Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Nam Định gửi tới trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Thứ hai, 08/01/2024 18:33
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Nam Định gửi tới trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến với nội dung: “Kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ bổ sung quy định tại Điều 40 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ, cụ thể: Quy định rõ đơn vị tổ chức khảo sát, kiểm định chất lượng, đánh giá mức độ nguy hiểm của hạng mục công trình, công trình xây dựng trong trường hợp chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình không thực hiện”.

Về nội dung này, Bộ Xây dựng đã có công văn 136/BXD-GĐ trả lời như sau:

Việc xử lý đối với công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho khai thác, sử dụng được quy định tại Điều 40 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng. Theo đó, khi phát hiện hạng mục công trình, công trình xây dựng có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng thì chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm kiểm tra lại hiện trạng công trình, tổ chức kiểm định chất lượng công trình (nếu cần thiết), quyết định thực hiện các biện pháp khẩn cấp và báo cáo ngay với chính quyền địa phương nơi gần nhất theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP.

Khi phát hiện hoặc nhận được thông tin hạng mục công trình, công trình xây dựng có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng thì chính quyền địa phương có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, thông báo, yêu cầu và hướng dẫn chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình tổ chức khảo sát, kiểm định chất lượng, đánh giá mức độ nguy hiểm, thực hiện sửa chữa hoặc phá dỡ bộ phận công trình hoặc công trình (nếu cần thiết) theo quy định tại khoản 2 Điều 40 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP.

Việc kiểm định xây dựng khi công trình đang khai thác, sử dụng có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 5 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP, được thực hiện bởi đơn vị tư vấn có đủ năng lực theo quy định tại Điều 97 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Riêng đối với chung cư cũ, chung cư có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng thì việc kiểm định, đánh giá chất lượng được thực hiện theo các quy định của pháp luật về nhà ở.

Nếu chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình không tổ chức thực hiện theo các quy định nêu trên để đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng thì bị xử lý theo quy định tại điểm đ khoản 3 và điểm k khoản 4 Điều 20 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Theo đó, ngoài bị xử phạt bằng tiền, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc phải thực hiện theo quy định.

Trường hợp chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền thì bị cưỡng chế thi hành theo quy định tại Điều 86 Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20/6/2012 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 43 Điều 1 Luật số 67/2020/QH14 ngày 13/11/2020. Trình tự, thủ tục, biện pháp cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả được quy định cụ thể tại Điều 33 đến Điều 35 Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài ra, trường hợp chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình không thực hiện theo các quy định nêu trên dẫn tới công trình xảy ra sự cố, ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng, công trình lân cận thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 136/BXD-GĐ.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)