I. Chất lượng thép
1. Gây thiệt hại khá lớn cho người tiêu dùng trên cả nước
Xin lưu ý rằng hiện nay toàn bộ thép xây dựng chỉ được sử dụng nếu đảm bảo tối thiểu đạt TCVN 1651 - 85; trong tiêu chuẩn ấy quy định rõ các loại đường kính giới hạn chảy, giới hạn bền, độ dãn dài gới hạn chịu kéo. Ngoài ra, theo quy phạm các nước, ngay cả quy phạm của Nga Liên Xô cũ đều cũng đã quy định cụ thể các yêu cầu kỹ thuật nêu trên.
Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường cả nước và TP.HCM nói riêng không nằm ngoài quy luật, cần thiết phải dóng lên những tiếng chuông báo động về chất lượng của thép xây dựng, vì cứ với tình hình này người tiêu dùng và các chủ đầu tư các công trình vốn ngân sách rất dễ bị lãng phí móc túi vốn, mà chất lượng công trình lại không được như ý đến lượt người thiết kế , do tình hình đó, giữ chặt mức độ an toàn về phía mình. Kết quả này thường dẫn đến nhiều hệ luỵ:
- Từ ngày 31/5/1997, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đã có công văn số 74/GĐ, thông báo rộng rãi về tình hình chất lượng không đạt của cốt thép sử dụng tại các công trình xây dựng cụ thể chủ yếu ở phía Bắc kể cả công trình liên doanh, qua đó có yêu cầu chủ đầu tư phải kiểm tra chặt chẽ chất lượng thép xây dựng theo những tiêu chuẩn hiện hành và phù hợp với yêu cầu thiết kế, nhưng thực tế đến nay, vẫn chưa có cơ quan thụ lý sự việc để quy kết trách nhiệm cho những nhà sản xuất hay đã cung cấp những loại thep đó. Rất nhiều cảnh báo của chúng tôi, từ 1998 bán động về tình trạng này tại TP.HCM và các địa phương khác, vẫn chưa thấy những đơn vị có trách nhiệm quan tâm, để có những biện pháp chế tài và quản lý chất lượng hữu hiệu hơn!
- Nếu chỉ căn cứu theo hai tiêu chuẩn là đường kính chỉ danh và giới hạn chảy, các TCVN 1651-85, thép xây dựng chỉ có những loại đường kính Ф 6,8,10,12,14,16,18,20,22,25,28,32,36,40 thì những số liệu thí nghiệm những mẫu thép chỉ riêng do Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ xây dựng - Đại học Kỹ thuật TP.HCM REACTC tiến hành trong năm 2004 - 2005 đã cho thấy hàng loạt sản phẩm thép của các công trình đã không đạt được chất lượng, theo tiêu chuẩn thấp nhất đề ra, cụ thể là về diện tích tiết diện và sai số về trọng lượng, do thiếu đường kính gây ra. Nhiều trường hợp đã lên trên 15%. Đây chính là sự lãng phí từ đầu của chủng loại vật liệu phổ biến, sử dụng trong công trình xây dựng.
Trên cơ sở những số liệu cụ thể đã thống kê, ít nhất là đối với số thép đã sử dụng trong những công trình đó, chủ đầu tư, ở đây là Nhà nước, đã mất đi tỷ lệ phần trăm trọng lượng thép so với thiết kế. Riêng đối với vấn đề cường độ chất lượng thép, sẽ trình bày ở phần sau.
- Việc thiếu trọng lượng thông qua đường kính của những thép tròn xây dựng cung cấp dạng thanh, nếu chủ đầu tư không có biện pháp kiểm tra, mặc nhiên chấp nhận, nhà sản xuất hay người nhập khẩu sẽ không thiệt, thiệt hại trút hết lên người tiêu dùng, là người dân mua vật liệu, là chủ đầu tư, trên cơ sở: người mua bán theo ký cân đúng, có niêm phong nguyên lô, khi bán lại theo thanh đếm đầu cây. Trách nhiệm này thuộc về ai?
