Diện tích nhà ở tối thiểu đạt 8,4 m2 sàn/người
Năm 2021, diện tích bình quân đầu người của toàn tỉnh đạt 30,3 m2 sàn/người, trong đó khu vực đô thị đạt 31,4 m2 sàn/người, khu vực nông thôn đạt 24,5 m2 sàn/người.
Tính đến thời điểm 31/12/2021, diện tích nhà ở tối thiểu trên địa bàn toàn tỉnh cơ bản đạt 8,4 m2 sàn/người. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít tại các địa phương và đặc biệt là các khu nhà ở trọ cho sinh viên, công nhân lao động chủ yếu trên địa bàn TP. Thủ Dầu Một, TP. Dĩ An, TP. Thuận An, TX. Tân Uyên, TX. Bến Cát và huyện Bàu Bàng, chưa đảm bảo diện tích nhà ở tối thiểu theo kế hoạch.
Tổng diện tích sàn nhà ở tăng thêm năm 2021 là 3.274.153 m2. Trong đó, nhà ở thương mại phát triển mới tăng thêm đã được chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2020 là 2.260.903 m2 sàn (tương đương với khoảng 12.638 căn); nhà ở xã hội và nhà ở tái định cư tăng thêm 63.250 m2; nhà ở dân tự xây tăng thêm, tính thêm giấy phép xây dựng được cấp khoảng 1,8 triệu m2 sàn, tuy nhiên, thực tế triển khai sau giấy phép năm 2021, đạt tỷ lệ khoảng trên 50%, tương đương 950.000 m2.
Nhìn chung, các chỉ tiêu về phát triển nhà ở năm 2021 đều chưa đạt kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chủ yếu do tác động rất lớn bởi đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong năm 2021 hết sức nặng nề. Các đợt phong tỏa, giãn cách xã hội, tạm ngưng các hoạt động xây dựng trên công trường, làm thiếu hụt nguồn lao động trong lĩnh vực xây dựng, đồng thời điều kiện kinh tế còn khó khăn làm hạn chế về tài chính cho phát triển các dự án mới cũng như hoạt động xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở của người dân trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, chính sách pháp luật về lĩnh vực nhà ở có sự thay đổi, điều chỉnh bởi Nghị định số 30/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ. Liên quan đến chủ trương dự án nhà ở, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư cũng tác động đến quá trình tham mưu ban hành chủ trương đầu tư dự án.
Mặt khác, do công tác quản lý xây dựng nhà ở khu vực đô thị còn khó khăn, vướng mắc, với tình trạng nhà ở xây dựng trái phép, không phép chưa thể xử lý triệt để. Nguyên nhân chính do ý thức của người dân còn hạn chế trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, mặc dù chưa đủ điều kiện để được cấp giấy phép xây dựng nhưng do nhu cầu về chỗ ở nên thực hiện xây dựng nhà ở không phép.
Chỉ tiêu sàn nhà ở năm 2022 đạt trên 4,4 triệu m2
Từ những tồn đọng chưa đạt được so với mục tiêu đề ra trong năm 2021, Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2022 điều chỉnh, bổ sung phù hợp đáp ứng điều kiện tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời phù hợp với các chỉ tiêu tại Quyết định số 2965/QĐ-UBND ngày 23/12/2021 của UBND tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đó, chỉ tiêu sàn nhà ở năm 2022 trên địa bàn tỉnh là 4.448.272 m2 , trong đó khu vực đô thị là 3.746.856 m2 và khu vực nông thôn là 701.416 m2. Qua đó, tăng tỷ lệ nhà chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị lên 30%.
Diện tích sàn nhà ở xã hội cho thuê năm 2022 phấn đấu đạt khoảng 80.000 m2 sàn, đáp ứng 20% diện tích sàn nhà ở xã hội cho thuê giai đoạn 2021-2025 là 400.000 m2 sàn.
Chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt khoảng 30,6 m2 sàn/người (đô thị đạt 31,6 m2 sàn/người, nông thôn đạt 25,2 m2 sàn/người). Đến năm 2025, phấn đấu chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt khoảng 31,5 m2 sàn/người (đô thị đạt 32,5 m2 sàn/người, nông thôn đạt 26,6 m2 sàn/người).
Theo mục tiêu của Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu năm 2022 đạt 8,8 m2 sàn/người; phấn đấu đến năm 2025, đạt 10 m2 sàn/người.
Đối với chất lượng nhà ở, phấn đấu trong năm 2022, nhà ở kiên cố và nhà ở bán kiên cố đạt tỷ lệ 99,2%; giảm tỷ lệ nhà ở thiếu kiên cố và nhà ở đơn sơ còn 0,8%.
Đồng thời, phấn đấu đến năm 2025, nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn tỉnh lên 65,0%; giảm tỷ lệ nhà ở thiếu kiên cố xuống còn 0,5%.
Đa dạng các loại hình nhà ở
Đối với định hướng phát triển nhà ở thương mại, tỉnh sẽ tập trung chủ yếu theo dự án, đa dạng các loại hình nhà ở, bao gồm nhà chung cư, nhà ở liên kế, biệt thự; khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp để phù hợp với thu nhập của một bộ phận người dân. Đầu tư trực tiếp thông qua huy động các nguồn đầu tư từ doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội, nguồn vốn vay và nguồn ngân sách địa phương.
Song song đó, kết hợp sử dụng nhiều hình thức kêu gọi đầu tư để đảm bảo nhu cầu về nhà ở và dãn dân, giảm tải lên hệ thống hạ tầng cho khu vực trung tâm hiện hữu, đặc biệt là khu trung tâm của TP. Thủ Dầu Một, TP. Thuận An, TP. Dĩ An.
Riêng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, các địa phương có khu công nghiệp đảm bảo các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa để tạo môi trường thuận lợi huy động, khuyến khích các doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia đầu tư nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp thông qua các chính sách ưu đãi về đất đai, quy hoạch, thuế, tài chính - tín dụng.
Đối với nhà ở cho người có thu nhập thấp khu vực đô thị, tập trung huy động nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, vốn vay, vốn huy động khác để thực hiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nhà ở xã hội. Ngoài ra, Nhà nước hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng, thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất... để thực hiện các dự án nhà ở xã hội tại khu vực đô thị.
Căn cứ suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở theo Quyết định số 65/QĐ-BXD ngày 20/01/2021 của Bộ Xây dựng và diện tích tăng thêm của các loại nhà ở trong năm 2022, dự báo nhu cầu nguồn vốn đầu tư nhà ở toàn tỉnh trong năm 2022 khoảng 22.838,72 tỷ đồng.