Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Thứ ba, 02/08/2022 16:36
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bộ Xây dựng nhận được văn bản số 3864/VPCP-QHĐP ngày 23/6/2022 của Văn phòng Chính phủ, đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh được chuyển đến trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV với nội dung kiến nghị: "Đề nghị Chính phủ quan tâm có chính sách đặc thù về phát triển nhà ở cho công nhân ngành Than để người lao động yên tâm công tác, gắn bó với nghề, định cư lâu dài. Theo số liệu báo cáo của ngành Than, số công nhân đang làm việc tại các công ty trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là trên 70.000, trong đó có 61.000 công nhân hiện đã có chỗ ở ổn định, còn 9.000 người chưa có chỗ ở ổn định. Công nhân ngành than tập trung chủ yếu tại thành phố Cẩm Phả, Hạ Long, Uông Bí và Đông Triều. Theo kết quả khảo sát đối tượng công nhân ngành than, hiện nay khoảng 87% công nhân đã lập gia đình, chỉ 13% công nhân chưa kết hôn. Các nhóm công nhân phân theo hình thái ở: (i) Nhà ở thuộc sở hữu cá nhân hoặc người thân trong hộ gia đình; (ii) Dự án nhà ở công nhân ngành than; (iii) Thuê trọ hoặc trọ nhờ nhà người thân (di chuyển bằng xe đưa đón công nhân). Giai đoạn trước, các đơn vị thuộc Tập đoàn than và Tổng công ty Đông Bắc đã triển khai gần 50 khu nhà ở cho công nhân, với tổng diện tích đất khoảng 59ha, trên 4.000 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho 10.000 công nhân".

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có công văn 2919/BXD-QLN trả lời như sau:

Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, trong đó có nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo đó để phát triển nhà ở dành cho công nhân tại các khu công nghiệp, pháp luật về nhà ở đã có các chính sách ưu đãi để giảm giá thành nhà ở, tạo điều kiện cho người lao động có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở có cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội, cụ thể như: (i) Miễn tiền sử dụng đất; (ii) được dành 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; (iii) Giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; (iv) Hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án; (v) Cho vay ưu đãi lãi suất thấp; (vi) Chi phí mua hoặc thuê nhà ở cho công nhân được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp...

Do công nhân khu công nghiệp thuộc 10 nhóm đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội theo Điều 49 Luật Nhà ở, nên ngoài các dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp thì họ còn là nhóm đối tượng được mua nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị.

Với các chính sách ưu đãi nêu trên, đến nay trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 276 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị với tổng diện tích hơn 7,3 triệu m2. Trong đó, đối với nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp (trong đó có nhà ở công nhân ngành than do Tập đoàn than và Tổng công ty Đông Bắc làm chủ đầu tư với quy mô 4.000 căn hộ) đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 122 dự án, với tổng diện tích khoảng 2,7 triệu m2 sàn.

Kết quả phát triển nhà ở xã hội mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra (với số lượng nhà ở công nhân đã hoàn thành là 2,7 triệu m2 thì mới đạt khoảng 40% mục tiêu về nhà ở công nhân khu công nghiệp đến năm 2020), hầu hết số lượng công nhân còn lại hiện nay chưa có chỗ ở ổn định, đang phải ở tại các khu nhà trọ do người dân tự đầu tư xây dựng.

Hiện nay Nhà nước chưa có chính sách riêng về nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Theo pháp luật nhà ở hiện hành thì chính sách nhà ở cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp đang được lồng ghép vào chính sách nhà ở xã hội, áp dụng chung cho 10 nhóm đối tượng theo quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở năm 2014. Các cơ chế ưu đãi cũng áp dụng chung như nhà ở thu nhập thấp khu vực đô thị, chỉ bổ sung cơ chế ưu đãi đối với doanh nghiệp lo nhà ở cho công nhân thì được tính toán chi phí vào giá thành.

Mặc dù Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về quản lý và phát triển nhà ở xã hội đã tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội (trong đó có nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp), tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại về nhà ở xã hội nói chung và nhà ở cho công nhân khu công nghiệp nói riêng do Luật Nhà ở và một số luật khác liên quan quy định. Do vậy, Bộ Xây dựng hiện đang chủ trì nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở 2014, trong đó có đề xuất chính sách riêng đối với nhà công nhân khu công nghiệp để khuyến khích, thúc đẩy phát triển loại hình nhà ở này.

Theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội thì Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 năm 2023 (văn bản số 906/TB-TTKQH ngày 21/4/2022 của Tổng thư ký Quốc hội).


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 2919/BXD-QLN.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)