Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng
Đại hội của trí tuệ, đổi mới, đoàn kết và phát triển bền vững
Ngày 18/4, Đại hội Đại biểu toàn Quốc lần thứ X của Đảng đã khai mạc tại Hà Nội. Đây là Đại hội của trí tuệ, đổi mới, đoàn kết và phát triển bền vững, là niềm kỳ vọng của toàn bộ đảng viên và nhân dân cả nước.
Sau diễn văn khai mạc Đại hội của Chủ tịch nước Trần Đức Lương là Báo cáo của Ban Chấp hành BCH T.Ư khóa IX về các nội dung chủ yếu trong các văn kiện trình Đại hội do Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đọc, mang tiêu đề Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Tiếp đó, Đại hội đã nghe Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của BCH T.Ư Đảng khóa IX do UV Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn trình bày.
Sớm đưa đất nước ra khỏi
tình trạng kém phát triển
Đây là một trong những nội dung quan trọng trong Báo cáo mà Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trình bày trước Đại hội. Theo đó, giai đoạn 2006 - 2010 có ý nghĩa quyết định đối với việc hoàn thành Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm đầu thế kỷ XXI. Mục tiêu và phương hướng tổng quát của 5 năm 2006 - 2010 là: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, huy động và sử dụng tốt mọi nguồn lực cho CNH, HĐH đất nước; phát triển văn hoá; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; tăng cường quốc phòng và an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; tạo nền tảng để đến 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Theo Tổng Bí thư, Đại hội IX đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010 nhằm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Nay chúng ta nêu lên chữ sớm là thể hiện quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu chiến lược ấy trước năm 2010.
Tăng cường phòng chống
tham nhũng, lãng phí
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Tăng cường phòng ngừa và chống tham nhũng, lãng phí là đòi hỏi bức xúc của xã hội, là quyết tâm chính trị của Đảng ta, nhằm xây dựng một bộ máy lãnh đạo và quản lý trong sạch, vững mạnh, khắc phục một trong những nguy cơ lớn đe doạ sự sống còn của chế độ ta. Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, 5 năm qua, việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 lần 2 và kết luận của Hội nghị T.Ư 4 khoá IX trên lĩnh vực đấu tranh phòng và chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí… tuy đã đạt được một số kết quả, có tác dụng cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa, kiềm chế nhất định nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra, chưa ngăn chặn và đẩy lùi được các tệ nạn đó.
Chính vì thế, Tổng Bí thư khẳng định: Sắp tới, phải thi hành một cách kiên quyết và đồng bộ hệ thống các biện pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, bao gồm: Bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý kinh tế - tài chính, về thanh tra, kiểm tra; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp, tổ chức bộ máy gọn nhẹ; bảo đảm công khai, minh bạch các hoạt động kinh tế, tài chính trong các cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức. Khẩn trương và nghiêm chỉnh thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bổ sung, sửa đổi Luật Khiếu nại và tố cáo. Xử lý kiên quyết, kịp thời, công khai người tham nhũng bất kể ở chức vụ nào, đương chức hay đã nghỉ hưu, tịch thu, sung công tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng; xử lý nghiêm những người bao che cho tham nhũng, hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu khống, làm hại người khác; có cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; biểu dương, nhân rộng những gương cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.
Nâng cao năng lực lãnh đạo
và sức chiến đấu của Đảng
Khẳng định những kết quả tích cực mà Đảng ta đã kiên trì và nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ then chốt về xây dựng Đảng trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, Báo cáo của BCH T.Ư Đảng khoá IX cũng thẳng thắn chỉ ra rằng: Cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình trong các cơ quan, tổ chức Đảng, đảng viên chưa đạt yêu cầu đề ra. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, giáo điều, bảo thủ, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức còn diễn ra nghiêm trọng. Nhiều tổ chức Đảng cơ sở bị tê liệt, thiếu sức chiến đấu và không đủ năng lực lãnh đạo và chỉ đạo để giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh. Công tác tư tưởng còn nhiều bất cập và thiếu tính thuyết phục, tính chiến đấu.
Với cách nhìn thẳng vào sự thật như thế, Báo cáo chỉ rõ: Trong những năm tới, Đảng phải dành nhiều công sức để xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh về cả chính trị, tư tưởng và tổ chức... Trước hết, phải nâng cao bản lĩnh chính trị và trình độ trí tuệ của Đảng; Hai là kiện toàn và đổi mới hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên; Ba là, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, tăng cường quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra; Bốn là đổi mới tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ; Năm là, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đó tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.
Ngoài ra, có ba vấn đề lớn khác được đề nghị sửa đổi, bổ sung. Thứ nhất là cách diễn đạt về Đảng: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Thứ hai là bổ sung điều khoản bầu ủy viên T.Ư dự khuyết. Thứ ba là giao thêm chức năng giám sát cho cấp ủy Đảng và ủy ban kiểm tra các cấp.
Hai ngày đầu của Đại hội, có sáu bản văn kiện đã được chỉnh sửa xong và đã gửi đến các đại biểu về dự ĐH Đảng gồm: Báo cáo chính trị; Báo cáo phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010; Báo cáo công tác xây dựng Đảng; Báo cáo một số vấn đề về bổ sung và sửa đổi điều lệ Đảng; Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 lần 2 về xây dựng - chỉnh đốn Đảng và Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo của BCH T.Ư khóa IX. Tiếp đó, các đoàn đại biểu thảo luận sôi nổi tại đoàn về các văn kiện Đại hội X. Tại nhiều đoàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: Tăng tốc để phát triển và hội nhập; tăng trưởng kinh tế ổn định gắn liền với chính sách mới về an sinh xã hội; tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chấn hưng giáo dục; vấn đề phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân; vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân; vấn đề tập trung chống tham nhũng, quan liêu để củng cố niềm tin của nhân dân..
Nguồn tin: Báo Xây dựng số 32, ngày 20/4/2006