Chợ đã gắn liền với đời sống con người Việt Nam từ xa xưa. Ngày nay, chợ có vai trò quan trọng trong hệ thống thương mại và dịch vụ của đô thị, đóng góp một phần đáng kể nguồn thu cho ngân sách nhà nước, góp phần giải quyết nhu cầu việc làm của hàng ngàn người trong đô thị, là kênh lưu thông hàng hóa trên thị trường, cầu nối giữa sản xuất tới người tiêu dùng. Một phần của nền văn hóa và truyền thống lịch sử của dân tộc Việt Nam đã được biểu hiện, tồn tại, lưu giữ và phát triển trong môi trường kiến trúc chợ. Giá trị văn hóa tồn tại dưới dạng vật thể hay phi vật thể, được biểu hiện rất đa dạng, phong phú qua thói quen phong tục tập quán, sản phẩm hàng hóa…Chợ còn là bộ mặt phản ánh văn hóa xã hội, mỗi hình thức xã hội khác nhau sẽ chi phối phương thức buôn bán, mặt hàng và không gian giao tiếp, trực tiếp chịu ảnh hưởng của nền kinh tế và những biến động của xã hội.
1. Đặc trưng của kiến trúc chợ trong đô thị Việt Nam
1.1. Phức tạp và đa dạng về đối tượng sử dụng
Đây là đặc điểm dễ nhận thấy của chợ, thể loại công trình công cộng phục vụ một lưu lượng người rất lớn. Kể cả người bán và người mua thì lượng người lưu thông tại một thời điểm nhất định trong chợ có thể lên tới vài ngàn người, nhất là đối với các loại 1 - cấp thành phố. Trừ lượng người bán hầu như không có sự thay đổi, lượng người mua là con số luôn thay đổi. Lượng người mua thường có xu hướng gia tăng vào những ngày nghỉ, dịp lễ Tết, lúc tan tầm và có xu hướng giảm vào các ngày bình thường, trong giờ hành chính. Mật độ người mua trong chợ cũng rất khác nhau và thường có xu hướng tập trung tại tầng 1 và khu vực mặt ngoài theo thói quen của người dân hiện nay.
1.2. Mật độ, thời gian hoạt động cao và đa dạng
Với chợ trong các đô thị Việt Nam, thời gian hoạt động không những chỉ phụ thuộc vào các yếu tố nhu cầu của người mua, bán kính phục vụ mà còn phụ thuộc vào tập quán, truyền thống. Mật độ, thời gian hoạt động cũng phụ thuộc vào thể loại hay cấp chợ cũng như “danh tiếng” vốn có của nó. Với các chợ cấp một, chợ đầu mối do bán kinh phục vụ lớn, quy mô lớn, “danh tiếng” cũng như nhu cầu người mua rất lớn có thể hoạt động ngày đêm từ sáng sớm tới tối khuya. Đối với các chợ dân sinh thì đối tượng người bán ở đây chủ yếu là những người từ nông thôn ra mang theo các sản phẩm nông nghiệp và mua vé để bán hàng chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân nên thời gian và mật độ hoạt động tập trung vào giờ tan tầm buổi trưa, đầu giờ sáng. Chợ cũng có thể họp rất sớm vào 1-2h sáng, tan lúc 5-6h sáng cũng có thể chỉ hoạt động vào đêm như ở các chợ đặc biệt: chợ hoa tươi buổi sáng, chợ đêm Đồng Xuân.
1.3. Dễ gây ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường
Do đặc điểm hoạt động của mình chợ luôn sản sinh ra các tác nhân gây ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường. Đối với chợ ở trong các đô thị tại Việt Nam, với điều kiện kinh tế còn chưa cao và ý thức người dân còn thấp thì ảnh hưởng tới vệ sinh và môi trường là không thể tránh khỏi và là bài toán nan giải cho người thiết kế cũng như người quản lý vận hành.
