Chung tay cùng người lao động, doanh nghiệp vượt khó
Theo Ban thường vụ Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội, hiện đơn vị có 98 Công đoàn cơ sở, trong đó 96 Công đoàn cơ sở là doanh nghiệp. Dịch bệnh Covid-19 vừa qua, nhiều doanh nghiệp, công nhân lao động ngành Công Thương bị ảnh hưởng nặng nề. Cụ thể, do tình hình khó khăn thời điểm dịch COVID-19, có 15 đơn vị dừng hoạt động, tuy nhiên các doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động trong linh vực nhà hàng, du lịch, dịch vụ…
Bên cạnh đó, các đơn vị khác cũng đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Trong khi đó, hiện tại toàn ngành có gần 3.000 lao động thiếu việc làm, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, thậm chí nhiều doanh nghiệp bị cắt đơn hàng xuất khẩu. Trước tình hình đó, để giữ chân người lao động nhiều doanh nghiệp thực hiện giãn cách 1 tuần chỉ làm việc 3-4 ngày.
Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội đẩy mạnh công tác chăm lo, tuyên truyển phổ biến pháp luật cho đoàn viên, người lao động.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, cùng với việc tuyên truyền các đơn vị, người lao động tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, công tác chăm lo đời sống cho người lao động được Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội hết sức quan tâm. Đặc biệt, nhân Tháng Công nhân năm 2020, bên cạnh việc các doanh nghiệp có chế độ hỗ trợ người lao động gặp khó khăn, bị nghỉ việc, Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội đã hỗ trợ 75 suất quà trị giá 500.000 đồng/1 suất và 5kg gạo cho người lao động gặp khó khăn bởi dịch COVID-19.
Ngoài ra, công đoàn ngành phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố trao 170 suất quà cho đoàn viên công đoàn ngành gặp khó khăn; việc hỗ trợ chia làm 2 đợt, đợt 1 là 80 suất, đợt 2 là 90 suất mỗi suất trị giá 1.000.000 đồng và 10kg gạo…
Khó khăn là vậy, tuy nhiên trong Tháng Công nhân 2020 vừa qua, Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội cũng đã tích cực triển khai, xây dựng các kế hoạch tuyên dương công nhân giỏi thủ đô, xây dựng kế hoạch sáng kiến, sáng tạo, điển hình tiên tiến…Đặc biệt, trong Tháng Công nhân này, có 1 đoàn viên công đoàn ngành Công Thương Hà Nội đã may mắn khi nhận được hỗ trợ theo chương trình Mái ấm Công đoàn của Liên đoàn Lao động thành phố với giá trị 20.000.000 đồng.
Là một trong những đoàn viên công đoàn may mắn nhận được sự hỗ trợ của tổ chức Công đoàn thành phố Hà Nội, cũng như Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội, chị Trần Thị Huyền Trang – đoàn viên công đoàn Công ty Cổ phần Nam Hồng cho biết, chương trình Mái ấm Công đoàn thật sự có ý nghĩa thiết thực đối với những đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, giúp tôi và nhiều đoàn viên công đoàn khác có thêm niềm tin vững chắc vào tổ chức công đoàn, hăng say lao động, sản xuất và cống hiến cho sự phát triển của Công ty.
Chia sẻ về công tác chăm lo cho đoàn viên, người lao động tại các doanh nghiệp, Công ty thuộc ngành Công Thương Hà Nội, ông Phạm Anh Minh – Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội cho biết, trong những năm qua công tác chăm lo cho đoàn viên công đoàn, người lao động luôn được Công đoàn ngành quan tâm và đặt lên hàng đầu.
Năm nay, cùng với các hoạt động chăm lo thiết thực cho người lao động, đoàn viên công đoàn vượt qua khó khăn dịch bệnh hậu COVID-19, thì một đoàn viên công đoàn Công ty Cổ phần Nam Hồng (trực thuộc Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội) đã được hỗ trợ sửa chữa nhà theo chương trình mái ấm công đoàn.
“Đây thực sự là hoạt động có ý nghĩa với hệ thống công đoàn Hà Nội nói chung và công đoàn ngành Công Thương Hà Nội nói riêng. Với người lao động, thông qua hoạt động này, hệ thống công đoàn thủ đô đã tạo niềm tin cho người lao động ngày một gắn bó hơn với tổ chức công đoàn, với doanh nghiệp. Cố gắng vươn lên thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống”, ông Phạm Anh Minh nhấn mạnh.
Đổi mới các hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật
Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, khi Việt Nam gia nhập và thực thi các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới đang đặt ra cho đất nước ta nói chung, Thủ đô nói riêng nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn thách thức, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh, các yếu tố đầu vào tăng, nhu cầu hàng hóa giảm, cùng với thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp tiềm ẩn nhiều nỗi lo đối với các doanh nghiệp và người lao động.
Cùng với đó, do tác động của suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam, dẫn đến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố tạm ngừng sản xuất hoặc giải thể, những doanh nghiệp phải cơ cấu lại sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đời sống, việc làm của người lao động.
Trước những thách thức đó, theo Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội, thực hiện chức năng của tổ chức công đoàn, phát huy truyền thống của ngành Công Thương Thủ đô, bên cạnh việc chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn, người lao động; Công đoàn ngành đã triển khai các công tác tuyên truyền có hiệu quả, chủ động sáng tạo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để thu hút, tập hợp ngày càng đông đảo người lao động.
Với những hoạt động thiết thực đã khẳng định rõ vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của của người lao động.
Cũng theo ông Phạm Anh Minh, xuất phát từ tình hình thực tế, đáp ứng ngày càng cao của người lao động…công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật luôn được Công đoàn ngành Công Thương Hà nội quan tâm sát sao, trong đó, liên tục có những đổi mới, sáng tạo giúp người lao động, người sử dụng lao động hiểu biết đầy đủ hơn về các nội dung Bộ Luật Lao động, để người lao động thấy rõ quyền và nghĩa vụ của mình trong công tác, học tập và lao động để thực hiện pháp luật, hạn chế tối thiểu các vụ tranh chấp lao động làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư cũng như xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân viên chức lao động.
Một trong những điểm mới, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người lao động, doanh nghiệp được Công đoàn ngành áp dụng hiệu quả đó là việc phối hợp cùng với báo Lao động Thủ đô tổ chức hoạt động giao lưu trực tuyến, đây là dịp để cán bộ, người lao động được các chuyên gia truyền đạt nội dung mới của Bộ Luật Lao động 2019 và giải đáp các câu hỏi về lĩnh vực pháp luật lao động, chính sách, bảo hiểm…
Có thể thấy, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, Công đoàn ngành Công Thương đã giúp người lao động và người sử dụng lao động nắm rõ hơn chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Qua đó, góp phần củng cố kiến thức thiết thực và hữu ích giúp cho người lao động có thể hiểu rõ về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình khi tham gia quan hệ lao động, đồng thời có thể tự bảo vệ mình khi cần thiết…Đặc biệt là trong thời gian hậu COVID-19 và những thách thức của hội nhập quốc tế.