Lấy ý kiến các nhà đầu tư về cải tạo chung cư cũ

Thứ ba, 08/11/2005 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất Hà Nội đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến các nhà đầu tư, các công ty xây dựng về triển khai Nghị quyết của HĐND TP về cải tạo, nâng cấp các khu chung cư cũ trên địa bàn. Tại cuộc họp, các nhà đầu tư bày tỏ quan điểm hoàn toàn nhất trí với chủ trương của thành phố song cũng nêu rõ rất nhiều vẫn đề còn vướng mắc khi thực hiện các dự án như: vấn đề quy hoạch, cơ chế đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, vốn đầu tư...
Ông Nguyễn Chí Sỹ, giám đốc công ty Ðầu tư xây dựng nhà số 2 Tổng Cty Ðầu tư, phát triển nhà Hà Nội, chủ đầu tư dự án cải tạo khu tập thể Văn Chương cho biết, hiện dự án này đang vướng do phải tuân thủ các quy hoạch đã được duyệt trước đó hệ số sử dụng đất là 3,5; hệ số tầng cao: 3,5. Ðến nay, sau gần 3 năm triển khai, quy hoạch 1/500 của dự án vẫn chưa được phê duyệt mà chưa có quy hoạch thì không tiến hành các thủ tục đầu tư cũng như lên phương án đền bù, GPMB, tái định cư được.Cũng về quy hoạch, bà Tô Thị Hạnh, giám đốc công ty Ðầu tư Xây dựng phát triển nhà số 7 Tổng Cty Ðầu tư, phát triển nhà Hà Nội, đơn vị chủ đầu tư dự án cải tạo khu tập thể Nguyễn Công Trứ cũng cho rằng, nếu không cho phép điều chỉnh hệ số sử dụng đất và hệ số tầng cao lên khoảng 17 tầng thì dự án sẽ rất khó khả thi. Theo bà Hạnh, thành phố nên thành lập Ban chỉ đạo hoặc ít nhất là tổ công tác liên ngành để đóng vài trò "cầm cân nảy mực" trong việc cải tạo các khu chung cư cũ, bởi nếu cứ để doanh nghiệp tự mò mẫm thì sẽ rất khó thực hiện, vì tích chất phức tạp của các dự án loại này. Về tiến độ dự án Nguyễn Công Trứ, sau gần 2 năm triển khai, nhưng chưa có hiệu quả. Nhưng nhiều người lại cho rằng, doanh nghiệp cứ "chồng" lên 24- 25 tầng thì lãi to, mà không thấy được cái khó của doanh nghiệp.Các chủ đầu tư kiến nghị, quy hoạch cải tạo chung cư cũ phải có tính đặc thù. Về đền bù, GPMB, nếu cứ áp dụng theo quy định tại Quyết định 26/QÐ-UB thì rất khó thực hiện. Vì thế phải có cơ chế riêng. Về tái định cư, nên thực hiện theo 2 phương án. Một là, thi công cuốn chiếu và tạm cư tại chỗ nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian không dưới 10 năm đối với các dự án lớn. Hai là, tạm cư ở khu vực khác và thi công toàn diện. Phương án này sẽ tốn ít thời gian nhưng hiện chưa được các hộ dân đồng tình. Về vốn đầu tư, các doanh nghiệp cũng kiến nghị, thành phố cần đưa ra một cơ chế thích hợp để tạo điều kiện về vốn cho các doanh nghiệp vì các dự án cải tạo chung cư cũ có chi phí rất lớn trong khi khả năng thu hồi vốn lại rất chậm.Ông Nguyễn Ðăng Bình, phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường cho rằng, xây dựng cơ chế, chính sách chung cho tất cả các dự án cải tạo chung cư cũ là vấn đề then chốt để thực hiện Nghị quyết của HÐND TP, nhất là trong khi nguồn ngân sách còn hạn hẹp thì một cơ chế thích hợp để khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp là rất quan trọng. Tuy nhiên, đây là vấn đề nhạy cảm, hơn nữa thành phố chưa từng xây dựng một cơ chế tương tự, nên cần nghiên cứu kỹ, thận trọng để đưa ra giải pháp hợp lý, khả thi. Ông Bình cho biết, trong thời gian ngắn nhất, sở sẽ tổng hợp ý kiến các ngành liên quan và các nhà đầu tư để trình thành phố cơ chế thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của HÐND TP.

Nguồn tin: Hanoinet, ngày 06/11/2005
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)