Xây dựng nông thôn mới nâng cao ở Thị xã An Nhơn (Bình Định): Nâng số hộ được sử dụng nước sạch

Thứ ba, 01/06/2021 13:57
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Thị xã An Nhơn đang ưu tiên đầu tư xây dựng nhiều công trình cấp nước tập trung tại các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, nhằm đạt tiêu chí “có hệ thống cung cấp nước sinh hoạt tập trung đảm bảo cung cấp nước sạch cho tối thiểu 80% hộ dân trên địa bàn toàn xã”.

Với quyết tâm tạo đà vững chắc phát triển lên thành phố, năm 2021, Thị xã An Nhơn yêu cầu 6 xã: Nhơn Lộc, Nhơn Phúc, Nhơn An, Nhơn Hậu, Nhơn Thọ, Nhơn Phong (không đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2010 - 2020) tập trung giải quyết, khai thông ách tắc trong công tác cung cấp và sử dụng nước sạch để hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Những địa phương hưởng lợi từ công trình cấp nước tập trung (CNTT) đã xây dựng, nhưng tỷ lệ sử dụng nước sạch thấp, chịu trách nhiệm vận động người dân tự bỏ kinh phí lắp đặt đường ống dẫn nước về nhà để sử dụng. Đối với những địa phương chưa có công trình CNTT, thị xã huy động vốn đầu tư xây dựng, đảm bảo tối thiểu 80% số hộ trên địa bàn xã được sử dụng nước sạch từ các công trình.

Ông Nguyễn Văn Lợi, ở thôn Trung Lý, xã Nhơn Phong đã lắp đặt đường ống dẫn nước sạch về nhà để sử dụng.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của UBND Thị xã An Nhơn, các xã: Nhơn Phong, Nhơn An (hưởng lợi từ nhà máy nước Nhơn An); xã Nhơn Lộc, Nhơn Thọ (hưởng lợi từ nhà máy nước Nhơn Tân) đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân đầu tư kinh phí lắp đặt đồng hồ, đường ống dẫn nước từ đường ống chính của các nhà máy về sử dụng. Ông Nguyễn Văn Lợi, ở thôn Trung Lý, xã Nhơn Phong, chia sẻ: Trước đây, hầu như nhà nào cũng dùng nước giếng, nhưng nguồn nước bị nhiễm phèn nặng, phải lọc mới sử dụng sinh hoạt, còn nước ăn uống thì phải mua. Sau này, công trình CNTT Nhơn An xây dựng mở mạng đường ống xuống xã Nhơn Phong, rất nhiều người địa phương bỏ nước giếng, dùng nước sạch. Riêng gia đình tôi, khi xây lại nhà mới đã đầu tư thêm các công trình phụ và lắp đặt luôn đường ống dẫn nước sạch về nhà sử dụng. Bình quân mỗi tháng, gia đình tôi chỉ trả từ 140 - 150 nghìn đồng tiền nước, chi phí không lớn nhưng thấy an tâm và tiện lợi.

Theo ông Nguyễn Duy Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Phong, qua công tác tuyên truyền vận động, nhận thức của người dân về nước sạch đã có sự thay đổi rõ nét. Năm 2016, có 1.272 hộ dân được sử dụng nước sạch, nay đã tăng lên 2.041 hộ, chiếm trên 83% số hộ toàn xã, cao nhất nhì ở thị xã.

Ngành chức năng của tỉnh và TX An Nhơn đấu nối đường ống dẫn nước từ Nhà máy nước Nhơn Tân, xã Nhơn Tân đến xã Nhơn Lộc để cấp nước cho người dân.

Tại xã Nhơn An, hệ thống đường ống của công trình cấp nước Nhơn An đã phủ kín 7/7 thôn của xã, tạo điều kiện thuận lợi và giảm chi phí cho người dân khi đầu tư lắp đặt đường ống dẫn nước về nhà.

Người dân các xã: Nhơn Thọ, Nhơn Lộc, Nhơn Tân cũng quan tâm nhiều hơn đến việc sử dụng nước sạch. Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch ngày càng cao của người dân, Thị xã An Nhơn đã đầu tư xây dựng đường ống dẫn nước từ Khu công nghiệp Nhơn Hòa đến các địa phương. Nhờ đó, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch được nâng lên, trong đó xã Nhơn Thọ có 90% số hộ đã được sử dụng nước sạch, Nhơn Tân 46% và Nhơn Lộc 43,4%. Thị xã An Nhơn cũng đang xúc tiến đầu tư xây dựng nhiều công trình CNTT mới theo hướng xã hội hóa để cấp nước sạch cho người dân các xã Nhơn Hậu, Nhơn Mỹ, Nhơn Phúc, Nhơn Khánh.

Ông Phan Thanh Hòa, Trưởng Phòng Kinh tế Thị xã An Nhơn, cho hay: Hiện UBND Thị xã An Nhơn đã giao Công ty CP Xây lắp An Nhơn làm chủ đầu tư và quản lý, vận hành Nhà máy CNTT Nhơn Phúc - Nhơn Khánh công suất 2.700 m3/ngày đêm, tổng vốn đầu tư 49 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách địa phương bố trí 60% chi phí thiết bị, phần còn lại DN chi. Công ty CP Cấp thoát nước Bình Định cũng làm chủ đầu tư xây dựng và quản lý nhà máy CNTT Nhơn Hòa, tổng kinh phí trên 64,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương bố trí phần chi phí xây dựng và chi phí thiết bị khoảng 24,6 tỷ đồng, DN đầu tư hơn 40 tỷ đồng. Ngoài ra, đối với nhà máy CNTT Nhơn Hậu, phục vụ người dân xã Nhơn Hậu và Nhơn Mỹ, trước đây UBND tỉnh đã bố trí vốn và giao Ban Quản lý dự án nông nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư xây dựng, nhưng năm 2021 tỉnh đã đồng ý cho TX An Nhơn làm chủ đầu tư, tổng kinh phí 20,4 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh 50%, còn lại ngân sách thị xã. Hiện Phòng Kinh tế thị xã và các đơn vị có liên quan đang phối hợp với các DN hoàn tất thủ tục để xây dựng các công trình CNTT trong năm nay.

Nguồn: Báo Bình Định

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)