Theo dòng lịch sử hình thành và phát triển, mỗi ngôi làng vùng Đồng bằng Bắc bộ (ĐBBB) ngày nay vẫn còn duy trì các không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng cổ kính như Đình làng, Đền, Chùa. Quan trọng là các không gian kiến trúc này vẫn giữ được nguyên vẹn những chức năng khởi thủy của chúng. Tuy nhiên, dưới sự tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường và sức ép của đô thị hóa, làng xã dần mai một đi các giá trị văn hóa truyền thống ban đầu. Nền tảng của các không gian kiến trúc sinh hoạt văn hóa cộng đồng trở nên đa dạng, thậm chí là pha tạp, du nhập những nét văn hóa ngoại lai và tạo nên các tiếp biến văn hóa sinh động. Các giá trị mới xuất hiện của không gian kiến trúc cộng đồng có làm mất đi các giá trị cũ hay không? Có đáp ứng được nhu cầu của người dân làng hay không? Khả năng thích ứng giữa các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng với không gian kiến trúc công cộng và cảnh quan nông thôn vùng ĐBBB đã diễn ra như thế nào? Để làm rõ các vấn đề này, cần tìm hiểu kỹ về các đặc điểm quần cư có liên quan tới kiến trúc truyền thống nông thôn vùng ĐBBB.
1. Đặc điểm quần cư và kiến trúc truyền thống nông thôn vùng Đồng bằng Bắc bộ
1.1. Đặc điểm quần cư của các làng xã nông thôn vùng ĐBBB
Làng là điểm tụ cư chính, là những đơn vị kinh tế và văn hóa cơ sở của đất nước. Người Việt (kinh) sống theo làng xã từ lâu đời. Ban đầu, làng là một nơi cư trú của một số gia đình, gia tộc, dần dần được củng cố bằng các quan hệ sở hữu và lợi ích kinh tế, thành một thiết chế xã hội mang tính tự quản, thể hiện qua hương ước, luật tục, nằm trong khuôn khổ các đơn vị hành chính xã hội hiện nay.
Tổ chức và hoạt động của làng xã dựa trên nội dung, chức năng đặc thù riêng của từng làng. Dựa vào đặc điểm quần cư, làng xã Việt Nam được chia làm 3 loại hình cơ bản như dưới đây:
- Làng xã theo huyết thống: Toàn bộ dân làng sinh ra từ một dòng họ (một gia đình) trải qua nhiều đời nối tiếp.
- Làng xã theo địa bàn cư trú: Những người sống trên một khu vực, khác dòng họ, hợp lại thành một làng. Cộng đồng có tính dân chủ nhưng khuyết điểm là dựa dẫm, ỷ lại. Theo địa bàn cư trú thì làng xã được chia thành một số loại hình là làng trung du - đồi núi, làng đồng bằng, làng ven biển.
- Tổ chức làng nghề, phường và hội: không tính nghề làm nông là trồng lúa, những người cùng làm một nghề như nghề đánh cá (làng chài), nghề thủ công (làng gốm, làng rèn, đan nón), mỹ nghệ (làng đúc đồng, làng chạm bạc) về sau đều được gọi là “phường”. Những phường này sẽ là hạt nhân của thành thị.
Làng Việt Nam không chỉ là một khu vực cư trú đơn thuần của gia đình tiểu nông, mà chính bản thân nó còn là một tổ chức sản xuất, quân sự, xã hội. Làng là tích hợp của những thành tố nói trên.
1.2. Sự hình thành không gian kiến trúc truyền thống nông thôn vùng ĐBBB theo dòng lịch sử
Theo dòng thời gian, từ thời văn hóa Đông Sơn (700 TCN-100), người dân Việt đã biết thể hiện phong phú những sắc thái không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng (SHVHCĐ) một cách sống động nhất. Dễ nhận thấy 2 loại nhà hình chữ nhật khắc trên trống đồng với quy mô lớn nhỏ khác nhau rõ rệt, diện tích lần lượt là 10m2 và 70-80m2, biểu trưng cho các hộ gia đình và nơi sinh hoạt cộng đồng, đến các công trình đền đình, miếu mạo, cây đa, bến nước tại các làng mạc hiện tại.
Trải qua thời kỳ Bắc thuộc (111TCN-939), miền Bắc đã du nhập và chịu ảnh hưởng của tôn giáo Trung Hoa, Ấn Độ. Sang chế độ phong kiến tự chủ (thế kỷ X-XIX), các công trình kiến trúc SHVHCĐ chủ yếu là đình, chùa, đền phục vụ tín ngưỡng tôn giáo và kết hợp những “khoảng trống” có “tín hiệu” như gốc đa, giếng nước, cổng, ao, bờ sông… trong làng làm không gian biểu diễn nghệ thuật dân gian. Đặc biệt một hình thức văn hóa mới - trường học - ra đời từ đầu thế kỷ XI với công trình văn hóa “truyền đời” là Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Những phố phường trong vùng nội đô cũng hình thành theo cách thức rất đặc trưng của làng. Hà Nội ngày xưa có 36 phố phường, mỗi phường chính là một làng nghề.
Cuối thế kỷ XIX (1887-1945), người Pháp đã cho xây dựng và phát triển Hà Nội với tham vọng dựng “một Paris thu nhỏ trong lòng Đông Dương”. Văn hóa Việt Nam lại một lần nữa du nhập các luồng tư tưởng văn hóa ngoại sinh. Công trình kiến trúc công cộng vì thế được thiết kế phù hợp với khí hậu nhiệt đới, một số tiêu biểu còn lại tới ngày nay như Phủ Chủ tịch, Nhà hát lớn HN, Nhà thờ lớn, Chợ Đồng Xuân, Bảo tàng Lịch sử, Viện Pasteur, khách sạn Metropole…Các không gian SHVHCĐ mới hình thành để dung nạp được nội dung bên trong là văn hóa đến từ phương Tây: khách sạn, khiêu vũ, nhạc cổ điển với các loại nhạc cụ mới như dương cầm, vĩ cầm, kèn trôm-pét, hát thính phòng, kịch nói…
Thời kỳ bao cấp, 1954-1985, trong công cuộc xây dựng XHCN, nhà nước bao cấp bệnh viện, trường học, thông tin, văn hóa - văn nghệ đều được thiết chế, kinh tế phát triển làm hình thành khuynh hướng “ngói hóa” làng xóm. Trong hơn 30 năm này, nhiều giá trị văn hóa bị phủ định, bị cấm đoán một cách độc đoán, thiếu nghiên cứu, ĐBBB đã mất đi một số lượng lớn những giá trị văn hóa ngàn năm, hình thành nét đứt đoạn trong tiến trình phát triển văn hóa truyền thống.
Thời kỳ kinh tế thị trường, từ năm 1986 đến nay, các hoạt động văn hóa truyền thống dần được khôi phục. Nền kinh tế phát triển kéo theo các nhu cầu trong cuộc sống hiện đại, du nhập mới nhiều hình thức văn hóa ngoại lai, đã hình thành những hoạt động sinh hoạt cộng đồng có nội dung mới như công trình ủy ban, trường học, nhà văn hóa, thư viện, bưu điện, các hiệp hội, đoàn thể…cùng hàng loạt các loại hình nghệ thuật mới, điện ảnh, internet, trò chơi điện tử, thể thao… dẫn tới nhu cầu cần xây dựng những công trình kiến trúc công cộng phù hợp với các hoạt động SHVHCĐ mới. Các công trình công cộng, dân dụng, công nghiệp được xây dựng khắp nơi trên cả nước. Bộ mặt nông thôn - làng xã đã thay đổi rất nhiều, tự phát theo nhiều hướng, chủ yếu mang tính sao chép từ thành thị. Vì vậy, các công trình công cộng được xây dựng cứng nhắc, xa rời những giá trị văn hóa truyền thống quý báu vốn có của làng xã, dẫn tới một tổng thể làng xã “hỗn loạn”, chen lấn, không có chính phụ, không có định hướng.
2. Các nội dung cơ bản của không gian kiến trúc sinh hoạt văn hóa cộng đồng nông thôn
2.1. Trong các công trình kiến trúc công cộng dân gian
Đối với những công trình kiến trúc công cộng như cầu, quán điếm, cổng làng, về bản chất tất cả đều là những không gian kiến trúc SHVHCĐ. Đây là nơi dừng chân, nghỉ ngơi và trao đổi thông tin hàng ngày trong cộng đồng dân làng.
- Cầu: Có các loại như cầu tre, cầu gỗ, cầu đá, cầu gạch ngói…hay cầu có mái che (Chùa Thầy) tạo thành không gian trú chân cho khách bộ hành.
- Quán điếm: Quán là không gian nghỉ của nông dân ở ngoài ruộng hoặc quán chợ trong các chợ buôn bán. Điếm có thể là điếm tuần canh trong làng xóm, điếm canh đề phòng lũ lụt vỡ đê hay điếm ở ngoài nghĩa trang… Quán điếm thường có cấu tạo đơn giản, được xây dựng bằng tranh, tre, nứa, lá hoặc gạch, đá, gỗ ngói.
- Cổng làng: Làng xóm Việt Nam được bao bọc bởi lũy tre và cổng làng chính là cửa ngõ, là không gian phân định ranh giới trong và ngoài làng. Vật liệu xây dựng của cổng làng thường là gạch, gỗ, ngói, đá ong. Những cổng làng có quy mô thường có cửa đóng then cài và bảo vệ nghiêm ngặt, kết hợp với lũy tre làm thành “pháo đài kiên cố”, chống lại giặc dã, cướp bóc hay ngoại xâm.
2.2. Trong tín ngưỡng - tôn giáo
Tín ngưỡng tôn giáo là một hình thức văn hóa đặc thù, người xưa đã thờ thần linh, thờ những sự vật có liên quan đến nông nghiệp như trời, trăng, đất, rừng, sông, núi… Tục thờ thành hoàng và ngôi đình làng là đặc điểm độc đáo của làng quê Việt Nam. Đình làng vừa là kiến trúc tôn giáo, vừa là công trình thuộc thể loại kiến trúc công cộng do tính chất phục vụ đa chức năng, đây là không gian kiến trúc SHVHCĐ đặc sắc nhất ở nông thôn Việt Nam.
Gắn liền với quá trình phát triển thêm về mặt chức năng của Đình làng là không gian kiến trúc cảnh quan. Kiến trúc Đình thường được phát triển cả về phía sau, phía trước và hai bên, với nhiều hạng mục: Hậu cung, ống muỗng, tiền tế, các dãy tả vu, hữu vu, tam quan, trụ biểu, hồ nước, thủy đình…Trong bố cục đó, không gian chủ yếu vẫn là tòa đại đình (đại bái), là nơi diễn ra các hoạt động hội họp, ăn khao, khao vọng, phạt vạ…của dân làng. Đại đình bao giờ cũng là tòa nhà lớn nhất trong quần thể, bề thế, trang trọng. Đại đình ở các đình cổ thường có sàn lát ván, cao từ 60-80cm, chia làm ba cốt cao độ, sự phân chia thứ bậc cho những người ngồi ở Đại đình.
Đình không những có giá trị về mặt kiến trúc cao, là kiến trúc thuần Việt nhất của dân tộc, mà còn là kho tàng hết sức giá trị về mặt điêu khắc dân gian. Trên các vì kèo, tất cả các đầu bẩy, đầu dư, đố, xà kẻ, ván gió, ván nong (dong)…là nơi các nghệ sị điêu khắc dân gian chạm khắc mọi đề tài, tái hiện cuộc sống và lao động của con người, cảnh sắc thiên nhiên giàu tính dân gian và phong phú, sinh động.
2.3. Trong các lễ hội truyền thống
Trong các lễ hội truyền thống, không gian kiến trúc SHVHCĐ giống như một bức tranh toàn cảnh, là toàn bộ ngôi làng từ công trình kiến trúc, không gian cảnh quan đến môi trường nước, tất cả là một sự kết hợp hài hòa giữa 3 yếu tố con người - kiến trúc - thiên nhiên. Nhìn chung không có công trình biểu diễn có chức năng riêng biệt dành cho không gian biểu diễn nghệ thuật truyền thống, mà thường được diễn ra ngoài trời, tại các không gian mở trong làng. Các không gian này được chia thành các khu vực mang tính ước lệ, có 2 nội dung chính sau:
- Khu vực biểu diễn: Thông thường là thềm đình làng, sân trước đình, đi thuyền trên mặt hồ, trên sông, hay bất cứ một vị trí thuận lợi được quy ước tùy nội dung từng loại hình nghệ thuật dân gian. Nhưng vị trí sân khấu luôn được chọn sao cho có một hình ảnh đặc thù làm phông nền cho buổi diễn, có thể đó là ngôi đình làng trang nghiêm hoành tráng, hay có thể một gốc đa, cổng làng.
- Khu vực khán giả: Ngăn cách với không gian biểu diễn, cũng theo cách ước lệ. Khán giả thưởng thức từ nhiều phía, có thể đứng hoặc ngồi, mang tính tự phát và thuận lợi cho quan sát.
- Các không gian phụ trợ: Gần như là không có.
Ngày nay, các không gian dành cho những hoạt động này đã được cải thiện và phát triển đáng kể, với các công trình công năng phục vụ đầy đủ, tiện nghi cho các nghệ sĩ và khán giả thưởng thức nghệ thuật tốt nhất, đó là nhà văn hóa, trung tâm thể thao, nhà hát, bảo tàng, bưu điện, thư viện. Các hoạt động SHVHCĐ cũng được thực hiện có tổ chức bài bản, không còn mang tính tự phát. Kèm theo đó còn có nhiều không gian phụ trợ như: Bãi đỗ xe, sân vườn, phòng hóa trang, sân khấu phụ, thiên kiều, phòng quản lý, hệ thống kho, phòng kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, các khu vệ sinh…
3. Những đặc điểm cơ bản của không gian kiến trúc SHVHCĐ nông thôn vùng ĐBBB
3.1. Một vài đặc điểm cơ bản của không gian kiến trúc SHVHCĐ nông thôn
Không gian kiến trúc SHVHCĐ nông thôn chứa đựng các hoạt động SHVHCĐ, nên về nguyên lý nó bao gồm 2 yếu tố văn hóa truyền thống và văn hóa mới cùng tồn tại, đan xen trong một không gian làng xã, với những đặc điểm cơ bản dưới đây.
- Tính dân dã, gần gũi với tỷ lệ, vóc dáng con người;
- Tính ước lệ, có ranh giới ảo;
- Không gian thoáng, có tính mở;
- Luôn gắn kết với thiên nhiên;
- Không gian kiến trúc làm phông nền cho nội dung (nhấn mạnh con người);
- Màu sắc hài hòa, không nổi trội, trung tính (nổi bật quần áo, cờ hoa);
- Sử dụng vật liệu xây dựng địa phương;
- Kết cấu không gian nhỏ và vừa.
3.2. Tính nhân văn của không gian kiến trúc SHVHCĐ - sự hòa nhập giữa văn hóa truyền thống, con người và kiến trúc
Theo đánh giá của Nhà nghiên cứu Chu Xuân Diên: “Trong mối quan hệ với tự nhiên, người Việt phụ thuộc vào tự nhiên, nương nhờ tự nhiên hơn là chiếm lĩnh, làm chủ tự nhiên”. Đây là một yếu tố tạo nên làng xã Việt Nam, một sự tổng thể hài hòa giữa môi trường sinh thái nhân văn. Con người là trung tâm, vận dụng kiến thức của mình từ khoa học kỹ thuật, kết hợp với môi trường tự nhiên và văn hóa bản địa để sinh tồn, tạo nên những không gian kiến trúc ở, làm việc và tái sản xuất lao động đạt hiệu quả cao nhất.
Xã hội nào cũng trải qua một tiến trình phát triển, có thăng trầm, có nở rộ rồi lại suy tàn và lại phát triển trở lại. Ngày nay xuất hiện nhiều hơn những cái tên gọi như “đô thị làng”, “thành phố vườn”, “thành phố sinh thái”, “thị trấn nông thôn”. Những đô thị nhỏ này không chỉ là nơi cư trú có môi trường tự nhiên thật lý tưởng mà còn được coi là nơi rất ấm áp quan hệ con người với nhau bởi không gian sống tràn ngập văn hóa cộng đồng theo kiểu làng xã xưa kia được phục hồi trở lại. Các loại hình văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống, lễ hội tôn giáo, lễ hội nghề nghiệp được phát triển mạnh mẽ.
Vấn đề đáng quan tâm ở đây là sau khi đô thị phát triển đến đỉnh cao thì lại có xu hướng quay về với kiểu đô thị giản dị mang hơi hướng làng xã của xã hội nông nghiệp truyền thống. Điều này khiến cho chúng ta suy nghĩ rằng các đô thị châu Á nói chung và vùng ĐBBB Việt Nam nói riêng đang sở hữu những gia tài văn hóa đồ sộ, những giá trị tinh thần quý giá của xã hội truyền thống. Tổng hòa các mối quan hệ một cách hữu cơ đã tạo nên hình hài của làng xã Việt Nam hiện nay, đó là sự hòa nhập giữa văn hóa truyền thống, con người và kiến trúc.
Các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng luôn gắn bó chặt chẽ với những không gian kiến trúc - nơi diễn ra các hoạt động lễ hội. Có hai loại hình không gian SHVHCĐ chủ đạo là:
- Loại hình thứ nhất được hình thành theo tính hợp lý tự nhiên, do nhu cầu và được sự đồng tình của số đông người, dần hình thành không gian sinh hoạt văn hóa phù hợp và cần thiết cho cộng đồng. Đây thường là những khoảng không gian trống, rộng lớn và có tín hiệu quy ước như cây đa, bến nước, ao làng, đường làng, bờ đê…
- Loại hình thứ hai là những không gian do bàn tay con người tạo dựng lên, được hình thành theo cách thức có trù tính trước, phục vụ cho mục đích cụ thể như tín ngưỡng, tôn giáo, thờ cúng. Các công trình này bao gồm: Đình làng, cổng làng, cầu, quán - điếm canh, chùa, đền, miếu thờ…
Nội dung và hình thức hoạt động của không gian kiến trúc SHVHCĐ được thay mới, được bổ sung, được chèn thêm vào giữa những không gian đã có theo phương thức ồ ạt, tự phát, thiếu nghiên cứu và đánh giá về quy hoạch - kiến trúc - cảnh quan, dẫn tới phá vỡ cấu trúc làng truyền thống, làm mờ nhạt đi giá trị không gian kiến trúc truyền thống của làng. Điều quan trọng là cần thực hiện các đồ án nghiên cứu và khảo sát, phân tích kỹ lưỡng các giá trị văn hóa, kiến trúc, cảnh quan, đô thị, đời sống xã hội mới để từ đó đưa ra những đánh giá đúng nhất về tình hình thực trạng của làng xã, đề ra các kịch bản thiết kế sao cho phù hợp với bước tiến của xã hội đương thời, có tính đến các yếu tố di sản, đảm bảo sự phát triển bền vững, không làm mất đi các giá trị truyền thống của ngôi làng đô thị ngày nay. Ý thức đầy đủ về việc bảo tồn và phát triển không chỉ không gian công cộng đơn thuần về nội dung mà còn là các quan hệ xã hội thân thiện mang đầy tính nhân văn trong không gian đó.