Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) với sự phát triển của internet vạn vật, điện toán đám mây, công cụ phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo đã và đang tác động mạnh mẽ đến quá trình đô thị hóa. Các quốc gia, các thành phố đều đang nỗ lực để bắt kịp xu hướng này, nhằm tránh trở nên lạc hậu với thế giới đang biến đổi từng ngày. Đây là xu hướng tất yếu, cần hướng tới của thành phố Hải Dương.
Sự phát triển đô thị thông minh, trước hết bằng các ứng dụng công nghệ thông tin, chính là sự thay đổi về chất cho quá trình đô thị hóa, hướng tới đô thị hóa bền vững. Đô thị thông minh giải quyết các vấn đề phát sinh do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, động lực giúp cải thiện sức cạnh tranh của đô thị và đây cũng chính là mục tiêu mà quy hoạch đô thị hướng tới.
Hiện nay, trên thế giới đánh giá đô thị thông minh dựa trên 6 tiêu chí:
- Kinh tế thông minh (phát triển có sức cạnh tranh);
- Vận động thông minh (giao thông - hạ tầng kỹ thuật);
- Cư dân thông minh (nhân lực, năng lực);
- Môi trường thông minh (tài nguyên tự nhiên);
- Quản lý đô thị thông minh;
- Chất lượng cuộc sống.
Tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng nhanh khiến Việt Nam đang đứng trước bài toán khó giữa phát triển đô thị với hài hòa môi trường sống và phát triển bền vững. Xu hướng phát triển đô thị xanh đang lan tỏa trong các quy hoạch phát triển đô thị tại Việt Nam, trực tiếp đề cập đến chất lượng môi trường đô thị với các mục tiêu rất cụ thể nhằm nâng cao điều kiện và chất lượng sống cho cư dân nhằm khắc phục việc đô thị phát triển dàn trải, tiêu thụ tài nguyên và ưu tiên phát triển kinh tế bằng mọi giá.
Phát triển đô thị xanh cần đảm bảo hướng tới các tiêu chí đô thị xanh áp dụng tại EU:
- Không gian xanh: đô thị có mật độ cây xanh cao, tỷ lệ cây xanh/người cao, không gian công cộng, không gian công viên, mặt nước được quan tâm.
- Công trình xanh: Xanh hóa công trình, vật liệu xanh, tiết kiệm năng lượng, ưu tiên tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, sử dụng năng lượng hiệu quả và vật liệu thân thiện môi trường.
- Giao thông xanh: nâng cao tỷ lệ giao thông công cộng, giảm sử dụng các phương tiện cá nhân, giảm khí thải CO2, sử dụng khí thải chế cho GTCC.
- Công nghiệp xanh: Công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, hạn chế ô nhiễm.
- Chất lượng môi trường đô thị xanh: Môi trường không khí sạch, giảm rác thải, khói, bụi, độ ồn trong đô thị.
- Bảo tồn cảnh quan văn hóa lịch sử danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên.
- Cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường.
Với các yếu tố trên thì việc phát triển cấu trúc “Đô thị xanh - thông minh” nên được xem là xu hướng tất yếu của các đô thị Việt Nam trong thời gian tới.
Thành phố Hải Dương, một đô thị trung tâm cấp vùng trong vùng thủ đô Hà Nội, với định hướng phát triển đô thị xanh, thông minh.
Hải Dương là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng thủ đô Hà Nội; Để đảm bảo phát triển đô thị hợp lý bền vững cần có định hướng, kế hoạch phát triển hệ thống đô thị phù hợp với chương trình phát triển chung của hệ thống đô thị trong vùng và cả nước phù hợp theo định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến 2025 và tầm nhìn đến 2050 đã được phê duyệt.
Phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, hiện đại luôn là vấn đề được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện thông qua các mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế, hoạt động đô thị, giải quyết các vấn đề môi trường. Qua đó nhằm giảm những tác động bất lợi đối với môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên, không để ảnh hưởng đến hình ảnh đô thị, điều kiện và môi trường sống của người dân cũng như yêu cầu phát triển bền vững.
