Phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị xanh, thông minh bền vững
Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 10/2021, trong đó xác định phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị xanh, thông minh bền vững là một nội dung định hướng chiến lược.
Đặc biệt, chiếu sáng đô thị là nhu cầu tất yếu trong một đô thị hiện đại, nhằm bảo đảm các hoạt động của đô thị được diễn ra an toàn, bảo đảm trật tự an ninh đô thị, đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ, làm đẹp cảnh quan môi trường và góp phần định vị bản sắc riêng cho đô thị.
Chiếu sáng đô thị là nhu cầu tất yếu trong một đô thị hiện đại, nhằm bảo đảm các hoạt động của đô thị được diễn ra an toàn, bảo đảm trật tự an ninh đô thị, đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ, làm đẹp cảnh quan môi trường và góp phần định vị bản sắc riêng cho đô thị. Ảnh: VGP/Thùy Chi
Chiến lược phát triển đô thị ứng phó biến đổi khí hậu và quy hoạch chiếu sáng đô thị bền vững đòi hỏi hoàn thiện công tác quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị đáp ứng theo mô hình đô thị thông minh, giảm phát thải khí nhà kính.
Mục đích nhằm phân tích định hướng phát triển chiếu sáng công cộng đô thị theo hướng xanh hiệu quả và bền vững, đồng thời phân tích thực trạng công tác quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội như một trường hợp nghiên cứu điển hình cho thực trạng hệ thống chiếu sáng công cộng tại Việt Nam.
Đặc điểm hệ thống chiếu sáng công cộng thành phố Hà Nội là sử dụng nhiều chủng loại đèn chiếu sáng với công nghệ khác nhau, có kết cấu gá lắp đèn không đồng bộ (đặc biệt là trong khu vực ngõ xóm). Hiện có gần 30% đèn chiếu sáng được sử dụng nguồn sáng LED.
Theo số liệu thống kê, Trung tâm điều khiển và giám sát hệ thống chiếu sáng công cộng thành phố có quy mô lớn và hiện đại nhất trong cả nước kết nối 1.921 tủ chiếu sáng (chiếm 70% tổng số tủ điều khiển) trên địa bàn thành phố theo công nghệ GSM/3G, 4G cho phép điều khiển linh hoạt theo tình hình thời tiết và tiết kiệm điện năng.
Hệ thống chiếu sáng công cộng gồm chiếu sáng đường phố và chiếu sáng ngõ xóm đa dạng. Chiếu sáng đường phố (chiếm trên 60% chiều dài tuyến điện hệ thống chiếu sáng công cộng thành phố) đang được thực hiện lắp đặt mới và cải tạo bằng đèn LED. Hầu hết đã được kết nối đồng bộ với Trung tâm điều khiển cho phép việc quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng được linh hoạt theo thời tiết, nhu cầu của từng tuyến đường, báo hiệu kịp thời nếu có sự cố xảy ra trên lưới, giúp thuận lợi trong quá trình quản lý vận hành, kiểm soát và khắc phục sự cố.
Chiếu sáng ngõ xóm (chiếm gần 40% chiều dài tuyến điện hệ thống chiếu sáng công cộng thành phố). Trong những năm qua do kinh phí ngân sách còn hạn hẹp nên khu vực chiếu sáng ngõ xóm ít được cải tạo, nâng cấp; Chủ yếu là thực hiện việc hỏng đâu sửa đó, khắc phục các sự cố bất thường để bảo đảm bóng sáng.
Trước năm 2017, công tác quản lý duy tu, duy trì hệ thống chiếu sáng công cộng thành phố được UBND Thành phố giao cho rất nhiều đơn vị làm đại diện chủ đầu tư bao gồm 2 sở chuyên ngành là Sở Xây dựng Hà Nội và Sở Giao thông vận tải, UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố và có rất nhiều đơn vị tham gia vào việc quản lý vận hành với năng lực khác nhau. Trong giai đoạn 2018-2020, thành phố đã cho phép đấu thầu công quản lý chiếu sáng công cộng, các gói thầu được chia hợp lý phù hợp với đặc điểm, quy mô hệ thống chiếu sáng công cộng của thành phố.
