Xây dựng, phát triển đô thị Chũ theo hướng đồng bộ, bền vững, trở thành một trong những trung tâm dẫn dắt sự phát triển khu vực tiểu vùng phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang. Đến năm 2024, đủ điều kiện thành lập thị xã; sau 2030 đạt tiêu chí đô thị loại III và đảm bảo các điều kiện phát triển thành thành phố trực thuộc tỉnh Bắc Giang.
Đó là mục tiêu đặt ra trong Quyết định số 82/QĐ-TTg phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung đô thị Chũ, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045, tỷ lệ 1/10.000 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 18/01/2024.
Xây dựng, phát triển đô thị Chũ theo hướng đồng bộ, bền vững, trở thành một trong những trung tâm dẫn dắt sự phát triển khu vực tiểu vùng phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang. Ảnh minh họa.
Phấn đấu đến năm 2024, đô thị Chũ đủ điều kiện trở thành thị xã
Theo đó, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch gồm 10 xã, thị trấn: Thị trấn Chũ và các xã Mỹ An, Nam Dương, Quý Sơn, Phượng Sơn, Trù Hựu, Kiên Thành, Kiên Lao, Hồng Giang, Thanh Hải (không bao gồm thôn Khuôn Rẽo), huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Quy mô diện tích quy hoạch khoảng 25.155 ha. Thời hạn lập quy hoạch giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030; giai đoạn dài hạn đến năm 2045.
Mục tiêu quy hoạch nhằm cụ thể hóa các định hướng chiến lược của Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch chuyên ngành có liên quan để xây dựng, phát triển đô thị Chũ theo hướng đồng bộ, bền vững, trở thành một trong những trung tâm dẫn dắt sự phát triển khu vực tiểu vùng phía Đông Bắc của tỉnh Bắc Giang. Đến năm 2024, đủ điều kiện thành lập thị xã; sau 2030 đạt tiêu chí đô thị loại III và đảm bảo các điều kiện phát triển thành thành phố trực thuộc tỉnh Bắc Giang.
Xác định không gian lãnh thổ, số lượng đơn vị hành chính đảm bảo đủ điều kiện để sắp xếp đơn vị hành chính huyện Lục Ngạn hiện tại để thành lập thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn mới trên cơ sở xác định được không gian phát triển đô thị gắn với kinh tế - xã hội ổn định lâu dài.
Đến năm 2030, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang phù hợp với Quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Làm cơ sở lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chung xã, quy hoạch chi tiết và quản lý phát triển đô thị, đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung của đô thị theo quy hoạch.
Chũ là đô thị trung tâm vùng phía Đông và là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa
Về tính chất, đô thị Chũ là đô thị trung tâm vùng phía Đông và là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản xuất cây ăn quả đặc sản chất lượng cao, là đầu mối cung ứng dịch vụ, vật tư nông - lâm nghiệp của tỉnh Bắc Giang. Đồng thời là đô thị phát triển du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng và là trung tâm dịch vụ hậu cần vận tải (logistics), công nghiệp kho vận và dịch vụ xuất khẩu khu vực phía Đông của tỉnh Bắc Giang.
Chũ phát triển theo mô hình đô thị gắn với các khu vực sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao và du lịch.
Về dân số quy hoạch, đến năm 2030, dân số đô thị khoảng 150.000 người, trong đó nội thị khoảng 130.640 người, chiếm khoảng 87,1% tổng dân số. Đến năm 2045, dân số đô thị khoảng 240.000 người, trong đó nội thị khoảng 210.495 người, chiếm khoảng 87,6% tổng dân số.
Về đất đai quy hoạch, đến năm 2030, diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 2650 ha; diện tích đất dân dụng khoảng 1.282 ha, đạt bình quân khoảng 98 m²/người. Đến năm 2045, diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 3.600 ha; diện tích đất dân dụng khoảng 1.950 ha, đạt bình quân khoảng 93 m²/người.
Chũ phát triển theo mô hình đô thị gắn với các khu vực sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao và du lịch, có cấu trúc đa cực - đa trung tâm gắn kết với địa hình tự nhiên; gồm có 1 cực trung tâm (Cực trung tâm là thị trấn Chũ) và 4 cực phát triển (Cực đô thị dịch vụ, công nghiệp phía Tây; Cực đô thị du lịch phía Bắc; Cực đô thị dịch vụ, du lịch, làng nghề phía Nam; Cực đô thị thương mại, dịch vụ phía Đông) theo nét đặc trưng riêng. Các cực được liên kết với nhau bởi các trục giao thông chính và đối ngoại, có không gian mở và được khuyến khích đưa không gian xanh đến các khu chức năng, được gia tăng khả năng thích ứng với các khu sản xuất nông nghiệp bằng các vành đai hạ tầng.
Đô thị có nhiều trung tâm khác nhau gắn với các vùng, cực phát triển; có có tính chất độc lập hoặc phụ thuộc lẫn nhau, được liên kết với nhau bằng hệ thống giao thông công cộng. Vùng trung tâm đô thị gắn với vùng sinh thái tự nhiên gồm vùng núi phía Bắc (xã Kiên Lao, xã Kiên Thành) và vùng phía Nam sông Lục Nam được phát triển các trung tâm du lịch, dịch vụ, lâm nghiệp cấp đô thị và cấp vùng.
Về quy hoạch sử dụng đất đai, diện tích đất tự nhiên đô thị Chũ là 25.155 ha. Đến năm 2030, đất dân dụng khoảng 1.282 ha, chiếm 5,09% tổng diện tích quy hoạch; đất ngoài khu dân dụng khoảng 2.646 ha; chiếm 10,52% tổng diện tích quy hoạch; đất nông nghiệp và chức năng khác khoảng 21.227 ha, chiếm 84,39% tổng diện tích quy hoạch. Đến năm 2045, đất dân dụng khoảng 1.950 ha, chiếm 7,75% tổng diện tích quy hoạch; đất ngoài khu dân dụng khoảng 2.631 ha, chiếm 10,46% tổng diện tích quy hoạch; đất nông nghiệp và chức năng khác 20.574 ha, chiếm 81,77% tổng diện tích quy hoạch.
Các chương trình ưu tiên đầu tư bao gồm: Hoàn thiện đồng bộ hệ thống công cụ quản lý về quy hoạch, phát triển đô thị gồm lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý kiến trúc; chương trình phát triển đô thị; đề án sắp xếp đơn vị hành chính; đề án thành lập thị xã; triển khai các dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khung làm tiền đề cho phát triển đô thị hướng đến đô thị loại IV đến năm 2024 và loại III giai đoạn đến năm 2045.
Tập trung ưu tiên cho các dự án có thế mạnh, động lực, tiềm năng cho phát triển kinh tế của địa phương như: Khu đô thị, du lịch sinh thái thể thao Khuôn Thần tại xã Kiên Lao; làng nghề mỳ Chũ tại xã Nam Dương; các cụm công nghiệp, khu nghiên cứu R&D; dịch vụ logistics, khu đô thị, dịch vụ thương mại cấp vùng và dịch vụ du lịch...