Thành phố Hải Dương là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, du lịch, dịch vụ và là thủ phủ của tỉnh Hải Dương; Là đầu mối giao thông, giao lưu trong vùng tỉnh, vùng liên tỉnh; Có vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội đối với tỉnh, khu vực, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Thành phố Hải Dương có vị trí quan trọng: nằm trên hành lang kinh tế: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và kề sát vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ. Đây là lợi thế vô cùng to lớn trong việc giao lưu, trao đổi thương mại với thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh lân cận: Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Bình, Hưng Yên.
Trong vùng Thủ đô Hà Nội, đô thị Hải Dương được xác định là đô thị trung tâm cấp vùng, phát triển công nghiệp nhẹ, kỹ thuật cao và hỗ trợ phát triển các loại công nghiệp chế biến của vùng đồng bằng phía Nam, Đông Nam đồng bằng sông Hồng.
Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2030 đã được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt theo Quyết định số 1960/QĐ-UBND ngày 04/07/2017 với tầm nhìn tạo ra một môi trường kinh tế cùng sự tận dụng các yếu tố sẵn có cũng như tạo ra các đặc trưng đô thị mới, nâng cao vị thế cạnh tranh cho Hải Dương và thu nhập cho người dân thành phố, đồng thời tạo cơ chế khuyến khích thu hút các nhà đầu tư, tạo môi trường sống chất lượng cao, xanh sinh thái với nét đặc trưng độc đáo của Hải Dương, hướng tới một đô thị xanh, thông minh với các trung tâm dịch vụ, thu hút lao động và chuyên gia của các vùng công nghiệp lớn lân cận, một đô thị có tính cạnh tranh cao trong chuỗi các dịch vụ cấp vùng thủ đô Hà Nội.
Năm 2020, sau khi được Thường vụ Quốc hội phê chuẩn điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính, thành phố đã và đang triển khai lập Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố theo hướng mở rộng không gian đô thị sang các xã ngoại thị, xác định ranh giới khu vực nội thị, ngoại thị theo các tiêu chí đô thị xanh của tỉnh, lấy sông Thái Bình và sông Sặt là các trục phát triển chính đô thị. Quy hoạch đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội, hệ thống dịch vụ tổng thể cho các lĩnh vực: tài chính ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục , khách sạn, nghỉ dưỡng cao cấp, hệ thống chợ, trung tâm thương mại, siêu thị…để tổ chức phát triển kinh tế đô thị có hiệu quả.
Trên cơ sở đó định hướng các khu vực phát triển chức năng chính như sau:
- Khu vực đô thị trung tâm (bao gồm các phường nội thành cũ): Định hướng phát triển theo hướng đô thị xanh hiện đại, nhiều công trình kiến trúc điểm nhấn, gắn với cải tạo chỉnh trang kiến trúc, xây dựng mới các không gian công cộng, công viên cảnh quan, vui chơi giải trí. Quy hoạch xây dựng các Trung tâm thương mại dịch vụ để phát triển mạnh kinh tế đô thị theo hướng dịch vụ thương mại, xây dựng mô hình kinh tế ban đêm để hỗ trợ phát triển đô thị.
- Khu vực phía Đông bắc: lấy sông Thái Bình là trục phát triển đô thị, mở rộng không gian phát triển sang các xã Quyết Thắng, Nam Đồng, Tiền Tiến, An Thượng. Định hướng phát triển các trung tâm đô thị mới theo mô hình đô thị xanh, thông minh, hiện đại, sinh thái ven sông, dân cư mật độ thấp.
- Khu vực Tây Nam: Lấy sông Sặt và tuyến đường Vành đai I là trục phát triển đô thị. Mở rộng không gian phát triển sang xã Liên Hồng, Thạch Khôi, Tân Hưng, Ngọc Sơn. Định hướng phát triển đô thị theo mô hình xanh, sinh thái, thể theo, hiện đại.
- Khu vực phía Tây Bắc: Phát triển đô thị theo hướng đô thị công nghiệp hiện đại, lấy công nghiệp là mũi nhọn thúc đẩy kinh tế phát triển chung của thành phố. Ưu tiên thu hút các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, xanh và bảo vệ tốt môi trường.
