Ô nhiễm môi trường ở Nghệ An

Thứ năm, 14/06/2007 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa, Tỉnh Nghệ An đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư. Bởi vậy, nhiều nhà máy, cơ sở dịch vụ được xây dựng nhưng hệ thống xử lý chất thải chưa đạt tiêu chuẩn đã gây ô nhiễm môi trường. Các đơn vị sản xuất kinh doanh mới chỉ đầu tư đẩy mạnh sản xuất hàng hoá mà chưa chú ý đến việc xử lý chất thải, nhất là chất thải độc hại.

Do áp lực gia tăng dân số, tốc độ đô thị hoá nhanh, những cơ sở sản xuất có khả năng gây ô nhiễm môi trường trước đây bố trí xa các khu dân cư nay đã nằm xen giữa gây ô nhiễm mạnh.

Bệnh viện tuyến tỉnh và huyện trong quá trình xây dựng chưa chú ý đến việc xử lý chất thải nên không đầu tư hoặc đầu tư không đồng bộ hệ thống xử lý chất thải hiện đã và đang gây ô nhiễm đặc biệt là chất thải y tế nguy hại, hoạt động khai thác khoáng sản nhất là khai thác quặng thiếc sử dụng một lượng lớn nước để tuyển quặng nhưng không có biện pháp xử lý mà thải trực tiếp vào hang động, sông suối gây ô nhiễm nghiêm trọng. Nhiều kho thuốc bảo vệ thực vật ở các huyện còn tồn dư các loại hoá chất cấm sử dụng, ngoài danh mục, hết hạn sử dụng không được thu gom và bảo quản đúng quy định nên đã rò rỉ ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường đất, rác thải tại các thị trấn của các huyện chưa được thu gom và xử lý hợp vệ sinh gây ô nhiễm... các vấn đề nêu trên đã ảnh hưởng đến sức khoẻ của nhân dân dẫn đến khiếu kiện ngày càng tăng về số lượng cũng như mức độ phức tạp.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 12 đơn vị sản xuất bia, trong đó có 8 đơn vị nằm trên địa bàn thành phố Vinh. Nguồn gây ô nhiễm chính của các đơn vị này chủ yếu là nước thải và chất thải rắn. Nước thải chứa nhiều chất hữu cơ như: tinh bột, đường, bã men,...cho nên quá trình phân huỷ tạo nên mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường nước, đất và không khí. Nguyên nhân chủ yếu là các cơ sở sản xuất bia chưa có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường hệ thống xử lý nước thải của Công ty cổ phần bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh hiện tại đã quá tải, Công ty cổ phần thực phẩm Hoàng Long có hệ thống xử lý tương đối hiện đại nhưng lại nằm trong khu dân cư. Thực tế qua kiểm tra, thanh tra, giải quyết đơn thư một số đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng đặc biệt là những đơn vị nằm trong khu đô thị cho thấy các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường chủ yếu do bụi, khí thải và tiếng ồn. Nguyên nhân chủ yếu là do các đơn vị chưa có hoặc có nhưng không đảm bảo kỹ thuật giảm thiểu bụi, khí thải và tiếng ồn. Bụi và khí thải trực tiếp thải vào môi trường ảnh hưởng đến sức khoẻ của nhân dân. Vấn đề sản xuất tấm gỗ nhân tạo và dăm gỗ ở Nghệ An chưa nhiều nhưng thực tế các đơn vị này đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng dẫn đến đơn thư khiếu nại, tố cáo của dân ngày càng nhiều. Cụ thể: Nhà máy sản xuất tấm gỗ nhân tạo Việt Trung tại xã Nghĩa Quang, huyện Nghĩa Đàn; Nhà máy sản xuất tấm gỗ nhân tạo Công Dũng Hoá tại xã Nghi Khánh, huyện Nghi Lộc. Nguồn gây ô nhiễm chủ yếu của các đơn vị này là nước thải, khí thải, bụi, mùi và chất thải rắn. Đặc biệt bụi của quá trình băm gỗ, đánh bóng sản phẩm nhất là công đoạn ép nóng sử dụng keo foocmaline gây mùi hôi, gây ô nhiễm không khí.

