023. Quy chuẩn này đã làm rõ, bổ sung thêm nhiều giải pháp, lựa chọn cho các đối tượng công trình cụ thể, nhưng vẫn kế thừa cơ bản về cấu trúc, nguyên lý, các khái niệm và hệ thống chỉ tiêu kỹ thuật của Quy chuẩn QCVN 06:2021/BXD.

Có thể đánh giá: Sau khi ban hành lần đầu năm 2010 đến lần đầu tiên được sửa đổi tháng 4/2020, sau đó Quy chuẩn 06/QCVN về PCCC được tiếp tục sửa đổi tháng 5/2021 và tháng 11/2022. Các lần sửa đổi này là tương đối gần nhau nhưng nội dung sửa đổi không lớn và chủ yếu nhằm thống nhất với sự thay đổi của các văn bản quy phạm pháp luật mới về PCCC hoặc nhằm cập nhật, đáp ứng ngay các biến động và các yêu cầu của thực tiễn. Điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế vì ngay cả ở các nước tiên tiến cũng thường xuyên rà soát, cập nhật quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn cháy.

Các Quy chuẩn được sửa đổi, thay thế có nội dung tương đồng, thống nhất, có tính kế thừa cao và nội dung sửa đổi chủ yếu là mở rộng đối tượng, bổ sung nhiều giải pháp, lựa chọn cho các đối tượng công trình. Các yêu cầu an toàn cháy của Quy chuẩn được quy định rõ trong từng nhóm, theo quy mô, tính nguy hiểm cháy, công năng sử dụng... Quy chuẩn 06 đưa ra các yêu cầu hoặc chỉ tiêu giới hạn đối với cấu kiện, bộ phận, công trình nhằm đảm bảo an toàn cho người. Quy chuẩn 06 không quy định quy trình, cách thức để đạt được các chỉ tiêu, yêu cầu. Các nội dung đó được quy định trong các văn bản pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn khác do các Bộ, ngành ban hành hoặc trình ban hành.

Về chuyển tiếp, QCVN 06 các phiên bản đều có điều khoản chuyển tiếp rõ ràng, tuân thủ quy định pháp luật trên cơ sở nguyên tắc không hồi tố (công trình đã áp dụng Quy chuẩn nào trong giai đoạn thiết kế, được góp ý hoặc thẩm duyệt thì được sử dụng Quy chuẩn đó đến khi nghiệm thu đưa vào sử dụng).

IV. Về mức độ quy định của Quy chuẩn 06/QCVN trong tương quan với một số quốc gia khác

Khi so sánh các quy định cơ bản của QCVN 06 với các hệ thống QC, TC khác, thì nhìn chung các quy định an toàn cối lõi của QCVN 06 quy định không cao, thậm chí ở mức độ trung bình thấp.

- Với nhóm nhà xưởng công nghiệp: Khi áp dụng QCVN 06:2022/BXD, thì các nhà xưởng phổ biến ở Việt Nam (một tầng, hạng C) hầu như không cần bảo vệ chịu lửa đối với kết cấu thép, với diện tích khoang cháy cho phép đến 25000 m2. Và hầu như tất cả các nhà xưởng đều không quy định giới hạn chịu lửa đối với tường ngoài. So sánh với các quốc gia khác (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Singapore, Indonesia ...) thì các quy định của Việt Nam ở mức trung bình thấp.

- Với nhóm nhà dân dụng, quy mô trung bình trở lên: tăng diện tích khoang cháy gấp 2,3 lần (có thể lên đến 10.000- 12.000 m2 một sàn với chữa cháy tự động), cho phép không phải ngăn chia các tầng, mặt bằng rộng lớn phù hợp với mọi công năng dân dụng và yêu cầu kiến trúc. Bổ sung các giải pháp cho phép không yêu cầu giới hạn chịu lửa của tường ngoài (công trình áp dụng QCVN 06:2022/BXD có thể sử dụng các loại kính thường, kính cường lực phổ thông mà không cần kính chịu lửa). Bổ sung các giải pháp cho phép bố trí linh hoạt các lối, đường thoát nạn...

- Với nhóm nhà dân dụng quy mô nhỏ: cho phép một lối thoát nạn, một thang thoát nạn, cho phép sử dụng cầu thang hở để thoát nạn (villa, biệt thự), cầu thang hở với hành lang bên, ... kết hợp với các giải pháp cảnh báo sớm (báo cháy) và chữa cháy tự động để tăng thời gian thoát nạn.