- Để ngăn ngừa việc thiếu chất lượng thép các đơn vị thiết kế bắt đầu có khuynh hướng tính dôi, tỷ lệ dôi thường lại cao hơn tỷ lệ thất thoát nêu trên. Do vậy hàm lượng thép tăng lên, vốn đầu tư do vậy sẽ phải cần nhiều hơn và lại thành một thứ quy luật toàn xã hội mặc nhiên phải công nhận.
Ngoài ra, phổ biến nhất hiện nay còn là cân thiếu trọng lượng đối với thép khoanh, thiếu chiều dầy đối với thép hình. Việc cân thiếu, đối với những lô thép mua lẻ, thường xuất phát từ việc cân non, quả cân bị móc chì, không được kiểm định hay cân bị chêm. Do vậy, ngay cả đối với những công trình vốn ngân sách, các dự toán được lập buộc phải tính dôi nhiều so với thiết kế, so với sai số các định mức đã chấp nhận, và rồi vốn ngân sách lại phải tiếp tục chi. Hiện tượng cân thiếu chưa thấy có những đơn vị hữu quan có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ người tiêu dùng.
2. Lãng phí trong thiết kế do thiếu hiểu biết
- Trên thị trường thép tròn xây dựng hiện nay, đối với những đường kính > 12, thường chỉ có thép gân. Nếu thép gân tuân thủ tối thiểu đúng TCVN 1651-85 nêu trên, chênh lệch về cường độ cho thấy:
' border=0 src='/image/images?img_id=com.vportal.portlet.vcms.model.VcmsArticle.2854.311' /> |
|
Cũng chỉ đúng với thị trường Việt Nam, những loại đường kính lớn thì trơn hay gân và gân C II hay C III, giá chênh lệch nhau không cùng với tỷ lệ đó.
Nhiều công trình, ghi chú sử dụng thép có cường độ tương đương C I. Khi công trường được cung cấp thép gân, cường độ cao hơn, thiết kế lại quyết định không thay đổi giảm thép; Hay ngay cả ghi thép C II, lại được cấp C III, vẫn giữ nguyên thiết kế ban đầu. Trong lúc đó, đối với người bán, gân là gân, họ không có cả khái niệm C II, C III, rất vô tư!
Theo tỷ lệ phân tích về cường độ như đã trình bày, trên nguyên tắc, một cách gần đúng, từ C I, nếu chuyển sang sử dụng C III, có thể giảm đến 70% diện tích thép. Tương tự C I sang C II, giảm đến 30%. Tưong tự cho các nhóm thép A II, AIII khác. Sự thay đổi quả thật là đáng kể.
- Thế nhưng, những sự thay đổi đó nếu được hiểu theo nghĩa tích cực thì lại bị hai yếu tố:
+ Không đủ tiết diện thanh thép, dẫn đến không đủ diện tích cốt thép
+ Không đủ cường độ chuẩn của giới hạn chảy, giới hạn bền, độ dãn dài khi theo các tiêu chuẩn.
Chừng mực đã làm cho những đơn vị thiết kế tích cực, hiểu biết, cũng phần nào chùn lại tâm huyết của mình. Do vậy, lại phải đặt ra nghiêm túc vấn đề: Quản lý chất lượng thép xây dựng, trách nhiệm thuộc về ai?
II. Về chất lượng bê tông
Chất lượng bê tông đã ảnh hưởng rõ rệt nhất từ chất lượng của vật liệu xây dựng hạt lớn - ở đây là cát và đá xây dựng, trong khi xi măng đã được quản lý chất lượng và cả sản lượng ngày càng tốt hơn. Cốt liệu đóng vai trò khung chịu lực và do đó, cần được quản lý, kiểm tra chặt chẽ, điều mà hiện nay, vẫn còn buông lỏng.
Nếu ở các nhà máy sản xuất bê tông thương phẩm tươi, sản xuất cấu kiện đúc sẵn, chất lượng cốt liệu khi nhập vào đã được kiểm tra, khẳng định rõ về chuẩn mực của kích thước có hạt module độ lớn, độ sạch, thì ở thị trường tự do, ở những công trình đổ bê tông tại chỗ, đặc biệt là những công trình dân cư, thị trường hiện nay đã hoàn toàn không thể kiểm tra được - trong thời gian dài - về chất lượng cốt liệu.
1. Cát
Cát có thành phần hạt hợp lý thì độ rỗng sẽ nhỏ, lượng dày xi măng sẽ ít, cường độ bê tông sau đó, sẽ cao. Thành phần cỡ hạt của cát được xác định theo phạm vi của biểu đồ chuẩn mà bất cứ cán bộ kỹ thuật nào cũng đã rõ. Thế nhưng, trên thực tế, rất ít các đơn vị cung cấp cát, khi xuất hàng, có được biểu đồ riêng của sản phẩm, đi kèm với hoá đơn giao hàng. Song song đó, độ sạch của cát, phía cung cấp cát vẫn không có - và cũng không chịu bỏ chi phí để có - thông tin tiêu chuẩn sử dụng cát cho bê tông luôn khống chế lượng ngậm tạp chất của cát không quá 0,5%, và tạp chất này bùn, bụi, sét nếu không được kiểm soát; khống chế, sẽ làm cường độ bê tông giảm rõ rệt. Tình trạng phổ biến hiện nay là:
- Lấy cát hạt mịn: sử dụng tốt chỉ có tô hoàn thiện, để cung cấp cho người mua, cát nào cũng là cát!. Thành phần cỡ hạt vượt ngoài biểu đồ chuyên môn.
- Lấy cát có độ sạch không đạt, lượng tạp chất cao, cung cấp bừa bãi.
- Cát luôn được bảo là lấy ở vùng mà độ sạch thấp và độ lớn cỡ hạt, có lẫn thạch anh nhiều, để nâng giá bán. Tại vùng kinh tế trọng điểm TP Hồ Chí Minh, điển hình là cát Tân Ba. Vấn đè so sánh mẫu chuẩn, hoàn toàn bị bỏ qua và chất lượng bê tông do đó đã ảnh hưởng đáng kể.
Đến lượt chủ đầu tư, chủ hộ lại hoàn toàn không có kinh nghiệm, kiến trúc về xây dựng, cán bộ kỹ thuật thì thờ ơ; hay do công trình nhỏ, tốn chi phí và thời gian kiểm tra, nên tất cả những nội dung trên, đều bị bỏ qua!
Đối với cát, hiện không chỉ ở bê tông, mà cả cát xây, cần module độ lớn chuẩn, vẫn không được quản lý chất lượng, vẫn bỏ lửng yêu cầu này và dẫn đến ảnh hưởng cường độ của khối xây.
2. Đá, sỏi cốt liệu lớn
Ở phía Nam, hầu như không còn dùng sỏi để làm cốt liệu - nhiều tiêu chuẩn vật liệu cho bê tông của các nước cũng cấm Pháp, Úc, Anh, Mỹ... - nhưng ở phía Bắc, đặc biệt trong các công trình dân cư, sử dụng sỏi làm cốt liệu cho bê tông vẫn khá phổ biến. Hạt sỏi tròn, nhẵn, nên dễ đầm, dễ đổ, nhưng lực dính với vữa xi măng nhỏ nên cường độ bê tông thấp hơn, so với cốt liệu đá dăm có cùng thể tích.
Đối với đá, cũng tương tự như cát, thành phần cỡ hạt dùng trong bê tông khối nhỏ hay khối lớn được xác định theo phạm vi của biểu đồ chuẩn; dựa vào kích cỡ đường kính lớn nhất Dmax và nhỏ nhất Dmin so với tỷ lệ % lượng sót tích luỹ. Lượng ngậm tạp chất chủ yếu là bụi, bùn, sét, hữu cơ, đá silic vô định hình... cũng được khống chế rất rõ., nhưng rất khó xác định khi cần thiết và chi phí tốn kém. Do đó về nguyên tắc, đơn vị cung cấp phải có cam kết về độ chuẩn của vật liệu này, trong mỗi lô hàng, xe hàng, nhưng thực tế, rất hiếm khi có được như thế. tình trạng phổ biến vẫn là:
- Đá cung cấp không đúng kích cỡ trung bình 1x 2 thành 2 x3, thậm chí 3x 4!
- Lượng tạp chất nhiều
- Thành phần các cỡ hạt không nằm trong phạm vi biểu đồ chuẩn
Ngoài ra, ảnh hưởng đến cường độ bê tông, còn là cường độ chịu nén của bản thân chủng loại đá, thông qua tuổi của đá, vùng được khai thác... Có thể nhận dạng một phần, thông qua độ đạm, nhạt của hạt đá khi khô. Tuy nhiên, hiện nay các tiêu chuẩn đều chưa quy định nội dung này. Cường độ đá đặc biệt ảnh hưởng đến cường độ bê tông, khi sử dụng mác cao, cần kiến nghị nghiên cứu thêm.
3. Nước trộn bê tông
Tại vùng TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, nước sạch có kiểm soát vẫn chưa đủ cung cấp đầy đủ nên rất nhiều công trình phải sử dụng nước lấy từ giếng đóng, nước ở đầm, ao, hồ..., độ phèn cao, PH thấp... đã ảnh hưởng đến thời gian ninh kết và rắn chắc của đá xi măng, của bê tông và còn có khả năng làm rỉ cốt thép. Riêng vấn đề này, cũng cần có những giải pháp thông tin cần thiết và chiến lược quốc gia về :phủ kín việc sử dụng nước sạch, sẽ giúp khắc phục được khiếm khuyết này về lâu dài.
4. Việc sử dụng phụ gia trong bê tông
Thường có hai loại là rắn nhanh và hoạt động bề mặt. Các hãng cung cấp bê tông thương phẩm, có lợi nhuận đều nhờ việc sử dụng phụ gia mà thường nhất là để giảm lượng xi măng dùng cho 1m3 bê tông, sau đó còn cải thiện, tăng cường nhiều tính năng khác của bê tông.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, họ chạy theo lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng phụ gia không chuẩn, dẫn đến tác dụng ngược lại là bê tông giảm cường độ. Phụ gia nào đã được sử dụng, hàm lượng là bao nhiêu... thường được lại xem là bí mật nghề nghiệp. Cường độ bê tông đạt được, chỉ biết sau khi hết thời gian ninh kết của nó, lúc đó đã muộn - và nhiều công trình phải xử lý sự cố, do yếu tố phụ gia trong bê tông tươi mang lại.
Nhà cung cấp ngoài ra còn khác hướng dẫn đơn vị sử dụng cách thức dưỡng hộ bê tông, đặc biệt là vào thời điểm bê tông bắt đầu ninh kết - do vậy đã dẫn đến nhiều trường hợp là bê tông tuy đạt cường độ yêu cầu nhưng lại xuất hiện khá nhiều vết nứt từ bề mặt, rộng, sâu vào kết cấu, có khả năng ảnh hưởng đến cốt thép bên trong về lâu dài.
Do vậy, vấn đề quản lý chất lượng sản phẩm sau khi cung cấp hậu mãi để đảm bảo chất lượng đạt yêu cầu, rất cần đặt ra trực tiếp cho các đơn vị cung cấp bê tông thương phẩm, bằng những quy định cụ thể, để thể hiện trách nhiệm của họ từ đầu.
5. Vấn đề bê tông đá 4 x 6 lót móng
Không đề cập đến bê tông khối lớn mà ở đó việc sử dụng đá kích cỡ lớn là đương nhiên, tiết kiệm mà vẫn đảm bảo yêu cầu về cường độ, thì bê tông lót móng là vấn đề đáng được thay đổi quan điểm về sử dụng.
Bê tông đá 4 x 6 mác 100, thường được dùng để lót móng nhà, nền nhà, xưởng, móng bể nước, ống cấp và thoát nước... còn gọi là bê tông nghèo, chất lượng không cao, chủ yếu để làm sạch bề mặt và tránh cho phần bê tông chịu lực tiếp theo bị mất nước.
Trên thực tế, loại bê tông này không thể trộn bằng máy, chủ yếu là đổ đá lót rồi phủ vữa khô hay ướt lên, đầm hay tưới nước thêm, đến khi lớp lót no, cách làm này dẫn đến hệ quả là lớp bê tông lót thường không đạt mác thiết kế. Khi thanh, kiểm tra chất lượng, nhiều trường hợp lại nhắm vào lớp bê tông này và suy diễn tiếp theo. Quả thật, nếu lớp bê tông nghèo không đạt chất lượng, công trình rất dễ xảy ra độ lún ban đầu, do lớp này thường xốp, rỗng, thậm chí bời rời. Trong nhiều trường hợp, đặc biệt là nền nhà, xưởng, khối lượng sử dụng cũng không phải là ít.
