Tham dự có ông Nguyễn Văn Lợi - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh; ông Nguyễn Hoàng Thao - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Võ Văn Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo lập quy hoạch tỉnh, Tổ Giúp việc Ban chỉ đạo; lãnh đạo các sở, ban ngành, huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo Tổng công ty Becamex IDC; đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh.
Chuyển đổi mô hình hướng tới phát triển hài hòa, bền vững
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, ông Phạm Trọng Nhân – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, công tác xây dựng quy hoạch tỉnh đã trải qua gần 1/3 chặng đường. Trong 2 tháng qua, đơn vị tư vấn đã cùng với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thu thập dữ liệu hiện trạng, tổng hợp các ý tưởng, mong muốn, kỳ vọng và những định hướng chiến lược lớn của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành, địa phương trên toàn tỉnh. Từ đó xây dựng khung định hướng phát triển tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ông cho rằng, Hội thảo lần này có vai trò cực kỳ quan trọng, là cơ hội để bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện các định hướng chiến lược cũng như các kịch bản phát triển trong quy hoạch tỉnh, làm cơ sở pháp lý triển khai thực hiện cho cả một thời kỳ trung và dài hạn sắp tới.
Toàn cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, đơn vị tư vấn đã báo cáo: Định hướng khung chiến lược tích hợp và không gian động lực của tỉnh Bình Dương; đánh giá hiện trạng và định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong quy hoạch tỉnh; khung định hướng phát triển của tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.
Theo đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Bình Dương phát triển theo mô hình thành phố trực thuộc Trung ương, là cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Tỉnh sẽ đi đầu trong chuyển đổi mô hình phát triển, hướng tới các ngành công nghiệp hiện đại và dịch vụ chất lượng cao dựa trên hạt nhân là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh. Việc tổ chức phát triển đảm bảo phù hợp với điều kiện tự nhiên, tiềm năng, lợi thế và hiện trạng kinh tế - xã hội; phát triển kinh tế hài hòa với bảo vệ môi trường; chú trọng an sinh và công bằng xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ.
Đến năm 2050, Bình Dương là thành phố thông minh; trung tâm công nghiệp hiện đại; trung tâm dịch vụ chất lượng hàng đầu châu Á; là môi trường văn minh, đáng sống, thịnh vượng, bền vững; là một trong các địa phương đi đầu trong hoàn thành mục tiêu phát thải trung tính "Net-zero 2050".
Trên cơ sở đó, định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh dựa trên 3 trụ cột tăng trưởng (công nghiệp; dịch vụ; đô thị thông minh, sinh thái), 01 trụ cột an sinh xã hội (phát triển nông nghiệp bền vững, hữu cơ) cùng 6 yếu tố hỗ trợ: Nguồn vốn đa dạng, sử dụng hiệu quả; nguồn lực chất lượng cao; cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại; an sinh xã hội được đảm bảo; chính sách và thể chế đột phá; chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ.
PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục - Đại học Quốc gia Hà Nội báo cáo khung định hướng phát triển tỉnh Bình Dương tại Hội thảo
Với điều kiện hiện trạng của Bình Dương và định hướng liên kết vùng, đơn vị tư vấn đề xuất phương án tổ chức không gian lãnh thổ Bình Dương phát triển trở thành vùng đổi mới sáng tạo gồm 01 trục phát triển; 02 hành lang sinh thái; 03 vành đai liên kết; 04 phân vùng phát triển. Trong đó, phát triển theo trục Bắc Nam, lấy trục Quốc lộ 13, Bàu Bàng - Mỹ Phước - Tân Vạn; Cao tốc Chơn Thành – TP.Hồ Chí Minh; đường sắt Dĩ An – Lộc Ninh; đường sắt đô thị Suối Tiên – Bàu Bàng... làm trục liên kết, phát triển trục đô thị - công nghiệp - dịch vụ theo từng phân đoạn.
02 hành lang sinh thái gồm: Hành lang sinh thái phía Đông gắn với trục sông Đồng Nai và hành lang sinh thái phía Tây gắn với trục sông Sài Gòn và hồ Dầu Tiếng sẽ phát triển dựa trên bảo vệ và phát huy các giá trị sinh thái, phát triển các cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải đường thủy, phát triển các khu đô thị dịch vụ sinh thái, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, khu nông nghiệp sinh thái kết hợp hỗ trợ du lịch.
03 vành đai liên kết: Phát triển mở rộng không gian đô thị, chức năng và khung hạ tầng gắn với 03 vành đai liên kết của vùng TP.Hồ Chí Minh gồm: Vành đai 3, vành đai 4 và vành đai 5.
04 phân vùng phát triển gồm: Vùng đô thị trung tâm (TP.Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên) là nơi tập trung dân cư chủ yếu, phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại dịch vụ. Vùng đô thị vệ tinh (huyện Bàu Bàng) trọng tâm của vùng đổi mới sáng tạo, phát triển đô thị đầu mối phân phối lưu thông giữa Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, TP.Hồ Chí Minh. Tiểu vùng phía Đông Bắc (huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo): Phát triển kinh tế sinh thái, hỗ trợ phát triển công nghiệp, logistics ven tiểu vùng Trung tâm, kết nối Tây Nguyên với trục kinh tế Đông Nam Bộ, khai thác hành lang vận tải, sinh thái sông Đồng Nai. Tiểu vùng phía Tây Bắc (huyện Dầu Tiếng): Phát triển kinh tế sinh thái, du lịch ven sông Sài Gòn và hồ Dầu Tiếng, hỗ trợ phát triển công nghiệp, logistics ven tiểu vùng Trung tâm, kết nối Tây Nguyên –Tây Nam bộ , kết nối Tây Ninh - trục kinh tế Đông Nam bộ.
Tháo gỡ các "nút thắt"
Trên cơ sở đề xuất của đơn vị tư vấn, lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương đã đánh giá những điểm nghẽn, thách thức hiện tại và góp ý cụ thể về các chương trình phát triển đô thị, quy hoạch sử dụng đất, hệ thống giao thông kết nối, chuyển đổi các khu, cụm công nghiệp phía Nam của tỉnh cũng như các cơ chế, chính sách đặc thù, định hướng phát triển y tế, giáo dục của tỉnh…
Ông Võ Hoàng Ngân - Giám đốc Sở Xây dựng góp ý khung định hướng phát triển của tỉnh
Ông Võ Hoàng Ngân - Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, hầu hết các dự báo về dân số của đơn vị tư vấn đều thấp hơn so với dự báo của ngành Xây dựng. Do đó đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu kỹ về tốc độ đô thị hoá, quy mô dân số để tổ chức tái thiết không gian đô thị phù hợp trong giai đoạn tới. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, khai thác sâu về hệ thống giao thông kết nối không gian đô thị, xử lý tình trạng ngập nước, quy hoạch nghĩa trang, xử lý chất thải, nước thải, nhất là định hướng phát triển đô thị dọc sông Sài Gòn và sông Đồng Nai…
Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Becamex IDC góp ý khung định hướng phát triển của tỉnh
Theo các đại biểu, Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là kim chỉ nam cho các định hướng phát triển tiếp theo, đóng vai trò như "dây cương" để điều tiết, phân phối và kiểm soát sự phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu. Đồng thời, các định hướng chiến lược lớn trên tất cả các ngành, lĩnh vực cần phải được cụ thể hóa bằng các dự án động lực mang tính chiến lược, được thúc đẩy và đảm bảo thực hiện bằng nguồn lực và các chính sách được dự trù, tính toán trước. Quy hoạch tích hợp sẽ trở thành công cụ tháo gỡ các "nút thắt" hiện nay của tỉnh, đặc biệt trở thành công cụ điều hành để tỉnh vượt thoát bẫy thu nhập trung bình đầu tiên trong cả nước.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi trao đổi với đơn vị tư vấn
Kết luận Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến đóng góp tại Hội thảo, bám vào chỉ tiêu phát triển theo Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam bộ để xây dựng quy hoạch. Trong đó, tập trung hoàn thiện, làm rõ hơn nữa các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển của tỉnh, phải phấn đấu cao hơn mục tiêu của Vùng, đảm bảo thể hiện được tầm quan trọng và sự đóng góp của tỉnh trong sự phát triển chung của Vùng theo lộ trình cơ cấu lại nền kinh tế. Làm rõ các động lực phát triển một cách trọng tâm, không dàn trải; xây dựng chiến lược phát triển các địa phương phía Nam trở thành vùng trung tâm; dịch chuyển công nghiệp lên phía Bắc; nâng cấp đô thị… Các chiến lược phát triển phải được cụ thể hóa thông qua phân bổ không gian đô thị và các dự án hạ tầng cụ thể, đảm bảo tính khả thi và mang lại hiệu quả cao. Song song với phát triển kinh tế, cần có những hướng đi, giải pháp hữu hiệu trong phát triển văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống tinh thần cho người dân ngang tầm với phát triển kinh tế, để Bình Dương là một nơi đáng sống. Xây dựng và đề xuất Trung ương ban hành khung cơ chế, chính sách đặc thù cho địa phương để huy động nguồn lực tối đa đẩy nhanh tiến độ triển khai, đưa quy hoạch đi vào thực tế.