V. Về một số nội dung cụ thể được quan tâm về Quy chuẩn 06

1. Về các quy định của QCVN 06 đối với kết cấu nhà xưởng

QCVN 06 và mọi QC, TC khác của Bộ Xây dựng đều chỉ quy định giới hạn chịu lửa (tính bằng phút) của kết cấu nhà xưởng, với mục tiêu là khi cháy thì kết cấu xây dựng có thể duy trì được một thời gian nhất định (không sập đổ sớm) để người kịp thoát nạn ra ngoài, lực lượng chữa cháy và người cứu tài sản có thể có thời gian an toàn để tiếp cận chữa cháy, di chuyển tài sản, hạn chế cháy lan sang các công trình khác hoặc cháy lan trong toàn bộ công trình (đám cháy mất kiểm soát). Đó là nguyên tắc an toàn cháy cơ bản, cốt lõi, liên quan trực tiếp đến an toàn sinh mạng của con người.

2. Về sơn chống cháy

QCVN 06 không có quy định nào về sơn chống cháy. Sơn chống cháy không phải là vật liệu có thể chuẩn hóa, nên không thể đưa vào quy chuẩn như một lựa chọn sẵn. Do đó, trong QCVN 06 không có nội dung quy định về sơn chống cháy.

Không những vậy, đối với kết cấu thép nhà xưởng, QCVN 06 cho phép sử dụng nhiều giải pháp để cơ quan CS PCCC có thẩm quyền có thể nghiệm thu mà không cần thử nghiệm, đánh giá phức tạp: (1) tính toán kết cấu theo tiêu chuẩn; (2) Sử dụng phụ lục F quy định sẵn giới hạn chịu lửa danh định của kết cấu tương ứng với các giải pháp kết cấu cụ thể (nghĩa là chỉ cần chọn trong phụ lục F giải pháp phù hợp là đạt yêu cầu của QC). Ví dụ bọc bê tông, trát vữa, bọc gạch xây các loại, ... nghĩa là đã có quy định sẵn. Đây là các vật liệu có tính ổn định chịu lửa cao, có thể chuẩn hóa làm cơ sở lựa chọn.

Ngoài ra, QCVN 06:2022/BXD cũng cho phép các nhà xưởng có nguy cơ cháy cao (hạng C) với diện tích đến 25 000 m2 (tương đương 100 x 250 m) không cần bọc bảo vệ KC thép; các hạng cháy nổ vừa phải và thấp (hạng D, E) với diện tích không hạn chế không cần bọc bảo vệ kết cấu thép. Như vậy, theo QCVN 06:2022/BXD thì đa số các nhà xưởng sản xuất hiện nay của Việt Nam đều thuộc diện không phải bọc bảo vệ kết cấu thép. 

3. Về khoang cháy nhà kho và nhà sản xuất

Hiện nay QCVN 06:2022/BXD cho phép diện tích khoang cháy của nhà kho và nhà sản xuất tương đối lớn so với nhiều quốc gia. Ngoài ra, với các nhà kho, nhà sản xuất có yêu cầu diện tích khoang cháy lớn hơn thì QCVN 06 cũng cho phép áp dụng trực tiếp tiêu chuẩn nước ngoài như NFPA 5000 để thiết kế. Như vậy, có thể nói ở Việt Nam thì nhà kho và nhà sản xuất có thể xây dựng với quy mô không hạn chế, không ngăn chia.

4. Về cấp nước chữa cháy

QCVN 06:2022/BXD chỉ quy định các nội dung cơ bản về cấp nước chữa cháy như lưu lượng, áp suất, thời gian đối với cấp nước chữa cháy trong nhà và ngoài nhà tùy thuộc quy mô, công năng của công trình để phục vụ thiết kế hệ thống cấp nước chữa cháy. QCVN 06 không quy định đối tượng nhà và công trình cụ thể nào thì phải trang bị các hệ thống cấp nước chữa cháy trong và ngoài nhà. Nội dung này nằm trong TCVN 3890:2023 (bắt buộc áp dụng theo Luật PCCC) do cơ quan khác biên soạn, trong đó quy định rõ nhà và công trình có công năng gì, quy mô nào thì phải trang bị những hệ thống trên.

QCVN 06:2022/BXD cho phép sử dụng nhiều giải pháp khác nhau để cấp nước chữa cháy ngoài nhà, như sử dụng các nguồn nước lân cận có sẵn (ao, hồ, …), sử dụng hạ tầng cấp nước của khu vực, sử dụng kết hợp giữa các công trình, dẫn nước từ xa, cấp nước bổ sung khi chữa cháy. Khi sử dụng đúng giải pháp phù hợp thì có thể không cần xây bể riêng cho nhà, hoặc chỉ cần xây dựng bể với thể tích vừa phải, có kết hợp bơm bổ sung hoặc kết hợp nước sản xuất. Do đó, cần thực hiện đúng Quy chuẩn, không bắt buộc yêu cầu các công trình xây bể riêng khi có các giải pháp khả thi khác và được tư vấn thiết kế tính toán, thuyết minh phù hợp.

Các quy định này cơ bản ổn định, ít thay đổi từ năm 1995 (năm 2009 Bộ Xây dựng và Bộ Công an đã ban hành Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT/BXD-BCA hướng dẫn về nội dung hạ tầng cấp nước chữa cháy ngoài nhà) tuy nhiên, chưa được thực hiện nghiêm dẫn đến khi bố trí công trình phải yêu cầu thẩm duyệt PCCC thì có vướng mắc trong cấp nước PCCC.