Kiến nghị nên thay thế bê tông lót đá 4 x 6 mác 100 bằng bê tông đá 1 x2 mác 100. Sự chênh lệch về giá là không đáng kể nhưng chất lượng bê tông sẽ cao thấy rõ và dễ đảm bảo hơn. Vấn đề duy nhất còn lúng túng hiện nay là do định mức bê tông 1 x2 mác 100 vẫn chưa được xác lập. Cách sử dụng phổ biến định mức để xây dựng đơn giá luôn mắc phải khuyết điểm này, do không theo kịp tình hình thực tế rất năng động.
III. Những vấn đề kiến nghị
- Ở TP.HCM, hiện nay việc kinh doanh vật liệu xây dựng - Sở Thương mại quản lý; việc sản xuất vật liệu xây dựng - Sở Công nghiệp phụ trách; việc đăng ký đủ điều kiện kinh doanh vật liệu xây dựng lại do Sở Xây dựng chủ trì. Trong khi đó, việc quản lý chất lượng chủng loại, quy cách vật liệu xây dựng hiện đang bị bỏ ngỏ, dầu trong phạm vi TP HCM có sự hiện hữu của Trung tâm III Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và Chi cục Quản lý thị trường và Hội Bảo vệ người tiêu dùng ở TP HCM đã thế, các đô thị khác chắc chắn không khác gì!
Thông tư 1012/TT-UB ngày 25/12/1996 của Liên Bộ Xây dựng và Ban Tài chính Chính phủ ở mục VI.3 nêu rõ Sở Xây dựng phối hợp với các cơ quan có liên quan về việc quản lý chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng ở hai địa phương, nhưng đến nay, việc tổ chức phối hợp này vẫn không có những văn bản hướng dẫn cách thực hiện, nội dung quản lý, biện pháp chế tài, xử lý... Thiệt hại vẫn diễn ra hàng ngày, trước mắt chúng ta, ngay cả trong những công trình vốn ngân sách lẫn các công trình dân cư. Và sự việc không chỉ dừng lại ở mỗi thép xây dựng, cát, đá, còn cả gỗ, nhôm.
- Đối với mặt hàng vật liệu xây dựng ngoại nhập, cụ thể là thép ngoại, lô hàng cần ghi rõc chủng loại, chất lượng, cả tên thương phẩm lẫn tên kỹ thuật, để việc phân phối và tiêu thụ sản phẩm không bị lập lờ, thiếu chuẩn, ở đây, cũng cần quan tâm đến cả uy tín của hãng sản xuất, họ có bán đứng tên tuổi của mình hay không.
- Cần tuân thủ việc thử nghiệm chất lượng thép xây dựng và bê tông theo những quy định đã được nêu rõ trong các TCVN 197-85 và TCVN 3118-93 về việc lấy mẫu, số lượng mẫu, các chỉ tiêu cần xác định và bước tiếp theo, chủ đầu tư, đơn vị thiết kế và giám sát phải tuân thủ trong các hoạt động của mình và có những biện pháp chỉnh lý cần thiết trên công trình của mình, trên sản phẩm của mình. Việc kết hợp, thông hiểu nhau giữa nhà sản xuất, đơn vị nhập khẩu, người bán, cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng vật liệu xây dựng, những nhà kỹ thuật, giám sát, tư vấn và nhà thầu, và người tiêu dùng một cách tích cực, hợp lý sẽ đảm bảo loại bỏ dần những hạt sạn, sản phẩm không đạt chất lượng.
- Từng bước xây dựng các chuẩn để các doanh nghiệp, nhất là các nhà sản xuất , các đơn vị tư vấn thiết kế tiếp cận dần theo bộ chuẩn ISO 9000, ban hành bước đầu thông qua TCVN 5200-1995, Muốn vậy, phải có đơn vị được giao rõ trách nhiệm này, để trong thời gian ngắn, Việt Nam phải đáp ứng được từng bước trình độ quản lý chất lượng của các nước khu vực.
Nguồn tin: T/C Sài Gòn Đầu tư & Xây dựng, tháng 12/2005