Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cùng tham dự chương trình có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải; lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan Trung ương, tỉnh Cà Mau và một số tỉnh khu vực ĐBSCL, đại diện một số cơ quan, tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trong chương trình, tỉnh Cà Mau sẽ giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh, cơ hội, dự án đầu tư vào tỉnh; công bố Quyết định phê duyệt và báo cáo các nội dung cơ bản của Quy hoạch tỉnh Cà Mau; trao chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trao chủ trương tiếp cận, nghiên cứu, khảo sát dự án trên địa bàn tỉnh…; đồng thời lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương có ý kiến, gợi mở về định hướng phát triển, các giải pháp thúc đẩy hợp tác, tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn.
Chương trình nằm trong loạt sự kiện quan trọng được Cà Mau tổ chức trong những ngày này, cùng với "Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long 2023"; lễ khánh thành cầu sông Ông Đốc; khởi công dự án đầu tư xây dựng nhà ở khu đô thị mới tại Phường 1, thành phố Cà Mau…
Phát biểu khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh, Cà Mau có vị trí địa lý rất đặc biệt mà không có địa phương nào có được, là vùng đất điểm đầu cực Nam của Tổ quốc, nằm ở trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á; thuộc hành lang phát triển kinh tế phía Nam của Chương trình hợp tác phát triển tiểu vùng Mekong mở rộng, có điều kiện thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế với các nước Đông Nam Á.
Cà Mau là tỉnh duy nhất của nước ta có 3 mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển 254 km, có ngư trường rộng lớn khoảng 80.000 km2, nguồn lợi thủy hải sản phong phú, có khu vực nuôi trồng thủy sản diện tích hơn 300.000 ha, sản lượng tôm lớn nhất nước, kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm, chủ yếu là xuất khẩu thủy sản. Cà Mau có điều kiện thuận lợi để phát triển thành trung tâm chế biến thủy sản, thực phẩm của vùng và cả nước.
Tỉnh có địa hình thấp và bằng phẳng, vùng biển rộng, với 3 cụm đảo gần bờ (Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc), nhất là cụm đảo Hòn Khoai nằm rất gần với đường hàng hải quốc tế, có nhiều nắng và gió, Cà Mau có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển năng lượng tái tạo, cảng biển tổng hợp.
Với độ che phủ rừng của 2 hệ sinh thái rừng mặn và ngọt, lớn nhất khu vực ĐBSCL; có 2 vườn quốc gia, có khu Ramsa, Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau, cùng với truyền thống lịch sử cách mạng và những lễ hội truyền thống dân gian đặc sắc, giúp tỉnh hội tụ nhiều giá trị, tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển, đảo, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng…
Thời gian qua, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong cả nước, sự đoàn kết, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh; tỉnh Cà Mau đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội.
Tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2023 ước đạt hơn 45.400 tỷ đồng, tăng 7,83%, vượt kế hoạch đề ra; GRDP bình quân đầu người ước đạt gần 70 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 24.000 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng: Khu vực ngư, nông, lâm nghiệp chiếm tỷ trọng 32,6% GRDP; công nghiệp-xây dựng chiếm tỷ trọng 30,6%; dịch vụ chiếm tỷ trọng 32,9%; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm chiếm tỷ trọng 3,9%. Số lượng doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh gần 5.000 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 61.790 tỷ đồng. Có 449 dự án đầu tư đang hoạt động, tổng vốn đăng ký đầu tư gần 145.000 tỷ đồng.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải phát biểu khai mạc lễ công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bí thư Nguyễn Tiến Hải cho rằng, Cà Mau có vị trí địa lý, địa chính trị thuận lợi nhưng vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn nhất trong khu vực ĐBSCL, do ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, sạt lở, sụp lún đất; cách xa các trung tâm kinh tế lớn; hạ tầng giao thông kết nối yếu kém; địa hình chia cắt bởi sông ngòi, kênh rạch chằng chịt; địa chất yếu; không có vật liệu xây dựng tại chỗ, dẫn đến suất đầu tư công trình, nhất là hạ tầng giao thông cao hơn nhiều so với các tỉnh lân cận. Cà Mau còn là tỉnh duy nhất trong khu vực không có nguồn nước ngọt bổ sung từ sông Mekong.
Đây là những "điểm nghẽn" ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Cà Mau trong thời gian qua. Những khó khăn này đã được tỉnh nhận diện và tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh đã đề ra những giải pháp thực hiện hết sức cụ thể và quyết liệt để khắc phục.
Bí thư Nguyễn Tiến Hải khẳng định, với những khó khăn nội tại, Cà Mau luôn nỗ lực thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng để tăng cường thu hút đầu tư, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu thực hiện. Tạo chuyển biến tích cực không chỉ ở những chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra mà chuyển biến cả ở tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cả hệ thống chính trị, bước đầu được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao.
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg, ngày 16/11/2023. Quy hoạch được phê duyệt là cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, hội nhập và đối ngoại trên địa bàn tỉnh; là căn cứ quan trọng để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, văn minh.
Cùng với đó, khai thác hiệu quả các trục tăng trưởng, hành lang kinh tế của tỉnh trong phát triển thương mại và dịch vụ logistic gắn với các chuỗi cung ứng; tăng cường liên kết, hợp tác giao thương, trung chuyển, kết nối thị trường hàng hóa của Cà Mau với cả vùng ĐBSCL và TPHCM. Phấn đấu đến năm 2030, Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, việc tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là vô cùng quan trọng, tạo điều kiện để các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và toàn thể nhân dân nắm được các nội dung cơ bản, cốt lõi của quy hoạch, từ đó thống nhất cao trong nhận thức và hành động để triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nội dung của quy hoạch, tạo ra nguồn lực mới, không gian mới, cơ hội phát triển mới, giúp cho tỉnh Cà Mau "cất cánh", trở thành một cực tăng trưởng của vùng ĐBSCL và xứng tầm là vùng địa đầu cực Nam của Tổ quốc.
"Tôi mong rằng, thông qua hội nghị này, sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm, lựa chọn và quyết định đầu tư tại tỉnh Cà Mau, vì lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp, đồng thời góp phần vào sự phát triển của tỉnh Cà Mau nói riêng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước nói chung. Tỉnh Cà Mau cam kết sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh", Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau nhấn mạnh.
Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu: Đến năm 2030, Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển; hệ sinh thái được bảo tồn, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.
Tầm nhìn đến năm 2050, Cà Mau là tỉnh kinh tế phát triển, xã hội văn minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa mang bản sắc của con người Cà Mau được giữ gìn và phát huy. Môi trường sinh thái, đa dạng sinh học được bảo vệ, bảo tồn. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, hạ tầng số phát triển đồng bộ, hiện đại. Chính trị, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Quy hoạch hướng tới xây dựng và phát triển tỉnh Cà Mau trở thành một trung tâm kinh tế biển của cả nước, trung tâm chế biến thủy sản; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng…
Nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Cà Mau là chủ động đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nguồn lực phát triển kinh tế biển, trọng tâm là đầu tư Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, Khu kinh tế Năm Căn, Đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau (sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt), năng lượng tái tạo; phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, du lịch, hạ tầng phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.