Thành phố Đà Lạt và 4 huyện của tỉnh Lâm Đồng sẽ được sắp xếp thành 1 thành phố và 1 huyện; sáp nhập 5 xã vào thành phố Bảo Lộc để mở rộng không gian đô thị thành phố này.
Sáp nhập 4 xã vào thành phố Bảo Lộc
Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng giao nhiệm vụ cho các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh bắt đầu triển khai thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023- 2025.
Theo đó, thành phố Đà Lạt và 4 huyện sẽ được sắp xếp thành 1 thành phố và 1 huyện; sáp nhập 5 xã vào thành phố Bảo Lộc để mở rộng không gian đô thị thành phố này.
Theo văn bản số 1725/UBND-NC1 ngày 6/3/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Nội vụ làm chủ đầu tư, triển khai thực hiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025.
Trong đó, nội dung Đề án nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của ba huyện phía Nam là Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên thành một huyện; nhập huyện Lạc Dương vào thành phố Đà Lạt để mở rộng không gian đô thị thành phố Đà Lạt; điều chỉnh diện tích tự nhiên, quy mô dân số 5 xã là Lộc An, Lộc Thành, Lộc Nam, Tân Lạc và Lộc Tân của huyện Bảo Lâm nhập vào thành phố Bảo Lộc để mở rộng không gian đô thị của thành phố này.
Thành phố Đà Lạt được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với UBND huyện Lạc Dương xây dựng hồ sơ Đề án phân loại đô thị đối với đô thị hành chính hình thành sau sắp xếp. UBND huyện Lạc Dương được giao nhiệm vụ xây dựng hồ sơ công nhân đạt tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với phường Lang Biang, dự kiến nâng cấp thị trấn Lạc Dương thành phường Lang Biang để mở rộng không gian đô thị thành phố Đà Lạt.
UBND thành phố Bảo Lộc chủ trì, phối hợp với UBND huyện Bảo Lâm xây dựng hồ sơ công nhận đạt tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với phường Lộc Nga gồm hai xã Tân Lạc và Lộc Nga; nâng cấp xã Lộc Châu thành phường Lộc Châu.
UBND huyện Đơn Dương làm chủ đầu tư xây dựng Đề án sắp xếp xã Quảng Lập vào xã Pró. UBND huyện Đạ Huoai làm chủ đầu tư xây dựng Đề án sáp nhập các xã Đoàn Kết và xã Đạ Ploa, xã Hà Lâm và xã Phước Lộc, xã Đạ Tồn và xã Đạ Oai. UBND huyện Đạ Tẻh làm chủ đầu tư xây dựng Đề án sắp xếp xã Triệu Hải vào xã Quảng Trị.
Thành phố Đà Lạt mới mở rộng gấp 4 lần hiện hữu
Theo Kế hoạch số 8358/KH-UBND của UBND tỉnh ban hành ngày 25/9/2023, trong lộ trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Lạc Dương là đơn vị hành chính nông thôn sẽ được nhập vào thành phố Đà Lạt là đơn vị hành chính đô thị để mở rộng không gian đô thị thành phố Đà Lạt.
Thành phố Đà Lạt hiện nay có diện tích gần 400 km2 với 12 phường và 4 xã. Huyện Lạc Dương có 6 xã, thị trấn với diện tích lớn gấp hơn 3 lần Đà Lạt hiện hữu, nhưng phần lớn diện tích là rừng, tỉ lệ đô thị hóa thấp.
Cả Đà Lạt và Lạc Dương đều cùng nằm trên cao nguyên Lâm Viên. Như vậy, sau khi sáp nhập huyện Lạc Dương vào thành phố Đà Lạt, sẽ hình thành một thành phố Đà Lạt mới, với địa giới hành chính mở rộng gấp 4 lần hiện hữu. Thành phố mới có địa giới hành chính tiếp giáp với hai tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk….
Trong giai đoạn 2023 - 2025, huyện Đạ Huoai và huyện Cát Tiên thuộc diện phải sắp xếp do có đồng thời cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định. Giai đoạn 2026 - 2030, huyện Đạ Tẻh thuộc diện phải sắp xếp do có đồng thời cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% theo quy định.
Tuy nhiên, huyện Đạ Tẻ nằm giữa hai huyện Đạ Huoai, Cát Tiên, nên phải thực hiện sắp xếp cả ba huyện trong cùng một thời điểm.
Như vậy, sau khi sắp xếp, đơn vị hành chính cấp huyện mới thành lập trên cơ sở sáp nhập ba huyện trên sẽ có diện tích tự nhiên là 1.448,48 km2 so với tiêu chuẩn 850 km2 theo quy định, đạt 170,4%; quy mô dân số là 146.064 người so với tiêu chuẩn mỗi huyện 80.000 người theo quy định, đạt 182,58%.
Theo lộ trình đề ra, năm 2024, tỉnh Lâm Đồng sẽ hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nêu trên; tiến hành sắp xếp, kiện toàn bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp trong giai đoạn này; tập trung giải quyết chế độ chính sách dôi dư tại các cơ quan, đơn vị; sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công của các cơ quan, đơn vị; thu hồi con dấu cũ, khắc con dấu mới của các cơ quan, đơn vị đã thay đổi địa giới, tên gọi. Trong năm 2025, tỉnh Lâm Đồng sẽ tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, trong đó có các đơn vị hành chính mới hình thành sau khi sắp xếp…/.