Hội thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu ứng dụng xỉ lò cao vào sản xuất xi măng tại Việt Nam

Thứ hai, 24/04/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 19/4/2006 tại Hà Nội, Viện Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội thảo "Báo cáo kết quả nghiên cứu ứng dụng xỉ lò cao vào sản xuất xi măng tại Việt Nam". Tới dự Hội thảo có ông Tống Văn Nga - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, lãnh đạo và chuyên viên các Cục, Vụ, Trung tâm, Viện nghiên cứu, các trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Hội Vật liệu xây dựng, các đối tác, các ngành khác có liên quan...
Tại Hội thảo Tiến sỹ Thái Duy Sâm, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng Bộ Xây dựng khái quát về ngành công nghiệp sản xuất xi măng Việt Nam và vấn đề sử dụng xỉ lò cao trong xi măng. Công nghiệp xi măng có vai trò và vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Công nghiệp xi măng là một trong những ngành có tỷ trọng đóng góp cho ngân sách Nhà nước cao khoảng 4 - 4,5 triệu USD trên mỗi triệu tấn sản phẩm, cũng chính vì thế công nghiệp xi măng đã góp phần làm tăng trưởng nhanh tổng sản phẩm xã hội của Việt Nam. Việt Nam có đủ các điều kiện cần thiết để phát triển ngành công nghiệp sản xuất xi măng. Phương hướng đầu tư phát triển ngành công nghiệp xi măng Việt Nam được thể hiện qua "Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng đến năm 2020" đã được Chính phủ phê duyệt.
- Mục tiêu của ngành công nghiệp xi măng Việt Nam: Đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng xi măng trong cả nước cả về số lượng và chủng loại, có thể xuất khẩu khi có điều kiện; đưa ngành xi măng Việt Nam trở thành một ngành công nghiệp mạnh, có công nghệ hiện đại, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế trong tiến trình hội nhập.
- Đầu tư các dự án xi măng phải bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội, sản phẩm có sức cạnh tranh trong điều kiện hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, di tích lịch sử văn hoá, cảnh quan và an ninh, quốc phòng. Không đầu tư mới các nhà máy xi măng lò đứng, các trạm nghiền độc lập không gắn với cơ sở sản xuất clanhke trong nước.
- Sử dụng công nghệ tiên tiến, tự động hoá ở mức cao, tiết kiệm tối đa tài nguyên, khoáng sản và năng lượng, đa dạng hoá nguồn nguyên liệu, nhiên liệu cho sản xuất xi măng, trong đó sử dụng phế thải, phế liệu của các ngành công nghiệp khác. chuyển đổi dần công nghệ lò đứng sang lò quay và tiến tới loại bỏ công nghệ xi măng lò đứng trước năm 2020.
Tiến sỹ. Lương Đức Long - Phó Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng giới thiệu các tính chất của xi măng, bê tông sử dụng xỉ hạt lò cao và tiêu chuẩn xi măng xỉ hạt lò cao.
Xỉ gang thép là sản phẩm phụ thu được trong quá trình sản xuất gang, thép. Xỉ gang xỉ lò cao được tạo ra trong quá trình sản xuất gang bằng lò cao. Xỉ lò cao là một loại phụ gia tốt, thân thiện với môi trường, đã và đang được sử dụng trong ngành công nghiệp sản xuất xi măng của nhiều nước trên thế giới. Xỉ lò cao làm phụ gia và nguyên liệu sản xuất xi măng ở Việt Nam đóng góp cho việc đa dạng hoá chủng loại sản phẩm xi măng, phát triển một loại vật liệu xây dựng mới là xi măng xỉ lò cao với những đặc tính kỹ thuật ưu việt như cường độ dài ngày cao, toả nhiệt thấp, có khả năng chống ăn mòn của muối, chống lại phản ứng alkali..., rất thích hợp với các công trình bê tông khối lớn như đập thuỷ điện, thuỷ lợi, công trình hạ tầng ven biển và các công trình có tuổi thọ cao...
Do xỉ lò cao đã được nung trong quá trình luyện thép nên chỉ cần qua công đoạn nghiền và trộn với clinker là đã có được sản phẩm xi măng. Vì vậy, sử dụng xỉ lò cao như một phụ gia xi măng giúp tiết kiệm được năng lượng điện, giảm khí thải CO2 vào môi trường. Sử dụng xỉ thay thế một phần clinker còn giúp tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm ngoại tệ vì giá xỉ rẻ hơn giá clinker. Đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu xi măng của Việt Nam tăng mạnh trong khoảng 10 năm tới, sử dụng xỉ lò cao có thể là một giải pháp tốt giúp tăng sản lượng xi măng mà không cần phải xây dựng thêm nhà máy hoặc đầu tư thêm thiết bị.
ThS. Nguyễn Văn Đoàn - Viện Vật liệu xây dựng trình bày tác động của xỉ hạt lò cao XHLC đến môi trường. Các kết quả nghiên cứu trên thế giới cho thấy, XHLC không gây nguy hại đến môi trường. Điều này thể hiện rõ qua việc rất nhiều nước trên thế giới, kể cả các nước phát triển và các nước trong khu vực Đông Nam á, cho phép sử dụng XHLC làm VLXD, với mức độ sử dụng và mua bán giữa các nước ngày càng tăng. Các yếu tố có thể gây nguy hại như cường độ tiếng ồn, nồng độ bụi và khí độc hại phát sinh khi sản xuất xi măng xỉ đều nằm trong giới hạn cho phép của các tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam. Quá trình sản xuất xi măng xỉ không gây tác động xấu đến sức khoẻ con người và môi trường xung quanh khu vực sản xuất.
Tiến sỹ Chikada Hiệp hội Xỉ Nhật Bản đánh giá rất cao về sự thành công lớn của dự án nghiên cứu xỉ của Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng. Trong tương lai gần xi măng xỉ sẽ được sử dụng cho nhiều chủng loại bê tông ở Việt Nam.
Việc sử dụng XHLC trong sản xuất xi măng tại Việt Nam sẽ phát triển như đã và đang phát triển ở các nước khác trên thế giới./.

Lương Thuỷ
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)