Khối lượng rác thải bệnh viện tại Nghệ An được tính toán dựa trên hệ số rác thải ở nhiều bệnh viện Việt Nam trung bình là 0,8- 01 kg/giường/ngày. ở Nghệ An tổng lượng rác thải bệnh viện khoảng 1771 tấn/năm trong đó chất thải nguy hại 443 tấn/năm. Hiện tại chất thải rắn y tế nguy hại của hầu hết các bệnh viện ở Nghệ An chưa được thu gom hết và xử lý triệt để. Ngoại trừ các Bệnh viện: đa khoa tỉnh, thành phố Vinh, giao thông 4, Nhi, 115 đã thu gom được khoảng 90% và tập trung đốt tại lò đốt của Bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An với công suất 400-500kg/ngày. Tại các trung tâm y tế tuyến huyện, xã loại chất thải y tế này một số được chôn lấp không hợp vệ sinh trong khu vực bệnh viện, số còn lại được thải lẫn vào trong rác thải sinh hoạt và vẫn chưa được thu gom, phân loại và xử lý. Tại thành phố Vinh chỉ có 5 bệnh viện: Quân y 4, Nhi, thành phố Vinh, 115, giao thông 4 có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn qui định, các bệnh viện, cơ sở y tế còn lại chưa có hệ thống thu ngom, xử lý nước thải riêng. Đặc biệt, Bệnh viện đa khoa Tỉnh, Bệnh viện Lao là điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nằm trong danh mục của Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ, nước thải chưa được xử lý và thải trực tiếp ra đồng ruộng, khả năng gây ô nhiễm và hình thành dịch bệnh rất lớn. Do chưa được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn nên các hợp chất hữu cơ, hoá chất của các dược phẩm, kim loại nặng, vi khuẩn gây bệnh,... đã gây ô nhiễm đến môi trường nước tại các khu vực xung quanh bệnh viện, gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ và đời sống của nhân dân rất lớn.

Vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước và đất do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đang là một vấn đề bức xúc hiện nay ở Nghệ An. Tại một số khu vực thuốc bảo vệ thực vật tồn dư từ sau chiến tranh hoặc quá trình sử dụng, quản lý và bảo quản thuốc bảo vệ thực vật trước đây chưa đúng quy định, đã gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của cộng đồng.

Trong nhiều năm qua, các kho thuốc hoá chất bảo vệ thực vật tồn dư trước đây gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của những người dân ở các khu vực khác nhau. Qua kiểm tra, lấy mẫu phân tích cho thấy mức độ gây ô nhiễm đến môi trường nước, đất và không khí tại các khu vực có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật là rất lớn. Hậu quả của nó đã để lại nhiều căn bệnh hiểm nghèo, có tính phổ biến ở các khu vực này, cụ thể ở một số địa điểm sau:

Trong chiến tranh chống Mỹ trước đây tại hai xóm Hồng Kỳ và Vũ Kỳ thuộc xã Đồng Thành - Huyện Yên Thành các đơn vị quân đội đã xây dựng 3 kho vũ khí. Khi xây dựng kho đã bỏ nhiều thuốc 666 và DDT ở dưới nền nhà để xử lý mối mọt. Năm 1976 sau khi chiến tranh kết thúc đơn vị Z11 đã đào giếng sâu từ 5-10m để tiêu huỷ vũ khí. Hiện tại các vị trí kho vũ khí trước đây nhân dân đã xây dựng nhà ở, làm vườn. Theo kết quả điều tra của nhiều đơn vị khác nhau thì nguồn nước sinh hoạt tại hai xóm trên đã bị ô nhiễm nặng vượt TCCP. Tại giếng ăn của các hộ dân và trên mặt đất, vườn cứ sau mỗi trận mưa thì mùi thuốc bảo vệ thực vật lại bốc lên nồng nặc. Kết quả phân tích các mẫu đất và nước tại hai xóm này như sau: Các mẫu nước tại các giếng khơi, nước dẫn từ suối về, nước suối phía trên kho đều có hàm lượng DDT và 666 vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Sau khi phát hiện ra những tác động nguy hại này xã và huyện đã tiến hành lập báo cáo lên các cơ quan chức năng cấp trên đề nghị hỗ trợ kinh phí để tổ chức di dời các hộ dân đi nơi khác và xử lý môi trường tại khu vực bị ô nhiễm. Tuy nhiên cho đến nay đề nghị này vẫn chưa được giải quyết. Tại xóm 1 và 2 nằm ở phía Đông nam xã Nghĩa Trung - huyện Nghĩa Đàn là nơi trước đây đã có 5 kho thuốc chứa DDT và 666. ảnh hưởng của sự tồn đọng thuốc bảo vệ thực vật đến cộng đồng cũng rất lớn. Xung quanh khu vực này đã xuất hiện nhiều bệnh như rụng tóc, thần kinh, não, nổi mụn ngứa, ung thư. Tổng số người chết bệnh là 17 người, người bị ốm nặng do nghi nhiễm độc là 40 người. Kết quả phân tích mẫu đất và nước như sau: Các mẫu nước giếng khơi trên nền kho cũ, cách kho 4m, 60m, 80m cho thấy các chỉ tiêu đều vượt TCCP.

Theo thống kê, lượng chất thải rắn sinh hoạt của toàn Tỉnh năm 2004 đạt khoảng 342.366 tấn và chỉ mới được thu gom và xử lý với tỷ lệ rất thấp. Thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò, tổng lượng rác thải sinh hoạt được thu gom đạt 75 - 85% và tập kết tại bãi chứa rác tạm thời không hợp vệ sinh gây ô nhiễm môi trường. Bãi rác Đông Vinh là nơi chứa rác thải sinh hoạt của thành phố Vinh, với diện tích 6 ha, tiếp nhận khoảng 200 tấn/ngày đêm, hiện nay đã quá tải, Công ty môi trường đô thị Vinh đang tiếp tục xin mở rộng thêm 3 ha về phía Tây. Do không được xây dựng và chôn lấp đúng quy trình, nước thải không được xử lý nên đây là một điểm nóng về ô nhiễm môi trường trong nhiều năm qua.

Nhà máy chế biến rác SERAPHIN tại bãi rác Đông Vinh, trong quá trình chế biến phân Compost từ rác tươi mặc dù đã có hệ thống thu gom và xử lý mùi nhưng chưa xử lý triệt để vẫn còn mùi hôi thối ảnh hưởng đến môi trường. Nhưng một điều đáng quan tâm nhất là bãi rác Đông Vinh đã quá tải từ lâu nhưng rác thải vẫn tiếp tục đổ vào không được chôn lấp hợp vệ sinh cho nên làm phát sinh mùi hôi thối, ruồi, muỗi và túi nilon theo gió bay vào khu dân cư ảnh hưởng sức khoẻ, sinh hoạt của nhân dân gần bãi rác.

Tại các huyện khác mới chỉ huyện Tân Kỳ có bãi xử lý rác tập trung hợp vệ sinh, các huyện còn lại rác thải sinh hoạt được thu gom và vận chuyển đến bãi chứa tập trung không hợp vệ sinh, nhiều địa phương đổ rác ngay cạnh bờ sông, suối, ao hồ hoặc khu đất trống làm mất mỹ quan đô thị và gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng sức khoẻ, sinh hoạt của nhân dân gần bãi rác nhất là nguồn  nước dưới đất.

Để đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá Nghệ An một cách bền vững Tỉnh cần có quy hoạch bảo vệ môi trường lồng ghép với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh đến năm 2020, trong đó cần quan tâm đến quy hoạch đô thị hợp lý. Cần tăng cường tuyên truyền cho nhân dân trong việc phòng chống, ngăn ngừa ô nhiểm phát triển. Đồng thời Tỉnh cần có chính sách hỗ trợ về công nghệ, giải pháp về tài chính thích đáng mới có thể giải quyết được dần dần các điểm nóng về môi trường nêu trên.

Theo TCĐLCL

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)