UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định về “Quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc tại khu vực các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội”.
c
Khu trung tâm chính trị Ba Đình là khu vực hạn chế phát triển trong Quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc tại khu vực các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Ảnh: VNN
Quy chuẩn này quy định các nội dung bắt buộc phải tuân thủ trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, tổng mặt bằng dự án đầu tư trên địa bàn 4 quận nói trên.
Bên cạnh đó, Quy chuẩn kỹ thuật cũng bao gồm các quy định kỹ thuật về quy hoạch không gian phân khu trong phạm vi 4 quận, phạm vi ranh giới các khu vực thuộc 4 quận. Yêu cầu về chỉ tiêu sử dụng đất; yêu cầu về các công trình dịch vụ - công cộng. Quy hoạch sử dụng đất tại các cơ sở công nghiệp, y tế, giáo dục, cơ quan sau khi di dời; quy hoạch sử dụng đất hỗn hợp.
Các quy chuẩn về kiến trúc cảnh quan, thiết kế đô thị gồm: Quy định về bán kính phục vụ các công trình dịch vụ, công cộng; quy định khoảng lùi công trình trên các tuyến đường; quy định về khoảng cách tối thiểu giữa các dãy nhà, công trình; quy định về mật độ xây dựng thuần; quy định về sử dụng vật liệu, trang trí mặt ngoài, mái công trình; quy định về quảng cáo, biển quảng cáo, biển hiệu.
Quy chuẩn về quy hoạch hạ tầng kỹ thuật gồm: Quy hoạch các công trình giao thông; công trình cấp, thoát nước; công trình cấp điện và chiếu sáng công cộng; công trình cấp xăng dầu và khí đốt; công trình thông tin liên lạc; công trình ngầm và công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm.
Đồng thời, Quy chuẩn kỹ thuật cũng bao gồm các nội dung về môi trường đô thị như nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp; quy hoạch hệ thống thu gom chất thải rắn; nhà vệ sinh công cộng; nghĩa trang, nhà tang lễ và thu gom chất hữu cơ.
Theo Quy chuẩn vừa được TP. Hà Nội ban hành, phạm vi ranh giới các khu vực thuộc quận Ba Đình gồm:
Trung tâm chính trị Ba Đình (khu A1)
Phạm vi ranh giới: Phía Bắc giới hạn bởi đường Thụy Khuê, Thanh Niên, Hồ Tây, đường Phan Đình Phùng và đường Hoàng Hoa Thám; phía Tây giới hạn bởi đường Ngọc Hà; phía Nam giới hạn bởi đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học và Sơn Tây; phía Đông giới hạn bởi đường Nguyễn Tri Phương và Điện Biên Phủ.
Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long (khu A2)
Bao gồm 2 khu vực có phạm vi, ranh giới: Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, diện tích 4,53ha. Phía Bắc giáp đường Hoàng Văn Thụ; phía Tây giáp đường Độc Lập và nhà Quốc hội; phía Nam giáp đường Bắc Sơn; phía Đông giáp đường Nguyễn Tri Phương.
Khu di tích Thành cổ Hà Nội, diện tích 13,85ha. Phía Bắc giáp đường Phan Đình Phùng; phía Tây giáp đường Hoàng Diệu; phía Nam giáp đường Điện Biên Phủ; phía Đông giáp đường Nguyễn Tri Phương.
Khu phố cũ (khu A4 thuộc quận Ba Đình), phạm vi ranh giới gồm: phía Đông giáp với khu vực phố cổ, phố cũ quận Hoàn Kiếm; phía Nam giáp khu vực hạn chế phát triển quận Đống Đa; phía Tây giáp đường Thanh Niên, Hoàng Diệu, Hùng Vương; phía Đông Bắc giáp đường Yên Phụ.
Mặc khác, Quy chuẩn cũng quy định rõ những khu vực hạn chế phát triển:
Khu vực hạn chế phát triển (Khu A7 thuộc quận Ba Đình)
Phạm vi, ranh giới gồm: Phần còn lại của khu vực nội đô lịch sử thuộc quận Ba Đình. Phía Đông giáp Khu trung tâm chính trị Ba Đình; phía Nam giáp khu vực hạn chế phát triển quận Đống Đa; phía Đông Bắc giáp khu vực ngoài đê quận Tây Hồ; phía Đông Nam giáp sông Hồng.
Khu vực hạn chế phát triển (Khu A7 thuộc quận Đống Đa)
Phạm vi, ranh giới gồm: Phía Đông giáp đường Lê Duẩn, Giải Phóng; phía Nam giáp đường Trường Chinh, Láng, Bưởi; phía Bắc giáp khu vực hạn chế phát triển thuộc quận Ba Đình và khu phố cũ quận Ba Đình.
Khu vực hạn chế phát triển (Khu A7 thuộc quận Hai Bà Trưng)
Phạm vi, ranh giới gồm: Phía Đông giáp đường Nguyễn Khoái; phía Bắc giáp khu vực nội đô mở rộng quận Hoàng Mai; phía Tây giáp đường Giải phóng, Lê Duẩn; phía Bắc giáp khu vực phố cũ quận Hai Bà Trưng.
Đồng thời, Quy chuẩn cũng xác định quy hoạch sử dụng đất phải ưu tiên quỹ đất cho việc bố trí các công trình dịch vụ-công cộng, đất cây xanh công viên và hạ tầng kỹ thuật đô thị bảo đảm tiếp cận dần đạt đến chỉ tiêu của các khu vực đô thị mới.
Ngoài ra, Quy chuẩn nêu rõ những khu vực không quảng cáo: Khu vực Quảng trường Ba Đình; Hồ Hoàn Kiếm và khu vực bao quanh hồ; Khu vực phố cổ; Các di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng; Trụ sở các cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp; Khu vực phạm vi hành lang an toàn đường bộ tại các vị trí giao lộ, vòng xoay.
Khu vực hạn chế quảng cáo: Khu vực Quảng trường 19/8 (Nhà hát Lớn thành phố), Quảng trường 1/5 (Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô); tuyến phố Tràng Tiền, Tràng Thi, Điện Biên Phủ (từ Hàng Bông đến Nguyễn Tri Phương), khu vực ngã 5 cửa Nam, khu vực mặt tiền ga Hà Nội. Trên mặt các hồ nước của Thành phố. Trên thân các cột đèn chiếu sáng đô thị.