Điều chỉnh quy hoạch TP. HCM đến năm 2025: Sẽ mang tầm vóc một đô thị quốc tế lớn

Thứ năm, 27/07/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Liên tiếp trong 2 kỳ họp đầu tháng 7 này của BCH Đảng bộ và HĐND TP. HCM, các đại biểu đều được nghe và thảo luận sôi nổi về đề án: Điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2025 mà thường trực UBND TP trình bày. Trăn trở, băn khoăn có; sự lo âu về tính khả thi của đề án cũng xuất hiện… nhưng tựu trung lại, các đại biểu đều tin tưởng và kỳ vọng với những thay đổi mang tính đột phá, TP sẽ trở thành một đô thị hiện đại bậc nhất khu vực, trong tương lai.
Mở rộng trung tâm TP

Theo đề án, khu vực Trung tâm của TP sẽ được điều chỉnh theo hướng, mở rộng từ Q.1 và một phần Q.3 như hiện nay ra phần diện tích lớn hơn bao gồm các Q.1, 3, 4, 5, Bình Thạnh và khu đô thị mới KĐTM Thủ Thiêm. Cùng với sự mở rộng đó, hệ thống các trung tâm hành chính, lịch sử, ngân hàng, văn hoá thương mại, tài chính sẽ không chỉ nằm ở Q.1 và Q.3 như quy hoạch đến 2010 được phê duyệt từ năm 1998. Việc mở rộng, sẽ thu hút các nhà đầu tư xây dựng các khu trung tâm tương tự tại Q.4, 5, Bình Thạnh và KĐTM Thủ Thiêm.
Theo KTS Hoàng Minh Trí - Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng TP. HCM thì: Đây là xu hướng phát triển tất yếu của TP. HCM nói riêng và các TP lớn nói chung. Muốn phát triển đô thị lên một tầm vóc lớn, chúng ta không thể bó hẹp các hoạt động quan trọng trong một không gian khu trung tâm chật hẹp như hiện nay. Còn Phó chủ tịch UBND TP, ông Nguyễn Văn Đua thì cho rằng, đợt điều chỉnh này, TP đã tiếp thu ý kiến đóng góp của lãnh đạo Bộ Xây dựng và quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển quy hoạch của TP trong tương lai. Vấn đề quy hoạch của một TP lớn như TP. HCM đòi hỏi các nhà làm quy hoạch của chúng ta không được phạm sai lầm. Với những khu trung tâm phát triển mới, hạ tầng cơ sở phải đi trước một bước - ông Đua khẳng định.

Sẽ là đô thị đặc biệt - đa trung tâm

Quy hoạch chung đến năm 2025 cũng đã đưa ra chỉ tiêu: Đến năm 2020, dân số TP vào khoảng 10 triệu người và giữ ổn định đến 2025. Trong đó, sẽ khống chế dân số các quận nội thành là 7,4 triệu người so với năm 1998 là 6 triệu người, các huyện là 2,6 triệu người. Nếu phát triển với quy mô này, TP. HCM sẽ là TP đặc biệt lớn theo tiêu chuẩn thế giới - TS Nguyễn Văn Quang - Viện phó Viện Kinh tế TP. HCM phân tích. Theo ông Quang, điều đáng lo ngại là liệu đến năm 2025, dân số TP có ổn định ở mức 10 triệu dân hay tăng lên nữa. Nếu dân số cứ tiếp tục tăng thì các tiêu chuẩn hạ tầng xã hội có đảm bảo hay không? Về vấn đề này, Hội đồng Kiến trúc quy hoạch cho rằng, đó là những điều đáng lưu ý nhưng không đáng lo ngại. Theo quyết tâm của lãnh đạo TP nói riêng và Nhà nước, Chính phủ nói chung, thì đến năm 2020, TP. HCM sẽ trở thành TP công nghiệp. Mà khi đã phát triển đến mức hiện đại thì theo quy luật của thế giới, dân số sẽ đi xuống. Người dân nghèo không thể sống ở các TP lớn. Vì cuộc sống, họ tự khắc phải chuyển về các đô thị vệ tinh như Long An, Bình Dương, Tây Ninh… Ở đó, điều kiện sống và giá cả chắc chắn sẽ hợp với thu nhập của người nghèo hơn là ở TP. HCM.
Một vấn đề đã được bàn từ lâu và được khẳng định trong lần điều chỉnh này, đó là TP. HCM sẽ phát triển theo hướng đa trung tâm. Phó chủ tịch Nguyễn Văn Đua cho rằng, mục tiêu của việc điều chỉnh sẽ là xây dựng TP trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học, công nghệ của khu vực Đông Nam Á. Muốn vậy, bắt buộc TP phải mở rộng các khu trung tâm. Quy hoạch chung sẽ chỉ ra và khẳng định quan điểm TP. HCM sẽ phát triển theo hướng đa trung tâm là điều tất yếu - ông Đua khẳng định. Theo đó, đến năm 2025, ngoài khu trung tâm mới đã được mở rộng, TP. HCM vẫn xác định phát triển theo hướng đa tâm. Bên cạnh các hướng phát triển đã định hình trước đó là hướng Đông Bắc, hướng chính. Hướng phía Nam tiến ra biển Đông, hướng phụ về phía Bắc, Tây Bắc… quy hoạch lần này còn bổ sung hướng phát triển phụ về phía Tây và Tây Nam. Các khu đô thị khoa học - công nghệ được bổ sung thêm ở cửa ngõ phía Đông Bắc thuộc Q.9, Thủ Đức. Ở phía Nam thuộc huyện Nhà Bè là khu đô thị Hiệp Phước. Trung tâm thương mại, ngân hàng, tài chính tại khu A Nam Sài Gòn, Q.7, dọc xa lộ Hà Nội, Q.9, tại khu vực Tây Bắc, huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn và tại khu vực Tân Kiên huyện Bình Chánh.

