Chương trình hành động của Bộ Xây dựng thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng
Ngày 25/01/2006 Bộ Xây dựng đã ra Quyết định số 163/QĐ-BXD Ban hành Chương trình hành động của Bộ Xây dựng thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng.
I. Mục đích của Chương trình hành động này như sau:
Tham nhũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thất thoát, lãng phí trong hoạt động xây dựng; đã trở thành nỗi bức xúc trong toàn xã hội, Quốc Hội đã quan tâm và có ý kiến trong nhiều kỳ họp; ngày 29 tháng 11 năm 2005 tại kỳ họp Quốc hội khoá XI đã thông qua Luật phòng chống tham nhũng, Luật có hiệu lực thi hành từ 1 tháng 6 năm 2006. Để đẩy lùi tình trạng lãng phí, thất thoát trong đầu tư xây dựng, thực hiện có hiệu quả Luật phòng chống tham nhũng trong tất cả các cơ quan, đơn vị trong ngành nhằm góp phần phát triển kinh tế đất nước.
II. Yêu cầu của Chương trình hành động:
a/ Thực hiện tốt Chương trình chống tham nhũng của Chính phủ đề ra; phối hợp tốt với các Bộ, Ngành để soạn thảo, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật phòng chống tham nhũng.
b/ Tổ chức rà soát hệ thống văn bản pháp luật về xây dựng và hệ thống văn bản pháp luật có liên quan để sửa đổi, bổ sung, ban hành hoặc kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành; nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về xây dựng, hạn chế tối đa tình trạng chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật.
c/ Tổ chức phổ biến tuyên truyền pháp luật về xây dựng, về phòng chống tham nhũng, các pháp luật có liên quan cho các tổ chức, cá nhân thuộc ngành xây dựng và các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xây dựng.
d/ Cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, các quy chế hoạt động, tài chính… các đơn vị, cơ quan thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở.
III.Nhiệm vụ cụ thể:
1. Đối với các Cục, Vụ, Thanh tra, Văn phòng Bộ:
Năm 2006 các Cục, Vụ, Thanh tra xây dựng, Văn phòng Bộ phải thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau đây:
a/ Thanh tra Xây dựng, Vụ pháp chế, Vụ Tổ chức phối hợp tốt với các Bộ, Ngành liên quan soạn thảo để ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật phòng chống tham nhũng. Phối hợp với Bộ Công an soạn thảo Thông tư liên tịch quy định các hành vi vi phạm trong hoạt động xây dựng phải bị truy tố theo pháp luật hình sự.
b/ Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các Cục, Vụ liên quan tiếp tục phổ biến giáo dục pháp luật về xây dựng, về thanh tra, về phòng chống tham nhũng và các văn bản pháp luật liên quan đến các đối tượng hoạt động xây dựng; rà soát hệ thống văn bản pháp luật về xây dựng hiện hành và các văn bản có liên quan để bổ sung, hoàn thiện hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung, hoàn thiện.
c/ Vụ Khoa học Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Cục, Vụ, Viện có liên quan rà soát, cập nhật tình hình áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng hiện hành và đề xuất sửa đổi hoặc ban hành mới quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, đáp ứng với tình hình phát triển của các lĩnh vực trong hoạt động xây dựng.
d/ Vụ Kinh tế tài chính chủ trì, phối hợp với Viện Kinh tế, các Cục, Vụ liên quan rà soát, cập nhật tình hình áp dụng hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật để sửa đổi, ban hành các định mức kinh tế - kỹ thuật, đáp ứng các yêu cầu trong hoạt động xây dựng.