Xây dựng phát triển đô thị Hải Dương xanh, hiện đại
Trên cơ sở các mục tiêu, định hướng chung, các nhiệm vụ trọng tâm nhằm xây dựng, phát triển đô thị thành phố Hải Dương theo định hướng đô thị xanh, hiện đại như sau:
+ Xây dựng các công trình kiến trúc điểm nhấn, đa chức năng (văn phòng, nhà ở, thương mại dịch vụ) chất lượng cao; các cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí chất lượng cao, các tuyến phố đi bộ tại khu vực trung tâm thành phố Hải Dương.
+ Xây dựng công viên thể thao - dịch vụ trung tâm thành phố.
Hoàn thiện quy hoạch xây dựng các khu đô thị sinh thái thể thao, hiện đại tại phía Nam cầu Lộ Cương và tại phường Hải Tân, Tân Hưng tạo diện mạo đô thị xanh, thông minh hiện đại ở cửa ngõ phía Nam - Tây Nam thành phố, trong đó xây dựng vùng lõi mặt nước, cây xanh để tạo cảnh quan khu vực cửa ngõ phía Tây Nam thành phố và góp phần chống úng ngập cho khu vực. Hoàn thiện khu đô thị sinh thái ven sông Thái Bình (Ecorivers).
+ Hoàn thiện quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới sinh thái phường Nam Đồng, khu đô thị xã An Thượng theo mô hình đô thị sinh thái, thông minh, hiện đại, kết hợp công viên vui chơi giải trí chuyên đề, dịch vụ chất lượng cao, gắn với tuyến du lịch sông Hương huyện Thanh Hà.
+ Xây dựng hoàn thành các dự án phát triển đô thị hai bên đường dẫn Cầu Hàn tạo diện mạo mới cửa ngõ phía Bắc thành phố.
+ Hoàn thiện quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính tập trung và công trình Bảo tàng của tỉnh theo hướng thông minh, hiện đại
+ Xây dựng sân vận động thành phố tại phường Tân Hưng để hoàn thiện tiêu chuẩn thể thao văn hóa theo tiêu chí đô thị loại I.
+ Xây dựng hệ thống bệnh viện đồng bộ gồm: Bệnh viện mắt - da liễu, Bệnh viện y học cổ truyền, Bệnh viện phục hồi chức năng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC);
+ Xây dựng thêm 01 cơ sở giáo dục đào tạo liên cấp (đại học - cao đẳng dạy nghề - giáo dục phổ thông - mầm non)
+ Xây dựng, thực hiện Đề án đô thị thông minh trên địa bàn thành phố theo Đề án chung của tỉnh, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý đô thị theo hướng thông minh, hiện đại.
+ Xây dựng khu đô thị, văn hóa, y tế, giáo dục phía Nam cầu Lộ Cương (xã Liên Hồng).
+ Xây dựng Khu đô thị sinh thái, hiện đại hai bên bờ sông Thái Bình để hình thành trung tâm đô thị mới tại khu vực xã Tiền Tiến, Quyết Thắng trong tương lai.
+ Xây dựng các khu đô thị, khu dân cư mới theo định hướng quy hoạch chung, quy hoạch phân khu được phê duyệt, gắn với các chỉ tiêu đô thị xanh, hiện đại theo hướng phát triển đô thị của tỉnh.
+ Xây dựng bổ sung các công trình dịch vụ thương mại, lưu trú, nghỉ dưỡng chất lượng cao, khách sạn 5 sao phục vụ nhu cầu của xã hội; phát triển mô hình du lịch nghỉ dưỡng.
+ Xây dựng sân vận động, nhà hát, trung tâm thể thao, khu vực triển lãm của tỉnh ở khu vực phía Nam cầu Lộ Cương nhằm phục vụ các hoạt động thể theo, văn hóa cấp tỉnh.
+ Xây dựng bổ sung 07 công viên cây xanh tại các phường Việt Hòa, Tân Hưng, Tứ Minh, An Thượng, Nam Đồng, Tiền Tiến, Thạch Khôi theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu được phê duyệt. Nâng tổng số công viên cây xanh tập trung quy mô lớn trên địa bàn toàn thành phố lên 17 công viên.
