Ngày 23/6/2022, Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng tổ chức họp đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện các đề tài do Hội Bê tông Việt Nam chủ trì thực hiện, gồm “Nghiên cứu cơ sở khoa học xây dựng tiêu chuẩn Bê tông cốt sợi tính năng siêu cao - Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử”; “Nghiên cứu cơ sở khoa học xây dựng tiêu chuẩn Bê tông cốt sợi tính năng siêu cao - Yêu cầu thiết kế kết cấu”; “Nghiên cứu cơ sở khoa học xây dựng tiêu chuẩn Bê tông cốt sợi tính năng siêu cao - Thi công và nghiệm thu”. Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Lê Minh Long - Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp
Trình bày với Hội đồng về lý do, sự cần thiết xây dựng các tiêu chuẩn nêu trên, đại diện các nhóm tác giả nêu rõ, các dự thảo tiêu chuẩn đều được xây dựng trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn của Pháp, có sự chỉnh sửa, bổ sung nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.
Với tiêu chuẩn “Bê tông cốt sợi tính năng siêu cao (UHPC) - Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử”, TS. Tống Tôn Kiên cho biết, tiêu chuẩn này áp dụng cho các loại bê tông tính năng siêu cao có cốt sợi được sử dụng trong kết cấu đúc sẵn và cấu kiện của kết cấu đúc sẵn, kết cấu đổ tại chỗ và các bộ phận của kết cấu đổ tại chỗ, các phần của kết cấu được làm bằng UHPC đổ tại chỗ, đặc biệt trong trường hợp liên kết, ghép nối, lớp phủ mặt hoặc sửa chữa đối với nhà, cầu và kết cấu công trình dân dụng. Tiêu chuẩn này cũng áp dụng cho các chi tiết kiến trúc hoặc phi kết cấu dạng đúc sẵn hoặc đúc tại chỗ. UHPC có thể được chế tạo ngay tại hiện trường hoặc tại trạm trộn bê tông thương phẩm, nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông. Tiêu chuẩn này không áp dụng đối với kết cấu UHPC được thi công bằng phương pháp phun, kết cấu bê tông cốt sợi thủy tinh chế tạo bằng phương pháp phun.
Về đề tài “Bê tông cốt sợi tính năng siêu cao - Yêu cầu thiết kế kết cấu”, TS. Đỗ Tiến Thịnh cho biết: tiêu chuẩn quy định các yêu cầu thiết kế nhà và công trình xây dựng bằng UHPC không cốt thép, UHPC có cốt thép hoặc UHPC ứng suất trước. Tiêu chuẩn này tuân thủ theo các nguyên tắc và yêu cầu về an toàn và khả năng sử dụng của công trình, các cơ sở thiết kế và kiểm tra xác nhận dữ liệu theo EN 1990. Nếu kết cấu bao gồm những cấu kiện được sản xuất bằng UHPC và các cấu kiện làm bằng những vật liệu khác, cần viện dẫn đến tiêu chuẩn này để có cơ sở điều chỉnh phù hợp cho các cấu kiện làm bằng UHPC. Tiêu chuẩn này chỉ đề cập đến các yêu cầu liên quan đến cường độ, điều kiện sử dụng, độ bền và khả năng chịu lửa của kết cấu làm bằng UHPC, không đề cập đến những yêu cầu khác như cách nhiệt, cách âm.
Đối với tiêu chuẩn “Bê tông cốt sợi tính năng siêu cao - Thi công và nghiệm thu”, TS. Trần Bá Việt cho biết: tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu chung để thi công các cấu kiện UHPC dùng trong kết cấu, chi tiết kết cấu đúc sẵn, đúc tại chỗ; liên kết các chi tiết kết cấu bằng UHPC đổ tại chỗ, điền đầy mối nối, phủ lên bê tông cũ hoặc sửa chữa trong các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp và hạ tầng. Tiêu chuẩn này cũng áp dụng cho các chi tiết kiến trúc hoặc phi kết cấu đúc sẵn hoặc đúc tại chỗ. UHPC có thể được chế tạo ngay tại hiện trường hoặc tại nhà máy bê tông trộn sẵn, hoặc tại nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông.
TS. Trần Bá Việt nhấn mạnh ý nghĩa của tiêu chuẩn “Bê tông cốt sợi tính năng siêu cao - Thi công và nghiệm thu” nói riêng và các tiêu chuẩn về UHPC do Hội Bê tông Việt Nam chủ trì biên soạn sau khi được nghiệm thu, áp dụng vào thực tế sẽ tạo cơ sở, tiền đề quan trọng đẩy mạnh ứng dụng bê tông cốt sợi tính năng siêu cao trong các công trình xây dựng. Trên thực tế, UHPC hiện đã được ứng dụng khá rộng rãi ở Việt Nam khi có tới 59 cầu UHPC đã được xây dựng trên toàn quốc. UHPC cũng đã được dùng để sửa chữa mặt cầu Thăng Long và cho kết quả tốt.
Tại cuộc họp, Hội đồng ghi nhận nỗ lực của các nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện các yêu cầu theo hợp đồng đã ký, nội dung các báo cáo thuyết minh bám sát đề cương được duyệt, các dự thảo tiêu chuẩn cơ bản đã bám sát bản gốc và có sự điều chỉnh, bổ sung nhằm đảm bảo tuân thủ đúng thể thức trình bày tiêu chuẩn Việt Nam và đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên theo Hội đồng, đây là chuỗi các tiêu chuẩn có mối liên quan chặt chẽ với nhau, do đó các nhóm nghiên cứu cần tập trung rà soát, chỉnh sửa, sử dụng chính xác và đồng nhất các thuật ngữ khoa học chuyên ngành trong từng dự thảo tiêu chuẩn và thống nhất trong cả 3 dự thảo tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng góp ý tới các nhóm nghiên cứu một số lỗi về dịch thuật, các lỗi về chế bản...
Kết luận cuộc họp, Phó Vụ trưởng Lê Minh Long tổng hợp ý kiến góp ý của các chuyên gia thành viên Hội đồng, đồng thời bổ sung một số ý kiến nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng các dự thảo các tiêu chuẩn; đề nghị các nhóm nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, sớm chỉnh sửa, hoàn thiện các sản phẩm theo hợp đồng, trình lãnh đạo Bộ Xây dựng xem xét, quyết định.
Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng nhất trí nghiệm thu các đề tài nêu trên do Hội Bê tông Việt Nam chủ trì thực hiện.