Ngày 27/1/2021, Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng tổ chức họp đánh giá, nghiệm thu đề tài khoa học công nghệ “Nghiên cứu đánh giá thực trạng lũ khu vực ngập sâu tại Đồng bằng sông Cửu Long, tác động đến các chương trình, dự án cụm, tuyến dân cư và đê bao sản xuất”. Đề tài do nhóm nghiên cứu Viện Quy hoạch xây dựng Miền Nam thực hiện. Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc Trần Thu Hằng - Chủ tịch Hội đồng, chủ trì cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp
Trình bày lý do, sự cần thiết, mục đích của đề tài, ThS. KTS. Thái Linh cho biết: đề tài được thực hiện nhằm góp phần phòng chống thiên tai, hỗ trợ công tác quản lý các chương trình, dự án đầu tư xây dựng, ổn định sản xuất và đời sống xã hội của người dân vùng ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long.
Báo cáo tổng kết đề tài được bố cục thành 5 chương. Theo báo cáo, ngoài tổng quan các điều kiện tự nhiên, môi trường, tính chất, đặc điểm lũ vùng ngập sâu của Đồng bằng sông Cửu Long, xác định các yếu tố chính ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và các dự án, nhóm đề tài còn thực hiện nghiên cứu thực trạng lũ, đánh giá xu hướng biến đổi lũ tại khu vực ngập sâu của các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang thời gian qua; đề xuất các giải pháp quy hoạch xây dựng cụm, tuyến dân cư và đê bao chống lũ, hướng đến phát triển bền vững, thích ứng với điều kiện ngập lũ.
Để thực hiện đề tài, nhóm đã lập giả thuyết và kiểm tra giả thuyết dựa trên mô hình thủy văn; thu thập và phân tích tài liệu chuyên ngành, tổng hợp ý kiến chuyên gia và các nhà quản lý khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; chạy mô hình thủy văn qua các giai đoạn từ 1999 - 2019 dựa trên các điều kiện thủy văn của từng giai đoạn với tham số là các yếu tố của cụm, tuyến dân cư, đê bao sản xuất; so sánh số liệu thủy văn trong điều kiện không có các công trình chống lũ nhằm đánh giá mức độ chính xác của giả thuyết.
Theo đánh giá, hệ thống bờ bao, đê bao, kênh mương đã mang lại lợi ích nhất định cho khu vực Đồng Tháp Mười. Tuy nhiên, việc xây dựng đê bao, bờ bao chống lũ cũng tồn tại một số bất cập: phát triển đê bao đã vượt ngoài tầm kiểm soát, chưa tuân thủ theo quy hoạch đê bao của vùng và phụ thuộc vào từng địa phương. Việc phát triển đê bao, bờ bao chống lũ ngoài quy hoạch đã cản trở lũ, làm tăng thời gian ngập lũ và thay đổi dòng chảy lũ; hướng các tuyến đê bao xây dựng thường nằm vuông góc với dòng chảy lũ nên làm giảm khả năng thoát lũ. Như vậy, dòng chảy lũ sẽ tập trung chủ yếu trên sông Tiền, dẫn tới gia tăng chiều cao đê chống lũ cho một số đô thị, thành phố ở hạ lưu.
Bên cạnh đó, việc xây dựng đê bao, bờ bao chống lũ triệt để còn làm mất đi lượng phù sa bồi đắp từ sông Mekong, khiến đất đai trong các khu vực có đê bao ngày càng bị cằn cỗi, bạc màu, làm giảm năng lực điều tiết nước ngầm và tích trữ nước mặt của Đồng bằng sông Cửu Long. Những thay đổi này làm giảm dòng chảy cơ bản của các dòng sông, gia tăng xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt vào mùa khô.
Qua nghiên cứu, nhóm đề tài kiến nghị: việc phát triển hệ thống đê bao chống lũ ở các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là khu vực Đồng Tháp Mười cần được nghiên cứu, xem xét một cách khoa học và thận trọng. Những biến động của dòng chảy phía thượng lưu, nhất là hệ thống công trình thủy điện, thủy lợi và khai thác nước trên dòng chính Mekong đã ảnh hưởng nhiều tới vùng Đồng Tháp Mười. Do đó, cần có phương án tích trữ nước ngọt trong mùa lũ để cấp nước cho mùa khô.
Nhóm đề tài cũng cho biết: các nghiên cứu sâu hơn sẽ giúp đưa ra những đề xuất cụ thể về việc điều chỉnh quy hoạch, tổ chức không gian các cụm, tuyến dân cư, nhằm hình thành các mô hình thích hợp cho phát triển loại hình định cư này trong tương lai, hướng đến phát triển bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự nghiêm túc và tâm huyết của nhóm đề tài. Hồ sơ nghiệm thu đề tài đã tuân thủ theo đúng các trình tự, quy định hiện hành. Báo cáo tổng kết có hàm lượng thông tin đa dạng, được trình bày khoa học, logic, dễ hiểu.
Để nâng cao chất lượng báo cáo tổng kết và các sản phẩm đề tài, theo Hội đồng, cần rà soát, bố cục lại nội dung báo cáo tổng kết đảm bảo ngắn gọn, súc tích hơn. Trong đó, cần làm rõ hơn nữa đối tượng, phạm vi nghiên cứu của đề tài, tập trung vào khu vực ngập sâu của Đồng bằng sông Cửu Long; bổ sung phương pháp dự báo trong các phương pháp thực hiện đề tài; làm rõ những tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng như những hoạt động của con người tới tình trạng ngập lũ trong khu vực...
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng Trần Thu Hằng đề nghị nhóm đề tài tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia thành viên Hội đồng, sớm hoàn thiện đề tài, trình lãnh đạo Bộ Xây dựng xem xét, quyết định.
Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng nhất trí bỏ phiếu nghiệm thu đề tài, với kết quả xếp loại Khá.