+ Xây dựng khu nhà ở hỗn hợp cao tầng tại khu vực đường Hồng Quang nhằm cung cấp quỹ nhà ở, dịch vụ chất lượng cao tại trung tâm thành phố, đồng thời cải tạo cảnh quan kiến trúc trong khu vực theo hướng đồng bộ, hiện đại.
+ Xây dựng Trung tâm hành chính mới của thành phố.
+ Xây dựng bổ sung các trường liên cấp và 01 trường trung học cơ sở đảm bảo theo tiêu chí đô thị loại I.
+ Xây dựng các không gian công cộng và phát triển đô thị - dịch vụ thương mại tại vị trí hiện tại của các sở ngành (sau khi chuyển về Trung tâm hành chính tập trung tỉnh), nhất là khu vực Sở NN&PTNT, Sở Tư pháp, Sở Lao động Thương binh & Xã hội, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Công ty Cổ phần đê kè, sẽ quy hoạch xây dựng các công trình phức hợp hiện đại tạo diện mạo, điểm nhấn khu vực cửa ngõ phía Đông thành phố.
Xây dựng thành phố Hải Dương thông minh
Năm 2020, Đề án Phát triển đô thị thông minh tỉnh Hải Dương đã được triển khai và xác định Hải Dương hiện đang có những điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu phát triển đô thị thông minh. Các lĩnh vực ưu tiên để xây dựng đô thị thông minh tỉnh Hải Dương tập trung vào các lĩnh vực sau:
- Xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và trung tâm dữ liệu của tỉnh cho phát triển đô thị thông minh.
- Xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Hải Dương
- Xây dựng hệ thống Trung tâm điều hành, giám sát, xử lý dữ liệu của tỉnh
- Lựa chọn một số lĩnh vực ưu tiên: y tế thông minh; Giáo dục thông minh; Giao thông thông minh; Tài nguyên, môi trường thông minh; Du lịch thông minh.
- Lựa chọn thí điểm 2 thành phố Hải Dương và Chí Linh xây dựng đô thị thông minh trong giai đoạn đến năm 2025.
Định hướng các nội dung, nhiệm vụ cụ thể cho thành phố Hải Dương như sau:
- Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin theo Đề án đô thị thông minh của tỉnh.
- Tăng cường phủ sóng wifi miễn phí trên địa bàn thành phố để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, sử dụng các thông tin, dịch vụ số hóa, phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ lệ phủ sóng trên 70%, đến 2035 đạt 100%.
- Xây dựng hoàn thiện và triển khai thực hiện dịch vụ công cấp độ 4 trong các cơ quan hành chính trực thuộc để đẩy nhanh giải quyết các thủ tục hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm và hiệu quả.
- Xây dựng hệ thống quản lý đô thị thông minh: Xây dựng một hệ thống thông tin quản lý xây dựng đô thị tập trung gồm cơ sở dữ liệu (về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thi, quản lý trật tự xây dựng, cấp phép xây dựng, cung cấp thông tin quy hoạch, công bố công khai quy hoạch…) đồng bộ, đầy đủ, chi tiết, chính xác cao đáp ứng các yêu cầu trong công tác quản lý xây dựng trên địa bàn.
- Xây dựng quản lý hạ tầng kỹ thuật thông minh: Trong đó tập trung chủ yếu vào lĩnh vực:
+ Giao thông thông minh: điều khiển, điều hành và quản lý các hệ thống giao thông vận tải tối ưu nhất nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông, giảm tai nạn, giảm tiêu hao nhiên liệu, hạn chế ô nhiễm môi trường.
+ Quản lý hệ thống cấp nước, xử lý nước thải, rác thải thông minh (xây dựng các phần mềm đo lưu lượng, áp lực, hóa chất, vận hành tự động, kiểm soát chất lượng tự động) để đảm bảo giảm thất thoát, tiết kiệm chi phí hóa chất, nhân lực quản lý vận hành…
+ Chiếu sáng thông minh: nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư, quản lý vận hành.
