Nhiều lĩnh vực chủ động thích ứng với trạng thái ‘bình thường mới’

Thứ hai, 25/05/2020 14:32
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Nhằm chủ động thích ứng với trạng thái “bình thường mới”, thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, UBND TP. Hà Nội, nhiều lĩnh vực chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 như giao thông, xây dựng đã bắt đầu quay trở lại hoạt động và từng bước phục hồi, để đạt mục tiêu “kép” vừa không để dịch bệnh lây lan, vừa góp phần bảo đảm kinh tế-xã hội.

Ngành xây dựng vươn tầm cao mới sau mùa dịch Covid-19

Vừa chống dịch, vừa vận chuyển hành khách, lưu thông hàng hóa

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong thời gian thực hiện cách ly xã hội, Thành phố đã tạm dừng hoạt động vận tải hành khách, taxi, xe buýt, xe ôm, xe hợp đồng... Từ ngày 23/4 các phương tiện giao thông công cộng được hoạt động trở lại nhưng chỉ 20-30% công suất. Mặt khác, do hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi dịch nên lượng hàng hóa cần lưu chuyển ít đi, dẫn đến việc vận chuyển và giao nhận hàng hóa trong chuỗi cung ứng giảm, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải logistic.

Vận tải hành khách và hàng hóa cũng bị sụt giảm. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, số lượt hành khách vận chuyển đạt 110 triệu hành khách, giảm 20.5% so với cùng kỳ năm trước; khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 242 triệu tấn, giảm 9,6% so với cùng kỳ.

Là một doanh nghiệp taxi, chủ yếu hoạt động trên địa bàn Hà Nội, Công ty Cổ phần Quản lý G7 Taxi đã chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh Covid-19, đặc biệt sau Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội được triển khai, lượng hành khách và lượng xe chạy sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi đó nguồn thu không có, các chi phí cố định, lãi vay doanh nghiệp vẫn phải trả như bình thường. Điều này ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, người lao động.

Ông Dương Trí Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý G7 Taxi cho biết, dù lượng khách sụt giảm khiến doanh thu không bảo đảm, ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động song công ty luôn cố gắng hết mức để cùng người lao động vượt qua khó khăn như tổ chức cấp phát khẩu trang, dung dịch sát khuẩn cho cán bộ nhân viên. Trực tiếp hướng dẫn người lao động các biện pháp đảm bảo sức khỏe an toàn trước dịch bệnh…

Nhằm chủ động thích ứng với trạng thái “bình thường mới”, thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP. Hà Nội, ngành GTVT Hà Nội đã phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp để đạt mục tiêu “kép” vừa không để dịch bệnh lây lan, vừa vận chuyển hành khách, lưu thông hàng hóa..., góp phần phát triển kinh tế - xã hội.  Ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, Sở đã ban hành văn bản về việc triển khai hướng dẫn thực hiện các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 trên các phương tiện vận tải hành khách trong tình hình mới.

Theo đó, các đơn vị kinh doanh vận tải được thực hiện dỡ bỏ toàn bộ quy định về giãn cách hành khách trên các phương tiện vận tải hành khách (xe buýt, taxi, xe chở khách, tàu hỏa, tàu bay, tàu thủy) từ ngày 7/5/2020. Tuy nhiên vẫn tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm phòng chống dịch Covid-19 như đeo khẩu trang đúng cách tại các khu vực công cộng và trên phương tiện vận tải hành khách trong suốt hành trình.

Đồng thời, thực hiện khai báo y tế, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn; kiểm tra thân nhiệt; hạn chế giao tiếp, ăn uống trên các phương tiện vận tải hành khách; khử khuẩn bề mặt các phương tiện vận tải hành khách trước và ngay sau khi kết thúc chuyến đi.

Nhằm nỗ lực phục hồi hoạt động, hiện ngành giao thông vận tải Hà Nội không chỉ nới lỏng các quy định giãn cách trong vận tải hành khách công cộng mà còn khuyến khích tăng cường vận tải, lưu thông hàng hóa, vận chuyển hành khách trên địa bàn thành phố, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội...

Xây dựng - vươn tầm cao mới sau mùa dịch Covid-19

Quán triệt chỉ đạo của Trung ương “Chống dịch như chống giặc”, xác định vị thế, tầm quan trọng của Thủ đô Hà Nội, hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 đối với kinh tế - xã hội Thủ đô, Hà Nội đang tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp nhằm tái thiết kinh tế, trong đó phấn đấu đưa ngành xây dựng vươn tầm cao mới sau mùa dịch.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thực hiện theo sự chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, trong thời gian gần đây, ngành Xây dựng đã tập trung các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, tăng cường kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội. Do đó, các công trình phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại theo thứ tự ưu tiên và tính cấp thiết, tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư trong xã hội, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ đô thị và cải thiện môi trường sống của người dân.

Tuy nhiên, từ đầu năm cho đến nay, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp gây tổn thất lớn đến nền kinh tế cũng như hầu hết các ngành, lĩnh vực như xây dựng, thị trường bất động sản và khiến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản gặp nhiều khó khăn, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi mọi giao dịch ở tất cả các phân khúc thị trường gần như “đóng băng”. Tuy nhiên, thị trường này vẫn chưa đến mức quá nghiêm trọng, toàn diện, mà chỉ mới bị ảnh hưởng, tác động tới một số phân khúc và yếu tố của thị trường.

Chia sẻ về khó khăn của doanh nghiệp trong mùa dịch, ông Hồ Hoàng Hải, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phú Thành, một trong những nhà thầu lớn trong ngành xây dựng cho biết, diễn biến phức tạp của dịch bệnh khiến doanh nghiệp của ông có khả năng thua lỗ lớn trong năm nay. Giao dịch thị trường bất động sản ngưng đọng, khiến các chủ đầu tư dự án khó lòng bảo đảm khả năng tài chính để chi trả cho các nhà thầu. Tuy nhiên, mọi hạng mục của dự án vẫn phải được triển khai thi công để theo kịp tiến độ. Bởi theo ông Hải, nếu chậm hợp đồng dù chỉ 1 ngày cũng khiến nhà thầu bị phạt. Đây là thời điểm rất căng thẳng, không cho phép phát sinh bất kỳ tổn thất hay sai phạm nào về kinh tế.

Để phục hồi ngành xây dựng trong mùa dịch COVID-19, Sở Xây dựng Hà Nội đang rà soát công tác bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước cho người đang thuê, tạo điều kiện tối đa giải quyết hồ sơ mua nhà của các hộ gia đình, đẩy nhanh tiến độ thực hiện; rà soát các trường hợp khó khăn, vướng mắc để giải quyết dứt điểm.

Đồng thời, rà soát các trường hợp đã được UBND TP. Hà Nội chấp thuận, phê duyệt chủ trương bán cơ sở nhà đất chuyên dùng thuộc sở hữu Nhà nước nhưng còn vướng mắc; tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các dự án xây dựng nhà ở công nhân, nhà ở xã hội; tham mưu đề xuất đầu tư một số dự án nhà ở công nhân tại một số khu, cụm công nghiệp với giá bán, cho thuê ưu đãi, diện tích phù hợp.

Đối với công tác hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đại diện Sở Xây dựng cho biết, hiện Sở đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế TP. Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa và Thể thao, Công Thương thực hiện ngay việc miễn, giảm (theo quy định của pháp luật) tiền thuê đất, tiền thuê nhà chuyên dùng thuộc sở hữu Nhà nước đối với các cơ sở giáo dục, đào tạo, các trường mầm non, các cơ sở văn hóa, thể thao, y tế ngoài công lập, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải ngừng hoạt động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong năm 2020.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)