Chủ động phòng chống động đất cho nhà và các công trình xây dựng

Thứ tư, 24/06/2020 15:56
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 24/6/2020, Bộ Xây dựng đã có công văn 3051/BXD-GĐ gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu về việc chủ động phòng chống động đất cho nhà và các công trình xây dựng.

Vừa qua, trên địa bàn huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đã xảy ra trận động đất với cường độ 4,9 độ Richter (vào lúc 13h12 ngày 16/6/2020) và một số dư chấn khác. Trước đó vào ngày 19/02/2001, đã xảy ra trận động đất với cường độ 5,3 độ Richter với tâm chấn cách thị xã Điện Biên Phủ, tỉnh Lai Châu (nay là thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) khoảng 15 km về phía Tây, với độ sâu chấn tâm 12 km (tương đương cấp VII-VIII). Trận động đất này đã gây hư hỏng cho rất nhiều nhà và công trình ở thị xã Điện Biên Phủ. Theo quy chuẩn QCVN 02:2009/BXD, khu vực tỉnh Điện Biên, Lai Châu thuộc phân vùng động đất cấp VII – VIII nên thường xuyên xảy ra động đất có ảnh hưởng đến an toàn sinh mạng và cộng đồng. Nhằm giảm thiểu thiệt hại đến con người và công trình xây dựng, tăng cường tính chủ động trong phòng chống động đất, Bộ Xây dựng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu chỉ đạo các Sở, ban ngành thực hiện một số công việc sau:

1. Đối với các công trình hiện hữu: Tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá an toàn các công trình xây dựng theo tiêu chuẩn TCXDVN 375:2006 Thiết kế công trình chịu động đất (nay là TCVN 9386:2012), đặc biệt là các công trình quan trọng, tập trung đông người phải được tính toán thiết kế kháng chấn để có giải pháp phòng chống phù hợp, kịp thời, hạn chế các thiệt hại do động đất gây ra (có thể tham khảo tài liệu Hướng dẫn xây dựng và sửa chữa hư hỏng nhà và công trình trong vùng có động đất tỉnh Lai Châu do Viện Khoa học công nghệ xây dựng biên soạn, Bộ Xây dựng duyệt và ban hành năm 2001).

2. Đối với các công trình, dự án mới đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư: Tăng cường kiểm soát công tác thẩm tra, thẩm định thiết kế và công tác nghiệm thu trong quá trình thi công xây dựng công trình đảm bảo tuân thủ nghiêm quy chuẩn, tiêu chuẩn kháng chấn hiện hành (cụ thể là: quy chuẩn QCVN 02:2009/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng, Chương 6 Số liệu động đất; TCVN 9386:2012 Thiết kế công trình chịu động đất). Đặc biệt, đối với các công trình, dự án quan trọng, tập trung đông người như: trụ sở làm việc, trường học, bệnh viện..., cần lưu ý hệ số tầm quan trọng, trị số đỉnh gia tốc nền thiết kế, tính toán và cấu tạo kháng chấn hợp lý (cả kết cấu và các bộ phận phi kết cấu). Kiên quyết xử lý các sai phạm của các chủ thể liên quan trong công tác thiết kế, thi công, nghiệm thu xây dựng công trình.

3. Đối với người dân khi có xẩy ra động đất: Cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng chống động đất cho người dân. Động đất xảy ra khi đang ở trong nhà, khuyến cáo người dân ngay lập tức chui xuống gầm bàn hay gầm giường để tránh các vật rơi xuống đầu và nếu nhà sập vẫn có không khí để thở (có thể cứu hộ được). Nếu không có gầm bàn thì chạy đến góc phòng, tránh xa các cửa sổ và cửa đi, không chạy ra khỏi nhà trong khi có động đất. Sau khi hết động đất mới ra khỏi nhà. Luôn lấy tay ôm đầu, tránh xa cửa kính, gương, hay các đồ vật có thể rơi, đổ vào người. Khi đang ở ngoài nhà, cần lưu ý bảo vệ đầu tránh mảnh vỡ thủy tinh và các đồ vật rơi xuống. Không đứng gần tường, các công trình, tránh những nơi có đường dây điện chạy qua.

Bộ Xây dựng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu quan tâm chỉ đạo các cơ quan có liên quan thực hiện nhằm phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại khi có động đất xảy ra.

Nội dung chi tiết xem tệp đính kèm:
BXD_3051-BXD-GD_24062020.pdf


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 3051/BXD-GĐ.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)