Bộ trưởng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Ngành Xi măng gặp nhiều thách thức
Tại buổi làm việc, báo cáo với Bộ trưởng và Đoàn công tác về kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm, kế hoạch quý IV/2022, Tổng Giám đốc VICEM Lê Nam Khánh nhấn mạnh: Ngành Xi măng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như giá nguyên nhiên liệu tăng cao, trong đó, than nhập khẩu tăng 95% trong 9 tháng đầu năm, hiện ở mức 496 USD/tấn; than trong nước của TKV tăng 3 lần, tổng cộng tăng 30 - 40% nhưng không có nguồn, bởi ưu tiên cho điện.
Không chỉ thiếu nguồn cung, giá tăng; việc sử dụng than cám phẩm cấp thấp hơn thiết kế khiến việc sản xuất xi măng thêm khó khăn. Tổng Giám đốc VICEM phân tích sâu: Các lò quay trước đây được thiết kế, lắp đặt để sử dụng than cám 3b,3c, có lò sử dụng than 3a, nhiệt trị 7.000 kcal. Nhưng nay nguồn than đó không còn; phải sử dụng than 4a, 4b, nhiệt trị thấp hơn yêu cầu thiết kế khiến vận hành lò thách thức, gây bết dính, định mức tiêu hao tăng lên, năng suất lò giảm đi do sử dụng than nhiệt trị thấp.
Theo ông Khánh, do nguồn cung xi măng lớn (107 triệu tấn/năm theo thiết kế; thực tế sản xuất lên đến 120 triệu tấn/năm), tiêu thụ nội địa đạt 63 - 65 triệu tấn nên cạnh tranh các thương hiệu xi măng ngày càng quyết liệt. Thị trường xuất khẩu gặp khó do nhập khẩu xi măng, clinker của Trung Quốc giảm (thực hiện chính sách “Zero Covid”); giá cước vận chuyển xi măng tăng cao...
Bên cạnh đó, người tiêu dùng trong nước có xu hướng dịch chuyển từ xi măng bao sang xi măng rời, nhà dân cũng tăng sử dụng bê tông tươi. Xu hướng này làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của các công ty thành viên VICEM, do giá trị thương hiệu chủ yếu gắn với xi măng bao.
Quyết liệt, chủ động, bám sát thị trường
Trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường xi măng; VICEM nhận diện sớm khó khăn, thách thức, chủ động, linh hoạt trong điều hành; tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên lao động toàn VICEM nỗ lực vượt khó. Ngoài đảm bảo than cho sản xuất; Ban lãnh đạo VICEM chỉ đạo các đơn vị thành viên bám sát thực tế diễn biến thị trường để điều hành sản xuất kinh doanh.
VICEM triển khai quyết liệt Chương trình đổi mới - sáng tạo, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sửa chữa, cải tạo, xử lý “nút thắt” dây chuyền, sử dụng hiệu quả tài nguyên, tăng cường sử dụng tro, xỉ, thạch cao nhân tạo, nhiên liệu thay thế như đốt rác và sử dụng bùn thải tại những đơn vị có ưu thế, nhằm giảm tiêu hao than và giảm chi phí biến đổi, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Một số đơn vị thành viên VICEM đẩy mạnh sử dụng rác, bùn thải làm nguyên nhiên liệu thay thế.
9 tháng đầu năm 2022, tổng khối lượng rác thải được sử dụng tại 4 đơn vị của VICEM (Bút Sơn, Hà Tiên, Hạ Long, Sông Thao) là 152.880 tấn, tương ứng tỷ lệ tiêu hao nhiệt bình quân là 21,06% theo sản lượng clinker thực tế khi đốt rác; sử dụng 89.216 tấn bùn thải, thay thế 6,29% sét; sử dụng 2,193 triệu tấn tro, xỉ làm phụ gia; tổng khối lượng thạch cao nhân tạo được sử dụng thay thế một phần thạch cao tự nhiên là 102.272 tấn, VICEM Hạ Long sử dụng 100% thạch cao nhân tạo.
Theo Tổng Giám đốc Lê Nam Khánh, ngoài ổn định nguồn than cho sản xuất, VICEM khuyến nghị đơn vị thành viên thực hiện các giải pháp về công nghệ, vận hành, sửa chữa, cải tạo, thay thế thiết bị đáp ứng việc sử dụng than phẩm cấp thấp, kiểm soát chất lượng nguyên, nhiên liệu đầu vào. Đồng thời, xây dựng các kịch bản, lựa chọn phương án chạy lò hiệu quả nhất; tăng sử dụng nguyên nhiên liệu thay thế trong sản xuất.