Trong giai đoạn 2021-2025, Sở Xây dựng Hà Nội được giao làm chủ đầu tư thực hiện đấu thầu công tác Quản lý chiếu sáng công cộng trên địa bàn thành phố và chia thành 5 gói thầu theo địa dư hành chính. Trong đó, Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và Thiết bị đô thị - Hapulico trúng thầu thực hiện công tác quản lý trên địa bàn 22 quận, huyện của thành phố.
Từ năm 2022, Thành phố thực hiện phân cấp cho Sở Xây dựng là chủ đầu tư hệ thống chiếu sáng công cộng khu vực đường phố và quận, huyện làm chủ đầu tư hệ thống chiếu sáng công cộng ngõ xóm theo Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND ngày 12/9/2022 của HĐND Thành phố Hà Nội".
Bài toán phân cấp cho phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội
Ông Lê Trung Kiên, Phó Giám đốc Xí nghiệp quản lý điện chiếu sáng, Công ty Chiếu sáng và Thiết bị đô thị Hapulico cho rằng, việc phân cấp quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng vẫn đang là một thách thức, khó khăn đối với Thành phố. Qua nhiều lần điều chỉnh, thay đổi từ quản lý tập trung đến phân cấp cho quận, huyện và quay lại mô hình quản lý tập trung, có thể thấy các cấp quản lý của Thành phố vẫn đang cố gắng nghiên cứu, tìm hướng giải quyết tối ưu bài toán phân cấp cho phù hợp với tình hình thực tế của Hà Nội.
Từ những tồn tại hiện hữu của hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội, theo ông Lê Trung Kiên giải pháp hoàn thiện công tác quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng theo hướng xanh, hiệu quả và bền vững có thể được cải thiện dựa trên chuyển đổi ba phạm vi cơ bản.
Thứ nhất, xây dựng chính sách, cơ chế tài chính và hoàn thiện công tác phân cấp: Định hướng hoàn thiện chính sách: Nghị định 79/2009/NĐ-CP về quản lý chiếu sáng đô thị được Chính phủ ban hành năm 2009, Quyết định 1874/QĐ-TTg phê duyệt định hướng phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2010 đến nay đã trên 10 năm, hiện nay đã có nhiều thay đổi từ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, về doanh nghiệp quản lý vận hành khai thác hệ thống chiếu sáng công cộng, sự thay đổi về công nghệ chiếu sáng, yêu cầu mới đáp ứng đô thị thông minh. Do vậy, cần rà soát điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật về chiếu sáng công cộng theo hướng rà soát và hoàn thiện các quy định, chính sách và khuyến nghị quốc gia hiện hành tập trung vào các vấn đề liên quan.
Tăng cường các cơ sở pháp lý, chính sách về quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng theo hướng xanh, hiệu quả và bền vững. Cần có cơ sở, tiêu chuẩn, quy định về tiêu chí hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh, bền vững kèm hướng dẫn kỹ thuật làm cơ sở cho việc thiết kế, quy hoạch, lựa chọn và đầu tư trang thiết bị cũng như lựa chọn nhân lực phục vụ công tác quản lý.
Khi đã hoàn thiện khái niệm hệ thống chiếu sáng xanh, bền vững và xác định rõ các nhiệm vụ quản lý, để thực thi cần có các chính sách khuyến khích tín chỉ carbon, thuế doanh nghiệp, thuế xuất, nhập khẩu, giá, công tác đấu thầu trong các dự án chiếu sáng đô thị. Nội dung này cần được nghiên cứu và xây dựng dựa trên khung chiến lược Quốc gia về chuyển đổi xanh và tín chỉ carbon quốc gia.
