Khu vực cảng biển thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam - Ảnh: VGP/Thế Phong
KKT ven biển - trụ cột thúc đẩy phát triển các địa phương miền Trung
Nhận thức tiềm năng và lợi thế khu vực ven biển trong mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam cũng đã chủ trương thành lập các KKT ven biển với cơ chế chính sách ưu đãi "vượt trội" nhằm tạo đột phá trong thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài.
Kể từ thời điểm thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai (tại tỉnh Quảng Nam) – khu kinh tế ven biển đầu tiên của cả nước vào năm 2003, đến nay, Việt Nam có 19 KKT ven biển được thành lập, trong đó khu vực miền Trung có đến 11 KK ven biển, chiếm gần 60% tổng số khu kinh tế ven biển của Việt Nam.
Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ông Lê Minh Dương, Trung tâm xúc tiến đầu tư phía nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, lũy kế đến tháng 6/2022, các KKT ven biển miền Trung thu hút được khoảng 500 dự án, với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 38,669 tỷ USD, chiếm 60,5% vốn đăng ký đầu vào khu vực miền Trung (Thanh Hóa đến Bình Thuận), quy mô đầu tư trung bình dự án đạt khoảng 77 triệu USD/dự án, gấp 2,6 lần quy mô trung bình toàn khu vực.
"Sau 20 năm cố gắng, nỗ lực trên hành trình đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI vào các KKT ven biển, diện mạo các khu kinh tế ven biển của khu vực miền Trung hôm nay đã có nhiều đổi thay và phát triển vươn lên vượt bậc. Phát huy tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển duyên hải miền Trung. Hệ thống cơ sở hạ tầng và thu nhập, đời sống người lao động, nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.
FDI đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển các khu kinh tế ven biển, thúc đẩy mạnh sự tăng trưởng giá trị kim ngạch xuất khẩu, đóng góp và gia tăng nguồn thu ngân sách nhà nước hàng năm của các địa phương, hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo thêm rất nhiều việc làm mới cho người lao động...", ông Lê Minh Dương cho biết.
Đặc biệt, khối các doanh nghiệp FDI đã tác động lan tỏa, tích cực đến các thành phần kinh tế khác, khơi dậy các nguồn lực đầu tư trong nước, hỗ trợ quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước và hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm nâng cao sức cạnh tranh chung của khu vực.
FDI thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, góp phần cải thiện hiệu quả sản xuất và quản trị doanh nghiệp, nâng cao trình độ và năng lực trong một số ngành phù hợp lợi thế của khu vực miền Trung như: Công nghiệp công nghệ cao, cơ khí ô tô, điện tử, bất động sản du lịch, thương mại dịch vụ, dệt may, y tế và giáo dục chất lượng cao...
FDI hỗ trợ khai thông nhiều thị trường quốc tế trong bối cảnh Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định tự do về thương mại và đầu tư với các nước, thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, góp phần đưa khu vực miền Trung từng bước tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, trước mắt trong các ngành cơ khí chế tạo ô tô, công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao, dệt may...
Các khu kinh tế ven biển đã tạo ra nhiều sản hàng hóa có giá trị lớn, đóng góp quan trọng cho nguồn thu ngân sách của các địa phương miền Trung - Ảnt: VGP/Thế Phong
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hoạt động thu hút đầu tư của các KKT ven biển Việt Nam và khu vực miền Trung nói riêng còn những tồn tại, hạn chế nhất định.
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, TS. Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, cho rằng khung thể chế và mô hình phát triển KKT ven biển còn chưa hoàn thiện, cơ sở hạ tầng bên trong và bên ngoài KKT vẫn chưa được đầu tư đồng bộ, hiện đại; tính kết nối giữa các KKT ven biển với các trung tâm kinh tế vùng còn nhiều hạn chế.
"Là mô hình "khu trong khu" song các KKT nặng về thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp, lĩnh vực dịch vụ và đô thị hóa còn chậm phát triển. Các dự án đầu tư vào các KKT ven biển miền Trung chủ yếu là các ngành công nghiệp nhẹ, thâm dụng lao động như dệt may, da giày, lắp ráp hàng điện tử; thiếu các dự án đầu tư vào các ngành công nghiệp/dịch vụ sử dụng công nghệ cao", TS. Hoàng Hồng Hiệp cho hay.