Ngoài ra, QCVN 06 đã linh hoạt, cho phép cơ quan CS PCCC có thẩm quyền hướng dẫn riêng các nội dung về cấp nước chữa cháy phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương.

5. Các phản ánh về công trình hiện hữu

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ XD và Bộ CA đang tích cực phối hợp để đưa ra các giải pháp tăng cường cho các công trình hiện hữu, nhằm đảm bảo tốt nhất có thể, về an toàn cháy của công trình. Dựa trên các giải pháp, được thống nhất, lực lượng cảnh sát PCCC sẽ có hướng dẫn cho từng công trình cụ thể. Bộ Xây dựng đã dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc này và đã gửi xin ý kiến các cơ quan và địa phương ngày 26/5/2023.

- Đối với phân khúc nhà ở riêng lẻ: không áp quy chuẩn An toàn cháy cho nhà ở riêng lẻ từ 6 tầng trở xuống (không thuộc đối tượng điều chỉnh của QC 06 và cũng không thuộc đối tượng thẩm duyệt PCCC), vướng mắc xảy ra khi công trình nhà ở riêng lẻ chuyển đổi mục đích sử dụng sang các công năng, mục đích sử dụng khác không đảm bảo các điều kiện về hạ tầng (giao thông, điện nước...) cũng như việc tổ chức không gian kiến trúc, kết cấu cho nhà ở riêng lẻ nay phải cải tạo để đáp ứng quy chuẩn là rất khó. Các cơ quan chuyên môn cần xem xét, khi thẩm duyệt hồ sơ thiết kế cải tạo, đảm bảo điều kiện về an toàn cháy theo quy định.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình là một Quy chuẩn kỹ thuật khó, với những nội dung kỹ thuật phức tạp, chuyên môn sâu, đồng thời phải nghiên cứu, khảo nghiệm, thực nghiệm trên cơ sở khoa học và kiến thức chuyên môn sâu. Bộ XD trân trọng lắng nghe, cầu thị và sẽ nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện Quy chuẩn.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có Quyết định giao nhiệm vụ cho Viện Khoa học công nghệ xây dựng rà soát tổng thể để xem xét sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn 06:2022/QCVN nhằm đáp ứng yêu cầu PCCC, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, trên cơ sở khoa học, có tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đồng thời phù hợp với tình hình, điều kiện Việt Nam. Cùng với đó, tăng cường tập huấn, hướng dẫn, biên soạn tài liệu hướng dẫn để hiểu và áp dụng Quy chuẩn phù hợp.

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI GÓI TÍN DỤNG 120 NGHÌN TỶ ĐỒNG

Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện một số nội dung cụ thể như sau:

- Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về nguyên tắc, thời gian triển khai, thời gian ưu đãi lãi suất.

- Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện vay ưu đãi của gói tín dụng này, đã ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý, lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư để công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay.

- Bộ Xây dựng đã có văn bản đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ đã giao tại Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 và đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án này.

Qua báo cáo của các địa phương, đến nay đã có khoảng 100 dự án thuộc đối tượng cho vay của gói 120.000 tỷ và các địa phương đã công bố nhu cầu vay vốn như tỉnh Bình Định đã công bố nhu cầu vay vốn là 1.832 tỷ, tỉnh Phú Thọ công bố nhu cầu vay vốn là 441 tỷ, Đà Nẵng công bố nhu cầu vay vốn là 545 tỷ, Trà Vinh công bố nhu cầu vay vốn là 420 tỷ, Bắc Giang công bố nhu cầu vay vốn là 4.527 tỷ và Hải Phòng công bố nhu cầu vay vốn là 3.892 tỷ.

Thực tế cho thấy, chương trình mới triển khai được hơn 1 tháng và gói 120.000 tỷ cho cả giai đoạn đến năm 2030 và các địa phương đang trong quá trình tổng hợp công bố nên chỉ mới có kết quả bước đầu. Trong thời gian tới sẽ có nhiều dự án tham gia gói 120.000 tỷ như nhu cầu công bố của các địa phương.

Trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp đạt mục tiêu đề ra và giải ngân hiệu quả gói hỗ trợ 120.000 tỷ, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật, như là: tập trung sửa đổi Luật Nhà ở và các pháp luật khác có liên quan để triển khai hiệu quả thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, khu công nghiệp; tiếp tục làm việc với một số địa phương, doanh nghiệp trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc, tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội, nhà ở, công nhân, cải tạo chung cư cũ, thúc đẩy việc triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ. Trong quá trình sửa đổi Luật Nhà ở và các pháp luật khác có liên quan cơ bản khắc phục những khó khăn, vướng mắc như ý kiến của các đại biểu đề cập.


Bộ Xây dựng

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)