(i) Quy hoạch chung xây dựng sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt có bắt buộc phải thực hiện theo cấp độ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu rồi mới lập quy hoạch chi tiết hay không hay có thể lập trực tiếp quy hoạch chi tiết bỏ qua bước quy hoạch phân khu. Quy mô nào phải lập quy hoạch phân khu. Quy mô nào được phép lập trực tiếp quy hoạch chi tiết.
(ii) Quy hoạch chung xây dựng xã nông thôn chưa được quy định rõ ràng, chồng chéo. Cụ thể: Các xã thuộc thành phố, thị xã vẫn phải lập quy hoạch chung trong khi quy hoạch chung xây dựng thành phố, thị xã đã được lập, phê duyệt. Việc này làm cho một vị trí có hai quy hoạch chung.
(iii) Đối với các xã thuộc thành phố, thị xã có thuộc trường hợp phải lập quy hoạch phân khu làm cơ sở lập quy hoạch chi tiết theo Luật Quy hoạch đô thị hay không. Hay áp dụng theo quy định của Luật Xây dựng, Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ và Thông tư số 02/2017/TT-BXD ngày 01/3/2017 thực hiện lập quy hoạch chi tiết sau quy hoạch chung.
(iv) Quy định cụ thể các cấp độ quy hoạch phải thông qua Hội đồng nhân dân các cấp.
(v) Quy hoạch nông thôn không có quy định điều chỉnh cục bộ quy hoạch ảnh hưởng lớn tới các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại nông thôn khi có yếu tố phát sinh ngoài dự kiến, định hướng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nội dung này cần được xem xét, bổ sung.
(vi) Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng chưa quy định cụ thể, chưa có Nghị định, Thông tư hướng dẫn quy trình, hình thức tài trợ lập quy hoạch. Chưa có quy định về việc tài trợ bằng sản phẩm đồ án quy hoạch nên địa phương lúng túng thực hiện trong khi công tác quy hoạch, phủ kín quy hoạch chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách hạn hẹp của các địa phương. Đề nghị quy định cụ thể quy trình, thủ tục, hình thức tài trợ lập quy hoạch trong Luật hoặc các văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành Trung ương”.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có công văn 4244/BXD-QHKT xin trả lời như sau:
Hiện nay, Bộ Xây dựng đang thực hiện rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, chủ trì lập hồ sơ đề nghị, xây dựng dự án Luật điều chỉnh về quy hoạch đô thị và nông thôn theo Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và phân công của Chính phủ (dự kiến trình Quốc hội dự án Luật năm 2023-2024). Các tồn tại, hạn chế, bất cập của quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và pháp luật có liên quan sẽ tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện trong quá trình xây dựng Luật điều chỉnh về quy hoạch đô thị và nông thôn.
(i) Về các cấp độ quy hoạch, quy mô lập quy hoạch phân khu:
Theo quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, các đô thị và khu chức năng được lập với 03 cấp độ quy hoạch là chung - phân khu - chi tiết; quy hoạch xây dựng nông thôn gồm 02 cấp độ là quy hoạch chung xây dựng xã và quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn (không quy định lập quy hoạch phân khu). Quy hoạch chung đô thị (trừ thị trấn), quy hoạch chung xây dựng khu chức năng là cơ sở để lập quy hoạch phân khu; quy hoạch phân khu được lập để cụ thể hóa quy hoạch chung, làm cơ sở xác định dự án đầu tư xây dựng và lập quy hoạch chi tiết. Pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng cũng quy định về nguyên tắc tuân thủ và yêu cầu đối với quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng.
Pháp luật hiện hành không quy định cụ thể quy mô lập quy hoạch phân khu đô thị, việc xác định quy mô khu vực lập quy hoạch phân khu thuộc thẩm quyền của cơ quan lập, phê duyệt quy hoạch, trên cơ sở phù hợp với quy hoạch chung, đảm bảo vai trò, chức năng của quy hoạch phân khu theo quy định. Đối với khu chức năng, quy hoạch phân khu xây dựng được lập cho khu vực chức năng có quy mô dưới 500 héc ta; đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất (không có nhiều thành phần chức năng sử dụng đất như đô thị, khu chức năng khác) có quy mô diện tích dưới 200 ha và cụm công nghiệp (đơn chức năng) thì tiến hành lập ngay quy hoạch chi tiết xây dựng để làm cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật.
Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng để đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển, trong đó gồm quy định về các cấp độ quy hoạch, quy mô lập quy hoạch phân khu để đảm bảo thống nhất, đồng bộ quy định về quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng.
(ii) Vấn đề liên quan đến việc lập quy hoạch chung xây dựng xã:
Theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, quy hoạch chung đô thị là việc tổ chức không gian, hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở cho một đô thị phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đô thị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững; quy hoạch chung đô thị được lập cho các thành phố, thị xã, thị trấn và đô thị mới, làm cơ sở định hướng đầu tư xây dựng, phát triển đô thị.
Theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014, quy hoạch chung xây dựng xã xác định tiềm năng, động lực phát triển, quy mô dân số, lao động, đất đai, mạng lưới điểm dân cư nông thôn; định hướng tổ chức không gian tổng thể toàn xã; định hướng phát triển các khu chức năng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, nhà ở, dịch vụ và hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, làm cơ sở đầu tư xây dựng, phát triển cho địa bàn xã (nông thôn).
Quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng có vai trò, tính chất, chức năng và yêu cầu riêng. Bộ Xây dựng ghi nhận ý kiến của cử tri tỉnh Gia Lai nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về cấp độ quy hoạch đảm bảo phù hợp với từng đối tượng lập quy hoạch, thuận tiện cho tổ chức thực hiện.
(iii) Việc lập quy hoạch xây dựng đối với các xã thuộc thành phố, thị xã:
Theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, quy hoạch phân khu đô thị được lập cho các khu vực trong thành phố, thị xã và đô thị mới (điểm b khoản 1 Điều 18); đồ án quy hoạch phân khu đã được phê duyệt là cơ sở để xác định các dự án đầu tư xây dựng trong đô thị và lập quy hoạch chi tiết (khoản 4 Điều 29). Do đó, các khu vực phát triển đô thị được xác định trong quy hoạch chung đô thị được phê duyệt (trừ thị trấn) cần thực hiện lập các quy hoạch phân khu đô thị làm cơ sở để xác định các dự án đầu tư xây dựng và lập quy hoạch chi tiết theo quy định.
Theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014, quy hoạch xây dựng nông thôn gồm 02 cấp độ là quy hoạch chung xây dựng xã và quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn, không quy định lập quy hoạch phân khu. Đối với khu vực ngoại thị, không thuộc khu vực phát triển đô thị, căn cứ Điều 16 Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 2 Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30/8/2019 của Chính phủ, các xã phải được lập quy hoạch chung xây dựng xã để cụ thể hóa quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện, quy hoạch chung thành phố, thị xã, làm cơ sở lập các quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn và lập các dự án đầu tư xây dựng.
(iv) Về kiến nghị quy định cụ thể các cấp độ quy hoạch phải thông qua Hội đồng nhân dân các cấp:
Việc báo cáo, thông qua Hội đồng nhân dân các cấp đối với các cấp độ quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng trước khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đã được quy định tại Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Xây dựng năm 2014 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, quy định chi tiết thi hành. Cụ thể: Ủy ban nhân dân thành phố, thị xã, thị trấn có trách nhiệm báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp về quy hoạch chung đô thị trước khi trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (khoản 6 Điều 44 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009); Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức lập quy hoạch xây dựng có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định trước khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt (khoản 4 Điều 34 Luật Xây dựng năm 2014)…
Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong việc quyết định quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trong phạm vi được phân quyền theo quy định của pháp luật và Hội đồng nhân dân cấp huyện trong việc quyết định quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn huyện trong phạm vi được phân quyền cũng được quy định tại pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương (Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015).
Quy định về việc báo cáo, thông qua Hội đồng nhân dân các cấp đối với các cấp độ quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng còn những nội dung chưa đồng bộ, cụ thể, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng để đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, đảm bảo thống nhất, thuận tiện trong tổ chức thực hiện.
(v) Về kiến nghị bổ sung quy định điều chỉnh cục bộ quy hoạch nông thôn:
Pháp luật hiện hành quy định về điều chỉnh quy hoạch gồm điều chỉnh cục bộ đối với các cấp độ quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng, không quy định việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch nông thôn. Qua rà soát quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, đánh giá thực tiễn triển khai thi hành pháp luật về quy hoạch xây dựng, Bộ Xây dựng đã tổng hợp, xác định các tồn tại, hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật và khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, gồm các vấn đề liên quan đến điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng nông thôn như ý kiến cử tri nêu. Bộ Xây dựng xin ghi nhận và sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nội dung quy định này trong quá trình xây dựng Luật điều chỉnh về quy hoạch đô thị và nông thôn.
(vi) Đối với đề nghị bổ sung quy định về tài trợ quy hoạch:
Về hình thức tài trợ lập quy hoạch, pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng quy định nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ kinh phí để lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng (khoản 2 Điều 12 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009; khoản 2 Điều 19 Luật Xây dựng năm 2014), không quy định hình thức tài trợ bằng sản phẩm đồ án quy hoạch. Việc tài trợ bằng sản phẩm đồ án quy hoạch không đáp ứng được các yêu cầu về lựa chọn phương án quy hoạch, đảm bảo quy định về lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch theo pháp luật về đấu thầu. Quy trình tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí tài trợ để lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng thực hiện theo quy định pháp luật liên quan (tài chính, ngân sách…).
Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành liên quan trong việc nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến quy trình tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí tài trợ để lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng.
Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 4244/BXD-QHKT.