Thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất

Thứ ba, 25/10/2022 15:45
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 25/10/2022, Bộ Xây dựng đã có công văn 4779/BXD-HĐXD gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng

Căn cứ Hồ sơ gửi kèm Văn bản số 6103/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 30/8/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì Dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất được đề xuất điều chỉnh với nội dung chủ yếu sau: Nâng công suất của Nhà máy từ 148.000 thùng/ngày lên 171.000 thùng/ngày; điều chỉnh tiến độ thực hiện, diện tích sử dụng đất, .. quy mô đầu tư xây dựng của dự án với tổng vốn đầu tư dự kiến 1.256.918.758 USD. Việc điều chỉnh Dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất cần đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển ngành dầu khí, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch khác có liên quan.

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng Dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất thì quy mô đầu tư xây dựng điều chỉnh của dự án bao gồm bổ sung và nâng cấp các phân xưởng công nghệ, công trình phụ trợ của nhà máy. Do vậy, các công trình này cần được thuyết minh sơ bộ về đầu tư xây dựng các hạng mục công trình, bổ sung về chỉ tiêu quy hoạch xây dựng (diện tích xây dựng, số tầng, diện tích sàn, chiều cao công trình, ..) để có cơ sở kiểm soát về quy mô và các giải pháp xây dựng. Đồng thời các bản vẽ thiết kế sơ bộ cần được rà soát, bổ sung và hoàn chỉnh đảm bảo các quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Thuyết minh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng Dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất cần được bổ sung sơ bộ danh mục quy chuẩn, tiêu chuẩn của dự án, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất áp dụng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng trong quá trình lập dự án, thiết kế xây dựng công trình. Việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn xây dựng cần đảm bảo tính đồng bộ, tính khả thi của hệ thống tiêu chuẩn được áp dụng; tuân thủ quy định tại Điều 6 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, Điều 8 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng Dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất cần được rà soát, hoàn chỉnh đảm bảo nội dung đã được quy định tại khoản 10 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; khoản 2 Điều 9 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Về quản lý chi phí đầu tư xây dựng

Cơ sở pháp lý về quản lý chi phí đầu tư áp dụng cho Dự án: Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án được xác định theo quy định của Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và các Thông tư hướng dẫn.

Dự án được Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phê duyệt tại Quyết định số 9016/QĐ-DKVN ngày 22/12/2014 theo quy định về quản lý chi phí của Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009; được phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu năm 2015 (QĐ 2582/QĐ-DKVN ngày 20/4/2015); được Bộ Công thương thẩm định thiết kế FEED và dự toán năm 2018 (văn bản số 2297/BCT-DKT ngày 28/3/2018).

Vì vậy, đề nghị Chủ đầu tư rà soát quá trình thực hiện Dự án, các quy định chuyển tiếp của các văn bản pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng từ khi Dự án được phê duyệt đến thời điểm hiện tại để xác định các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng áp dụng cho Dự án đảm bảo phù hợp với điều kiện cụ thể của Dự án. Trường hợp việc thay đổi chủ trương (thay đổi công nghệ chính) của Dự án khi Dự án mới trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, Chủ đầu tư xem xét, đánh giá và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc áp dụng quy định của pháp luật để lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng cho phù hợp.

Về các khoản mục chi phí trong sơ bộ tổng mức đầu tư: Theo hồ sơ kèm theo, Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn căn cứ theo các chi phí, đơn giá, suất chi phí đầu tư đã được lập, thẩm định tại bước thiết kế FEED để làm cơ sở xác định sơ bộ tổng mức đầu tư. Vì vậy, Chủ đầu tư cần lưu ý về mức độ chi tiết của thiết kế sơ bộ để đảm bảo đủ cơ sở xác định khối lượng tương ứng với các đơn giá, suất chi phí đầu tư sử dụng để xác định sơ bộ tổng mức đầu tư. Ngoài ra, Chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn rà soát một số nội dung sau để hoàn thiện sơ bộ tổng mức đầu tư:

Chi phí quản lý dự án (từ thời điểm 2022) xác định theo dự toán cao hơn khoảng 2.84 lần so với giá trị xác định theo định mức tỷ lệ quy định tại Thông tư số 12/2021/TT-BXD. Đề nghị Chủ đầu tư xem xét, làm rõ những nội dung đặc thù trong công tác quản lý dự án để xác định cho phù hợp.

Trước khi điều chỉnh chủ trương đầu tư, Dự án đã được triển khai đến bước thiết kế FEED từ năm 2018. Vì vậy trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi, Chủ đầu tư cần đánh giá các khối lượng công việc đã thực hiện và việc sử dụng các sản phẩm đã nghiên cứu của Dự án trong các giai đoạn trước để xác định các chi phí tư vấn chuẩn bị đầu tư của Dự án điều chỉnh cho phù hợp.

Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn rà soát các chi phí xác định theo định mức tỷ lệ % đảm bảo phù hợp với quy định; trong đó lưu ý: (1) Chi phí tư vấn quản lý dự án được trích từ chi phí quản lý dự án, vì vậy đề nghị làm rõ cơ sở xác định chi phí tư vấn quản lý dự án (1,2% tổng chi phí xây dựng+thiết bị) trong khi chi phí quản lý dự án đã cao hơn định mức; (2) làm rõ cơ sở xác định chi phí thiết kế chi tiết với tỷ lệ 10% tổng chi phí xây dựng và chi phí thiết bị; (3) xác định chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán phù hợp với trường hợp đã thuê kiểm toán; (4) giảm trừ phí thẩm định thiết kế cơ sở (đã tính trong phí thẩm định dự án).

Theo hồ sơ trình thẩm định, mức độ biến động giá sử dụng để quy đổi chi phí đầu tư từ thời điểm lập thiết kế FEED (năm 2017) về thời điểm lập sơ bộ tổng mức đầu tư điều chỉnh (Quý IV năm 2021) là khoảng 22,8%; bên cạnh đó thị trường xây dựng trong nước thời gian qua cũng có mức biến động giá tương đối lớn. Vì vậy, đề nghị Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn xem xét, đánh giá kỹ lưỡng mức chi phí dự phòng trượt giá (hiện đang tính bằng khoảng 5.8% tổng mức đầu tư cho thời gian 5 năm thực hiện dự án) đảm bảo phù hợp với thời gian thực hiện Dự án, mức độ biến động của thị trường trong nước và thế giới, đảm bảo tính khả thi của dự án.

Dự án được xác định trên cơ sở một số thông số chi tiết đã lập trong giai đoạn thiết kế FEED năm 2017. Trong giai đoạn tiếp theo, đề nghị Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn đánh giá kỹ lưỡng các nội dung thay đổi về công nghệ, thay đổi về thiết kế cho phù hợp với quy mô đầu tư điều chỉnh để xác định các chi phí, xác định mức tỷ lệ dự phòng khối lượng cho phù hợp.

Về việc xử lý các chi phí đã thực hiện: Đối với các chi phí đã thực hiện trước khi điều chỉnh Dự án, về nguyên tắc đây là các chi phí phục vụ cho Dự án đã được phê duyệt, vì vậy Chủ đầu tư xem xét, tính toán các chi phí này trong sơ bộ tổng mức đầu tư điều chỉnh của Dự án. Riêng đối với chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, việc Chủ đầu tư phân bổ trên diện tích đất sử dụng cho dự án sau điều chỉnh cơ bản là phù hợp.

Nội dung chi tiết xem tệp đính kèm:
BXD_4779-BXD-HDXD_25102022.pdf
 

Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 4779/BXD-HĐXD.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)