Thành công bước đầu
Xây dựng NTM là chương trình lớn, có nhiều khó khăn và phức tạp, đòi hỏi phải có lộ trình và bước đi cụ thể mới có thể thành công. Nhận thức được điều đó, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, theo đó, phấn đấu đến năm 2015 có 20% số xã (khoảng 25 xã) đạt tiêu chí NTM, năm 2020 có 50% số xã đạt NTM.
Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi phải tập trung làm tốt công tác quy hoạch xây dựng NTM đi trước một bước, làm cơ sở cho việc phê duyệt các chương trình dự án đầu tư; Bao gồm, quy hoạch sử dụng đất và phát triển hạ tầng thiết yếu cho sản xuất, hạ tầng kinh tế - xã hội, môi trường, quy hoạch phát triển các khu dân cư và chỉnh trang khu dân cư theo tiêu chí NTM. Đầu tư xây dựng hạ tầng nông nghiệp, nông thôn là khâu đột phá, thực hiện lâu dài có bước đi phù hợp cho từng thời kỳ. Tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn và giải quyết việc làm cho họ. Hiện tại lao động trong lĩnh vực nông - lâm - thuỷ sản chiếm 49,5% lao động cả tỉnh, nhưng tỷ lệ lao động được đào tạo mới chiếm 28%. Tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hoá, nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người nông dân. Đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư cho xây dựng NTM.
Đến nay các xã đã hoàn thành công tác điều tra khảo sát thực trạng nông nghiệp, nông thôn ở địa phương mình. Theo báo cáo của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Ninh Bình, trong số 120 xã xây dựng NTM đã có 119/120 xã thương thảo ký hợp đồng kinh tế lập quy hoạch xây dựng NTM xã; 45/120 xã đã có dự thảo đề án xây dựng NTM xã.
Khó khăn thách thức
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, có phạm vi thực hiện rộng, liên quan đến đại đa số dân cư trên địa bàn (gần 80% dân cư sống ở vùng nông thôn). Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp chưa nhiều, chưa mạnh. Sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi còn phân tán, manh mún tự phát và phát triển còn chưa bền vững. Việc trang bị máy móc, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất gặp nhiều trở ngại và khó khăn. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, kế hoạch chất lượng còn thấp. Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn tuy đã có nhiều cố gắng, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất và sự phát triển. Đời sống về vật chất và tinh thần của nông dân vẫn còn nhiều khó khăn và chênh lệch nhiều so với thành thị…
Hạ tầng nông thôn (đường, trường, trạm, trại…) trong những năm qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các ngành, nên ít nhiều đã được đầu tư xây dựng, song so với yêu cầu vẫn chưa đáp ứng được. Phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người nông dân, giảm nghèo trong nông thôn cũng đã được chú trọng, nhưng vẫn chưa được như mong muốn… Đây chính là những khó khăn lớn nhất trong quá trình xây dựng NTM của các xã ở tỉnh Ninh Bình nói riêng và của cả nước nói chung.
Ngoài những khó khăn về cơ sở vật chất, cũng cần nhận thấy rằng một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân còn hiểu chưa đúng về xây dựng NTM, nên công tác thông tin, tuyên truyền phải được tăng cường với nhiều hình thức khác nhau, trong đó chú trọng đến việc thông tin, tuyên truyền về cơ cấu vốn đầu tư cho xây dựng NTM, để người dân biết, hiểu và tự giác, tự nguyện tham gia chương trình. Chính vì vậy, công tác triển khai chương trình còn gặp nhiều hạn chế.
Trong thời gian tới, Ninh Bình tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM mà mục tiêu chủ yếu là tập trung vào công tác quy hoạch từ cấp xã. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao tình hình thực hiện, trên cơ sở những điều kiện thuận lợi thì khai thác và phát huy tối đa để nhanh chóng hoàn thiện chương trình theo kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình cũng cần khắc phục triệt để những khó khăn và hạn chế mang tính đặc thù của tỉnh để tạo điều kiện cho chương trình xây dựng NTM thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế- xã hội nông thôn.
Theo Báo Xây dựng điện tử