- Xây dựng hệ thống thương mại, tài chính thông minh: Tăng cường chuyển đổi số trong các hoạt động giao dịch kinh tế; giảm tỷ trọng thanh toán dùng tiền mặt xuống mức dưới 20% vào năm 2020 và dưới 10% vào năm 2035. Xây dựng các sàn giao dịch thương mại điện tử trên các lĩnh vực.
- Công nghiệp thông minh: Tối ưu hóa hệ thống quản lý thông minh trong sản xuất. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa trong xây dựng, phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm cải tiến hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh. Xây dựng các giải pháp kết nối giao thương, xây dựng chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đảm bảo sản xuất bền vững.
- Xây dựng hệ thống y tế, giáo dục thông minh: Xây dựng các hệ thống, phần mềm quản lý, giảng dạy trực tuyến, dịch vụ khám chữa bệnh thông minh…để phát triển hệ thống y tế, giáo dục trên địa bàn thành phố.
- Xây dựng quản lý đất đai, môi trường thông minh: Xây dựng các phần mềm quản lý, dữ liệu số hóa bản đồ đất đai, hệ thống giám sát, quan trắc môi trường để phục vụ công tác quản lý, cấp giao đất, giám sát, quan trắc môi trường được thuận lợi, nhanh chóng, chính xác, phát hiện kịp thời các vi phạm để xử lý khắc phục.
Những khó khăn bất cập trong việc phát triển đô thị thông minh tại Hải Dương
Bên cạnh những điều kiện quốc tế và trong nước thuận lợi, thực tế phát triển đô thị Việt Nam nói chung, Hải Dương nói riêng và phát triển đô thị thông minh cũng đang có những khó khăn, bất cập. Các cách tiếp cận và phương pháp truyền thống trong quản lý, phát triển đô thị đã bộc lộ những bất cập, hạn chế. Thực tiễn phát triển đô thị tại Hải Dương cũng như tình hình và xu thế trên thế giới đã đặt ra các yêu cầu đòi hỏi cần có sự đổi mới, thực hiện các nhiệm vụ giải pháp đột phá áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin truyền thông trong quy hoạch, đầu tư xây dựng và phát triển đô thị. Cụ thể:
- Quá trình đô thị hóa của Hải Dương đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển. Tại các khu vực đô thị, vẫn còn phổ biến thực trạng sử dụng tài nguyên đất đai chưa hiệu quả, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu, kết nối giao thông giữa các khu vực đô thị còn yếu làm gia tăng chi phí logictics. Bên cạnh đó, còn tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, khói, bụi. Mô hình tăng trưởng chưa đa dạng, có nguy cơ rơi vào thiếu bền vững, phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên. Mặt khác, tốc độ đô thị hóa cao trong khi các yếu tố khách quan như môi trường kinh tế - chính trị toàn cầu, tình hình biến đổi khí hậu diễn biến khó lường.
- Những bất cập trong hình thái tăng trưởng của đô thị: tắc nghẽn, ô nhiễm; vấn đề trong quản lý nội đô, quản lý mở rộng tràn lan, và kết nối vùng của các đô thị; mở rộng thiếu tính toán, dự án treo, thiếu hạ tầng kết nối tại các khu vực ngoại vi mới mở rộng của hầu hết các đô thị. Tốc độ đô thị hóa nhanh trong bối cảnh năng suất lao động thấp, hạn chế khả năng tạo việc làm phi nông nghiệp ổn định ở khu vực đô thị là những khó khăn trước mắt.
- Nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước Trung ương và địa phương rất hạn chế. Chưa có cơ chế khuyến khích sự tham gia của các thành phố kinh tế (nhà nghiên cứu, nhà đầu tư…) trong phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam.
- Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị phân tán ở nhiều ngành, thiếu tính nhất quán của thông tin cơ sở dữ liệu dẫn đến việc định hướng, dự báo và điều hành quản lý đô thị gặp nhiều khó khăn, khó theo sát diễn biến thực tiễn
- Chưa hình thành hệ thống cơ sở pháp lý, quy phạm pháp luật và hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan rất nhiều ngành, lĩnh vực, nhiều nội dung có tính chất liên ngành.
- Chưa có hệ thống đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và chuyên môn chuyên sâu về quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị thông minh.
