Sau nhiều năm xây dựng nông thôn mới, khu vực nông thôn của Thủ đô đã “thay da đổi thịt” từng ngày với những con đường giao thông nông thôn được bê-tông hóa rộng rãi thông thoáng, cánh đồng lúa xanh mướt, những ngôi trường khang trang, sạch đẹp.
Hình ảnh thị trấn Phùng - huyện nông thôn mới Đan Phượng nhìn từ trên cao. Ảnh: Thành Đạt
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt. Đạt được thành quả trên là nhờ sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị và nhân dân toàn thành phố.
Theo Phó Chánh văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, hiện thành phố đã có 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ngày 13/9/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1045/QĐ-TTg về việc công nhận huyện Ba Vì (TP Hà Nội) đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.
Hà Nội đang hoàn thiện hồ sơ để trình Hội đồng thẩm định Trung ương xét, công nhận các huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gồm: Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng. Thành phố phấn đấu đến năm 2025 có 20% số huyện và 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Trên địa bàn đã xây dựng được hàng trăm mô hình: Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, liên kết trong sản xuất nông nghiệp và chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Tại các huyện Chương Mỹ, Thạch Thất, Gia Lâm, Ứng Hòa…, nhiều hộ đã đổi đời từ làm nông nghiệp.
Ông Trần Văn Bình ở xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm chia sẻ, do áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, chăm sóc tốt, vườn cam (trồng cam canh và cam vinh) cho năng suất quả cao, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, kinh tế gia đình ngày một khấm khá. Không chỉ có vậy, ông Bình còn luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng cam và hỗ trợ về giống, nguồn vốn ban đầu cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, người dân đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng, hàng nghìn mét vuông đất thổ cư, hàng trăm nghìn ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn. Hiện Hà Nội có 321 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận thuộc 24 quận, huyện, thị xã; 70 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, sản xuất ổn định (thu hút 4.169 hộ, doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, với gần 80 nghìn lao động). Thời gian tới, thành phố đặt mục tiêu sẽ có thêm những bước đột phá về kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao và bền vững.
Bên cạnh những việc làm được, quá trình xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội vẫn còn một số hạn chế như: Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, phân tán, chưa bền vững. Thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nhất là ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi trong sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng. Cả doanh nghiệp và nông dân còn thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất; số lượng sản phẩm có thương hiệu, nhãn hiệu vẫn ít so với tiềm năng phát triển.
Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là mối lo của người tiêu dùng. Việc xử lý nước thải, chất thải chưa triệt để, còn hiện tượng thải ra môi trường bên ngoài. Một số chỉ tiêu trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới ở địa phương chưa đạt, đơn cử như nước sạch. Hiện ở khu vực nông thôn mới có 274/413 xã được cấp nước sạch.
Tại các huyện Thanh Oai, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Phúc Thọ…, số xã được sử dụng nước sạch chưa nhiều, chủ yếu lấy nước từ các trạm cấp nước cục bộ và do hộ gia đình tự khai thác (nguồn giếng khoan, giếng đào, nước mưa, sông, suối, ao hồ…). Việc khai thác nước giếng khoan quá nhiều đã gây tình trạng sụt lún mặt đất, chất lượng nước ngầm suy giảm, ô nhiễm asen trong các tầng chứa nước, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng dân cư.
Để nâng cao hiệu quả xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, các địa phương, đơn vị cần tập trung đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái; ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các địa bàn khó khăn để góp phần thu hẹp khoảng cách trong xây dựng nông thôn mới giữa các nơi, bảo đảm tính bền vững.
Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào trang trại quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm an toàn. Chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động nông nghiệp. Thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch, định hình vùng nông nghiệp, định hình thương hiệu nông sản chủ lực, thế mạnh.
Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua các hoạt động như quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên kênh phân phối hiện đại và bền vững thông qua nền tảng số, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Thúc đẩy tiến độ xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung, đáp ứng tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời tiếp tục tạo môi trường văn hóa lành mạnh để khu vực nông thôn của Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp.