1. Đặt vấn đề
Cách đây vài năm, khái niệm chuyển đổi số vẫn còn là một điều mới mẻ đối với những người làm kỹ thuật xây dựng và thường nhầm lẫn “chuyển đổi số” là “số hóa” – đưa giá trị thực về dạng số. Tuy nhiên, “chuyển đổi số” là bước tiến cao hơn của “số hóa”, dựa trên dữ liệu đã được “số hóa”, sử dụng công nghệ thông tin như dữ liệu lớn (Big data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… để phân tích dữ liệu, biến đổi nó và tạo ra những giá trị mới.
Cùng với sự phát triển của mạng Internet, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra tại Việt Nam tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực như tài chính, giao thông, du lịch… và mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp chuyển đổi số. Chính phủ và chính quyền các cấp đang nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Tháng 7/2020, Bộ Xây dựng đã có Quyết định 1004/QĐ-BXD về việc phê duyệt “Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020-2025, hướng đến năm 2030”. Vì vậy các trường Đại học, Viện nghiên cứu, Hội ngành và các Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng không thể đứng ngoài cuộc. Hiện nay nhiều dự án xây dựng đã sử dụng các công nghệ số như cảm liệu thông minh, các ứng dụng mới giúp dễ dàng lưu giữ tất cả các thông tin về công trình giúp mọi người có thể truy cập và tham gia vào quá trình xây dựng… Các lĩnh vực nghiên cứu thường được thực hiện đơn lẻ, chưa có sự kết nối liên ngành và giữa các đơn vị đào tạo (Trường), đơn vị nghiên cứu (Viện), đơn vị phản biện (Hội chuyên ngành), đơn vị sản xuất (Doanh nghiệp). Với thế mạnh của CNTT, việc nghiên cứu liên ngành là thực sự cần thiết trong thời kỳ chuyển đổi số và sẽ mang lại hiệu quả rõ rệt cho chính đơn vị và cho sự phát triển của đất nước.
2. Tính tất yếu của nghiên cứu liên ngành và vai trò của CNTT
Tính liên ngành trong khoa học nói chung và khoa học kỹ thuật xây dựng nói riêng xuất phát từ nhu cầu giải quyết các vấn đề của thực tiễn cuộc sống. Mỗi một phát minh trong lĩnh vực khoa học này sẽ kéo theo những thay đổi và ảnh hưởng nhất định đến các ngành khoa học khác. Ở nhiều quốc gia và chính phủ, bộ máy tổ chức được thiết lập theo cơ chế liên bộ và đa ngành, liên ngành để có thể đưa ra những phản ứng nhanh và chính xác nhất trước các biến động kinh tế, xã hội. Rõ ràng là một ngành khoa học riêng lẻ dù mạnh đến mấy cũng không thể giải quyết được triệt để và toàn diện các vấn đề của thực tiễn. Chính trong bối cảnh đó thì tiếp cận liên ngành và nghiên cứu liên ngành trong khoa học trở thành một xu thế tất yếu và là một ưu thế để khắc phục hạn chế trên.
Một ví dụ điển hình trong nghiên cứu liên ngành Tài nguyên môi trường - Thủy lợi - Nông nghiệp về giải quyết tình trạng hạn hán xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đối với ngành Tài nguyên môi trường cần nghiên cứu hoàn thiện các cơ chế, chính sách về tài nguyên nước, chia sẻ nguồn nước, nâng cao năng lực giám sát, dự báo, cảnh báo; đối với ngành Thủy lợi cần nghiên cứu các giải pháp công trình để điều tiết mặn, ngọt, trữ nước, chuyển nước ngọt; đối với ngành Nông nghiệp cần nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng hoặc cắt giảm diện tích sản xuất nông nghiệp trong điều kiện thiếu hụt nguồn nước.
Như chúng ta đã biết CNTT là ngành ứng dụng công nghệ quản lý và xử lý thông tin. Ở Việt Nam, thì khái niệm CNTT được hiểu và định nghĩa trong Nghị quyết 49/CP ký ngày 04/08/1993 về phát triển CNTT của Chính phủ Việt Nam, như sau: “Công nghệ thông tin là tập hợp các phương pháp khoa học, các phương tiện và công cụ kỹ thuật hiện đại - chủ yếu là kỹ thuật máy tính và viễn thông - nhằm tổ chức khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thông tin rất phong phú và tiềm năng trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người và xã hội”. Có thể nói một cách ngắn gọn, CNTT là chế tạo và sử dụng công nghệ (phần mềm) để truyền đạt thông tin (số liệu, hình ảnh) đến với người dùng một cách tốt nhất. Những năm trước đây ứng dụng CNTT thường trong phạm vi hẹp đơn ngành, ví dụ trong lĩnh vực chống và giảm nhẹ thiên tai như Xây dựng chương trình quản trị cơ sở dữ liệu phân vùng mưa, gió, lũ bất thường do bão, hiển thị các đặc trưng khí tượng thủy văn, phân vùng mưa lớn, gió mạnh, lũ lớn trên các triền sông dưới dạng số liệu, đồ thị và bản đồ; Xây dựng chương trình đánh giá trượt lở đất, dự báo trượt lở mái dốc đất đá tự nhiên, mái dốc công trình và phân vùng trượt lở đất…Các nghiên cứu trên chỉ xem xét từng phần của vấn đề thực tiễn trong phòng chống thiên tai trong khi đó chúng có mối liên quan mật thiết với nhau, vì vậy việc ứng dụng CNTT trong nghiên cứu liên ngành đóng vai trò hết sức quan trọng để tạo ra sản phẩm mang tính tổng thể cho một lĩnh vực của cuộc sống.
3. Kết nối giữa THXDVN với các Trường Đại học, Viện nghiên cứu và Doanh nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số
Tổng hội Xây dựng Việt Nam (THXDVN) là tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nguyện tập hợp của các tổ chức Hội chuyên ngành về xây dựng, Hội Xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội viên tập thể, Chi hội và hội viên là các công dân Việt Nam là chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực liên quan đến công tác xây dựng và trong đó đa phần đều kinh qua công tác lãnh đạo nhiều Bộ, Ngành, Trường, Viện, Doanh nghiệp ở Trung ương. Vì vậy, vai trò của THXDVN trong việc kết nối nghiên cứu liên ngành và các đơn vị KHCN là hết sức thuận lợi đặc biệt trong thời kỳ bùng nổ CNTT như hiện nay.
3.1. Những lợi ích mang lại
Thứ nhất, đối với THXDVN (TH): Phát huy được trí tuệ, kinh nghiệm quản lý, kinh nghiệm thực tiễn của các nhà khoa học đầu ngành tâm huyết với nghề. Có tiếng nói độc lập, khách quan về một vấn đề mang tính thời sự của Ngành.
Thứ hai, đối với Nhà trường, Viện nghiên cứu (NT, VNC): NT được tư vấn về việc sửa đổi và xây dựng nội dung chương trình đào tạo. Góp phần nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn cho người học. VNC có cơ hội hợp tác với NT trong đào tạo cán bộ nghiên cứu, với DN trong việc chuyển giao công nghệ, đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn cuộc sống.
Thứ ba, đối với doanh nghiệp (DN): DN luôn yên tâm có một đội ngũ nhân lực vững chắc hỗ trợ khi mình có nhu cầu. DN có thêm quyền và cơ hội lựa chọn và sử dụng nguồn lao động chất lượng, có trình độ, từ đó giải quyết được bài toán nan giải về nhân lực. DN có thể đặt hàng các đề tài nghiên cứu khoa học có chất lượng và thiết thực từ NT, VNC nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm của DN.
3.2. Giải pháp kết nối
Thực trạng mối quan hệ giữa THXDVN với NT, VNC, và DN ở nước ta hiện nay chưa có gắn kết chặt chẽ, đang gặp nhiều bất cập. Nguyên nhân chính xuất phát từ mặt nhận thức chưa đủ, chưa đúng về nhu cầu gắn kết và hợp tác giữa các đơn vị, chưa có sự đồng điệu trong tư duy, bắt nguồn từ sự thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về lợi ích và thế mạnh của nhau. Ngoài ra, thiếu lòng tin và sự tin tưởng lẫn nhau cũng là một nguyên nhân khiến cho cho mối liên kết giữa các bên còn lỏng lẻo, chắp vá, chưa đến nơi đến chốn. Vì vậy để có sự gắn kết trong NCKH giữa THXDVN với NT, VNC và DN trong thời kỳ chuyển đổi số cần tập trung vào các giải pháp:
- Xây dựng cơ chế chính sách phối hợp trong NCKH giữa THXDVN với NT, VNC và DN, nhấn mạnh vai trò chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
- Tổ chức thường xuyên các hội thảo khoa học về những vấn đề mang tính cấp bách của Ngành đang được xã hội quan tâm, trong đó THXDVN là cầu nối giữa các nhà khoa học, giữa các đơn vị KHCN trong và ngoài ngành.
- Phối hợp với NT, VNC và DN để đề xuất với các Bộ, ngành, địa phương các vấn đề nghiên cứu mang tính liên thông giữa các ngành dựa trên nền tảng CNTT, điển hình: ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý GIS trong công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng; ứng dụng Mô hình thông tin công trình BIM trong các hoạt động đầu tư xây dựng công trình; ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo trong quản lý vận hành đô thị thông minh.
4. Kết luận
Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số đã bắt đầu diễn ra, việc tiếp cận nghiên cứu liên ngành trong khoa học trở thành một xu thế tất yếu. Kết nối trong NCKH giữa THXDVN với NT, VNC và DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng là hướng đi đúng đắn sẽ mang lại nhiều hiệu quả rõ rệt cho chính đơn vị và cho sự phát triển của đất nước.