Những thách thức trong phát triển đô thị thông minh
Mặt khác, các địa phương đang thúc đẩy triển khai xây dựng đô thị thông minh cũng có những thách thức cần có sự tham gia của Chính phủ và bộ, ngành Trung ương:
- Sự áp dụng các công nghệ luôn gắn liền với những rủi ro và đòi hỏi cần có các nghiên cứu phát triển trong nhiều lĩnh vực như cải thiện an ninh mạng và thiết lập các dự án thí điểm cần chính quyền Trung ương hỗ trợ.
- Hệ thống hàng lang pháp lý để đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị thông minh chưa được xây dựng đầy đủ. Các dự án đầu tư về hạ tầng thông minh chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, chưa có sự tham gia nhiều của khối tư nhân.
- Cần thiết phải kết nối các đô thị thông minh để có thể chia sẻ và so sánh dữ liệu với nhau cũng như phân tích các vùng dữ liệu lớn hơn. Các đô thị chưa được trang bị để phát triển các hệ thống tích hợp và chia sẻ dữ liệu vượt qua các ranh giới hành chính.
- Thiếu các ví dụ thực tiễn thành công. Xây dựng và phát triển các đô thị thông minh sẽ đòi hỏi một sự thay đổi đáng kể cách quản lý thông thường, do vậy, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm tổ chức triển khai thực hiện trong khuôn khổ pháp lý hiện hành là rất cần thiết.
- Các công nghệ đô thị thông minh có tiềm năng lớn hơn tuy nhiên cũng có khả năng gây sự bất bình đẳng trong việc thụ hưởng các dịch vụ công và các lợi ích mà phát triển đô thị thông minh đem lại. Ngoài ra, cũng có khả năng gây nên sự biến đổi của cấu trúc văn hóa - xã hội đô thị, ảnh hưởng các giá trị truyền thống lịch sử văn hóa tích cực.
Mục tiêu cho việc xây dựng đô thị thông minh đối với thành phố Hải Dương trong tương lai
- Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao: Ứng dụng các công nghệ ICT để hỗ trợ giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề để được người dân quan tâm (giao thông, y tế, giáo dục, an toàn thực phẩm…) nâng cao sự hài lòng của người dân.
- Quản lý đô thị tinh gọn: các hệ thống thông tin quản lý những lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật - dịch vụ chủ yếu của đô thị được số hóa, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các ngành; tăng cường sự tham gia của người dân nhằm nâng cao năng lực dự báo, hiệu quả và hiệu lực quản lý của chính quyền địa phương.
- Bảo vệ môi trường hiệu quả: Xây dựng các hệ thống giám sát, cảnh báo trực tuyến về môi trường (nước, không khí, tiếng ồn, đất, chất thải…) các hệ thống thu thập, phân tích dữ liệu môi trường phục vụ nâng cao năng lực dự báo, phòng chống, ứng phó khẩn cấp và chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.
- Nâng cao năng lực cạnh tranh: Xây dựng hạ tầng thông tin số an toàn, khuyến khích cung cấp dữ liệu mở để thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh trong nền kinh tế số.
- Dịch vụ công nhanh chóng, thuận tiện: Đảm bảo mọi người dân được hưởng thụ các dịch vụ công một cách nhanh chóng, thuận tiện trên cơ sở hạ tầng thông tin số rộng khắp.
- Tăng cường việc bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm.
