Ngày 28/6/2022, Bộ Xây dựng tổ chức Hội đồng Tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện Nhiệm vụ khoa học công nghệ “Nghiên cứu xây dựng hướng dẫn kỹ thuật an toàn và vệ sinh lao động trên công trường”, do Viện Công nghệ kỹ thuật xây dựng thuộc trường Đại học Xây dựng Hà Nội chủ trì thực hiện. Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Lê Minh Long - Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp
Báo cáo kết quả thực hiện, thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Trần Quang Dũng cho biết, hoạt động thi công xây dựng luôn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn lao động, ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động và cả cộng đồng. Đặc biệt, tại các khu vực đô thị, rất nhiều công trường xây dựng có vị trí tiếp giáp, sát cạnh đường giao thông công cộng, tạo nên thách thức lớn cho các nhà thầu trong việc thiết kế và triển khai các biện pháp kiểm soát rủi ro để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người lao động cũng như cộng đồng.
Để đảm bảo an toàn lao động quanh khu vực công trường, Mỹ đã ban hành tiêu chuẩn quốc gia “ANSI A10.34-2001- Tiêu chuẩn bảo vệ cộng đồng xung quanh khu vực xây dựng” vào năm 2004 (của Hiệp hội kỹ sư an toàn Hoa Kỳ). Ngoài ra, Tổ chức Công binh Lục quân Hoa Kỳ cũng đã ban hành “Sổ tay Yêu cầu về An toàn, sức khỏe lao động EM 385-1-1”, hướng dẫn toàn diện về an toàn tại nơi làm việc, gồm cả các yêu cầu để thực hiện cách ly hoạt động xây dựng với các hoạt động khác. Tại Anh, Cơ quan quản lý sức khỏe an toàn Vương quốc Anh dựa trên các quy định của pháp luật Anh quốc như Bộ luật Xây dựng 2007, Bộ luật Kiểm soát các chất gây hại cho sức khỏe 1999, Luật An toàn sức khỏe lao động 1974 đã đề ra hướng dẫn kỹ thuật “HSG 151- Bảo vệ cộng đồng khi thi công xây dựng” (2009).
Việt Nam hiện nay còn thiếu tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật đảm bảo an toàn và sức khỏe cho cộng đồng, xã hội. Do đó việc thực hiện đề tài là rất cần thiết.
Mục tiêu của đề tài nhằm xây dựng Hướng dẫn kỹ thuật an toàn và vệ sinh lao động đối với công trường xây dựng sát cạnh đường giao thông công cộng. Để thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã áp dụng đồng thời nhiều phương pháp khoa học khác nhau (kết hợp nghiên cứu lý thuyết với nghiên cứu thực nghiệm; nghiên cứu tài liệu trong và ngoài nước; khảo sát hiện trường, phỏng vấn chuyên gia); phối hợp chặt chẽ với các cán bộ của Phòng Quản lý an toàn lao động xây dựng, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), Công ty TNHH TECHCO INVEST và các đơn vị nhà thầu xây dựng để đánh giá chất lượng, độ tin cậy về nội dung của Hướng dẫn kỹ thuật.
Trong nội dung Hướng dẫn kỹ thuật, nhóm đề xuất các biện pháp kiểm soát rủi ro đối với từng công việc, tình huống cụ thể, như: khi thi công đào móng, hố, hào, rãnh sát cạnh đường giao thông công cộng; khi thi công trên cao sát cạnh đường giao thông, khu vực tập trung đông người; khi lắp dựng, tháo dỡ, và sử dụng giàn giáo công tác, thang, các thiết bị thi công trên cao khác sát cạnh đường giao thông công cộng; khi lắp dựng, vận hành, bảo trì và tháo dỡ cần trục; kiểm soát rủi ro khi sử dụng điện... Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra các lưu ý bổ sung để kiểm soát rủi ro khi thi công vào ban đêm; lưu ý bổ sung để kiểm soát rủi ro cho đối tượng cộng đồng đặc biệt như trẻ em, người già, người tàn tật và các định hướng kiểm soát rủi ro đối với các yếu tố độc hại (bụi; chất độc hại; ánh sáng, độ ồn, độ rung).
Tại cuộc họp, các chuyên gia phản biện và thành viên Hội đồng thống nhất với lý do, sự cần thiết thực hiện đề tài, đồng thời đánh giá cao công sức của nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Theo Hội đồng nhận xét, trong khuôn khổ thời hạn được giao, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành đầy đủ số lượng sản phẩm theo hợp đồng và đảm bảo chất lượng; hồ sơ nghiệm thu tuân thủ theo đúng trình tự thủ tục quy định hiện hành. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa chất lượng Báo cáo tổng kết và các sản phẩm nhiệm vụ, TS. Từ Đức Hòa (Hiệp hội tư vấn xây dựng Việt Nam) góp ý nhóm nghiên cứu cần bố cục Báo cáo tổng kết thành các chương; trong phần kỹ thuật đánh giá rủi ro nên nêu rõ hệ thống tình huống tai nạn có thể xảy ra cho cộng đồng và người lao động do công trình cạnh đường; sửa lại các phần viện dẫn cho chi tiết hơn. ThS. Lê Phú Hải (Công ty CP Kiểm định kỹ thuật, an toàn và tư vấn xây dựng) góp ý, trong mục khảo sát thực trạng cần bổ sung kết quả phân tích đánh giá kế hoạch kiểm soát nguy cơ do bụi, hơi, khói, ánh sáng, chất độc hại của các công trình cạnh đường; bổ sung nội dung theo quy định của Bộ Lao động thương binh và xã hội; rút ngắn báo cáo tổng kết, tập trung vào các công trình cạnh đường.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng Lê Minh Long tổng hợp các ý kiến đóng góp của các chuyên gia thành viên Hội đồng và đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, trong đó chú ý xem xét, đổi tên thành “Hướng dẫn kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động đối với công trường xây dựng cạnh đường bộ”; nêu đúng định nghĩa của các thuật ngữ theo văn bản pháp luật Việt Nam; chỉnh sửa lỗi chế bản trong báo cáo, sớm hoàn thiện các sản phẩm và trình lãnh đạo Bộ Xây dựng xem xét theo quy định.
Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng nhất trí bỏ phiếu nghiệm thu Nhiệm vụ, với kết quả đạt loại Xuất sắc.