1.4. Phức tạp về công tác quản lý và an ninh
Chợ trong đô thị là thể loại công trình công cộng phục vụ một số lượng người lớn và hoạt động liên tục nên công tác quản lý và an ninh rất phức tạp. Quản lý ở đây bao gồm người bán và người mua đòi hỏi một không gian kiến trúc hợp lý cho bố trí gian hàng, quầy sạp để ban quản lý dễ dàng bao quát và kiểm soát. Việc tổ chức giao thông bên ngoài và nội bộ cũng ảnh hưởng trực tiếp tới công tác an ninh và an toàn PCCC của công trình.
1.5. Bộ mặt phản ánh văn hóa xã hội
Từ xa xưa cho tới nay chợ luôn phản ánh chân thực bộ mặt xã hội đang cùng tồn tại với nó. Để minh chứng điều này, ta có thể nhìn qua vài nét khái quát về bộ mặt của kiến trúc chợ ở một số thời kỳ xã hội Việt Nam: Thời phong kiến trong khuôn khổ nền kinh tế tiểu nông tự nhiên, tự cung, tự cấp và đóng kín. Sự kết hợp giữa tiểu nông và tiểu thương thủ công nghiệp duy trì kinh tế cá thể thì có chợ quê, làng, chợ phiên. Thời kì kinh tế tập trung bao cấp nhà nước chú trọng phát triển các cửa hàng mậu dịch quốc doanh, không chú trọng các hoạt động buôn bán của kinh tế tư nhân trong chợ dẫn đến kiến trúc cơ sở hạ tầng không được quan tâm xuống cấp. Từ năm 1985 tới nay với chính sách kinh tế mới, xóa bỏ bao cấp các chợ tại các đô thị đã phát triển mạnh mẽ mặc dù còn tồn tại nhiều bất cập.
1.6. Giá trị văn hóa truyền thống và lịch sử
Chợ đã gắn liền với đời sống người Việt trước đây cũng như hiện tại. Thời gian đi qua, sự tích lũy những giá trị văn hóa và lịch sử trong chợ ngày càng dày dặn và phong phú. Một phần của văn hóa Việt đã được biểu hiện, tồn tại và phát triển ở môi trường không gian này. Yếu tố lịch sử và văn hóa thường song hành với nhau và luôn gắn bó rất chặt chẽ. Có những chợ mà tên tuổi đã gắn với cả một vùng đất với những thăng trầm lịch sử, với biết bao thế hệ người. Từ thế hệ này qua thế hệ khác, hình ảnh về nó đã lưu giữ trong tâm tư và tình cảm biết bao người, gắn với những kỉ niệm của những con người bình thường nhất. Đến Sài Gòn không thể không tới chợ Bến Thành, nhắc tới Hà Nội là ta nghĩ ngay tới Chợ Đồng Xuân, với người dân xứ Huế là chợ Đông Ba, chợ Hàn ở Đà Nẵng, chợ Buôn Mê Thuật ở Tây Nguyên, chợ SaPa ở Tây Bắc, chợ Đầm ở Nha Trang bên cạnh công năng về giao thương mua bán còn là những địa điểm du lịch hấp dẫn mà du khách tìm đến.
2. Một số nguyên tắc để tạo lập không gian kiến trúc chợ thích ứng
Thực trạng kiến trúc chợ trong các đô thị Việt Nam còn tồn tại nhiều bất cập và chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Ngoại trừ các chợ đã có danh tiếng được chú ý đầu tư và quan tâm. Bộ mặt kiến trúc chưa đáp ứng được đầu tư quan tâm đúng mức. Việc tính toán quy hoạch mạng lưới và quản lý còn chưa hợp lý dẫn tới phát sinh hiện tượng chợ tạm và gây ra tình trạng thiếu thừa cục bộ trong các đô thị Việt Nam.
Tầm quan trọng của chính sách đường lối phát triển kinh tế xã hội của nhà nước tới không gian kiến trúc chợ. Các chính sách đầu tư, thu hút, hỗ trợ là nhân tố rất quan trọng quyết định phương thức, đường hướng hoạt động kinh doanh và quá trình phát triển, tồn tại của chợ trong thành thị.
Mạng lưới chợ có vai trò quan trọng trong hệ thống thương mại và kiến trúc đô thị, góp phần ổn định, rõ ràng trong quản lý nhà nước. Là căn cứ để đưa ra các quyết định xóa bỏ các chợ tạm, tránh được tình trạng phát triển tự phát, góp phần cải thiện hình ảnh kiến trúc chợ trong đô thị, xác định quy mô các dự án xây dựng và cải tạo chợ trên địa bàn thành phố. Cơ sở cho các nhà tư vấn thiết kế xác định quy mô. Giúp cho người thiết kế có cái nhìn tổng thể trên toàn mạng lưới chợ trong đô thị, rất có ý nghĩa trong việc tham vấn thiết kế.
Nguyên tắc quan trọng trong thiết kế không gian kiến trúc chợ để thích ứng với những biến đổi của điều kiện kinh tế xã hội trong đô thị là khả năng linh hoạt và dễ dàng chuyển đổi không gian. Để đạt được khả năng này, trong thiết kế không nên hoạch định dây chuyền bằng các giải pháp mềm và các hệ thống mở. Khi thiết kế phải có những giải pháp dự báo trước sự phát tiển của không gian kiến trúc và các phương án kỹ thuật mới để thích ứng.
Trước đây, quan niệm về chợ rất đơn giản, chỉ thuần túy là một không gian đơn giản phục vụ mua bán và dịch vụ. Ngày nay, với sự nâng cao của chất lượng cuộc sống và văn minh đô thị, cần phải đưa ra những đòi hỏi cao hơn cho môi trường này. Đó là những điều kiện về môi trường, văn minh thương nghiệp, chất lượng thực phẩm, an toàn, thông tin thương mại. Để đáp ứng những nhu cầu này cần phải áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác thiết kế, thi công. Tùy vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể mà người thiết kế áp dụng dưới các mức độ khác nhau.
Trong điều kiện kinh tế xã hội của đô thị Việt Nam hiện nay, sự tồn tại của hình thức chợ dân sinh là cần thiết. Đây là loại hình có số lượng và vai trò đáng kể trong đời sống thành thị. Nó phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của đại bộ phận dân cư đô thị Việt Nam. Vì vậy, duy trì hình thức chợ này là việc làm hợp lý, nhưng cần phải đầu tư cao hơn về hạ tầng cho có thể thiết kế linh hoạt, đơn giản để dễ dàng di dời hoặc chuyển đổi chức năng để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu khi xã hội phát triển.
Trong tương lai cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, việc biến đổi từ chợ sang các mô hình siêu thị và trung tâm thương mại là hướng phát triển tất yếu. Chính vì vậy, cần có những nguyên tắc, cơ sở khoa học trong thiết kế để đưa ra các giải pháp kiến trúc cho không gian để dễ dàng thích ứng.
Các chợ có danh tiếng và truyền thống lâu đời trong các đô thị Việt Nam ngày nay không chỉ đáp ứng đơn thuần nhu cầu kinh doanh, dịch vụ thương nghiệp mà còn là điểm đến trên bản đồ du lịch của thành phố. Sức thu hút và tiềm năng phát triển là rất lớn. Cần phải gìn giữ và phát huy những bản sắc vốn có của nó. Trong quá trình phát triển và chuyển đối thành các mô hình thương mại cấp cao hơn, vẫn nên dành một phần không gian kiến trúc cho những giá trị truyền thống này. Các vấn đề về văn hóa tâm linh như việc thờ cúng của các hộ kinh doanh cũng cần chú trọng và có quy định phù hợp với tâm lý và tình cảm của người Việt Nam. Chú trọng phát triển và quan tâm tới các hình thức chợ kết hợp với văn hóa và dịch vụ du lịch. Cần khai thác những nét riêng đặc sắc và truyền thống văn hóa địa phương.