Những gợi mở cho thành phố Hải Dương
Tuy có kết quả tích cực trong phát triển đô thị, nhưng Hải Dương vẫn còn những tồn tại về quy hoạch, quản lý quy hoạch chưa theo kịp thực tế như hạn chế đất xây dựng, ô nhiễm môi trường, thiếu cây xanh, hệ thống hạ tầng xã hội quá tải, công nghiệp nằm trong lõi đô thị, chưa khai thác lợi thế cảnh quan sông Thái Bình, sông Sặt…
Hải Dương có năng lực cạnh tranh để trở thành một thành phố xanh - thông minh nhờ vào vị trí, năng lực, nguồn nhân lực và tài nguyên thiên nhiên. Phát triển mô hình thành phố xanh - thông minh sẽ tạo ra một thành phố đáng sống và hiệu quả làm việc cao với môi trường đô thị sinh thái, văn hóa và công nghiệp đan xen phát triển. Đặc biệt, đô thị xanh - thông minh cũng là đô thị tiết kiệm năng lượng, sử dụng tài nguyên hiệu quả, giảm lưu lượng phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu. Để làm được như vậy, Hải Dương cần đánh giá vị trí, mục đích và các đặc tính, từ đó xây dựng quy hoạch không gian mở, khai thác không gian sông Thái Bình, sông Sặt, các công viên cây xanh mặt nước, các khu vực văn hóa bản địa đặc trưng có giá trị cao về văn hóa lịch sử thành Đông, liên kết chuỗi văn hóa lịch sử trong tỉnh vào du lịch tâm linh và sinh thái. Lưu ý rằng, thành phố thông minh không cần phải có công nghệ phức tạp, cũng không phải là thành phố rộng lớn, mà cần phải có sự lồng ghép công nghệ hiện đại, tiện lợi hơn nhằm giúp thành phố trở nên đáng sống hơn, gần gũi hơn và giá trị hơn.
Hải Dương có nhiều tiềm năng để hướng đến một đô thị tăng trưởng xanh nhưng điều quan trọng lãnh đạo thành phố cần nhìn những bài học của các thành phố lớn về hạ tầng, úng ngập, kẹt xe…Trong tương lai, thành phố cần tạo thêm quỹ đất mới thuận lợi cho quy hoạch các khu đô thị đặc trưng, dành tiện ích cho không gian xanh. Trong quy hoạch cũng như định hướng phát triển không gian đô thị, chính quyền thành phố cần chú trọng hướng dẫn nhà đầu tư xây dựng giữ tỷ lệ 35%-40% phủ xanh.
Trong không gian phát triển thành phố, đối với các khu vực xây dựng nhà cao tầng, đặc biệt là các khu vực chuyển đổi công năng sử dụng đất khi di dời các nhà máy xí nghiệp và các công sở ra khỏi nội đô, cần nghiên cứu mô hình phát triển đi đôi với giao thông công cộng, khuyến khích người dân tham gia giao thông công cộng để đi lại, kết nối với các không gian công cộng, đi bộ và công viên cảnh quan. Ngoài ra, chính quyền cần quan tâm đến tỷ lệ cây xanh mặt nước trong các khu đô thị, đảm bảo các yêu cầu về không gian vui chơi giải trí đồng thời đóng góp vào việc điều hòa vi khí hậu cũng như thoát nước cho đô thị.
Trong công tác quy hoạch đô thị cần phải đặt yếu tố Xanh lên hàng đầu. Không gian xanh đô thị không chỉ có cây xanh đường phố, công viên mặt nước mà cần phải có cái nhìn toàn diện hơn bao gồm: các hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh, công viên sinh thái, khu sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, vùng trồng hoa, vùng bảo tồn cây xanh, trục xanh cảnh quan, vùng ven sông, cảnh quan sông… Cần phải nhận thức đầy đủ các yếu tố trên trong quy hoạch và quản lý quy hoạch không gian xanh của đô thị xanh hiện đại.
Với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa xã hội của tỉnh Hải Dương, là điểm kết nối các đô thị trong hệ thống đô thị tỉnh và vùng thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Dương cần có các giải pháp thu hút đầu tư phát triển đô thị, nhất là coi ưu tiên đầu tư phát triển đô thị theo hướng đô thị xanh - thông minh là tất yếu và phù hợp. Điều đó cần được thực hiện thông qua việc quản lý và lập quy hoạch, thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng đội ngũ quản lý có năng lực, đầu tư khoa học công nghệ phù hợp theo các giai đoạn. Bên cạnh đó chính quyền thành phố cần nỗ lực và chung sức thực hiện xây dựng chương trình phát triển đô thị với mục tiêu: đô thị xanh, đô thị thông minh, công nghiệp xanh, công trình xanh, nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân, xây dựng hình ảnh thành phố Hải Dương với thương hiệu thành phố xanh, sạch, khỏe, hấp dẫn, một đô thị thông minh trong vùng thủ đô Hà Nội.