Trước hàng loạt vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công các công trình xây dựng cơ bản của Hà Nội thời gian gần đây, các cơ quan, tổ chức trong ngành đã phải lên tiếng về những bất cập trong công tác quản lý phát triển cơ sở hạ tầng của Thủ đô, đồng thời bàn cách tháo gỡ những bất cập này.
Ông Nguyễn Thế Bá, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, Hà Nội đang thiếu những kiến thức, kinh nghiệm cần thiết để lập các đồ án quy hoạch, quản lý và kiểm soát sự phát triển cơ sở hạ tầng của thành phố.Quy hoạch tổng thể Hà Nội đã thay đổi 7 lần, nhưng đến nay, thành phố vẫn lúng túng về những vấn đề cơ bản, đặc biệt là hệ thống giao thông và việc sử dụng, bảo quản đất đai, phát triển đô thị một cách hợp lý. Sự bùng nổ các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố và những địa phương lân cận đã và đang đẩy Hà Nội thành một siêu đô thị với số dân khổng lồ gần 10 triệu người. Nếu không được điều chỉnh khoa học, kịp thời thì hậu quả của sự bùng nổ là hết sức khó lường!Theo ông Huỳnh Đăng Hy, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, sự bất cập trong quy hoạch tổng thể Hà Nội đã xuất hiện từ lâu.Ông Hy dẫn chứng: theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1982, khu vực xung quanh Hồ Tây là công viên văn hóa của thành phố. Nếu đồ án này không bị hủy bỏ bởi những đồ án quy hoạch chung được duyệt các đợt sau đó thì khu vực xung quanh Hồ Tây nay đã trở thành công viên lớn của Hà Nội, trung tâm văn hóa của cả nước.Điều đáng buồn hơn, sau khi thành lập quận Tây Hồ, không gian xung quanh Hồ Tây bị cắt xén ghê gớm. Nhà ở, biệt thự, khách sạn, nhà dân, công trình dịch vụ… tự phát xây ra sát hồ, lấn chiếm, biến Hồ Tây thành cái ao sau của quận Tây Hồ và Ba Đình. Xét về mặt khoa học, đặc biệt là ý tưởng khai thác cảnh quan, tạo bộ mặt kiến trúc quanh Hồ Tây tại Quy hoạch tổng thể năm 1982 thì những đồ án quy hoạch chung được lập và duyệt những năm sau đó thực sự là một bước lùi trong quy hoạch kiến trúc Hà Nội, ông Hy bức xúc.Sự bất cập trong quy hoạch, quản lý đô thị Hà Nội đã và đang gây ra những hậu quả hết sức phiền toái cho cuộc sống người dân thành phố.Chẳng hạn, sự chênh lệch giữa cốt nền đường với nền nhà dân từ 40-70 cm của Dự án cải tạo nút giao thông Ngã Tư Sở; hay sự không đồng mức giữa cốt nền các khu đô thị mới với khu đô thị xây dựng từ những năm 50-60 của thế kỷ trước và khu vực làng xóm được giữ lại trong quá trình đô thị hóa.Khi các khu đô thị mới xây dựng xong sẽ biến những khu vực cũ thành ao chứa nước của thành phố. Hậu quả của sự yếu kém trong công tác quy hoạch còn thể hiện ở chỗ: tiền đền bù cho các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng của Hà Nội lên đến 85-95% tổng vốn đầu tư - một kỷ lục hiếm có ở bất cứ quốc gia nào.Hiện nay, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất, Sở Giao thông - Công chính… của thành phố đều có chức năng tham gia quy hoạch sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng. Nhiều cơ quan, nhiều bộ óc như vậy mà vẫn không thể xây dựng một quy hoạch đàng hoàng.Câu hỏi được đặt ra là: Phải chăng, do sự phân định trách nhiệm không rõ ràng, thiếu cơ chế phối hợp trong quá trình quy hoạch tổng thể, xét duyệt quy hoạch xây dựng đã khiến bộ mặt đô thị Hà Nội lộn xộn như hiện nay?Chính vì thế, nhiều người đã so sánh một cách hài hước về cách làm chậm trễ và yếu kém của công tác quy hoạch và quản lý phát triển cơ sở hạ tầng thành phố Hà Nội rằng, thực tế xây dựng đô thị giống một chú thỏ nhanh chân chạy trước, còn quy hoạch thì như con rùa trong cuộc thi tốc độ. Bao giờ rùa mới vượt thỏ, giống như trong câu chuyện cổ tích xưa ? Có lẽ, chỉ có thể trông chờ vào những điều thần kỳ…
Theo Đầu tư