Trong thiết kế chợ cần có giải pháp cụ thể về diện tích quầy sạp. Không làm chung chung mà tư vấn thiết kế phải kết hợp khảo sát và kết hợp với ban quản lý, tính toán và dự báo số lượng quầy sạp. Đây là việc làm cần thiết, đặc biệt đối với các chợ được cải tạo, tránh tình trạng khiếu kiện của các hộ kinh doanh và thiếu diện tích cho việc mở rộng về sau này.
Phát triển và ứng dụng hệ thống thông tin liên lạc hiện đại trong chợ. Cùng với sự hội nhập của nền kinh tế, vị trí của thông tin đang và sẽ ngày một quan trọng. Chính vì vậy, không thể không có một mạng lưới hệ thống thông tin liên lạc hiện đại trong không gian tương lai.
Giải quyết các vấn đề về thực trạng chợ độ thị hiện nay cần có sự phối hợp đa ngành. Phải nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện. Trong khuôn khổ của bài báo chỉ mới đề cập chủ yếu trên quan điểm người làm công tác kiến trúc, vì vậy chắc chắn không thể tránh được một số yếu tố chủ quan.
2.1. Nguyên tắc quy hoạch vị trí chợ trong đô thị
Tổ chức mạng lưới chợ phục vụ các nhu cầu tổng hợp phải gắn với các khu vực dân cư các trung tâm các khu công nghiệp trong quy hoạch thành phố. Vì chợ không tồn tại độc lập mà tạo thành một mạng lưới trong đô thị. Chợ còn phụ thuộc vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đô thị. Tùy theo mật độ dân cư của từng khu vực để bố trí bán kính phục vụ khác nhau. Tùy theo loại và cấp chợ mà xác định bán kính với quy mô, độ dài khác nhau. Có khoảng không gian cách li với khu dân cư. Không bố trí gần trường học, bệnh viện, hay những công trình có yêu cầu cách li về tiếng ồn, vệ sinh môi trường.
Đảm bảo cự ly đi lại phù hợp với đại đa số dân cư đô thị. Bố trí gần đường giao thông, bến xe, bến tàu, đảm bảo lưu thông hàng hóa và hành khách tới chợ. Đồng thời, không được lấn chiếm lòng đường hè phố. Đảm bảo đầy đủ các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phối hợp đồng bộ với hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị.
Vị trí của chợ phải thỏa mãn các khoảng cách về an toàn phòng cháy chữa cháy và điều kiện vệ sinh môi trường. Vị trí phải đảm bảo diện tích xây dựng và phải tính sự phát triển quy mô và hình thức kinh doanh sau này. Chợ có thể là một hoặc nhiều công trình riêng biệt, độc lập; cũng có thể được bố trí ở tầng 1 đến tầng 3 của một tổ hợp công trình công cộng nhiều tầng với các chức năng sử dụng khác như: Trung tâm thương mại, siêu thị.
2.2. Thỏa mãn nhu cầu sử dụng và giao lưu văn hóa du lịch
Không chỉ thỏa mãn nhu cầu mua bán đơn thuần, đối với người Việt tới chợ còn là thú vui, với người du lịch từ phương xa là sự khám phá văn hóa. Giá trị văn hóa còn bộc lộ qua sự giao lưu giữa người với người, thông tin được tiếp nhận đối với người đến. Đối với nhiều chợ có những nét văn hóa và truyền thống cần được bảo tồn lưu giữ và phát huy. Chính vì vậy, trong thiết kế không thể không chú ý tới khía cạnh này. Việc có một không gian giao lưu văn hóa tạo nên sự hấp dẫn và nét riêng, bản sắc riêng. Khi thiết kế cần khai thác hoặc tạo ra nét riêng này. Có thể tạo ra các không gian tổ chức sinh hoạt văn hóa ngay trong không gian trung tâm chợ và kết hợp với các hình thức quảng cáo và thông tin. Văn hóa được bộc lộ ở đây cũng có thể trong những không gian nhỏ, đơn vị cụ thể. Ta có thể thấy chỉ một quầy bán giải khát nhỏ nhưng kết hợp với những bậc thang làm chỗ nghỉ ngơi giao lưu, các mặt quầy hàng thiết kế để có thể dán quảng cáo cung cấp thông tin cho khách hàng.
Yếu tố hấp dẫn khách du lịch tới chợ đó chính là nét văn hóa địa phương, hàng hóa phong phú, các dịch vụ. Vì vậy, trong thiết kế cần tính tới các nhu cầu này. Để tạo thêm tính hấp dẫn cho du khách phải đặc biệt quan tâm tới không gian kiến trúc dịch vụ. Cân nhắc và chọn lựa hình thức và loại hình dịch vụ của không gian này.
2.3. Thỏa mãn tính linh hoạt và dễ dàng chuyển đổi không gian
Đây là một trong những đòi hỏi trong công tác thiết kế vì chợ rất nhạy cảm với những biến đổi phát triển của đời sống đô thị. Luôn luôn sẵn sàng thay đổi để đáp ứng những nhu cầu của cuộc sống và phát triển này sẽ phá vỡ không gian kiến trúc và phát triển hết sức tự phát để lại những hậu quả về kinh tế cũng như kiến trúc.
Trong thiết kế chợ không nên hoạch định dây chuyền một cách quá cứng nhắc. Mà chỉ nên phân định không gian mua và bán một cách tương đối. Các ki ốt quầy sạp không nên xây kiên cố mà chỉ nên sử dụng những vật liệu nhẹ dễ dàng tháo lắp. Dùng những khoảng trống, khoảng nghỉ để phân tách các khu vực kinh doanh khác nhau về ngành hàng. Do tính đặc thù của chợ, không nên thiết kế mặt hàng kiến trúc phức tạp và ngoắt nghéo để dẫn tới những tình huống khó xử trong việc bố trí lô quầy và mở rộng sau này.
Để đạt được tính linh hoạt cao trong sử dụng và chuyển dổi không gian kiến trúc chợ nên sử dụng các kết cấu có khẩu độ lớn. Đối với các chợ có quy mô một tầng nên sử dụng các loại kết cấu thép như: kết cấu không gian, khung thép tiền chế. Ưu điểm của kết cấu này là dễ dàng tháo lắp cải tạo di dời vượt khẩu độ lớn từ 20m, 30m tới 40m và có thể hơn nữa. Đối với chợ có quy mô từ 2 tới 3,4 tầng thì trong điều kiện Việt Nam hiện nay nên sử dụng kết cấu khung bê tông cốt thép bước cột từ 8m trở lên, ở tầng trên cùng nên sử dụng kết cấu giàn không gian vượt nhịp lớn. Thông thường tâm lý người kinh doanh không thích thuê chỗ trên tầng này, vì vậy nên sử dụng không gian này cho hoạt động vui chơi giải trí và dịch vụ để thu hút một lượng khách hàng.
Với sự phát triển kinh tế ngày càng mạnh mẽ cùng mức sống được nâng cao của người dân trong các đô thị Việt Nam, việc các chợ cấp thành phố sẽ chuyển đổi thành những trung tâm thương mại và siêu thị hiện đại sẽ không thể tránh khỏi. Việc nâng cấp này cần được dự báo và lường trước trong thiết kế. Phải có các giải pháp chuẩn bị cho các hệ thống thiết bị kỹ thuật hiện đại sẽ được lắp đặt sau này. Như hệ thống điều hòa không khí, thông tin liên lạc, các thiết bị sử dụng cao cấp. Trong việc thiết kế và chọn lựa giải pháp kỹ thuật nên sử dụng các hệ thống mở, có khả năng và phát triển không tốn kém và không phải chuyển đổi các thiết bị trung tâm.