Mục tiêu đến năm 2025, Bình Dương đạt 100% (41/41 xã) số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 24% (10/41 xã) số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 100% huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Bình Dương luôn dành sự quan tâm phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn. (Ảnh: Trần Khánh)
Dù là tỉnh công nghiệp, Bình Dương luôn dành sự quan tâm phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Ông Mai Hùng Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, bên cạnh việc tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển công nghiệp, đô thị và dịch vụ; chính quyền và nhân dân Bình Dương luôn quan tâm phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Lãnh đạo tỉnh luôn xem đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô của tỉnh; hướng đến mục tiêu quan trọng hàng đầu là cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Thực tiễn cho thấy, thời gian qua, việc đầu tư phát triển các công trình hạ tầng quan trọng như: giao thông, điện, nước, y tế, giáo dục… đã tạo thuận lợi trong kết nối, thu hẹp khoảng cách giữa các trung tâm đô thị với các vùng nông thôn của tỉnh; góp phần tạo động lực trong công tác xây dựng nông thôn mới.
Sau 3 năm, Bình Dương huy động được hơn 6.408 tỷ đồng tổng vốn đầu tư cho cho xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô trên địa bàn.
Bình Dương đang phấn đấu đến năm 2025, địa phương này sẽ đạt 100% (41/41 xã) số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 24% (10/41 xã) số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 100% huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, địa phương cũng cố gắng nâng cao thu nhập bình đầu người ở nông thôn trên địa bàn. Tính đến cuối năm 2022, thu nhập bình đầu người ở nông thôn Bình Dương đạt 76,2 triệu đồng/người/năm. Trong giai đoạn 2024-2025, Bình Dương đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn. Thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020, (tương ứng 137,16 triệu đồng/người/năm).
Nông dân Bình Dương nỗ lực gìn giữ vườn cây ăn trái đặc sản giữa vùng đô thị. Trong ảnh: Nông dân TP.Thuận An thu hoạch măng cụt Lái Thiêu. (Ảnh: Trần Khánh)
Về chuyển dịch cơ cấu, ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Dương cho biết, trong thời gian qua, nhiệm vụ phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn Bình Dương đã đạt những kết quả khả quan. Giai đoạn 2021-2023, diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 20.031ha, diện tích cây lâu năm đạt 142.772ha. Trong đó, diện tích sản xuất nông nghiệp đô thị hơn 407ha, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hơn 6.413ha. Bình Dương đã có 172ha được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ.
Đến nay, toàn tỉnh Bình Dương đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp 24 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 1.185ha; 14 mã số cơ sở đóng gói để xuất khẩu nông sản đi khắp các thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, Anh, Nga, New Zealand...
Vùng chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được phát triển. Đến nay, tỉnh Bình Dương đã được Cục Thú y công nhận 13 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện.
Lũy kế đến nay, Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Bình Dương đã trình UBND tỉnh quyết định công nhận 103 sản phẩm OCOP. Trong đó, Bình Dương có 10 sản phẩm 4 sao và 93 sản phẩm 3 sao của 49 chủ thể.
Tuy nhiên, với đặc thù của một tỉnh phát triển công nghiệp, đô thị mạnh mẽ; tốc độ gia tăng dân số cơ học hàng năm cao; nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở Bình Dương cũng gặp những hạn chế nhất định.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đề nghị, Sở NNPTNT cần tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 và giai đoạn sau năm 2025.
Trong đó, Sở NNPTNT cần tập trung thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; quan tâm triển khai thực hiện tốt Chương trình (OCOP).
Đặc biệt, ngành nông nghiệp cần chú trọng thực hiện tốt công tác quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ; làm cơ sở thực hiện đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất.
Đồng thời, UBND các huyện, thị xã cần tập trung rà soát, đầu tư nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, xã nông thôn mới thông minh, xã thương mại điện tử./..