Vậy là 1.000 ngày đã qua, vùng lèn đá heo hút và thâm u Tiến Hoá đã được đánh thức bởi một nhà máy xi măng tầm cỡ trong cả nước. Đây không chỉ là công trình trọng điểm của TCty Xây dựng Miền Trung mà còn của tỉnh Quảng Bình với số vốn đầu tư được coi là kỷ lục trên địa bàn: 3.200 tỷ đồng, tương đương với số ngân sách của huyện Tuyên Hoá nơi nhà máy xi măng đứng chân trong 1.000... năm tính tại thời điểm nhà máy khởi công tháng 1/2002.
Một góc nhà máy. Ảnh: H.G
Dự án Nhà máy Xi măng Sông Gianh là công trình thuộc nhóm A đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho một TCty 90 TCty Xây dựng Miền Trung làm chủ đầu tư, đồng thời lần đầu tiên tổ chức tư vấn thiết kế Việt Nam đảm nhận 100% thiết kế xây dựng. Đây cũng là dự án được Chính phủ cho áp dụng cơ chế đặc thù sử dụng nguồn vốn của Chính phủ từ Quỹ hỗ trợ phát triển và nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại trong nước mà không yêu cầu chủ đầu tư phải có vốn tự có.
Từ ngày đặt mũi khoan đầu tiên vào nòng đất để xử lý nền móng công trình tháng 7/2003 đến nay, các đơn vị thi công đã không quản thời tiết nắng mưa khắc nghiệt, lũ lụt thất thường của vùng miền núi Tuyên Hoá, hoàn thành tiến độ các hạng mục công trình. Trong đợt thi đua nước rút 56 ngày đêm từ tháng 8 - 10/2005, trên công trường liên tục hoạt động 3 ca với một lực lượng gần 1.500 cán bộ, chuyên gia, công nhân lao động. Còn nhớ hôm lắp các xi-lô, nhiều thợ lắp máy của LILAMA đã phải làm việc tăng ca trong cái nắng đổ lửa của mùa hè ở Quảng Bình. Để đưa nhà máy khổng lồ với hàng vạn thiết bị máy móc hiện đại, phức tạp vào vận hành đồng bộ đòi hỏi người thợ lắp máy phải cẩn trọng từng động tác, từng chi tiết thiết bị, máy móc. Anh Lê Văn Quang, một kỹ sư trẻ phụ trách khâu lắp đặt hệ thống xi-lô lò quay tâm sự rằng, đã hai cái Tết rồi anh ở lại ăn tết tại công trường nhà máy. Tết năm ngoái đơn vị anh chỉ được nghỉ 2 ngày, lại bắt tay vào làm việc. Chính sự nỗ lực của Quang và các cộng sự, cùng với nhiều đơn vị khác mà tiến độ của nhà máy được bảo đảm; thậm chí cả trong lúc gặp những bất lợi như thi công phần móng địa chất công trình gặp lớp đá cát kết hoặc sự tăng đột biến giá sắt thép xây dựng…
Công bằng mà nói, Quảng Bình có thế mạnh nổi trội về công nghiệp khai khoáng. Trong đó, trữ lượng khoáng sản lớn nhất là đá vôi, mà đá vôi ở Quảng Bình có hàm lượng CaO rất cao. Nhiều mỏ có trữ lượng hàng trăm triệu tấn. Sau đá vôi phải kể đến đất sét, rất mịn hạt và dẻo… Tiềm năng lớn là vậy nhưng ngành công nghiệp khai khoáng Quảng Bình hãy còn như mới sơ khai. Đá vôi dồi dào như thế, nhưng cách đây, hơn chục năm mới có dây chuyền sản xuất xi măng lò đứng, công suất lớn nhất là 8,2 vạn tấn/năm. Việc Nhà máy Xi măng Sông Gianh ra đời với công suất 1,4 triệu tấn/năm sẽ là "đầu tàu" của nền công nghiệp khai thác Quảng Bình, từng bước khai thác có hiệu quả thế mạnh còn bị bỏ quên ấy.
Trước dự án xây dựng Nhà máy Xi măng Sông Gianh, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã nghĩ đến việc xây dựng một nhà máy xi măng hiện đại ở phía Bắc tỉnh có tên là Thanh Hà đặt bên cạnh QL1A để tiện cho việc vận chuyển sản phẩm đi tiêu thụ. Nhưng sự toan tính ấy thời điểm đó khó được chấp nhận bởi đặt nhà máy gần đường đi tiêu thụ nhưng xa vùng nguyên liệu tới 30km, lại khó khăn về đường vận chuyển. Đành thôi. Bây giờ, Nhà máy Xi măng Sông Gianh được xây dựng ngay trên vùng đá vôi Tiến Hoá. Đá vôi được đưa vào lò bằng băng tải, và sản phẩm sau khi đóng gói hoàn thiện được đưa trở ra cũng bằng băng tải để xuống sà lan mang về cảng Gianh đưa đi tiêu thụ, cũng có thể vận chuyển xi măng bằng đường bộ theo QL1A để vào Nam ra Bắc.
Trở lại với không khí lao động trên công trường xây dựng Nhà máy Xi măng Sông Gianh những ngày đầu năm thật rộn rã. Những phần việc cuối cùng đang được hoàn tất. Theo Chủ tịch HĐQT Trần Xuân Đính, để có được nhà máy xi măng này phải trải qua gần 1/4 thế kỷ. Ông cho biết, ngay sau ngày đất nước thống nhất, nhận thấy tiềm năng về sản xuất xi măng ở Quảng Bình là rất lớn, Chính phủ đã cho phép Bộ Xây dựng lập dự án đầu tư xây dựng một nhà máy xi măng ở đây. Có nhiều đơn vị ở Trung ương, các TCty lớn đã đến Quảng Bình thăm dò khai thác, thế nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà chẳng có đơn vị nào lập dự án đầu tư. Tỉnh Quảng Bình đã thành lập một tổ công tác để xúc tiến đầu tư dự án xi măng. Cho tới năm 2002, TCty Xây dựng Miền Trung đã mạnh dạn gánh vác trọng trách đó, và Nhà máy Xi măng Sông Gianh 1,4 triệu tấn/năm ra đời.
Trước thềm xuân mới, tất cả các cán bộ, chuyên gia và công nhân lao động ở Nhà máy Xi măng Sông Gianh đang hồi hộp đón chờ mẻ xi măng mang tên dòng sông Gianh lịch sử ra lò. Sức xuân đang hiển hiện trên gương mặt những người thợ Nhà máy Xi măng Sông Gianh - Quảng Bình.
Theo Chủ tịch HĐQT TCty Xây dựng Miền Trung Trần Xuân Đính thì đầu năm Bính Tuất này, Nhà máy Xi măng Sông Gianh đi vào sản xuất sẽ lập kỷ lục về thời gian xây dựng nhà máy xi măng cùng loại nhanh nhất Việt Nam hiện nay.
Nguồn tin: Báo Xây dựng, số 11, ngày 07/02/2006