đ/ Vụ Quản lý Kiến trúc - Quy hoạch chủ trì phối hợp với Viện Quy hoạch, các Cục, Vụ liên quan ban hành hướng dẫn thiết kế đô thị, quản lý kiến trúc; đôn đốc các địa phương thực hiện thiết kế đô thị; qui hoạch điểm dân cư nông thôn; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng không còn phù hợp với điều kiện thực tế.
e/ Vụ Kế hoạch Thống kê chủ trì phối hợp với các Cục, Vụ liên quan hướng dẫn và kiểm tra các doanh nghiệp thuộc Bộ, rà soát lại các dự án, kiên quyết cắt bỏ các dự án đầu tư không có hiệu quả; nghiên cứu phân bổ vốn đầu tư tập trung hoàn thành từng dự án theo thời gian quy định, chống đầu tư dàn trải.
g/ Vụ Xây lắp chủ trì phối hợp với Thanh tra xây dựng, các Cục, Vụ, các tổ chức có liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực của các nhà thầu xây dựng, năng lực các Ban quản lý dự án trên phạm vi toàn quốc theo quy định của Luật Xây dựng.
h/ Vụ Khảo sát thiết kế chủ trì phối hợp với Thanh tra xây dựng, Các Cục, Vụ, các tổ chức có liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực của các nhà thầu tư vấn xây dựng trên phạm vi toàn quốc theo quy định của Luật Xây dựng.
i/ Các Cục, Vụ, Thanh tra Xây dựng thực hiện tốt chương trình thanh tra, kiểm tra năm 2006 do Bộ trởng ban hành. Thực hiện đúng hạn và có chất lượng chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2006 do Bộ trưởng ban hành.
2. Đối với các Sở địa phương:
a/ Sở Xây dựng, Sở Kiến trúc quy hoạch, Sở Giao thông công chính theo chức năng nhiệm vụ của mình, phối hợp với các Cục, Vụ, Thanh tra Bộ Xây dựng thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Khoản 1.
b/ Tổ chức phổ biến giáo dục pháp luật về xây dựng, pháp luật về phòng chống tham nhũng, các pháp luật có liên quan tới các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý và liên quan đến hoạt động xây dựng.
c/ Công khai các thủ tục hành chính, kiểm tra tình hình thực hiện, công khai thủ tục hành chính trong việc cấp giấy phép xây dựng, chứng chỉ hành nghề kỹ sư, kiến trúc sư và các quy hoạch chi tiết đã đợc phê duyệt….
d/ Các Sở Xây dựng địa phương củng cố tổ chức Thanh tra xây dựng chuyên ngành, phê duyệt chương trình thanh tra, kiểm tra năm 2006, tập trung thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước do Trung ương và địa phương quyết định đầu tư trên địa bàn.
3. Đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc Bộ:
a/ Theo chức năng nhiệm vụ của mình, phối hợp với các Cục, Vụ, Thanh tra xây dựng thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công tại Khoản 1.
b/ Rà soát để sửa đổi, bổ sung các điều lệ, quy chế, quy định do cơ quan ban hành, đồng thời công khai cho toàn thể cán bộ công nhân viên thuộc đơn vị, cơ quan biết thực hiện.
4. Đối với Tổng Công ty, Công ty thuộc Bộ:
a/ Rà soát lại các dự án đã và chuẩn bị đầu tư, đình chỉ hoặc cắt bỏ các dự án đầu tư không có hiệu quả. Việc đầu tư các dự án mới phải cân đối được tài chính, tránh tình trạng trong đầu tư dàn trải, kéo dài.
b/ Củng cố, tăng cường lực lợng trong đơn vị để phù hợp với quy định của Luật Xây dựng.
c/ Rà soát sửa đổi các điều lệ, quy định do cơ quan ban hành để phù hợp với thực tiễn; công khai tài chính doanh nghiệp, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở.
Việc tổ chức thực hiện chương trình này như sau:
- Trên cơ sở các công việc phân công tại Khoản 1,2,3, của chương trình hành động; các Cục trưởng, Vụ trưởng, Chánh thanh tra được giao chủ trì, giám đốc các Sở Xây dựng, Sở Kiến trúc - quy hoạch, Sở Giao thông công chính, Thủ trưởng các đơn vị hành chính sự nghiệp, Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp thuộc Bộ có trách nhiệm cụ thể từng công việc phải làm theo chương trình, gửi về Thanh tra Bộ tổng hợp báo cáo Bộ trưởng, thời gian hoàn thành là 30/2/2006.
- Thanh tra Bộ làm đầu mối tổng hợp, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thực hiện chương trình này, định kỳ báo cáo Bộ trưởng.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ./.
Nguyễn Thị Đỗ Hạo