Bộ Xây dựng cho ý kiến về thiết kế cơ sở dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy - Giai đoạn 2

Thứ ba, 09/06/2020 14:43
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bộ Xây dựng nhận được văn bản số 2772/SGTVT-KHTC ngày 06/5/2020 của Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội về việc xin ý kiến thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy - Giai đoạn 2.

Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng có công văn 2729/BXD-HĐXD ngày 09/6/2020 cho ý kiến về thiết kế cơ sở của dự án đầu tư xây dựng như sau:

1. Về sự phù hợp của dự án với quy hoạch xây dựng

Thiết kế cơ sở cầu Vĩnh Tuy - Giai đoạn 2 đã được Bộ Giao thông vận tải tham gia góp ý kiến tại văn bản số 3001/BGTVT-KHĐT ngày 25/5/2011 trong đó đánh giá dự án có trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 90/2008/QĐ-TTg ngày 09/7/2008.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy - Giai đoạn 2 đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 4610/QĐ-UBND ngày 05/10/2011, theo đó cầu Vĩnh Tuy - Giai đoạn 2 có quy mô và hình dáng giống như cầu giai đoạn 1, tổng chiều dài khoảng 3.504m, mặt cắt ngang cầu B = 19,25m.

Cầu Vĩnh Tuy - Giai đoạn 2 nằm trong danh mục các cầu/hầm vượt sông Hồng theo quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 về Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

2. Về các giải pháp của thiết kế cơ sở

Theo hồ sơ dự án gửi kèm, giải pháp thiết kế cơ sở như sau: Tim cầu Vĩnh Tuy - Giai đoạn 2 cách tim cầu giai đoạn 1 21,25m (hai mép cầu cách nhau khoảng 2,0m). Phần cầu chính qua sông dạng hộp 3 sườn bằng kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực đúc hẫng cân bằng, sơ đồ nhịp (60 + 130 + 5x135 + 90)m, chiều dài 955m (phương án do tư vấn thiết kế kiến nghị); phần cầu dẫn trên bãi sông phía Bắc sử dụng dầm super T L = 40m, chiều dài 1.758m; cầu vượt đê tả Hồng dạng hộp 3 sườn bằng kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực đúc hẫng cân bằng, sơ đồ nhịp (55 + 90 + 55)m, chiều dài 200m; cầu dẫn phía Long Biên dạng dầm bản rỗng bằng kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực đúc tại chỗ, sơ đồ nhịp 6x35m, chiều dài 210m. Tổng chiều dài toàn cầu 3.123m. Kết cấu phần dưới sử dụng móng cọc khoan nhồi, mố và trụ bằng bê tông cốt thép.

Theo hồ sơ, đối với giải pháp thiết kế kết cấu nhịp kết nối giữa cầu giai đoạn 2 với cầu phía hạ lưu giai đoạn 1, tư vấn thiết kế đã đưa 02 phương án, trong đó có so sánh các tiêu chí về: Phân bố nội lực, khối lượng phá dỡ, khả năng thi công, đảm bảo giao thông, thẩm mỹ kiến trúc, chi phí xây dựng (trong đó tư vấn đã kiến nghị chọn phương án 2). Trong bước thiết kế tiếp theo, đề nghị Chủ đầu tư yêu cầu tư vấn thiết kế tính toán, đánh giá để có giải pháp thiết kế, bố trí cáp dự ứng lực, đối trọng... tối ưu để giảm thiểu tác động bất lợi do sơ đồ kết cấu nhịp bất đối xứng trong cả quá trình thi công đúc hẫng cân bằng và khai thác vận hành công trình.

Về tiêu chuẩn hình học chủ yếu của tuyến: Trong giai đoạn 1, cầu Vĩnh Tuy được thiết kế theo tiêu chuẩn ngành 20TCN104-83, theo đó quy định bán kính đường cong nằm tối thiểu không bố trí siêu cao R=1200m. Theo Quy chuẩn thiết kế đường giao thông QCVN-07-4:2016 thì bán kính đường cong nằm tối thiểu không bố trí siêu cao R=2500m. Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được xây dựng với cấp đường phố chính cấp I, tốc độ thiết kế V=80km/h. Hiện tại trên bình đồ tuyến tại lý trình Km3+060 đến Km3+664,47 (từ trụ T57HL đến trụ T71HL) có bố trí đường cong nằm có bán kính R=1910m với siêu cao i=2%. Mặt khác, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ và Điều 6 Chương 2 Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT ngày 29/8/2019 của Bộ Giao thông vận tải thì tốc độ tối đa đối với các phương tiện xe cơ giới trong khu vực đông dân cư V=60km/h. Do đó căn cứ vào Quy định và điều kiện thực tế khai thác cầu Vĩnh Tuy trong điều kiện đô thị để quyết định giải pháp thiết kế cho phù hợp, đảm bảo an toàn giao thông.

Ngoài ra, đề nghị rà soát, cập nhật bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mới thay thế các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hết hiệu lực khi lập danh mục các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn chủ yếu áp dụng cho dự án.

3. Một số ý kiến khác:

- Đề nghị bổ sung nội dung đánh giá về tác động ảnh hưởng của việc xây dựng dự án cầu Vĩnh Tuy - Giai đoạn 2 đến mạng lưới giao thông khu vực, đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các công trình ngầm khác hiện hữu trong khu vực.

- Khu vực xây dựng công trình nằm trong vùng có địa chất, địa tầng phức tạp, do đó, trong bước thiết kế tiếp theo cần khảo sát địa chất để có giải pháp thiết kế nền móng đảm bảo chất lượng công trình.

- Cần lưu ý về giải pháp thiết kế kiến trúc phần trên của cầu như lan can, cột đèn chiếu sáng,... nhằm đảm bảo sự đồng bộ và kiến trúc cảnh quan của toàn bộ cầu.

- Nghiên cứu các yêu cầu về quy hoạch hạ tầng kỹ thuật tại khu vực dự án để có giải pháp thiết kế để có thể bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật (cấp điện, cấp nước, cáp thông tin,...) tại vị trí phù hợp (nếu có).

- Kiểm tra hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu vực thi công xây dựng cầu để có giải pháp thi công phù hợp, đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ.

- Giai đoạn tiếp theo chủ đầu tư cần lấy ý kiến của các cơ quan liên quan về kết nối hạ tầng kỹ thuật khu vực với công trình cầu Vĩnh Tuy - Giai đoạn 2 (nếu có) và tổ chức giao thông tại các nút giao cho phù hợp.

- Trong quá trình triển khai các bước tiếp theo, đề nghị Chủ đầu tư tuân thủ thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng.

Nội dung chi tiết xem tệp đính kèm:
BXD_2729-BXD-HDXD_09062020.pdf


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 2729/BXD-HĐXD.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)