Điểm nổi bật đổi mới sáng tạo trong 9 tháng đầu năm 2022 là công tác sửa chữa, cải tạo chiều sâu, xử lý “nút thắt” để nâng năng suất lò nung của VICEM Hoàng Mai, mở ra bước ngoặt mới cho VICEM nói chung và VICEM Hoàng Mai nói riêng. Đây là chương trình đầu tiên do đội ngũ cán bộ kỹ thuật VICEM nghiên cứu, thiết kế và triển khai thực hiện, về tiến độ đã hoàn thành sớm hơn so với kế hoạch, chứng minh việc hoàn toàn làm chủ công nghệ, thiết bị sản xuất xi măng, khẳng định hiệu quả chủ trương đổi mới sáng tạo của VICEM.
Về lĩnh vực tiêu thụ, bám sát diễn biến thị trường để điều chỉnh giá bán xi măng linh hoạt theo từng địa bàn, chủng loại; đồng thời, xây dựng giải pháp trong chính sách bán hàng để tăng sản lượng, thị phần tiêu thụ xi măng trong nước.
Đạt kết quả tích cực
Có thể nói, ngành Xi măng đang đối mặt với khó khăn, thách thức chưa từng có từ trước tới nay. Nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ của Bộ Xây dựng, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ kịp thời của Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban Tổng Giám đốc Tổng công ty, cùng sự đoàn kết, nỗ lực vượt khó của toàn thể cán bộ công nhân viên và người lao động, VICEM đạt kết quả tích cực trong 9 tháng đầu năm 2022.
Cụ thể, sản lượng sản xuất clinker đạt 15,61 triệu tấn, tương đương 71,9% kế hoạch năm 2022; sản lượng sản xuất xi măng đạt 18,56 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021; tổng sản phẩm tiêu thụ đạt 20,88 triệu tấn, bằng 70,9% kế hoạch năm 2022, trong đó tiêu thụ xi măng (gồm xuất khẩu) đạt 18,5 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Lợi nhuận trước thuế đạt 1.452,8 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2021 và bằng 85,2% kế hoạch năm 2022. Nộp ngân sách 9 tháng năm 2022 của VICEM đạt 1.450 tỷ đồng, tăng 13,2% so cùng kỳ năm 2021 và bằng 76,6% kế hoạch năm 2022.
Ngoài thực hiện các thủ tục xin bổ sung quy hoạch, thăm dò phê duyệt trữ lượng, cấp phép, nâng công suất khai thác mỏ nguyên liệu của các đơn vị thành viên, VICEM đang đẩy mạnh đầu tư hệ thống tận dụng nhiệt khí thải phát điện.
Nỗ lực “chạy nước rút” cuối năm
Chỉ còn 2 tháng là kết thúc năm 2022, hiện VICEM và các đơn vị thành viên đang nỗ lực “chạy nước rút” trong quý IV, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm. Trong đó, mục tiêu quý IV, sản lượng sản xuất clinker đạt 5,6 triệu tấn; sản lượng sản xuất xi măng là 7,19 triệu tấn; tổng sản phẩm tiêu thụ đạt 8,35 triệu tấn.
Tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ, “chạy nước rút” về đích.
Kế hoạch cả năm 2022, ước sản lượng sản xuất clinker đạt 21,21 triệu tấn; sản lượng sản xuất xi măng đạt 25,74 triệu tấn, tăng 6,9% so với năm 2021 và bằng 99,5% kế hoạch năm 2022; ước tổng sản phẩm tiêu thụ đạt 29,23 triệu tấn, bằng 99,2% kế hoạch năm 2022; ước lợi nhuận trước thuế (chưa tính chênh lệch tỷ giá cuối kỳ) năm 2022 của VICEM đạt 1.706,7 tỷ đồng, bằng 100,1% kế hoạch năm 2022.
Kiến nghị các vấn đề
Trong những năm qua, với trách nhiệm là doanh nghiệp nhà nước, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam tập trung thực hiện nhiều giải pháp căn cơ, phù hợp để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao; xứng đáng là trụ cột, định hướng, dẫn dắt ngành Xi măng.