Bên cạnh đó, cơ chế chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư vào các KKT ven biển còn thiếu đột phá. Các KKT ven biển khu vực miền Trung còn gặp khó khăn trong thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài; hầu hết các dự án đầu tư vào các khu kinh tế ven biển chủ yếu là các dự án kinh tế, thiếu các dự án trong lĩnh vực xã hội như giáo dục đào tạo, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nhà ở cho công nhân…
Một số khu kinh tế ven biển trong tình trạng "khát" đầu tư nên còn có tư duy thu hút đầu tư bằng mọi giá mà không đề cao đến yếu tố môi trường và môi sinh cho cư dân địa phương. Đã có không ít khu công nghiệp, KKT là "điểm đen" về ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và bức xúc cho cư dân địa phương sống trong khu kinh tế.
"Trong bối cảnh miền Trung đang đối mặt với những tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, của sự cố ô nhiễm môi trường biển vùng Bắc Trung Bộ, hậu dịch bệnh COVID, nhất là trong thời điểm Chính phủ đang xây dựng quy hoạch vùng, việc phát triển các khu kinh tế ven biển nói chung và hoạt động thu hút đầu tư vào các khu kinh tế ven biển miền Trung nói riêng cần thiết phải được xem xét, đánh giá lại dựa trên các nguyên tắc của phát triển bền vững", TS. Hoàng Hồng Hiệp đề nghị.
Để KKT ven biển thực sự trở thành các động lực phát triển của vùng
Nói về giải pháp phát triển KKT ven biển hiện nay, PGS.TS. Bùi Quang Bình, Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng cho rằng, Chính phủ đang dự thảo lấy ý kiến về Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
"Tôi đề nghị các cơ quan chức năng trong quá trình lấy ý kiến xây dựng quy hoạch cần xem xét, đánh giá một cách thấu đáo vai trò của các KKT ven biển trong quy hoạch vùng. Trong đó cần thiết có sự đổi mới, điều chỉnh bổ sung quy hoạch các KKT ven biển theo hướng tích hợp với quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch các KKT ven biển, quy hoạch vùng vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ và quy hoạch tỉnh, nơi có KKT ven biển", PGS.TS. Bùi Quang Bình trao đổi.
Theo PGS.TS. Bùi Quang Bình, KKT ven biển có đóng góp rất quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương vùng vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, vì vậy Nhà nước cần hoàn thiện các cơ chế chính sách xây dựng và phát triển KKT ven biển để bảo đảm cho các KKT này có một khung pháp lý đủ mạnh, đồng bộ phát triển bền vững.
Đồng thời, phát huy nguồn vốn đầu tư của nhà nước là vốn mồi để huy động đầu tư tư nhân vào phát triển KKT ven biển. Nhà nước tiếp tục ưu tiên bố trí ngân sách đầu tư phát triển KKT ven biển thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông ven biển, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khu kinh tế, đầu tư hệ thống cảng biển quốc gia, đào tạo nhân lực về kinh tế biển, môi trường biển…
Khu công nghiệp nặng Doosan tại Khu kinh tế Dung Quất - Ảnh: VGP
Còn TS. Lê Văn Hùng, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng, cho rằng trong giai đoạn tới, để thúc đẩy các KKT ven biển thực sự trở thành các động lực phát triển của địa phương và vùng, Việt Nam nên nghiên cứu nhằm có những chính sách trọng tâm thí điểm tạo môi trường phát triển từ 2 đến 3 cụm khu KKT ven biển theo vùng. Khi đó, nguồn lực mới thực sự được tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội và các công cụ bảo vệ, phục hồi môi trường sinh thái để tạo ra những KKT ven biển thực sự bền vững.
"Các KKT ven biển cần thí điểm thực hiện một số mô hình phát triển như khu công viên công nghiệp xanh, khu hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng chuyên môn hóa/tập trung vào một nhóm ngành/lĩnh vực cụ thể", TS. Lê Văn Hùng đề nghị.
Ông Lê Minh Dương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đề nghị các địa phương cần đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư đối với các KKT ven biển. Đặc biệt, cần chú trọng thu hút các nhà đầu tư chiến lược, công ty đa quốc gia từ các nước có công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ sạch...tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, phát triển các doanh nghiệp hỗ trợ, tạo hệ sinh thái chặt chẽ, gắn kết, tham gia sâu vào chuỗi giá trị với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI. Tăng cường tiếp cận các ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty tư vấn luật - đầu tư để cùng phối hợp xúc tiến đầu tư hiệu quả theo các đối tác, dự án cụ thể.