Hoàn thiện tiêu chuẩn thiết kế đô thị gắn với sự phát triển của vùng TP. HCM

Trong lần điều chỉnh này, các tiêu chuẩn thiết kế đô thị cũng được xây dựng phù hợp từng khu vực, nhất là khu trung tâm hiện hữu và nghiên cứu sâu về không gian đô thị , tầng cao công trình, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất… Quy hoạch giao thông kết hợp đồng bộ, hợp lý giữa giao thông động và tĩnh, hoàn chỉnh hệ thống bến bãi đậu xe nối và ngầm. Phát triển hệ thống vận tải công cộng, đặc biệt là hệ thống đường sắt nội ô như xe điện ngầm, trên mặt đất, trên cao. Hoàn chỉnh hệ thống đường vành đai, đường trục đối ngoại và đường nội ô… Đến năm 2020, hạ tầng cơ sở TP. HCM, sẽ đảm bảo cho khoảng trên 10 triệu dân sinh sống. Điều này đồng nghĩa với việc TP phải chi hàng chục tỷ USD cho hạ tầng cơ sở. Đợt điều chỉnh lần này cũng khẳng định, sẽ di dời các cảng Sài Gòn, Khánh Hội, Xí nghiệp liên hiệp Ba Son và quy hoạch thành hệ thống cảng biển mới tại khu vực Cát Lái, Q.2 và khu vực cảng biển kết hợp khu dân cư Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gắn với hệ thống cụm cảng số 5 của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ngoài ra, đề án cũng tăng diện tích đất các trường đại học, cao đẳng dạy nghề và nghiên cứu khoa học khoảng 1.000ha, nằm ở phía Đông Q.9, phía Nam Q.7, huyện Bình Chánh và huyện Củ Chi. Bố trí các trung tâm nghiên cứu y tế kỹ thuật cao gắn với chuẩn đoán, điều trị theo mô hình viện trường tại huyện Bình Chánh và Củ Chi, mỗi khu khoảng 100ha. Đất dành cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao khoảng 9.000ha, kho bãi khoảng 4.000ha, công trình hạ tầng kỹ thuật khoảng 2.000ha, so với trước đó là 6.000ha, các khu này sẽ tập trung vào các ngành công nghiệp chủ lực, công nghệ cao…
Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, Chủ tịch HĐND TP - bà Phạm Phương Thảo khẳng định: Trong lần điều chỉnh này, TP cũng sẽ xác định vị thế của mình trong mối quan hệ vùng đô thị với các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa, Vũng Tàu, Tây Ninh… nhằm liên kết xây dựng, sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tài nguyên thiên nhiên, phân bố dân cư, phát triển nguồn nhân lực, bố trí khu công nghiệp cũng như công tác bảo vệ môi trường. Còn theo Phó chủ tịch Nguyễn Văn Đua thì, hiện nay đề án quy hoạch chung TP đến 2025, vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. UBND TP đã giao cho Viện Quy hoạch Xây dựng TP phối hợp với Cty Nikken Sekkei Nhật Bản cùng nghiên cứu thực hiện. Viện Nghiên cứu Quy hoạch Lyon Pháp sẽ là cơ quan phản biện đề án.

Nguồn tin: Báo Xây dựng, số 57, ngày 18/7/2006
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)