Ngoài tập trung sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước giao, tái cơ cấu toàn diện nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, làm chủ công nghệ, thiết bị sản xuất xi măng; VICEM còn được Chính phủ, Bộ Xây dựng giao tiếp nhận và tái cơ cấu 5 nhà máy của địa phương, các Tổng Công ty khác hoạt động chưa hiệu quả như: Xi măng Tam Điệp của tỉnh Ninh Bình, Xi măng Hoàng Mai của tỉnh Nghệ An, Xi măng Hải Vân của thành phố Đà Nẵng, Xi măng Hạ Long của Tổng Công ty Sông Đà và Xi măng Sông Thao của Tổng công ty HUD. Sau khi các nhà máy xi măng này được Chính phủ giao về VICEM tiếp nhận, quản lý, VICEM đã thực hiện tái cấu trúc toàn diện, từng bước hoạt động có hiệu quả.
Để VICEM ngày càng phát triển bền vững, vượt qua khó khăn thách thức, VICEM đề xuất kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, phê duyệt điều chỉnh và bổ sung vốn điều lệ của Công ty Mẹ - VICEM. Đồng thời, xem xét, phê duyệt: Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 của VICEM; Đề án tái cơ cấu lại VICEM giai đoạn 2021 - 2025... Sớm kiện toàn, bổ sung các chức danh thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Phó Tổng giám đốc VICEM theo quy định. Lãnh đạo VICEM kiến nghị Bộ xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ phương án tái cơ cấu Xi măng Hạ Long...
Đối với lô đất 10 E6 - Khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội; VICEM kiến nghị được tiếp tục đầu tư dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM; bởi trụ sở tại 228 Lê Duẩn, quận Đống Đa, Hà Nội hiện nay không đảm bảo diện tích, quy mô, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của cán bộ công nhân viên, không đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh của VICEM.
Rà soát kế hoạch, chiến lược, sản xuất gắn bảo vệ môi trường
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ đã trao đổi, giải đáp các vấn đề VICEM đang vướng mắc. Trong đó, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Đào Việt Dũng cho biết: Về việc phê duyệt vốn điều lệ, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, hiện đang chờ Bộ Tài chính cho ý kiến.
Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng Phạm Văn Bắc lưu ý, VICEM cần đẩy mạnh đầu tư dự án tận dụng nhiệt thừa phát điện; tiếp tục tăng sử dụng phụ gia trong sản xuất xi măng; đẩy mạnh sử dụng rác thải, bùn thải làm nguyên nhiên liệu thay thế...
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá cao kết quả sản xuất, kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân lao động toàn VICEM đã đạt được, trong bối cảnh khó khăn chung.
Theo Bộ trưởng, nước ta là quốc gia đang phát triển, quá trình phát triển còn dài và nhu cầu tiêu thụ xi măng còn lớn. Bộ trưởng lưu ý các doanh nghiệp sản xuất xi măng quan tâm đến bảo vệ môi trường, quá trình đầu tư xây dựng triển khai đúng quy định, chặt chẽ, không để xảy ra tiêu cực.
Bộ trưởng chỉ đạo: Thực hiện cam kết tại COP26, đến năm 2050 phát thải ròng của Việt Nam bằng 0. Do đó, ngành Xi măng nói chung và VICEM nói riêng cần có kế hoạch, chiến lược triển khai thực hiện quyết liệt nhiệm vụ này, giảm mức phát thải theo từng lộ trình cụ thể.
Bộ trưởng yêu cầu, VICEM rà soát lại các kế hoạch, chiến lược Tổng công ty; quy chế làm việc, phối hợp, phân công trách nhiệm rõ ràng, theo chức năng nhiệm vụ. Rà soát kịch bản kinh doanh từ nay đến cuối năm 2022, để có phương án cụ thể, trong đó đánh giá tính khả thi và có giải pháp triển khai phù hợp, bám sát thực tế diễn biến thị trường. Đồng thời chuẩn bị xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023.
Bộ trưởng tin tưởng, VICEM tiếp tục phát huy truyền thống, đoàn kết, nỗ lực quyết tâm cao hoàn thành nhiệm vụ năm 2022 và các năm tiếp theo. VICEM hoạt động hiệu quả đóng sẽ góp chung cho ngành Xây dựng và đất nước. Trong quá trình phát triển, có khó khăn, vướng mắc, VICEM kiến nghị; Bộ Xây dựng sẽ chỉ đạo kịp thời.