Bên cạnh đó, cần có chỉ dẫn kỹ thuật thế nào là hệ thống chiếu sáng công cộng xanh làm cơ sở căn cứ lựa chọn thiết bị và công nghệ. Bổ sung, thay thế và hoàn thiện hệ thống định mức, dự toán cho phù hợp công nghệ, thiết bị và năng lực của công tác quản lý vận hành theo hướng xanh. Xây dựng ước tính tổng mức tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải CO2 của các hệ thống chiếu sáng được lắp đặt.
Đảm bảo hệ thống thiết bị chiếu sáng công cộng được dán nhãn năng lượng theo lộ trình trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hỗ trợ tài chính và các chính sách khuyến khích đối với công nghệ chiếu sáng chiếu sáng công cộng xanh, giúp giảm thiểu chi phí và tăng cường sự thúc đẩy của các doanh nghiệp và chủ đầu tư.
Giải pháp về tài chính trong phát triển hạ tầng chiếu sáng công cộng theo hướng xanh, hiệu quả và bền vững: Đầu tư cho chiếu sáng công cộng theo hướng xanh, hiệu quả và bền vững của các chính quyền đô thị hiện nay chưa được ưu tiên do thiếu cơ chế khuyến khích và chưa có mục tiêu cụ thể. Sự tham gia đầu tư của khu vực tư nhân thông qua phương pháp tiếp cận PPP hoặc ESCO còn hạn chế do thiếu quy định liên quan của Nhà nước. Do vậy, có thể thực hiện theo hướng: Xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng KHCN; Thông qua các chương trình vốn ODA…
Thứ hai, sử dụng các thiết bị, công nghệ thông minh tiết kiệm năng lượng. Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và nhu cầu đáp ứng đô thị thông minh, xu hướng xây dựng hệ thống chiếu sáng công cộng theo hướng xanh, hiệu quả và bền vững sẽ phải ứng dụng các thành tựu mới nhất về IoT (Internet of Things) và trí tuệ nhân tạo (AL).
Việc sử dụng các thiết bị, công nghệ thông minh tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực chiếu sáng công cộng là xu hướng phát triển tất yếu. Tuy nhiên, để trong quá trình thực hiện đầu tư, cải tạo hệ thống chiếu sáng công cộng hiện có của Thành phố Hà nội cần phải đáp ứng được các quy định và yêu cầu cụ thể.
Thứ ba, nâng cao năng lực đơn vị quản lý vận hành chiếu sáng công cộng. Quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng theo hướng xanh, hiệu quả và bền vững vẫn là một khái niệm đặc thù và mới mẻ.
Trong những năm qua, việc đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ trong chiếu sáng công cộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội nâng cao đáng kể hiệu lực quản lý, giảm chi phí nhân công trực tiếp trong quản lý vận hành. Tuy nhiên, với đô thị có hệ thống chiếu sáng công cộng lớn và phức tạp như Hà Nội nguy cơ thất thoát tài sản và thất thoát điện năng đặc biệt là trong khu vực ngõ xóm là rất lớn.
Do vậy, đơn vị thực hiện công tác quản lý vận hành chiếu sáng công cộng phải có chuyên môn, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ ở mức độ cao vẫn cần phải đầu tư phát triển nguồn nhân lực, xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân quản lý vận hành kết hợp với đầu tư mở rộng các xe chuyên dùng sửa chữa lưới điện giúp đảm bảo công tác quản lý hệ thống chiếu sáng công cộng được hiệu quả.
Các doanh nghiệp tham gia hoạt động quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng chủ yếu được hình thành từ các đơn vị quản lý vận hành chiếu sáng của Nhà nước được cổ phần hóa. Do vậy, cần sớm thực hiện việc áp dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động để nâng cao tính hiệu quả, tinh giản bộ máy, tiết kiệm chi phí tăng tính cạnh tranh trong kinh doanh và phải có chiến lược định hướng phát triển hệ thống chiếu sáng công cộng hướng tới xanh, hiệu quả và bền vững.