Tên đề tài: Xác định tính năng của bể xử lý nước thải theo từng mẻ kế tiếp
Mã số đề tài: RD - 36
Chủ nhiệm đề tài: KS. Nguyễn Thị Thuỳ Trang, KS. Lê Thị Kim Liên.
Cơ quan chủ trì thực hiện: Công ty tư vấn cấp thoát nước số 2.
Địa chỉ tài liệu: KQNC.000766. Thư viện KHCN - Bộ Xây dựng.
Mục tiêu đề tài:
Nước ta đang trong quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá phát triển kinh tế. Việc phát triển công nghiệp sẽ đi kèm với việc gia tăng nhu cầu dùng nước và lượng nước thải tạo ra. Hiện nay ở TP.Hồ Chí Minh hầu hết nước thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp do Trung ương và địa phương quản lý chưa có hệ thống xử lý nước thải hoặc xử lý rất sơ bộ, sau đó thải thẳng ra đường cống thoát nước chung của cả thành phố hoặc kênh rạch, gây tác hại tới sức khoẻ con người và huỷ hoại môi sinh.
Trước tình hình trên đã có một số đề tài được thực hiện, đặt trọng tâm khảo sát thực trạng ô nhiễm và nghiên cứu biện pháp xử lý nước thải của mỗi ngành riêng biệt. Tuy nhiên, trong phần nghiên cứu của đề tài này chú trọng đến phương pháp xử lý nước thải bằng vi sinh theo từng mẻ liên tục, nhằm khai thác ưu điểm hấp thụ thức ăn của vi sinh cao ở mức đáng ngạc nhiên và chính khả năng này làm cho vi sinh trở thành phương tiện đắc lực để xử lý nước thải có hiệu quả nhất. đây là công nghệ tiên tiến, có phạm vi ứng dụng rộng rãi, thích hợp cho nhiều loại hình công nghiệp mà trong nước thải có chứa các thành phần hữu cơ dễ ôxy hoá, sinh hoá và nhiều chất dinh dưỡng có nitơ, phốt pho.
Quy trình đơn giản nhất của phương pháp là sử dụng một bể phản ứng trong đó có thể tạo nhiều loại môi trường cho các loài vi sinh tăng trưởng, phát triển bằng cơ chế hấp thụ và tiêu hoá chất hữu cơ có trong nước thải. Các chất cacbon, nitơ, phốt pho từ dạng hoà tan trong nước sẽ chuyển hoá vào sinh khối vi sinh. Khi lớp bùn hoạt tính lắng xuống sẽ còn lại lớp nước trong đã tách lớp ô nhiễm. Chu kỳ xử lý trên lại tiếp tục cho một mẻ nước thải mới.
Ưu điểm của phương pháp này là: Hiệu quả xử lý tốt; Tốc độ xử lý nhanh; Dùng vi sinh chuyên biệt tương ứng với yêu cầu xử lý của từng nguồn nước thải khác biệt; Không dùng hoá chất.
Đề tài được tiến hành nghiên cứu nhằm vào mục tiêu chính sau: Trên cớ sở đánh giá khả năng ứng dụng của phương pháp xử lý nước thải bằng vi sinh theo từng mẻ liên tục cho các loại hình nước thải. Dựa vào nghiên cứu động học các quá trình xử lý cơ bản trong điều kiện phòng thí nghiệm và trên mô hình, sẽ đề xuất các thông số thiết kế bể bằng vi sinh theo từng mẻ liên tục. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của đề tài còn được dùng để tính toán hệ thống xử lý nước thải cho một trường hợp cụ thể là Nhà máy sữa Trường Thọ.
Nội dung đề tài:
Để đạt được các mục tiêu đề ra, đề tài đã tiến hành các nội dung chính sau đây:
Nghiên cứu sơ bộ lý thuyết, thu thập các phương án xử lý nước thải bằng vi sinh ở trong và ngoài nước.
Khảo sát hiện trạng sản xuất và hiện trạng ô nhiễm của nước thải Nhà máy sữa.
Nghiên cứu động học quá trình xử lý nước thải ngành công nghiệp sữa phục vụ cho tính toán thiết kế công nghệ thích hợp và khả thi.
Đánh giá hiệu quả của công nghệ nghiên cứu thực nghiệm và khả năng áp dụng vào thực tế.
Kết quả đề tài:
Đề tài đã thực hiện các công tác thí nghiệm để xác định thành phần, tính chất nước thải sữa và đưa ra quy trình xử lý. Với quy trình này có thể sử dụng các nhóm vi khuẩn đặc chủng của nước thải đó để xử lý nước thải và giảm chi phí đầu tư và chi phí vận hành trong các công trình xử lý nước thải.
Các định được chủng loại vi khuẩn xử lý nước thải sữa.
Đề tài đã đưa ra một số thông số thiết kế cụ thể để xử lý nước thải sữa.
Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể được ứng dụng để thiết kế các công trình xử lý nước thải sữa và nước thải của các nhà máy chế biến thực phẩm cùng loại với nhà máy sữa.
Thư viện Bộ Xây dựng