Chiều 30/5, Đoàn Giám sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm Trưởng đoàn đã có buổi khảo sát, làm việc tại Sóc Trăng về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2023 trên địa bàn tỉnh.
Đoàn Công tác Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm việc tại Sóc Trăng.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, trong 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, từ năm 2021 - 2023, tỉnh đã giải ngân được trên 25 tỷ đồng, tập trung hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng khó khăn, tổ chức đào tạo nghề; hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ xã hội cơ bản như việc làm, y tế, giáo dục, nước sạch, thông tin,…
Thông qua việc triển khai Chương trình, đời sống người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn từng bước được nâng lên, góp phần tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đến cuối năm 2022, Sóc Trăng đã giảm được 7.270 hộ nghèo (tương đương giảm 2,19%). Riêng trong năm 2022, tỉnh giải quyết việc làm cho 946 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; 758 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được đào tạo nghề. Bên cạnh đó, tỉnh có 100% người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế. Trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 89,66%...
Tại buổi làm việc, thành viên trong Đoàn đánh giá cao tỉnh Sóc Trăng đã vận dụng hiệu quả công tác xã hội hóa để xây dựng được gần 3.500 căn nhà với tổng kinh phí trên 174 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân khó khăn về nhà ở; từ đó, giúp tỷ lệ hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, đáp ứng tiêu chuẩn “nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng” đạt 52,59%.
Các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận một số dự án, tiểu dự án còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hoặc thực hiện đạt tỷ lệ thấp như: dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất lĩnh vực nông nghiệp, đào tạo nghề, hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế để người dân nhanh chóng giảm nghèo bền vững...
Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đánh giá cao công tác triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh. Mặc dù có khó khăn nhưng tỉnh đã cố gắng rất lớn, triển khai thực hiện có bài bản. Thứ trưởng lưu ý, Sóc Trăng cần tiếp tục quan tâm cho công tác giảm nghèo tại địa phương, đặc biệt tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả đa dạng hóa sinh kế, phát triển nhiều mô hình hỗ trợ sản xuất hiệu quả, có giá trị kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho người dân, cải thiện đời sống.
Theo ông Thanh, đã là mô hình thì không chỉ có sản xuất nông nghiệp, không chỉ trồng trọt, chăn nuôi, có thể là mô hình khác như thủ công mỹ nghệ, thương mại… miễn sao người nghèo tham gia, có việc làm và có thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, Sóc Trăng cũng cần tiếp tục hỗ trợ cải thiện dinh dưỡng cho các đối tượng theo quy định, hỗ trợ người nghèo học nghề; quan tâm phát triển hạ tầng cho các xã, vùng còn nhiều khó khăn; thực hiện chính sách giảm nghèo thường xuyên...
Trước đó, sáng cùng ngày, Đoàn công tác Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có buổi làm việc với UBND huyện Kế Sách về tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và đi khảo sát công trình giao thông nông thôn tại địa bàn huyện, thăm hỏi các hộ dân tại ấp Mỹ Yên, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách.